Pages

2011/06/24

Ngày tàn của mô hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc ?

Ngày tàn của mô hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc ?

Nguồn : RFI
Dịch giả : Trọng Thành


Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm mọi thứ để chống lại tất cả những tác động từ bên ngoài, mọi cạnh tranh, mọi thách thức. Mà không có đối trọng, không có trách nhiệm trước ai khác, bộ máy của đảng và chính quyền chỉ có thể trở thành nơi hoành hành của tham nhũng. Bất chấp lời cảnh báo liên tiếp từ quyền lực trung ương về căn bệnh ung thư của tham nhũng, tham nhũng vẫn xâm nhập vào khắp các ngõ ngách của cơ thể Nhà nước. Vấn đề chủ yếu đặt ra, theo nhà chính trị David Sambaugh, không phải là xem xem đảng Cộng sản có thể kiểm soát được xã hội nữa hay không, mà là đảng Cộng sản có thể tự kiểm soát nổi chính mình hay không.

Tuần báo le Nouvel Obervateur số ra cuối năm dành một phần lớn số báo cho hồ sơ gồm khoảng 20 bài viết về Trung Quốc, từ giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba đến thị trường nghệ thuật đương đại. Sau một cái nhìn toàn cảnh về những mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc, là các bài viết về các lĩnh vực chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch của đất nước hơn một tỷ dân này.

Vào thời điểm cách đây hai mươi năm, ngay cả khi Bắc Kinh dìm trong biển máu cuộc biểu tình phản kháng của sinh viên, trong bối cảnh các chế độ độc tài tại Đông Âu lần lượt sụp đổ, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng chế độ cộng sản Trung Quốc không thể tồn tại lâu được. Hai mươi năm sau, trong lúc các nền dân chủ tự do đang gặp khó khăn phải tự hỏi về tương lai của mình, thì dường như Bắc Kinh vẫn tiếp tục kiên định đi theo con đường đã chọn và ngạo nghễ nhìn sự khốn khổ của thế giới.

Bài phân tích do thông tín viên gửi về từ Trung Quốc "Ngày tàn của mô hình chính trị hiện nay tại Trung Quốc" đưa độc giả đến với những giải thích khác nhau về tương lai của chế độ chính trị hiện hành tại Trung Quốc.

Giải thích về sự sống còn kỳ diệu của đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi Liên bang Xô Viết đã sụp đổ, chuyên gia về Trung Quốc, nhà chính trị học Hoa Kỳ David Sambaugh cho biết, để thực hiện một mô hình kinh tế chính trị chưa từng có : "xây dựng chủ nghĩa tư bản, nhưng không chấp nhận dân chủ", Bắc Kinh đã có một chiến lược rất thực dụng làm thay đổi sâu sắc thành phần của đảng Cộng sản. Chiến lược này đã biến đảng Cộng sản Trung Quốc, từ chỗ là đảng của nông dân và công nhân, nay trở thành đảng của tầng lớp tinh hoa, bao gồm trí thức và doanh nhân. Theo David Sambaugh, việc đưa giới tinh hoa vào cùng hưởng lợi trong giới cầm quyền là chính sách của Bắc Kinh, sau khủng hoảng Thiên An Môn, nhằm tránh một cuộc nổi dậy rộng khắp của dân chúng, và chính sách này đã thành công.

Nhà chính trị học David Sambaugh khẳng định, nếu giờ đây, đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thể hiện "khả năng thích ứng mềm dẻo" này, thì tình trạng hiện nay còn có thể kéo dài. Tuy nhiên, le Nouvel Oberservateur nhận xét, dưới cái vẻ bên ngoài tự mãn, tại Trung Quốc, nỗi hoài nghi đã phổ biến khắp mọi nơi.

Theo nhà luật học Yu Jianrong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các xung đột xã hội thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, để vãn hồi ổn định xã hội, cần cải cách khẩn cấp hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các quan chức mà ông có dịp chuyện trò khẳng định rằng hệ thống này là không thể cải cách được. Đây là trả lời của những quan chức hàng ngày đối mặt với những giận dữ của dân chúng vì bị tước đoạt đất đai. Trong số những người bất mãn, ngày càng có nhiều những người có học.

Theo một luật sư, nỗi sợ lớn nhất của nhà cầm quyền là sự liên kết giữa đám đông những người nổi dậy và những người bảo vệ nhân quyền, chính vì vậy, chính quyền trừng phạt rất mạnh tay những luật sư hay các nhà tranh đấu. Tuy nhiên, cũng theo luật sư này, khả năng khống chế của đảng Cộng sản ngày càng giảm sút với sự phát triển của internet.

Hịên tại, theo các con số chính thức, Bắc Kinh đã bỏ ra 514 tỷ nhân dân tệ (tương 55 tỷ euro) cho bộ máy an ninh và đàn áp, khoản tiền tương đương với chi phí quốc phòng. Vấn đề là, hiện nay, theo nhà sử học Chen Yen, Bắc Kinh càng ngày càng gặp khó khăn trong việc buộc xã hội phải tuân phục. Bởi, thực tế là, chỉ còn có một nhúm những người đứng đầu của hệ thống chính trị Trung Quốc còn thực sự tin tưởng vào cái mà họ gọi là "lợi ích của Nhà nước, của Dân tộc hay của Đảng". Còn lại tuyệt đại đa số quan chức không còn tin vào sự bền vững của chế độ, và chỉ nghĩ đến việc lợi dụng tối đa vị trí của mình hòng kiếm lợi. Việc mua quan bán tước trở thành phổ biến, thậm chí cả trong quân đội, ví dụ một chức hạ sĩ quan có thể mua được với giá 55 nghìn euro.

Theo nhà chính trị học Minxin Pei, Bắc Kinh là nạn nhân của chính thành công của mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm mọi thứ để chống lại tất cả những tác động từ bên ngoài, mọi cạnh tranh, mọi thách thức. Mà không có đối trọng, không có trách nhiệm trước ai khác, bộ máy của đảng và chính quyền chỉ có thể trở thành nơi hoành hành của tham nhũng. Bất chấp lời cảnh báo liên tiếp từ quyền lực trung ương về căn bệnh ung thư của tham nhũng, tham nhũng vẫn di thực vào khắp các ngõ ngách trong bộ máy Nhà nước.

Vấn đề chủ yếu đặt ra, theo nhà chính trị David Sambaugh, không phải là xem xem đảng Cộng sản có thể kiểm soát được xã hội nữa hay không, mà là đảng Cộng sản có thể tự kiểm soát nối chính mình hay không.

"Những nỗi hoảng hốt của chú Sam"

Tiếp theo cái nhìn về riêng Trung Quốc, tuần báo Le Nouvel Observateur cũng chú ý đến cái nhìn về quan hệ Mỹ – Trung Quốc. "Những nỗi hoảng hốt của chú Sam" hay nước Trung Quốc mới sẽ là một đối tác hay đối thủ Mỹ, là chủ đề của bài viết do thông tin viên tuần báo gửi về từ Hoa Kỳ.

Hình ảnh về Trung Quốc trong con mắt giới chuyên gia Hoa Kỳ hết sức đa dạng. Nói một cách hài hước, theo ông Stefan Halper, người đã từng làm việc tại Nhà trắng dưới các chính quyền Nixon, Ford và Reagan, trong số các quan điểm này có thể kể đến : nhóm "blue team", gồm những người ám ảnh bởi đe dọa quân sự của Trung Quốc ; nhóm "panda bashers", cũng là những người chia sẻ nỗi ám ảnh này ; nhóm "panda huggers", ngược lại, muốn xây dựng quan hệ hữu nghị. Và không thể bỏ qua nhóm những đệ tử của "kịch bản kết thúc tốt đẹp", với việc tin tưởng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc tự nó có thể sinh ra nền dân chủ và các đệ tử của "kịch bản đảo lộn toàn bộ", cho rằng Trung Quốc đang bên bờ sụp đổ kinh tế và chính trị.

Theo Le Nouvel Observateur, đầu thế kỷ XXI, quan điểm của các thủ lĩnh của nhóm "blue team", gồm chủ yếu những người theo trường phái tân bảo thủ về cuộc đồi đầu giữa các khối vẫn còn nguyên giá trị. Hoặc Hoa Kỳ sẽ chiến thắng, hoặc Trung Quốc sẽ áp đặt các giá trị cho thế giới tự do. Tuy nhiên, những thay đổi kỳ lạ của lịch sử mà Trung Quốc mang lại khiến cho những lập luận này hiện tại không còn đứng được nữa.

Ông Stefan Halper nhận xét, sự lớn mạnh của Trung Quốc khiến phương Tây bị thu hẹp lại. Cũng có nghĩa là các giá trị của phương Tây không còn mang tính phổ quát cho toàn nhân loại. Mô hình cai trị độc đoán của Trung Quốc trở nên hấp dẫn đối với nhiều chế độ muốn gắn liền sự phát triển của kinh tế tư bản với việc ngăn chặn tự do cá nhân.

Martin Jacques, một nhà báo Anh rất được đọc tại Hoa Kỳ thì nêu cao kịch bản Trung Quốc sẽ thống trị một thế giới ngày càng trở nên mang tính phương Đông hơn.

Trong khi đó, phần lớn các chuyên gia được phỏng vấn đều cho rằng, khả năng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong vòng mười đến 15 năm tới, kể cả liên quan đến Đài Loan, rất khó có khả năng xảy ra, bởi Hoa Kỳ sẽ vẫn giữ ưu thế áp đảo về quân sự trong nhiều năm nữa.

Một vấn đề khác cũng đặt ra là tương lai nào cho nhóm hai siêu cường Mỹ – Trung Quốc. Lợi ích của Bắc Kinh và Washington ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đến mức nhiều người Mỹ lo ngại sự thất bại của Trung Quốc, bên cạnh nỗi sợ Trung Quốc thành công.

Một nỗi sợ khác của người Mỹ là Trung Quốc bắt chước mô hình Mỹ. Đối với những người có cách nhìn lạc quan, sẽ ngày càng có nhiều người Trung Quốc theo đạo Thiên Chúa, những nhà ly khai sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến xã hội. Tuy nhiên, thực tế đúng là ngày càng có nhiều người theo lối sống kiểu Mỹ, tiêu thụ kiểu Mỹ, chỉ có điều họ không đi theo hệ thống chính trị, hay theo tôn giáo của người Mỹ. Riêng việc nghĩ đến việc 1 tỷ người Trung Quốc dùng ô tô cá nhân là nỗi lo sợ của không ít người.

Ông Stefan Halper kết luận, thật ra, không có một bản sắc Trung Quốc có thể nhìn thấy được và một định hướng mà xã hội này đi theo, mà chúng ta có thể nắm bắt được. Trung Quốc chỉ là một tấm gương, đối với Hoa Kỳ và phương Tây. Không thể nào tưởng tượng được Trung Quốc, nếu phương Tây không đặt câu hỏi về chính mình. Vào giữa thế kỷ XXI này, dân cư các nước phát triển sẽ chỉ tăng lên 42 triệu, so với 2,3 tỷ dân của các nước nổi lên. 2/3 thậm chí ¾ tăng trưởng sẽ đến từ khu vực thứ hai này. Chính vì vậy, Phương Tây cần phải xem xét lại mối quan hệ của mình với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Kẻ thù của Phương Tây chính là thất bại của bản thân mình, chứ không phải là sự thành công của Trung Quốc.


Trọng Thành dịch / Nguồn RFI

No comments:

Post a Comment