Pages

2014/10/07

Nhật Ký Biển Đông: Chiến Tranh Chống Khủng Bố, Chiến Tranh Lạnh và Chiến Tranh Bành Trướng

Nhật Ký Biển Đông: Chiến Tranh Chống Khủng Bố, Chiến Tranh Lạnh và Chiến Tranh  Bành Trướng
 
Nhật Ký Biển Đông tới đầu Tháng Mười ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
 
-VOA tiếng Việt ngày 17/9/2014:" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến viếng thăm đầu tiên tới Ấn Độ nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai cường quốc Á Châu. Trước khi tới Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã thông qua một bài bình luận trên tờ The Hindu để tán dương mối quan hệ Trung-Ấn là một trong những mối quan hệ năng động nhất và có nhiều hứa hẹn nhất của thế kỷ 21." BBC tiếng Việt nhận định về chuyến gặp gỡ này như sau, "Một tiếp cận sớm tới ông Modi được nhìn nhận là tối quan trọng trong việc đảm bảo Ấn Độ không nhanh chóng ngả về một liên minh chống Trung Quốc đang nổi lên tại vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ muốn tái cân bằng chiến lược trong khu vực."
 
-Tuổi Trẻ Online ngày 17/9/2014:" Hai trong bốn tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Ohio tối tân của Mỹ, đã có mặt ở Biển Đông, theo trang tin chuyên về quốc phòng Jane's Defence Review. Hai tàu của Mỹ, USS Michigan và USS North Carolina đậu ở căn cứ hải quân Changi của Singapore từ 10 tới 15-8 và tham gia vào các sứ mệnh bí mật tại biển Đông, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. "
 
-Voice of Russia ngày 17/9/2014:" Nga và Ai Cập ký tắt hợp đồng vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD, giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Alexander Fomin cho biết hôm thứ Tư."
 
-VOA tiếng Việt ngày 18/9/2014:" Hải quân Đài Loan hôm thứ Tư 17 tháng 9 tổ chức cuộc diễn tập hải quân được mô tả là lớn nhất trong 25 năm qua ở ngoài khơi bờ biển phía đông hòn đảo này, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mã Anh Cửu."
 
-Bloomberg News ngày 19/9/2014: Theo Chuẩn Đô Đốc Mark Montgomery – chỉ huy trưởng chiến dịch- hơn 18,000 binh sĩ Hoa Kỳ đã tham gia cuộc tập trận có tên Lá Chắn Dũng Cảm (Valiant Shield) cùng với hai hàng không mẫu hạm, 19 tàu chiến và hơn 200 máy bay ở Guam cho tới 23/9/2014. Ngoài ra lại còn có cả tàu ngầm cũng tham gia cuộc tập trận. Cũng theo Chuẩn Đô Đốc Montgomery- tư lệnh tác chiến của Hạm Đội 7 thì "Sự kết hợp một số lực lượng lớn (trong cuộc tập trận này) có tác dụng trấn an các đồng minh và quốc gia hợp tác trong vùng." (Bringing together this large number of forces has an assuring effect on our partners and allies in the region.)
 
-Fox News ngày 20/9/2014: "Tư lệnh Lực Lượng Tàu Ngầm Đại Tây Dương  Hoa Kỳ ngày Thứ Năm đã đưa ra lời cảnh báo rằng lực lượng tàu ngầm của Nga và Trung Quốc trang bị tên lửa đạn đạo sẽ ảnh hưởng tới việc bố trí hạm đội tàu ngầm của Hoa Kỳ.Chuẩn Đô Đốc Michael Connor nói rằng Nga và Hoa Lục kiên quyết theo đuổi việc xây dựng khả năng ngăn chặn hạt nhân dưới biển bằng lực lượng hải quân hùng mạnh và chúng ta cần đối phó với xung đột nhỏ trước khi nó trở thành xung đột lớn."
 
-AFP ngày 21/9/2014: "Hai khu trục hạm Trung Quốc đã tới Bandar Abbas thuộc Vịnh Ba Tư - chuyến viếng thăm chưa từng có xác định việc tái lập quan hệ giữa hai nước. Chuyến viếng thăm đầu tiên kéo dài bốn ngày- đó là lần đầu tiên một tàu chiến Trung Quốc ghé hải cảng nước Cộng Hòa Hồi Giáo mà phía bên kia Vịnh là Bahrain, căn cứ của Hạm Đội 5 của Hoa Kỳ. Theo Đô Đốc Hossein Azad, hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận tìm kiếm và cứu cấp đồng thời huấn luyện cách đối phó với những biến cố trên biển." Cũng theo AFP, "Trao đổi mậu dịch giữa hai nước năm nay hy vọng sẽ vượt qua con số $45 tỷ đô-la cho dù Hoa Kỳ cấm vận Iran trên các lãnh vực kinh tế và ngân hàng do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran." Rõ ràng hải quân Trung Quốc đã vói tay tới tận Vịnh Ba Tư và sẽ liên kết với Iran- nước đang bị áp lực nặng nề bới những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ. Rồi đây cũng có thể hải quân Nga cũng sẽ ghé thăm Iran trong một trận chiến lôi kéo đồng minh để  đối phó với Mỹ. Iran có 77 triệu dân, quân đội khá hùng mạnh, trấn giữ  lối ra vào Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman cho nên Mỹ lúc nào cũng muốn triệt hạ Iran để khống chế dầu lửa toàn vùng này.
 
-VOA tiếng Việt ngày 22/9/2014:" Hàng loạt các tờ báo ở Châu Á hôm nay dẫn phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thường niên của Mạng lưới Tin tức Châu Á (ANN) nhấn mạnh sự cần thiết phải giải tỏa tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông bằng các cuộc đối thoại ôn hòa và thương lượng trên tinh thần luật pháp quốc tế." Cũng theo VOA," Tuần rồi, truyền thông trong nước dẫn thống kê 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc cho biết mỗi năm có 1200 lượt tàu các Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt phi pháp. Tất cả các cáo giác và yêu cầu bồi thường thiệt hại của Việt Nam trước nay đều không được phía Trung Quốc đáp ứng. Ngược lại, Bắc Kinh nói họ hành xử đúng luật và tố cáo ngược lại rằng tàu Việt Nam xâm nhập hải phận Trung Quốc bất hợp pháp." 
 
-Voive of Russia ngày 23/9/2014: "Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoãn chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Nga Vladimir Putin được dự định vào mùa thu năm 2014." Từ sự kiện này chúng thấy nếu Nhật Bản không chịu nổi áp lực của Hoa Kỳ và tiếp tục theo Mỹ cấm vận Nga thì Nhật sẽ  phải đối phó với hai láng giềng khổng lồ là Nga và Trung Quốc. Nhật Bản – do nương tựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ - đã không thể tự chủ trong chính sách ngoại giao, khác hẳn với Ấn Độ, hoàn toàn độc lập về chính sách ngoại giao. Muốn đi với ai thì đi. Muốn liên kết với ai thì liên kết mà Mỹ, Nga, Trung Quốc đều nể  trọng. Nguyên do là vì Ấn Độ không nương tựa vào sức mạnh quân sự của nước nào. Sự kiện cũng cho thấy vị thế chính trị và ngoại giao của Ấn Độ lớn hơn Nhật Bản rất nhiều cho dù sức mạnh kinh tế Nhật Bản vượt trội hơn Ấn Độ. Ngoài ra, trước con mắt của các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Miến Điện v.v..thì hình ảnh của Nhật có thể suy giảm vì các quốc gia này nghĩ rằng chính sách ngoại giao của Nhật là do Mỹ "bật đèn xanh" không có gì chắc chắn. Một ngày nào đó Mỹ "bật đèn đỏ"thì Nhật Bản có thể quay 180 độ. Do đó nương tựa vào Mỹ không phải là chuyện tốt lành 100% và chắc chắn phải chấp nhận mất chủ quyền ở một mức độ nào đó.
 
-RFI tiếng Việt ngày 25/4/2014:" Nhân dịp tham dự đại hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc, phát biểu trước Hiệp hội Châu Á, một tổ chức nghiên cứu, tại New York, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã trấn an Trung Quốc. Bởi vì, cho đến nay, nếu Việt Nam không mua vũ khí của Hoa Kỳ thì Việt Nam vẫn mua của các nước khác. Vậy, tại sao Trung Quốc phải lo ngại về việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận." Theo tôi nghĩ, Hoa Lục lo ngại, không phải vì sức mạnh quân sự của Việt Nam mà lo khi Việt Nam xích lại gần với Mỹ, tầm ảnh hưởng của Mỹ sẽ lan rộng trong kế hoạch "Xoay Trục" ngăn chặn Trung Quốc. Điểm yếu chí tử của Hoa Lục là Hoa Lục không có đồng minh cũng như không có bạn ở toàn khu vực.
 
-VOA tiếng Việt ngày 26/9/2014:" Tờ Dân Trí dẫn tin từ Cục hải sự Trung Quốc cho hay phạm vi cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn của hải quân Bắc Kinh kéo dài từ phía đông nam đảo Hải Nam tới tận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Cục hải sự Trung Quốc cũng nêu rõ tọa độ và thời gian cuộc tập trận diễn ra từ ngày 2/9 - 30/9, đồng thời cấm tàu bè qua lại khu vực trong thời gian này."
 
-VOA tiếng Việt ngày 29/9/2014:" Philippines và Hoa Kỳ tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường niên tại Biển Đông (ngoài khơi Palawan), gần khu vực Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Khoảng 5.000 binh sĩ hải quân và binh sĩ thủy quân lục chiến từ hai nước hôm nay đã bắt đầu cuộc tập trận trên biển kéo dài 11 ngày."
 
-RFI tiếng Việt ngày 30/9/2014: " Phải nói rằng Washington đã trải thảm đỏ nghênh tiếp Thủ tướng Ấn Độ Modi, một người mà chỉ cách đây gần 10 năm còn bị Mỹ cấm nhập cảnh. Trong một cử chỉ trân trọng hiếm hoi, tối hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời ông Modi đến Nhà Trắng dự một buổi « ăn tối » (dạ tiệc) thân mật, để có một cuộc tiếp xúc đầu tiên, trước hội nghị thượng đỉnh chính thức Mỹ-Ấn mở ra vào hôm nay."
 
-VOV ngày 30/9/2014:" Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc, từ ngày 1 đến ngày 4/10 tới."
 
-RFI tiếng Việt ngày 2/10/2014:" Chính quyền Đài Bắc đang xem xét khả năng triển khai tên lửa phòng không RIM-72C Sea Chaparral do Mỹ chế tạo trên đảo Ba Bình (Itu Aba) mà Đài Loan đang kiểm soát ở vùng Trường Sa. Theo nhật báo Đài Loan Want Daily."
 
-AFP ngày 2/10/2014: " Trong một quyết định có thể khiến Trung Quốc tức giận, Hoa Kỳ đã tháo bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát hại cho cựu thù Việt Nam để giúp nước này tăng cường khả năng phòng thủ trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông."
 
Nhận Định:
 
Thế giới ngày hôm nay đang diễn ra ba cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống khủng bố còn gọi là thánh chiến, chiến tranh lạnh Nga-Mỹ và chiến tranh bành trướng ở Biển Đông.
 
1) Chiến tranh chống khủng bố hay thánh chiến: 
 
Cuộc không kích vào lãnh thổ của ISIS ở Iraq và Syria do Mỹ cầm đầu kéo dài hơn mười ngày với quy mô rộng lớn và gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS. Người ta ước tính nếu cuộc không kích kéo dài, Hoa Kỳ phải chi phí mỗi năm khoảng 10 tỷ đô-la. Vũ khí thô sơ của ISIS không chống đỡ nổi máy bay tiêm kích tàng hình Raptor F-22, hỏa tiễn Tomahaw, máy bay ném B-2 của Mỹ nhưng tại Hoa Kỳ đang nổi lên cuộc tranh luận rằng "không kích" không thể giải quyết dứt khoát vấn đề mả cần có sự tham chiến của bộ binh và nước Mỹ đang đổ lỗi cho nhau về sự phát triển và lớn mạnh không ngờ của ISIS. Tướng Dempsey - tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ cho biết Mỹ có thể phải dùng đến bộ binh. Nếu Mỹ lại đổ quân vào Iraq thì đúng là cảnh "dở khóc dở cười". Năm 2003 liên quân Mỹ-Anh- Úc đổ 265,000 quân vào đây và sau 11 năm Ô. Obama tuyên bố cuộc chiến Iraq đã hoàn tất với 4805 lính Mỹ, Anh, Úc tử trận và chi phí khoảng 1000 tỉ đô-la…Nay lại gửi quân vào "ổ kiến lửa" thì biết bao nhiêu cho vừa? Anh, Úc còn dám theo Mỹ để vào Iraq một lần nữa không? Cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu? Công sức, tiền của và trí tuệ nào để "truyển bá dân chủ" cho một quốc gia rách nát, đầy hận thù tôn giáo và chia rẽ sắc tộc? Hiện nay ảnh hưởng của ISIS không còn nằm ở Trung Đông mà lan rộng ra khắp thế giới trong đó có Algeria, Phi Luật Tân. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ- hai đồng minh chí cốt của Mỹ đang chia rẽ nặng nề, trong khi đó Nga và Trung Quốc còn đứng ngoài để quan sát và xem Mỹ "xuất huyết" trong cuộc chiến đầy nguy hiểm và không hồi kết cuộc. Tình hình thế giới biến chuyển thật không ngờ.
 
2) Chiến tranh lạnh Nga-Mỹ: 
 
Đang diễn ra trên quy mô toàn cầu mà đỉnh cao của nó là trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Ô. Obama đã xếp Nga vào danh sách nguy hiểm cho thế giới còn hơn cả Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS). Còn Ngoại Trưởng Nga Lavrov nói rằng những bất ổn của thế giới ngày hôm nay đều do Mỹ và đồng minh Phương Tây tạo ra nhưng lại coi đó là chiến thắng của dân chủ, trong khi tự cho phép kiểm soát và ra lệnh cho thế giới. Washington cho mình có quyền dùng vũ lực can thiệp vào các quốc gia, bất chấp các kết quả tệ hại do hoạt động quân sự của họ trong những năm gần đây. Ngoại trưởng Nga nêu các trường hợp Mỹ ném bom Nam Tư trong cuộc chiến Kosovo năm 1993, can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003, cuộc chiến ở Afghanistan, can thiệp vào Lybia năm 2011 lật đổ chính quyền Đại Tá Muammar Gaddafy. Trong cuộc chiến tranh này, ngoài sức mạnh quân sự siêu đẳng của mình, Hoa Kỳ còn có Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sức mạnh kinh tế qua các biện pháp cấm vận. Còn Nga thì theo chiến thuật "nghiến răng chịu đựng" đồng thời liên kết với những nước không thích Mỹ hoặc là kẻ thù của Mỹ như Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, Zimbabwe, Venezuela, Cuba, Nicaragua, Ecuador và nhất là Khối BRICS. Trong một bài viết nhan đề "Khối BRICS Ngấm Ngầm Hỗ Trợ Nga Trong Nỗ Lực Tái Cân Bằng Quyển Lực Thế Giới" (BRICS Keep Supporting Russia In Bid To Rebalance World Power) đăng trên Epoch Times ngày 25/9/2014, Marco Vieira viết, " Trong khi các nước Phương Tây gia tăng cấm vận và NATO thảo luận về thái độ đối với Nga, khối BRICS tiếp tục duy trì sự hỗ trợ đối với Moscow bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này  hoàn toàn không bất ngờ. Phải, nó cho thấy nỗ lực của khối BRICS (bao gồm Brazil, Russia, India, China, and South Africa) nhằm theo đuổi việc cải tổ cấu trúc thế giới là nghiêm túc. Và cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội giúp cho khối có cơ hội mạnh mẽ nói lên lập trường chống đối lại vai trò của các cường quốc Phương Tây áp đặt lên cộng đồng thế giới giống như người giữ trẻ." (While Western nations beef up economic sanctions and NATO discusses what stance to take toward Russia, BRICS is maintaining tacit support for Moscow despite the Ukraine crisis.This is not entirely unexpected. Yet, it suggests that the BRICS (Brazil, Russia, India, China, and South Africa) grouping's commitment to the reform of the international system is to be taken seriously. And the Ukraine crisis has provided the group with a powerful opportunity to voice its shared opposition to Western powers' self-assigned role as the custodians of the international community.) Rõ ràng không phải cả thế giới  đều thích Mỹ mà có rất nhiều quốc gia kể cả "sân sau của Mỹ" đang muốn thế giới có một trật tự mới thoát khỏi sự thống trị của đồng đô-la và áp đặt quân sự của Mỹ và NATO mà Nga là cường quốc mà họ tin rằng có thể nương tựa. Có thể trong vòng năm, mười năm tới thế giới sẽ hình thành hai  khối đối nghịch nhau do Mỹ và Nga lãnh đạo giống như thời Liên Bang Xô-viết và Mỹ. Nhưng lằn ranh không còn phân định bằng chủ nghĩa mà bằng quyền lợi quốc gia và nhu cấu đòi hỏi một công lý quốc tế mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nga cũng như Mỹ đều tin là mình sẽ thắng nhưng chưa biết ai thắng ai.
 
3) Chiến tranh bành trướng ở Biển Đông: 
 
Trong bài viết nhan đề, "Ve vãn Việt Nam, Hoa Kỳ chuẩn bị nới lỏng lệnh cấm bán vũ khi" (Courting Vietnam, U.S. prepares to ease arms embargo) đăng trên Reuters, Lesley Wroughton và Andrea Shalal viết, "Một giới chức cao cấp Hoa Kỳ am hiểu đề nghị này nói rằng Hoa Thịnh Đốn muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và phòng vệ bờ biển và cho hay máy bay săn tàu ngầm P-3 không trang bị vũ khí có thể là đợt mua bán đầu tiên...và chuyện này có thể được quyết định vào cuối  năm."  (Senior U.S. officials with knowledge of the initiative said Washington wants to support Vietnam by strengthening its ability to monitor and defend its coastline, and said unarmed P-3 surveillance planes could be one of the first sales…taking place in Washington and could result in a decision later this year..) Như thế chuyến đi của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh vào đầu Tháng 10 tới đây có thể là để bàn chuyện mua bán. Cũng theo bài báo nói trên, "Hai viên chức quản trị cao cấp dấu tên của một hãng sản xuất vũ khí Hoa Kỳ nói với Reuters rằng họ chờ đợi chính phủ sớm tháo bỏ lệnh cấm. Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc cho phép bán vũ khí cho Việt Nam. Đây là một lãnh vực đầy hứa hẹn cho chúng tôi." (Two senior executives in the U.S. weapons industry told Reuters they expected the U.S. government to lift the arms ban soon. "There is a lot of discussion about allowing weapons sales to Vietnam. It is a promising area for us," said one of the executives, who was not authorized to speak publicly.) Bài báo còn tiết lộ thêm vào tuần rồi, Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến- Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam đã thảo luận việc thao diễn quân sự chung với Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Ray Mabus." (Vietnam People's Navy Commander-in-Chief Admiral Nguyen Van Hien traveled to the United States last week and discussed joint naval exercises with Navy Secretary Ray Mabus.) Bài báo nói trên đã đưa ra hai nhận định về sự kiện Việt Nam xích gần lại với Hoa Kỳ:
 
- Theo Phương Nguyễn/Phượng Nguyễn thuộc Trung Tâm  Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Hoa Thịnh Đốn, " Việt Nam hiểu rằng Trung Quốc muôn đời là láng giềng của họ và họ chỉ muốn một chính sách ngoại giao độc lập." (Vietnam understands China is forever at its doorstep and wants to have an independent foreign policy, said Phuong Nguyen, a research associate at the Center for Strategic and International Studies in Washington.)
 
-Còn Ô. Daniel Russel- Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói thẳng thừng, "Đừng có cường điểu/nói quá lố về việc tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi không tin rằng Việt Nam sẽ đánh đổi mối liên hệ giữa hai đảng mà họ có với Bắc Kinh, cho dù mối liên hệ này có lúc bị gián đoạn bởi một vài cuộc chiến khá tàn bạo…để đổi lấy mối liên hệ đặc biệt hoặc đồng minh với Hoa Kỳ." (Daniel Russel, the U.S. Assistant Secretary of State for East Asia and the Pacific, warned against overstating the rapprochement between the United States and Vietnam."I don't believe that Vietnam is looking to swap out the long-term party-to-party relationship that it has enjoyed with Beijing, albeit punctuated with some pretty violent wars, for an exclusive relationship or an alliance with the United States," Russel told Reuters.) Ô. Russel còn nói thêm, "Vì địa thế chiến lược của Việt Nam cho nên chúng ta có đầy đủ lý do để liên kết chặt chẽ với họ và…tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí không phải là điều xấu." (Russel said Vietnam's strategic location was a good reason to work more closely with Hanoi, adding that easing the embargo would be "not a bad thing.
 
Chúng ta có thể hiểu lời nói của Ô. Russel như sau:  Các chiến lược gia Hoa Kỳ nhận thấy một Việt Nam mạnh lên vể kinh tế, quốc phòng và " độc lập tự chủ" với Trung Quốc là lực cản tự nhiên khiến Trung Quốc khó lòng bá chủ Biển Đông. Một Việt Nam suy yếu và ngả theo Trung Quốc sẽ là thảm họa cho Đông Nam Á và Á Châu. Cũng chính vì thế mà Tướng Dempsey trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây trong phần trả lời phóng viên New York Times đã nói, "Tôi không thể không đồng ý về tầm quan trọng và vị thế đặc biệt của Việt Nam đối với khu vực và toàn cầu trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam sẽ đóng một vai trò địa chính trị cực kỳ quan trọng trong khu vực và trên thế giới trong những năm tới." Tướng Dempsey nói đúng. Việt Nam không những là trọng điểm chiến lược của Đông Nam Á mà còn là cái xương sống tạo ổn định cho Đông Dương (Việt-Mên-Lào). Nếu Việt Nam bất ổn thì Kampuchea và Lào cũng sẽ hỗn loạn và lập tức kéo theo sự bất ổn tại Thái Lan và thảm họa dây chuyền "Domino" sẽ lan tới Mã Lai và Nam Dương.
 
Nhưng liệu Hoa Lục có chấp nhận để Việt Nam mạnh lên về kinh tế và quốc phòng, xích gần lại với Mỹ qua việc hợp tác toàn diện và lệnh cấm bán vũ khí sát hại được gỡ bỏ…và trở thành lực cản cho chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không?
 
-Nếu khôn ngoan thì Hoa Lục phải hòa dịu với Việt Nam để không biến Việt Nam thành kẻ thù. Thế nhưng Trung Quốc lại không thể hòa dịu bởi vì không thể vừa hòa dịu vừa từ từ lấn chiếm Biển Đông qua sách lược "tằm ăn dâu" (theo Đông Phương) và "thái xúc xích" theo cách nói của Tây Phương. Biển Đông là yết hầu, là mạch sống, là lãnh thổ của Việt Nam cho nên Việt Nam sống chết gì- dù hy sinh tất cả cũng phải bảo vệ cho bằng được. Mà khi bảo vệ Biển Đông tức bảo vệ hải lộ sinh tử của thế giới thì Việt Nam sẽ được toàn thế giới ủng hộ. Cái thế kẹt của Hoa Lục ở chỗ đó.
 
-Nếu ngu đần, tự ái hay tự tin quá mức, Hoa Lục sẽ tìm cách chèn ép Việt Nam hơn nữa hoặc bất ngờ mở cuộc hải chiến quy mô cưỡng chiếm Trường Sa. Thế nhưng trong tình thế hiện tại, chưa chắc "ai thắng ai". Nếu trong vòng một tuần lễ mà Trung Quốc không chiếm được Trường Sa hoặc cuộc chiến giằng co, tôi tin chắc liên quân Mỹ-Nhật-Ấn Độ,- Úc sẽ kéo tới lấy cớ bảo vệ hải lộ quốc tế thì Trung Quốc "sôi hỏng, bỏng không", uy tín thế giới không còn nữa.
            
Hiện nay Hoa Kỳ đang hối hả lao vào cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS giống như thời Ô. Bush Con làm náo loạn cả thế giới với lời đe dọa, "Nếu không diệt Sadam Hussein thì cả thế giới sẽ tan nát vì vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq." Nhưng theo tôi, cuộc chiến Biển Đông và cuộc chiến tranh lạnh Nga-Mỹ nguy hiểm hơn cuộc chiến tranh chống Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) - bởi nó liên quan đến toàn thế giới chứ không phải là cuộc chiến khu vực. Cuộc chiến ISIS chỉ là cơn sốt nhất thời, còn chiến tranh lạnh Nga-Mỹ và cuộc chiến ở Biển Đông là căn bệnh ung thư mà Mỹ khó có phương thuật chữa trị. Chúng ta chờ xem vì tình hình đổi thay rất nhanh./-
 
Đào Văn Bình
(California ngày 5/10/2014)

No comments:

Post a Comment