Pages

2011/07/14

NGƯỜI NGOẠI QUỐC TỚI HỘI AN TỪ THẾ KỶ 17 ĐẾN 19

NGƯỜI NGOẠI QUỐC TỚI HỘI AN TỪ THẾ KỶ 17 ĐẾN 19

 GS. NGUYỄN VĂN XUÂN

 

 

Hội An thật sự được thành lập vào sơ niên thế kỷ XVI\I. Ngay từ những năm đầu, nó đã trực thuộc vào dinh trấn Thanh Chiêm ở cách đó chừng 10 cây số. Trấn này gọi là Quảng Nam, trước kia gồm các phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn; về sau, kết hợp phủ Điện Bàn thành ra bốn phủ. Vị đứng đầu dinh trấn trong nhiều năm, bao giờ cũng là các con Chúa và sau đều trở thành nguyên thủ tức là Chúa Nguyễn như Nguyễn Phước Nguyên, Phước Lan, Phước Tần... Do lẽ trấn quan trọng, giàu có (hồi đó rất nhiều vàng trên mặt đất, rừng có nhiều trầm hương quế, thú lạ) nên được thiên hạ ở tứ xứ đổ về buôn bán: Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp... Khách đến, ngoài việc mậu dịch còn có nhiều người chuyên về tôn giáo, du lịch, lánh nạn, mở đường thông thương...

Hội An được ưa chuộng còn vì một lẽ khá mới lạ đối với thời ấy nay còn được nhiều quốc gia ở Đông và Đông Nam Á tiếp diễn: Chúa Nguyễn xem nó như một đặc khu kinh tế, đặc khu thương mãi. Việc tổ chức ngoại kiều dành cho chính các người đứng đầu nhóm thương nhân theo qui hoạch

được Chúa qui định. Do đó, chúng ta thấy phố người Hoa đều lấy trưởng phố là ngoại kiều. Giai đoạn này có mấy sự việc lớn của xã hội Nhật Bản và Trung Quốc ảnh hưởng sâu rộng đến các giới người Hoa và Nhật Bản. Người Nhật thì bị Mạc phủ cấm đạo Thiên Chúa phải lánh sang Hội An, Đà Nẵng hành đạo. Người Hoa vì tổ quốc bị quân Mãn Thanh chiếm cứ, những người yêu nhà Minh, tổ chức công cuộc "Phản Thanh Phục Minh" phải vượt biển để tiếp tục kháng chiến hoặc để làm dân nhà Minh, phụng thờ nhà Minh. Người Nhật làm ăn phồn thịnh. Có nhiều nhân vật tiếng tăm của các đại tộc Chaya, Sotarô... tới lui và xây dựng sự nghiệp. Một người trong họ Sotarô đã cưới một công nữ của Chúa Nguyễn về sau đưa về Nhật trước khi chính quyền ra lệnh cấm tuyệt người Nhật xuất ngoại, sợ mang theo đạo Thiên Chúa về. Nhiều khách thương Nhật có vợ Việt cũng đưa vợ về ở Nhật, có lẽ tiêu biểu nhất là Ngụy Cửu Sử và Võ Thị Nghị.

Người Hoa thì thượng vàng hạ cám đều từng bước lấn chiếm Hội An, nhất là sau thập niên 30 thế kỷ XVI\I khi người Nhật rút lui. Ta có thể đoán từ thời quân Thanh đánh xuống Hoa Nam, có rất nhiều nhân vật tiếng tăm đã chạy ra ngoài và một số đáng kể theo.



Trịnh Thành Công khi viên tướng này đuổi người Hòa Lan và lập căn cứ địa ở Đài Loan. Cuộc kháng chiến kiên trì đòi hỏi quân nhu, quân dụng, cả lương thực, nên tất nhiên Hội An có cơ hội phát đạt. Trong những người theo họ Trịnh ở Đài Loan về sau chỉ còn thấy lưu lại một người, có tên là Lưu Thanh. Ông này cũng là thương gia lớn. Về sau, ông có nhờ Sư Thích Đại Sán xin với Chúa Nguyễn chức cai phủ quản lý hàng hóa ngoại quốc thu thuế hàng hóa nhập xuất Hội An nhưng bất thành.

Còn một nhân vật khác là Châu Thuần Thủy cũng đến Hội An nhân dịp này. Ông thuộc môn phái Vương Dương Minh, chủ trương Tri Hành Hợp Nhất rất nổi tiếng. Ông cũng thuộc "Phản Thanh Phục Minh" nhưng ở địa vị cao (cao tới đâu không ai biết được) và lẩn tránh ở Hội An để thực hiện các chủ trương bí mật. Ông muốn đóng góp vào việc giảng dạy nho giáo mới theo môn phái công, nhưng ít được  trí thức ta hâm mộ. Về sau, các thương gia Nhật biết ông có đại tài liền tìm cách đưa ông về Nhật. Mạc phủ rất trọng dụng, xem ông như quốc sư. Ông có viết rất nhiều sách để truyền vương học cho người Nhật, đến nay môn phái ấy vẫn còn với tên Nhật là Yomeiganu. Trong các tác phẩm của ông có tập "Annam Cung Dịch Kỷ Sự". Chúng ta đọc qua tập này có thể biết thêm về xã hội Việt Nam và cả Hội An đầu thế kỷ XVI\I.

Lừng lẫy nhất là năm 1695 khi nhà sư Thích Đại Sán sang "Quảng Nam Quốc" để nhận một vị Chúa Nguyễn - Nguyễn Phước Châu - làm đệ tử. Nhân công cuộc hành đạo, Đại Sán đã kết hợp với việc thương mãi lớn lao như chưa từng thấy và ông đã giàu có nay càng thêm giàu có lớn khiến trăm mắt cũng nhìn vào: kẻ bợ đỡ, người ganh ghét. Người ta gán cho ông hai chữ "yêu tăng" vì hành vi kỳ quái của một bậc đại sư tài trí và có trình độ văn học đáng kể. Ông có viết sách "Hải Ngoại Kỷ Sự" nổi tiếng được dịch và ấn hành năm 1965. Sách có giá trị sử liệu tốt. Cũng rất tốt là phần phụ lục của Giáo Sư Trần Kinh Hòa, cho biết rất nhiều chi tiết quái lạ về một cuộc đời và hành vi của nhà sư trong đó tất nhiên không thiếu công việc ông đã giúp Chúa Nguyễn cũng như đã thu thập quá nhiều lợi tức trong chuyến buôn không thuế năm 1695 và sẽ còn tiếp tục bởi các đồ đệ về sau. Để rồi cuối cuộc buôn bán với phủ chúa đã khiến ông kết thúc cuộc đời bi thảm: bị chính quyền đuổi ra khỏi Quảng Đông rồi Giang Tây hai lần vào năm 1702 và 1704. Lần sau chết trên đường lưu đày.

Sách "Hải Ngoại Kỷ Sự" cung cấp nhiều tư liệu - trong đó có Hội An – về nhiều phương diện của xã hội xứ Đàng Trong và thú vị không kém là cuộc đời Đại Sán mà câu đánh giá này rất đáng suy nghĩ: "Khá khen mà cũng khá chê nhiều, nhưng chúng ta cũng nhận thấy ông ta có một nhân cách phóng đãng không bó buộc" (*)

Cũng cần nói thêm, cho tới nay, biết và viết về Hội An, dù người Âu Mỹ hay Việt, không ai so được với Giáo Sư Trần Kinh Hòa mà chúng ta hân hạnh được xem ông như vị khách bậc nhất về Sử Học của Hội An đã từng đi qua Hội An vào đầu thế kỷ XX. (Ngoài những sách đã được dịch ra tiếng Việt còn các tư liệu quan trọng khác chưa công bố ở Việt Nam).



Người ngoại quốc Âu, Mỹ đến Hội An cũng rất nhiều, nhất là các giáo sĩ vào đầu thế kỷ XVI \ I , nổi tiếng như Buzomi, A de Rhodes... Các ông này đều ít nhiều có đóng góp vào việc tạo ra chữ quốc ngữ hay ngôn ngữ Việt Nam. Sự tích các ông, nhất là Rhodes chúng ta đã biết. Nổi tiếng nhất là Pierre Poivre người Pháp (nửa sau thế kỷ XVI\I). Ông này là một nhà học giả, triết gia, thương gia vào hạng cừ khôi. Ông lưu lại một xì căng đan (tai tiếng) cực lớn trong lịch sử bang giao Pháp - Việt, do sự tham nhũng của các quan thâu thuế và cả sự tham lam khủng khiếp của Hoàng Gia và cả của Chúa. Về người Việt thì ngoài các nhân vật nổi tiếng của phe chúa Nguyễn tới lui gần suốt cả hai thế kỷ, còn một phe Hội An nổi lên rực rỡ như chưa bao giờ xảy ra. Ấy là cuối thế kỷ XVI\I\I khi Tây Sơn nổi dậy phá dinh Trấn Thanh Chiêm rồi quân Trịnh vào phá phủ Chúa Phú Xuân, Chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng Nam. Trấn lỵ bấy giờ đặt ở Hội An. Anh em Nguyễn Nhạc bắt được Hoàng Tôn Dương đưa về Hội An để chuẩn bị lập Chúa thay Nguyễn Phúc Thuần bị Trương Phúc Loan chèn ép. Quân Trịnh vào đánh nhau với Tây Sơn ở Cẩm Sa rồi kéo về đuổi Nhạc ra khỏi Hội An, nơi được xem như kinh đô lâm thời của họ Nguyễn dưới ảnh hưởng Tây Sơn.

Cũng từng đến Hội An là những tướng tá tiến sĩ phe Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài do một vị tiến sĩ danh vọng là xuân quận công Nguyễn Nghiễm cấm đầu. (Nguyễn Nghiễm là cha thi hào Nguyễn Du), tên tuổi các vị này còn uy nghiêm đề trên một bài thơ dài (do Nguyễn Nghiễm sáng tác) được khắc trên một bức hoành lớn treo trước chùa Quan Công - Hội An.

Tuy sử không ghi, nhưng chắc chắn Hoàng Tử Cảnh đã vào Hội An khi đưa quân về đánh Quảng Nam. Vì tại đó phải lập chỗ hành tại thay cho dinh trấn Thanh Chiêm. Ông về thăm quê mẹ, nơi sau này có đền thờ và được mệnh danh "Đền Thờ Bà Mẹ Gia Long". Ông có mang về hài cốt (chắc của vợ chồng Tống Phước Khuông) và chôn gần đền thờ ở làng An Quán đền bị lở xuống sông, cả hai ngôi mộ cũng biến mất.

Sau khi Gia Long lên ngôi, tiếp tục có nhiều thương khách hoàng gia đến Hội An. Nổi tiếng nhất là sự kiện Minh Mạng ngư giá Hội An vào thập niên 20 thế kỷ XIX. Nhà vua có cho đền thờ Quan Công ba trăm lạng bạc để sửa chữa do bị chiến tranh làm sụp đổ. Các thương gia Trung Hoa, Minh Hương có tổ chức hát bội để vua Ngự Lãm. Không rõ hát bội Ta hay Tàu (tuồng Tiều). Có lẽ của ta vì vào thời ấy, hát tuồng ta đã khá thịnh và có nhiều đào kép nổi tiếng.

 

Nguyễn Văn Xuân

(*) Về Đại Sán (Hải Ngoại Kỷ Sử) xin xem trong bài Khảo Cứu ở cuốn sách của Giáo Sư Trần Kinh Hòa: Sư Đại Sán, nhân phẩm và việc làm. Sư Đại Sán du hành đến Quảng Nam, từ trang 244 đến 275.

No comments:

Post a Comment