Pages

2014/12/03

Còn nhiều rắc rối sau khối gia tài đồ sộ của quan to

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 29.11.2014

Còn nhiều rắc rối sau khối gia tài đồ sộ của quan to

Chưa bao giờ ở VN lại có một ông quan to bị điều tra tài sản và đó lại là ông đã từng giữ chức Tổng Thanh Tra Chính phủ. Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh Tra Chính phủ từ năm 2007 đến năm 2011. Và, chính ông thường có những tuyên bố rất hùng hồn, rất cương quyết về chống tham nhũng.

Thanh Tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Vậy mà chính người đứng đầu về chống tham nhũng lại có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, sang 26-11, theo Tổng Thanh Tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói với báo chí "kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ cho thấy mới chỉ có dấu hiệu vi phạm về tài sản, về chế độ chính sách."

Khối tài sản của ông Trần Văn Truyền – Đồ họa của báo Tuổi Trẻ.
Sự vi phạm ấy bao nhiêu năm nay đừng sờ sờ trước mắt người dân và tất nhiên trước cả mọi cấp chính quyền địa phương. Đó là những cơ ngơi cực kỳ "hoành tráng" nổi bật lên giữa những căn nhà ổ chuột rách nát của người dân trong vùng. Chỉ nhìn qua cũng đã thấy chướng mắt, nhưng dường như các cấp chính quyền địa phương đều nhắm tịt mắt lại vì… quá sợ cái oai của ngài Tổng Thanh Tra. Không những chỉ nhắm mắt mà còn tạo mọi cơ hội cho quan Tổng có đủ mọi điều kiện tốt nhất để vi phạm. Nói như thế tất phải có đủ chứng cứ bởi nếu địa phương làm đúng luật thì dù có là ông gì đi chăng nữa đừng có hòng "đút túi" được một tấc đất của dân.

Đến nay mọi chuyện được khui ra, người dân thật sự bàng hoàng khi thấy khối tài sản quá khổng lồ của ngài nguyên là Tổng Thanh Tra. Xin sơ lược vài nét chính về khối nhà đất của ông Trần Văn Truyền.

Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa, người đã đi tiên phong trong việc tố cáo tài sản của ông Trần Văn Truyền.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ) và gia đình đứng tên.

- Theo xác minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre (Bến Tre) có diện tích hơn 16,500 mét vuông là đất của ông Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh - con trai ông Trần Văn Truyền. Nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ giải trình số tiền xây dựng căn biệt thự này là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, ở tại quận 9, TP Sài Gòn và hiện ông đang ở trong căn nhà này.

Căn biết thự đồ sộ của ông Truyền bên những căn nhà dột nát của dân.

- Căn nhà số 6, Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre với tổng diện tích hơn 260 m2 (ông Truyền mua năm 2003 với giá chưa tới 280 triệu đồng) nhiều năm nay được sử dụng làm trụ sở cho một doanh nghiệp làm đại lý phân phối bia, rượu, nước giải khát. Căn nhà này vừa bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương yêu cầu thu hồi vì đã được cấp sai quy định "hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một gia đình...." Việc UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm.

Căn nhà số 6, Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre.

- Thửa đất số 598B5 có diện tích 350 m2 ở đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre do Quân khu 9 cấp cho ông Truyền. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Truyền đã biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận và sau khi được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu trả lại, ông Truyền đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng.

Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận đang được cho thuê bán trái cây.
- Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận đang được cho thuê bán trái cây. Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP Sài Gòn trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP Sài Gòn trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà và đã được UBND thành phố giải quyết cho thuê căn nhà. Đến tháng 3/2011, ông Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, về nhà ở và đề nghị UBND TP Sài Gòn bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên và được các cơ quan chức năng của TP Sài Gòn đồng ý. Vào tháng 7/2014, sau khi kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.

Biếm họa kiểu xử án người nhà trời.
Lại nhớ chuyện năm ngoái, vụ người trần gian là bốn em học sinh ở huyện Tiên lãng, Hải Phòng đi xe máy đến khu vực xã Tiên Thắng thì trêu đùa cho xe máy áp sát rồi giật mũ của hai em nữ sinh Trường THPT Tiên Lãng. Vậy mà Hội đồng xét xử tuyên phạt một em chịu mức án 3 tháng 17 ngày và em đầu têu trò trêu chọc này 15 tháng tù giam.

Ngược lại, vừa rồi "người nhà trời" là ông Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Bắc Giang dù bị kết luận mắc hàng loạt sai phạm và bị buộc trả lại ngân sách hơn 2 tỷ đồng nhưng lại được cấp trên miễn hình thức kỷ luật do đã ... nghiêm túc kiểm điểm.

Xem thế thì chuyện con ông xin ông đừng trị nó như trị người trần gian, mà trị như trị "người nhà trời," là hóa ra nó muốn xin ông tha bổng cho nó thật.

Sự mỉa mai của câu chuyện này cho chúng ta thấy người dân đang mong mỏi mọi việc xét xử sẽ công minh. Đó là điều quan trọng các cơ quan lập pháp và hành pháp của VN phải nghĩ tới để lấy lại niềm tin đã mất, chứ không phải chỉ là những phát "nổ" rôm rả (?) cho một ông vừa "ngã ngựa" trong lúc này./-

Văn Quang

No comments:

Post a Comment