Pages

2011/04/08

NÍN THỞ QUA SÔNG

NÍN THỞ QUA SÔNG
UYÊN HẠNH

Một người quen từ Việt Nam viết thư nhờ hỏi mua giùm tại Bắc Âu, một sản phẩm gọi là túi chứa phân mang bên người, cho một người thân bị bệnh đường ruột sau khi giải phẫu không thể đại tiện bình thường như người khỏe mạnh, mà phân phải thoát ra bằng một ống dẫn từ ruột đi vào một túi chứa mang bên hông. Hệ thống y tế tại các nước Bắc Âu quá hoàn mỹ trong việc lo cho vấn đề bệnh tật cũng như dưỡng bệnh và chăm sóc người bệnh. Thế nên các vật dụng y tế cụ thể như loại túi thoát phân nêu trên được cấp miễn phí. Việc hỏi mua loại túi nầy ở Bắc Âu để gửi về Việt Nam xem như là chuyện bất khả kháng. Các sản phẩm y tế nầy được nhà thuốc tây, theo toa thuốc của bác sĩ, trực tiếp đặt mua tại hãng sản xuất, và ngân sách của sở y tế tại quận địa phương trực tiếp thanh toán món tiền nầy cho người bệnh. Hàng được giao tận nhà, trường hợp người bệnh vì yếu sức không đến được nhà thuốc tây để nhận hàng.

Những người dân Việt sống cuộc đời bình thường, ngày ngày cần cù làm ăn chỉ mong kiếm được đồng lương, dù có ít ỏi, cũng cam tâm và cố gắng để nuôi gia đình. Đến ngày lớn tuổi bị mắc phải những chứng bệnh nặng, vất vả lắm mới có tiền trang trả thuốc thang. Trường hợp bệnh nặng phải giải phẫu, thì chi phí nầy là một gia tài khó lòng kiếm đủ. Sau khi về nhà vẫn chưa hết khổ. Nào là tiền thuốc men, tiền khám bệnh, tiền mua các vật dụng cần thiết cho chứng bệnh của mình. Trong tuần nầy có một bài viết kể chuyện cá nhân một tác giả đi khám bệnh ở Việt Nam, người đọc không khỏi chua chát cười thầm. Người bệnh nầy đến khám bệnh tại một bác sĩ nha khoa, trước 75 chúng ta gọi là nha sĩ. Người bệnh và bác sĩ "vô tư" đấu hót chuyện trên…cung trăng! Không có dấu hiệu gì là stress cả. Bác sĩ làm việc nhàn nhả thảnh thơi, bệnh nhân đến khám vui vẻ thoải mái. Bài viết cho người đọc cái ấn tượng một lần đến khám ở ông bác sĩ nầy sẽ trả số tiền rất lớn, chúng ta không khỏi có một con số trong đầu, một tháng lương của cô thư ký hoặc giáo viên, đã đủ chưa?! Người bệnh vui tươi hí hởn, bác sĩ thở dài thườn thượt than rằng, có phòng khám đông nghịt người và 3 cái dưỡng đường bự tổ bố, vợ chồng đổi xe đời mới ào ào, tiền tiêu không hết và ông bác sĩ cảm thấy thật là… cô đơn! Không rõ tình hình tại Việt Nam, độc giả sẽ tưởng Việt Nam "ngon lành" bác sĩ nhàn nhả giàu có, người dân nhiều tiền dư ăn dư mặc, nên việc chi một số tiền khếch sù để khám bệnh không cần quan tâm! Việt Nam sống thỏa mái, làm việc không bị stress, ăn nên làm ra dễ dàng, giàu có còn hơn các xứ sở tự do dân chủ ở ngoại quốc.



Người dân ở Việt Nam sung sướng đến thế sao? Thật là xứ thần tiên! Vậy thì những tin tức chúng ta đọc được trên báo hằng ngày cho những chuyện xảy ra tại Việt Nam, như vụ LS Cù Huy Hà Vũ đang rúng động thế giới vì vấn đề nhân quyền bị chà đạp và cảnh nghèo đói mà Nhóm Từ Thiện Khoahoc.net nhỏ bé của chúng tôi, qua những trao đổi với bạn bè mấy năm nay đã nghe đã thấy, và đã phải chắt chiu từng đồng tiền xin được gửi về giúp các em học sinh trả tiền trường để khỏi thất học. Cảnh người dân Sài Gòn bị chèn ép, đói khổ. Cảnh thường dân bị đánh chết chỉ vì phạm luật giao thông. Cảnh bệnh tật không có tiền mua thuốc mua vật dụng… là giả tưởng hay sao!? Chua chát thì ít phẫn nộ thì nhiều, bởi vì trong tình thế như hiện nay, bao nhiêu người bị bắt ngồi tù chỉ vì họ quá thương cuộc đời nhiễu nhương của người dân Việt. Thương cho Việt Nam đang trên đường bị Tàu đồng hóa. Thương cho mình cho người mà lên tiếng. Vì bảo vệ quyền sống của người dân họ đã bị bắt, phải bỏ hết gia đình vợ con ngồi trong vòng lao lý dài ngày đoạn tháng khổ sở. Vậy mà có người dám lên tiếng cho là Miền Nam được giải phóng và vui vẻ nói chuyện ngắm trăng. Thật là…hết thuốc chữa!  
   
Người dân các nước tự do dân chủ ở Âu Châu đi làm việc và đóng thuế. Tiền thuế được sử dụng bằng cách con cái theo học trường phổ thông cơ sở, lên đến phổ thông trung học và tiếp tục ở đại học cha mẹ không trả một đồng tiền trường hay tiền sách vở. Người dân bị bệnh phải vào nhà thương khám, chữa trị bằng thuốc men hoặc phải qua một hay nhiều cuộc giải phẫu, đều được miễn phí. Nằm viện được lo ăn uống đầy đủ, không trả tiền ăn tiền phòng. Có y tá tắm rửa hằng ngày nếu  bệnh quá nặng bệnh nhân không tự làm được những công việc vệ sinh cá nhân cho mình. Sau khi xuất viện, nếu cần phải được thay băng, hay, ví dụ, cần thay túi thoát phân hằng ngày cho trường hợp người bị bệnh đường ruột, sẽ có y tá đến tận nhà săn sóc. Tất cả mọi sự chữa trị, săn sóc và thuốc men dụng cụ cần thiết cho người bệnh ở tình trạng nầy đều miễn phí. Ở nước mình dụng cụ cho người bệnh phải tự người bệnh vất vả kiếm mua, và rất khó mua. Có người bảo rằng, có chạy đủ tiền mua được cũng là hàng Tàu, "bấp bênh" lắm, mang vào thêm khổ thân, vì hàng Tàu làm rất cẩu thả nên… phân "xì" ra hồi nào không hay.

Hệ thống y tế tại các nước tự do dân chủ được thấy rõ rệt ở thái độ tôn trọng và lo lắng cho người bệnh, và qua phong cách người bác sĩ điều trị. Đến ngày hẹn khám bệnh, người bệnh đến bệnh viện, trình lá thư có ngày giờ hẹn ở quầy thư ký. Vị bác sĩ điều trị sẽ ra tận chỗ ngồi của người bệnh, bắt tay giới thiệu tên và mời vào phòng khám. Tại bệnh viện, bác sĩ cũng như y tá, trợ tá hoặc y công đều cần mẫn làm đúng bổn phận của mình. Y tá tận tụy với công việc của mình, lo từ việc phát thuốc kẹp mạch đúng giờ, lo nơi nằm nghỉ của người bệnh qua việc săn sóc tấm khăn trải giường, mền gối sạch sẽ, đèn giường, thức ăn, nước uống… Đặc biệt tạo sự thoải mái cho người bệnh và lúc nào cũng quan tâm đến sự an toàn của bệnh nhân. Trong phạm vi làm việc của mình, các thư ký, bác sĩ, y tá, trợ tá, y công đối xử với nhau thân mật không có khoảng cách giai cấp.

Trong chương trình đào tạo một bác sĩ chân chính tại Đại học Y khoa, người sinh viên y khoa ý thức được nỗi khổ và sự bất an của người bệnh. Họ học cách lắng nghe và giải thích tường tận cho đến khi người bệnh rõ được mọi điều. Ra trường họ được bổ nhiệm đi làm và sau thời gian chỉ định vị tân bác sĩ tự mình bắt đầu kiếm việc tại nhà thương công, tư hay phòng mạch tùy theo sở học và ý thích của mình. Các vị bác sĩ trong ban tuyển nhân viên, tức là thâu nhận bác sĩ mới vào làm việc, đối xử lịch sự với các bác sĩ đến xin việc. Bình đẳng, ôn tồn, hòa nhã, mắt nhìn thẳng mắt, tay bắt tay nhau, lưng thẳng đứng, trao đổi nụ cười "dân chủ" tự tin lịch sự. Không như tình trạng chúa tôi quan chức tại Việt Nam, người xin việc lom khom, người nhận nhân viên hống hách. Trong một lá thư kể về câu chuyện các bác sĩ ra trường trước hay sau 1975, hầu như ai cũng phải trải qua cảnh "đọa đày". Một bác sĩ kể rằng anh đã phải cắn răng "nín thở qua sông" vì cần có việc làm, nuôi gia đình. Đi xin việc đã phải nghe những câu từ miệng một tên y tá béo tốt, là đảng viên của nhà nước, tự xem mình là chúa, nhờ được ngồi ở phòng tổ chức nhân viên, chửi vào mặt bác sĩ: "ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?".

Vì vấn đề đạo đức nhiều người nín thở qua sông. Con sông nào cũng có nhiều khúc quanh. Cuộc đời nào cũng có những thăng trầm. Cái khác biệt là không có đạo đức và cái nhìn cương trực khí khái, con người dễ hèn nhát bán đứng chính mình, cho mình cái tự do cuốn trôi trong "văn hóa cuộc sống" hiện tại. Người bác sĩ để đồng tiền dẫm nát lương tâm dễ thấy mình là người ban phát ân huệ cho người bệnh. Thấy mình là thượng đế, sẽ nạt nộ khinh dễ người bệnh. Vừa đau đớn thể xác vì bị căn bệnh hoành hành, vừa khổ sở vì gia đình chạy phờ người cho có đủ tiền trả tiền phòng tiền thuốc tiền chữa trị, vừa bị bác sĩ y tá đối xử lạnh nhạt khinh rẻ, người bệnh nhẹ sẽ vì lo âu khổ tâm tủi nhục mà thành bệnh nặng. Người bệnh nặng có nín thở cũng khó lòng qua nổi con sông có giòng nước cuốn phăng một xã hội vào giòng xoáy tham nhũng bóc lột! Xin hãy bảo vệ lương tâm con người, bảo vệ mạng sống con người. Người giàu có biết chia sẻ và người nghèo khó đỡ bần hàn nhọc nhằn cơ cực.  


UYÊN HẠNH



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment