Pages

2014/07/06

Chiến Tranh Lạnh Nga-Mỹ Lù Lù Trước Mắt

Chiến Tranh Lạnh Nga-Mỹ Lù Lù Trước Mắt

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014, Nga sát nhập Crimea và 40,000 linh Nga tập trận sát biên giới phía đông Ukraine. Mỹ và NATO đã phản ứng quyết liệt bằng biện pháp cấm vận làm Nga kiệt quệ mà vẫn không nao núng khiến các nhà bình luận Mỹ lẫn Âu Châu tiên đóan về sự tái xuất hiện của cuộc Chiến Tranh Lạnh tức cuộc đối đầu Nga-Mỹ thời Liên Bang Xô-viết khiến thế giới chia đôi với nguy cơ chiến tranh nguyện tử. Đã có lúc các chiến lược gia Hoa Kỳ hối thúc Ô. Obama lại phải "Xoay Trục" tức dồn hết lực lượng từ Á Châu về Âu Châu để đối phó với Liên Bang Nga.  
 

Thực ra thì sự căng thẳng Nga-Mỹ có từ thời Ô. Bush Con với việc thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn. Vào ngày 23/11/2011 VOA tiếng Việt loan tin, "Hoa Kỳ nhắc lại rằng hệ thống phòng thủ phi đạn hoạch định cho châu Âu, nhắm vào Iran, sẽ không đe dọa đến khả năng phòng thủ phi đạn chiến lược của Nga. Tổng thống Nga Medvedev hôm qua cảnh báo rằng Moscow sẽ có các biện pháp phản hồi chống lại hệ thống của Hoa Kỳ đang được khai triển với NATO."    

Rồi khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của LHQ do Mỹ đề xướng nhằm thiết lập Vùng Cấm Bay để lật đổ Ô. Asad, một đồng minh của Nga. Cảng Tartus của Syria là nơi Nga có căn cứ hải quân duy nhất tại vùng Địa Trung Hải. Nếu mất Syria thì Nga hòan tòan bị cô lập về hải quân. Hoa Kỳ đã hội họp với "chính phủ lưu vong" Syria nhiều lần và dự trù viện trợ cho phiến quân Syira 500 triệu về huấn luyện và trang bị vũ khí với quyết tâm lật đổ chính quyền của Ô. Asad cho dù ông này đã tuân thủ lệnh của Mỹ phá hủy tòan bộ kho vũ khí hóa học.  

Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là giọt nước làm tràn đầy ly nước và lời tiên đoán về cuộc đối đầu Nga-Mỹ được mệnh danh là Chiến Tranh Lạnh nay đă thành hiện thực. Vào ngày 21/5/2014 Nga- Trung Quốc đã ký ký thỏa hiệp khí đốt lịch sử 400 tỷ tại Thượng Hải để khởi đầu liên minh. Tờ Thanh Niên Online ngày 2/7/2014 đưa tin, "Tổng Thống Nga Putin ngày 1/7/2014 cho rằng liên minh giữa Nga và Trung Quốc có thể trở thành đối trọng với Mỹ nhằm thống lĩnh thế giới. Ông Putin cũng lên án Mỹ đã tái khởi động chính sách thời Chiến Tranh Lạnh nhằm kiềm chế Nga". Ông Putin nói, "Hôm nay chúng ta có thể nói rằng sự liên kết vững chắc giữa Nga-Trung Quốc đã được hình thành trên trường quốc tế, hoạt động dựa trên nền tảng các quan điểm chung về vấn đề toàn cầu và các vấn đề khu vực". (Tờ Moscow Times dẫn lời ông Putin phát biểu vào ngày 1/72014)   

Sau khi Liên Bang Xô-viết xụp đổ, Nga suy yếu. Việc Mỹ dồn ép và coi thường quyền lợi sinh tử của Nga song song với việc NATO tìm cách lấn dần tới biên giới của Nga và nhất là những biện pháp cấm vận của Mỹ đã khiến Nga tìm đường thóat hiểm bằng cách liên minh với Hoa Lục. Như thế thời kỳ Chiến Tranh Lạnh chấm dứt năm 1991 nay bùng phát do chính sách ngọai giao của Mỹ có từ thời Ô. Bush Con và Bà Hillary Clinton lãnh đạo dưới thời Ô. Obama.    

Đứng về mặt lý luận thực tiễn chính trị mà nói nếu Mỹ dồn ép hoặc kiềm chế Hoa Lục thì Nga sẽ giữ vị thế trung lập để hưởng lợi - dù Hoa Lục có muốn liên minh với Nga chưa chắc Nga đã đồng ý. Nhưng nếu Mỹ dồn ép Nga thì Nga sẽ tìm đường sống bằng cách liên minh với Hoa Lục và lúc đó Hoa Lục "mừng hết lớn" vì Hoa Lục đang cần vũ khí tối tân từ Nga, và quan trọng hơn nữa Hoa Lục đang đối đầu với Mỹ và muốn bá chủ Biển Đông. Thay vì theo sách lược "Đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo" các chiến lược gia Hoa Kỳ theo sách lược "Đông choảng Tôn Quyền, Bắc uýnh luôn Tào Tháo" tức mở hai mặt trận, đối đầu với hai đại cường cùng lúc.    

Liên minh Nga-Trung Quốc sẽ là mối nguy cho Nhật Bản. Nếu vì "ô dù che chở" của Mỹ mà Nhật Bản tiếp tục duy trì cấm vận Nga do vụ Ukraine thì Nhật Bản sẽ phải đối đầu với hai láng giềng khổng lồ đang có tranh chấp lãnh thổ với mình. Nếu Nhật quá chiều lòng Mỹ thì an ninh của Nhật lâm nguy mà Nhật không sao đối phó nổi, ngọai trừ khôn khéo biết từ chối tức "How to say No" với những áp lực cấm vận Nga của Mỹ. Cũng trong ngày 2/7/2014, theo hãng thông tấn ITAR-TASS, trong cuộc họp với các vị đại sứ của Nga, Tổng Thống Putin đã đề cập đến chính sách ngoại giao trong khu vực Châu Á và tuyên bố sẽ phát triển quan hệ với Nhật Bản và Nhật Bản cũng rất quan tâm tới lời phát biểu này. Đây là lựa chọn khó khăn của Nhật Bản giữa áp lực của đồng minh Mỹ và sự an nguy của đất nước mình. Trên thực tế, Nhật Bản có thể quan hệ tốt với Nga nhưng khó lòng quan hệ tốt với Hoa Lục.    

Tình hình thế giới ngày hôm nay vô cùng phức tạp, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hoa Lục, thật nguy cho nước Mỹ và thế giới nếu tổng thống Mỹ không có tầm nhìn chiến lược. Ô. Obama không phải là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược toàn cầu. Còn Bà Hillary Clinton thì bị chính các nhà bình luận Mỹ phê bình là hành động ngọai giao bằng cảm tính thương- ghét hơn là lợi ích chiến lược và lời phát biểu thường gây tranh cãi. Nhà ngọai giao tài giỏi phải biết gạt bỏ tình cảm thương-ghét và ý nghĩ thầm kín riêng tư của mình và đặt quyền lợi tối thượng của đất nước lên trên hết. Cái tối kỵ của nhà ngọai giao là nói năng "bộc trực" theo kiểu Trương Phi và xúc phạm cá nhân, chạm tự ái các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Bởi vì khi xúc phạm tới vị lãnh đạo của một quốc gia nào đó nó có thể biến thành tự ái quốc gia và gây đổ vỡ ngọai giao, thâm thù giữa hai nước. Quan sát những họat động ngọai giao quốc tế chúng ta thấy Ô. John Kerry chưa phải là nhà ngọai giao tài giỏi nhưng ít ra ông không  phạm phải những lỗi lầm như Bà Hillary Clinton. Còn Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov - trong khi nước Nga đang phải hứng chịu những đe dọa cùng  áp lực dồn dập từ Mỹ và NATO nhưng ông nói năng rất chừng mực, trình bày rõ vấn đề nhưng chưa bao giờ có những phát biểu quá khích như các tổng thống của Ukraine, thủ tướng Cameron của Anh và không hề xúc phạm hay chạm tự ái các nhà lãnh đạo Mỹ và Âu Châu. Theo tôi, Ô. Sergei Lavrov là nhà ngọai giao tài giỏi đang cùng ô. Putin lèo lái nước Nga trong cơn thử thách lớn lao và có thể xoay chuyển vận mệnh thế giới. Xin nhớ cho trên hành tình này người ta ngán sợ sức mạnh của Mỹ nhưng không phải nước nào cũng thích Mỹ. Việc Nga liên minh với Hoa Lục để đối đầu với Mỹ sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới:

1) Ở Âu Châu, bắng lợi thế cung cấp khí đốt và nhập cảng vũ khí cùng ngọai thương, Nga theo thế "Liên Hòanh" của Trương Nghi làm sói mòn hoặc giảm thiểu áp lực của thế "Hợp Tung" NATO của Âu Châu. Liên minh Nga-Trung Quốc sẽ làm Âu Châu lo sợ hơn cho nên Âu Châu phải chạy đua vũ trang tốn kém hoặc tìm cách đưa NATO vào sát biên giới Nga do đó các nước nhỏ có biên giới với Nga sẽ trở thành "bãi chiến trường" điển hình như Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ triền miên không dứt trừ phi Ukraine t "trung lập". Trong bối cảnh Âu Châu chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế mà phải chạy đua vũ trang hoặc đóng góp tài chính thêm hoặc tăng quân cho NATO chưa chắc đã được người dân Âu Châu ủng hộ. Hiện nay người dân Anh đang có khuynh hướng ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Tháng 9 tới đây nếu cuộc trưng cầu dân ý thành công thì Scotland sẽ tách ra khỏi Vương Quốc Anh và trở thành độc lập lúc đó nước Anh chì còn phân nửa và khó lòng giữ ngôi vị cường quốc.    

2) Ở Trung Đông, Nga sẽ liên kết với các nước như Iran, Iraq và kiên trì bảo vệ đến cùng TT. Asad của Syria để từ từ suy yếu vị thế bá chủ của Mỹ tại vùng dầu lửa. Hiện nay Iran đang xuất cảng xe hơi qua Nga và tiến hành đàm phán "đổi dầu lấy hàng" với Nga để tránh các biện pháp cấm vận của Tây Phương. Còn Iraq nhập cảng phi cơ chiến đấu từ Nga để đối phó với lực lượng ly khai Sunni.    


Ở Trung và Nam Mỹ, Nga sẽ tăng cường hợp tác với các nước đang chống Mỹ như Cuba, Nicaragua, Venezuela, Ecuador và Argentina. Hiện nay Nga đã liên kết với Brasil trong khối kinh tế BRICS bao gồm Brasil, Russia, India, China và South Africa có khuynh hướng thóat ra khỏi sự thống ngự của đồng dollar Mỹ.   

3) Đối với Bắc Hàn,vào ngày 27/3/2014  hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin một phái đoàn Nga do Ô. Alexander Galushka- Bộ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông dẫn đầu đã tới thăm Triều Tiên và có cuộc gặp với Thủ tướng Pak Pong-ju để bản về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ. Hiện nay Mỹ rất cần Nga trong cuộc khủng hoảng ở Bán Đảo Triều Tiên. Việc Nga tăng cường hợp tác với Bắc Hàn khiến Bắc Hàn tự tin hơn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, gây khó khăn rất lớn cho Nam Hàn và Nhật Bản là hai đồng minh chí cốt của Mỹ tại vùng này.   

4) Đối với Ấn Độ, nước có số dân khổng lồ đứng thứ hai thế giới vẫn tiếp tục là hợp tác chiến lược của Nga về các mặt chính trị, thương mại và vũ khí. Dù Ấn Độ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để cùng ngăn chặn Trung Quốc nhưng Ấn Độ tin cậy Nga hơn vì Nga chưa bao giờ là kẻ thù của Ấn Độ trong khi Mỹ đã cấm vận Ấn Ðộ 30 năm kể từ vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1974 và một loạt vụ khác năm 1998. Dĩ nhiên Ấn Độ luôn giữ vị thế trung lập tức không theo phe nào trong các vấn đề quốc tế. 

5) Còn Đông Nam Á luôn nằm trong sách lược Viễn Đông của Nga. Nga sẽ tăng cường hợp tác toàn diện với các nước Đông Nam Á mà Việt Nam là trọng điểm cho sách lược này. Tháng Ba, 2014 Voice of Russia loan tin, "Ông Igor Korotchenko- tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng của Nga cho biết, Không chỉ hạm đội Nga mà thôi. Hiện giờ đang tiến hành đàm phán song phương Nga-Việt về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng sân bay Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của hàng không Nga. Các cuộc đàm phán tương tự đang được Nga tiến hành với Việt Nam, cũng như với Cuba, Venezuela, Singapore và một số nước khác."
 
Nhận Định:

Bối cảnh của Chiến Tranh Lạnh ngày hôm nay không còn là cuộc đối đầu về "chủ nghĩa" như xưa mà chỉ là sự xung đột quyền lợi giữa các cường quốc Nga-Mỹ-Trung Quốc mà thôi. Kinh nghiệm đau thương từ thời Chiến Tranh Lạnh Mỹ-Xô-viết cho các nước nhỏ bài học xương máu là đứng vào phe nào cũng chết. Do đó sẽ không còn cái cảnh các nước nhỏ như Úc Châu, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Thái Lan gửi quân tham chiến rồi được trả lương theo lệnh của "anh hai". Ngày nay hầu hết các quốc gia đều độc lập tự  chủ, nước nào cũng muốn ổn định để phát triển. Gây thù chuốc oán làm chi cho mệt? Do đó nếu có nổ ra chiến tranh Nga-Mỹ thì Mỹ sẽ chiến đấu đơn độc hoặc cùng lắm với sự liên minh của NATO mà hăng máu nhất phải kể Anh,

Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới cũng sẽ tác động tới bầu không khí chính trị và gây bất ổn tòan cầu. Nếu liên minh Nga-Trung Quốc mạnh lên, chắc chắn thế giới Ả Rập hoặc các quốc gia Hồi Giáo có khuynh hướng chống Mỹ sẽ dựa vào liên minh này. Với viễn ảnh đó - thế giới đã nát lại càng thêm nát. Có thể lúc đó do bản năng sinh tồn, một phong trào phi liên kết sẽ tái sinh và nở rộ. Cũng có thể một số quốc gia không muốn dính vào chuyện "gió tanh mưa máu" sẽ đơn phương tuyên bố trung lập - tức gửi cho các "ông kẹ" một message "Em lạy các bác! Xin các bác để nhà em yên để em lo cho dân cho nước của nhà chúng em!" Việc Bà Park geun-Hye - Tổng Thống Nam Hàn, một đồng minh chí cốt của Mỹ tiếp đón Ô. Tập Cận Bình ngày 3/7/2014 cho thấy không một nước nhỏ nào muốn làm mất lòng các đại cường trừ phi nước họ bị đại cường đe dọa, xâm lấn.

Trong bầu không khí căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh Mới Nga-Mỹ - có thể Ô. Obama hoặc một tổng thống kế nhiệm của Mỹ sẽ nói một câu "xanh rờn" như Ô. Bush Con tuyên bố trong cuộc xâm lăng Iraq, "Nếu không theo Mỹ là chống Mỹ". Nhưng theo Mỹ thì gây thù chuốc oán với Nga, Trung Quốc. Còn theo Nga thì gây thù chuốc oán và lãnh đòn cấm vận chí mạng của Mỹ. Thôi thì "lửng lơ con cá vàng" hay "half and half" tức 50% theo ông Mỹ, 50% theo ông Nga, giống như Thái Lan 50% theo Mỹ, 50% theo Trung Quốc… cho chắc ăn. Nhưng chính sách "đu giây" này khó lắm đó. Thiếu bản lãnh thì mất mạng như chơi. Muốn trung lập thì toàn dân phải đòan kết và chính quyền phải mạnh để thống nhất ý chí. Nếu đất nước chia rẽ thì ngọai bang sẽ khóet sâu khủng hoảng và đưa tới biểu tình lật đổ, đảo chính để thiết lập một chính quyền thân Mỹ, thân Nga hoặc thân Tàu hoặc đất nước phải chia cắt.

Năm xưa Ban AVT có bài hát khôi hài dí dỏm, " như hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ" sau đổi thành "như Nga với Mỹ có thương nhau bao giờ" sao mà đúng thế? Thực ra không phải chỉ có Nga-Mỹ mới ghét nhau mà bất cứ một đại cường nào cũng chẳng bao giờ "thương" một đại cường khác. Nguyên do đại cường nào cũng muốn mình bá chủ. Mỹ đang là bá chủ thế giới và lúc nào cũng muốn duy trì ngôi vị ấy muôn đời. Nga thì muốn phục hồi uy thế và sức mạnh của thời Liên Bang Xô-viết. Còn Hoa Lục thì đang muốn vươn lên để giành ngôi bá chủ với Mỹ. Trong cuộc tranh giành ngôi vị "võ lâm chí tôn" đó, ông nào cũng muốn liên kết đồng minh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các nước nhỏ vào phe mình. Do đó trong cuộc "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" sắp tới đây, nước nhỏ nào không có bản lãnh hoặc thiếu suy tính sẽ tự chuốc lấy tai họa.    

Trong cái thế giới Ta Bà đầy Tham-Sân-Si và vọng động này, nhân lọai chỉ tạm yên khi nó là một thế giới đa cực - trong đó các đại cường kiềm chế lẫn nhau, không ai làm bá chủ cả, biết tôn trọng các quyền lợi sinh tử/lợi ích cốt lỗi của nhau, quyết tâm bảo vệ sự độc lập và tòan vẹn lãnh thổ của các nước nhỏ và đừng "ngồi xổm" lên luật pháp quốc tế. Thiếu một trong những yếu tố đó thì "thiên hạ đại lọan" và đó là chuyện muôn đời có từ thời Ông Bành Tổ đến giờ./-    

Đào Văn Bình
(California ngày 4/7/2014)

No comments:

Post a Comment