Pages

2011/03/09

Họa gia đình trị

Họa gia đình trị

Nguyễn Hưng Quốc  


Nhiều nhà bình luận trên thế giới có ý kiến khá giống nhau: số phận của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có thể sẽ khác hẳn, ông sẽ tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý trên cương vị tổng thống của một quốc gia Hồi giáo có đông dân nhất khối Ả Rập, sẽ không bị buộc phải từ chức và trốn chạy một cách nhục nhã như vậy, nếu ông không có tham vọng đưa người con trai thứ, Gamal Mubarak, lên kế vị.

Một chuyện tương tự như vậy cũng bắt đầu xảy ra với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Cầm quyền từ năm 1978, Saleh đã dùng bàn tay sắt để trị dân. Suốt hơn 30 năm, mặc dù bất mãn và công phẫn, dường như dân chúng Yemen vẫn cam phận chịu đựng vị tổng thống độc tài này.  Họ vẫn còn ít nhiều ngưỡng mộ, hoặc nếu không, cũng khiếp sợ tài năng và nghị lực của ông. Tuy nhiên, sự chịu đựng của họ dường như đã đến giới hạn cuối cùng khi, gần đây, Ali Abdullah Saleh có ý đồ đưa anh, em và con cháu của mình vào guồng máy chính quyền: một người anh cùng cha khác mẹ làm tư lệnh không quân, các con trai của một người anh khác thì kẻ làm phó giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia, kẻ làm giám đốc lực lượng an ninh và chống khủng bố trung ương. Quan trọng nhất là ý đồ đưa người con trai trưởng, Ahmed Saleh, hiện đang chỉ huy lực lượng Vệ binh Cộng hòa Yemen, lên kế nhiệm chức vụ tổng thống thế mình.

Với đông đảo dân chúng cũng như chính khách Yemen, điều đó dường như đã quá mức: Họ không thể tiếp tục chịu đựng ách độc tài gia đình trị như vậy mãi được nữa. Cuối cùng, mới đây, dưới ảnh hưởng của cuộc nổi dậy thành công tại Tunisia và Ai Cập, dân chúng Yemen đã xuống đường. Chưa biết họ có thành công như những người láng giềng của họ hay không. Trước mắt thì Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã chịu nhượng bộ: ông hứa sẽ không tranh cử vào năm 2013. Và cũng sẽ không tìm cách đưa con trai mình lên làm tổng thống.

Trên thế giới, tham vọng đưa con cái lên kế vị hoặc kế nhiệm như thế không ít. Ở Đài Loan, Tưởng Giới Thạch trao quyền lại cho con trai là Tưởng Kinh Quốc; ở Singapore, Lý Hiển Long kế nhiệm Lý Quang Diệu làm thủ tướng; ở Bắc Hàn, Kim Nhật Thành trao quyền cho con trai là Kim Chính Nhật; bây giờ Kim Chính Nhật đang chuẩn bị đưa người con trai thứ, Kim Chính Vân, lên kế vị.

Ở Việt Nam, gần đây, nhất là qua Đại hội đảng lần thứ 11 vừa rồi, người ta cũng thấy âm mưu đưa con cháu lãnh tụ hoặc công thần của chế độ vào Ban chấp hành Trung ương (kể cả chính thức lẫn dự khuyết) để chuẩn bị cho việc kế nhiệm về sau. Được báo chí nhắc nhở nhiều nhất là:

- Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư
- Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng
- Nguyễn Chí Vịnh, con trai cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
- Phạm Bình Minh, con trai cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch
- Nguyễn Xuân Anh, con trai Nguyễn Văn Chi, ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng
- Trần Sỹ Thanh, cháu Nguyễn Sinh Hùng, phó Thủ tướng
- Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng bí thư Hà Huy Tập



Trong các tên tuổi trên, nổi tiếng và tai tiếng nhất là hai người đứng đầu.

Trong Đại hội đảng khóa 10, Nông Đức Mạnh đã tìm cách đưa Nông Quốc Tuấn – lúc bấy giờ đang nắm chức Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - vào Trung ương Đảng, nhưng thất bại. Không nản chí, trước Đại hội lần thứ 11, Nông Đức Mạnh sắp xếp đưa Nông Quốc Tuấn lên làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang một cách khá bất ngờ để tạo thế vào Trung ương đảng. Tin tức được loan tải trên báo chí phi chính thống tại Việt Nam cho biết trong các cuộc họp chuẩn bị Đại hội đảng vào cuối năm 2010, nhiều người phản đối việc giới thiệu Nông Quốc Tuấn vào Trung ương Đảng với lý do ông vừa bất tài vừa kém tư cách. Nhưng cuối cùng, Nông Đức Mạnh vẫn thắng và Nông Quốc Tuấn chính thức trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng ở khóa 11.

Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng, có học hơn Nông Quốc Tuấn. Tuy nhiên, đó chỉ là một thanh niên trí thức thuần túy, chưa từng có kinh nghiệm về chính trị. Năm ngoái, ông ra ứng cử vào Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ được 15 trên tổng số 400 phiếu. Ông cũng không được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu vào danh sách ứng cử Ban chấp hành Trung ương đảng, nhưng trong Đại hội, ông lại được "cơ cấu" trong danh sách bổ sung, và cuối cùng, trở thành ủy viên dự khuyết lúc mới 35 tuổi.

Việc đưa con cháu lãnh tụ và công thần vào Trung ương đảng một cách trắng trợn như vậy bị nhiều người, ít nhất là trong giới trí thức, đặc biệt các blogger thuộc "lề trái", phê phán kịch liệt.

Chưa biết "hậu vận" của những "hạt giống đỏ" này như thế nào.

Chỉ biết, theo Jason Brownlee, trong bài "Hereditary Succession in Modern Autocracies" đăng trên tạp chí World Politics năm 2007, từ năm 1945 đến năm 2006, trên thế giới có 258 nhà độc tài cầm quyền được trên ba năm; trong số đó, chỉ có 23 người là tìm cách đưa con lên kế vị; và chỉ có 9 người là thành công. Riêng tại châu Á, đó là các trường hợp: Tưởng Giới Thạch (1949-75) - Tưởng Kinh Quốc (1975-88), Kim Nhật Thành (1948-94) - Kim Chính Nhật (1994-hiện nay) và Lý Quang Diệu (1956-2004) - Lý Hiển Long (2004-đến nay).

Số lượng con cái kế vị cha mình, như vậy, cực kỳ ít ỏi. Trong khi đó, số con cái làm sự nghiệp độc tài của cha mình tiêu tán thì nhiều vô cùng. Đó là lý do khiến Stephen Kinzer đề nghị với các nhà độc tài ba biện pháp để duy trì quyền lực, danh dự cũng như sự nghiệp của mình: một, đừng có con; hai, chỉ có con gái; và ba, nếu có con trai thì nên… thắt cổ chúng!

Bởi, nếu không thắt cổ chúng thì dân chúng cũng sẽ thắt cổ họ.


Nguyễn Hưng Quốc 

http://bit.ly/gaARPW



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment