Pages

2011/10/05

Người Việt hải ngoại có thể Truy tố tội ác Cộng sản trước các Tòa án quốc tế không ?

Người Việt hải ngoại có thể Truy tố tội ác Cộng sản trước các Tòa án quốc tế không ?


2011-09-23 | | Quê Mẹ

PARIS, ngày 23.9.2011 (QUÊ MẸ) - Trong thời gian qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhận được rất nhiều thư của bạn đọc khắp năm châu gửi về hỏi Người Việt hải ngoại có khả năng Truy tố tội ác Cộng sản trước các Tòa án quốc tế không ? Nếu được thì phải làm sao, làm gì ?

Thật thế, từ 20 năm qua nhiều cá nhân hay đoàn thể công bố ý định thu tập hồ sơ và đưa Cộng sản Việt Nam ra kiện trước Tòa án quốc tế về những tội ác mà Đảng vi phạm đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế, v.v… Tuy nhiên cho tới nay, chưa thấy các cá nhân hay đoàn thể ấy công bố việc kiện tụng ấy đi đến đâu, thành quả ra sao.

Do sự có mặt và hoạt động trên trường quốc tế 36 năm qua, chúng tôi xin được trả lời việc truy tố tội ác Cộng sản trước các tòa án quốc tế có thể thực hiện hay không.

Trước hết các tòa án quốc tế là tòa án nào ? Có hai tòa án quốc tế :

Một là, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ, the International Court of Justice), trụ sở đặt tại Hòa Lan ở thành phố The Hague, là một cơ quan thuộc LHQ ra đời năm 1945 chiếu theo Hiến chương LHQ. Tòa án này bắt đầu hoạt động từ tháng tư năm 1946. Vai trò của tòa là áp dụng các luật pháp quốc tế để dàn xếp pháp lý các tranh chấp do các quốc gia đệ trình, và cho những ý kiến tham vấn trên các vấn nạn pháp lý đến từ những cơ cấu có thực quyền của LHQ hoặc các sở cục chuyên biệt.

Như vậy các cá nhân hay đoàn thể, tổ chức của người Việt hải ngoại không thể truy tố nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước Tòa án Công lý Quốc tế. Ngoại trừ các cá nhân hay đoàn thể, tổ chức của người Việt hải ngoại vận động được một quốc gia nào đó trong thế giới chấp thuận thay cá nhân hay đoàn thể, tổ chức của người Việt hải ngoại đứng tên kiện nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Nói tóm, Tòa án Công lý Quốc tế chỉ thụ lý hồ sơ của một quốc gia kiện một quốc gia khác.

Hai là, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC, the International Criminal Court) ra đời theo Quy chế Rome ký ngày 17.7.1998, nhưng chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2002. Tòa án Hình sự Quốc tế có quyềnlực pháp lý xét xử nạn diệt chủng, các tội ác chống nhân loại, và tội phạm chiến tranh xẩy ra sau ngày 1.7.2002, nghĩa là ngày Tòa án Công lý Quốc tế có hiệu lực. Như thế thì việc kiện các vụ xẩy ra trước ngày 1.7.2002, chẳng hạn như Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế là bất khả thi.

Trái lại với Tòa án Công lý Quốc tế, tại Tòa án Hình sự Quốc tế, các cá nhân, đoàn thể, tổ chức Phi chính phủ có quyền nộp đơn kiện, với điều kiện quốc gia đưa ra kiện đã tham gia ký kết Quy chế Rome. Việt Nam chưa tham gia ký kết quy chế này. Vậy thì trong trường hợp muốn kiện Việt Nam Cộng sản và để cho Tòa án Hình sự Quốc tế có thể thụ lý hồ sơ về những tội ác vi phạm tại Việt Nam sau ngày 1.7.2002, cần phải được Hội đồng Bảo an LHQ chuyển sự vụ đến Tòa án Hình sự Quốc tế (như việc đã xẩy ra cho Libya và Sudan-Dafur).

Xem thế những nỗ lực mà từ 20 năm qua một số cá nhân, đoàn thể người Việt công bố ý định truy tố tội ác Cộng sản nhưng chẳng đưa tới một kết quả nào, là vì những cá nhân hay đoàn thể này chỉ xuất phát từ ý chí chống Cộng, nhưng lại không am hiểu các cơ cấu pháp lý quốc tế đáp ứng hay không với ước muốn của mình.

Cho nên, hưởng ứng ý định truy tố tội ác Cộng sản là việc đáng làm, phải làm, cần làm khẩn cấp, nhưng chớ mất thì giờ, mất tiền bạc cho những cuộc quyên góp nói là "Kiện Cộng sản trước các tòa án quốc tế" nhưng thực tế chỉ nhằm lợi dụng lòng căm thù cộng sản của quần chúng để dấy động các viễn đồ phe phái, hơn là quan tâm thực hiện công lý quốc tế trong việc truy tố tội ác Cộng sản.

Trên mặt pháp lý, sáu chữ "Truy tố tội ác Cộng sản" rất mơ hồ. Tại các pháp đình quốc gia hay quốc tế, ai cũng có quyền truy tố một cá nhân cộng sản, tên Nguyễn Văn X chẳng hạn, với đầy đủ hồ sơ, chứng liệu, nhân chứng. Song chẳng có pháp đình nào xử "tội ác Cộng sản" khơi khơi, nửa vời như thế. Pháp đình cần biết tội ác gì, vào lúc nào và do AI phạm.

Năm 2009 trong một bức thư viết ngày 29.5.2009 đề cập tới nhiều vấn đề tranh đấu cho nhân quyền gửi ông chính trị gia Nguyễn Quốc Nam tại Paris, chúng tôi đưa ra một trong 4 góp ý về việc ông Nam tổ chức bữa cơm gây qũy tại chùa Khánh Anh và kêu gọi đóng góp cho Hồ sơ Kiện Hà Nội tại LHQ, mà ông Nam gọi là "HỒ SƠ vô cùng quan trọng (…) Làmđượcđiềuđó,chúng ta mới cóđượcTƯ THẾ CHỦĐỘNGđánh vào MỘT TRONG NHỮNGTỮ HUYỆTcủa tậpđoàn MafiaHà Nội" (chúng tôi dẫn nguyên câu ông Nam kêu gọi với các lỗi chính tả và cách ông viết hoa).

Lúc ấy chúng tôi đã khẳng định với ông Nguyễn Quốc Nam rằng :

"Tôi dám khẳng định 99% là hồ sơ các anh sắp nộp, sau khi nhận được mẩu biên lai, là chìm vào hố lãng quên. Vì các cơ cấu nhân quyền LHQ chẳng giúp gì cho các anh, thêm Trục Cực Quyền sẽ tẩy phá tất cả những chi các anh dự tính.

"Cho nên tôi rất e sợ câu viết của anh tuy rôm rả, hay ho : "HỒ SƠ vô cùng quan trọng (…) Làmđượcđiềuđó,chúng ta mới cóđượcTƯ THẾ CHỦĐỘNGđánh vào MỘT TRONG NHỮNGTỮ HUYỆTcủa tậpđoàn MafiaHà Nội". Nếu anh không thực hiện được 20% của ý muốn sẽ làm thất vọng quần chúng đấu tranh đang trông đợi ở sự khôn ngoan, giỏi giắn và chuyên nghiệp của anh và các bạn".

Quả như thế, hai năm qua, không thấy ông Nguyễn Quốc Nam cho đồng bào biết tiền bạc thu được dùng vào việc gì, cuộc kiện tụng ấy đi đến đâu, kết quả ra sao ?

Như thế thì pháp lý quốc tế chẳng đáp ứng gì cho việc truy tố tội ác cộng sản Việt Nam hay sao ?

Có nhưng khó khăn và phức tạp.

Pháp lý quốc tế là nguyên tắc được chấp nhận từ cuối Thế chiến thứ hai đối với một số tội ác như nạn diệt chủng, chiến tranh, tra tấn, mất tích… khiến nhân loại tổn thương. Các tội ác này có thể đưa ra xử tại bất cứ quốc gia nào. Tốt hơn hết là các tội ác này được xử tại các nước sở tại. Nhưng nếu không thể thực hiện các vụ xử, như tại Việt Nam cộng sản ngày nay, bất cứ ai cũng có thể nộp đơn kiện tại một nước thứ ba – thuật ngữ gọi là "Forum state".

Đã có 125 quốc gia tham gia ký kết Pháp lý quốc tế và đặt pháp lý này trong khuôn khổ luật pháp quốc gia, từ đó trở thành Forum state để thụ lý các hồ sơ thưa kiện của nạn nhân hay các tổ chức Phi chính phủ. Hiện nay, Châu Âu là các quốc gia dễ dàng chấp nhận việc thưa kiện này. Tuy nhiên việc thụ lý rất phức tạp, do mỗi quốc gia có một cách hành xử riêng, và thời gian thưa kiện khá dài. Những khó khăn, phức tạp gồm có :

1. Thời hiệubị giới hạn : những sự kiện tranh tụng không được xẩy ra quá lâu. Ở Pháp giới hạn là 10 năm, ở Đức 20 năm. Ít có quốc gia nào chấp nhận quá thời gian ấy. Do đó, tranh tụng vụ Cải cách Ruộng đất hay Mậu Thân Huế không thể thực hiện.

2. Sự có mặt của bị can : Bị can phải có mặt tại tòa án của quốc gia thứ ba (Forum State) vào lúc thụ lý đơn kiện (như ở Pháp), vào lúc thụ lý đơn kiện và trong thời gian điều tra (như ở Canada, Hòa Lan), hoặc lúc tòa xét xử (như ở Đức, Tây Ban Nha, Tiệp, Ỳ Đại Lợi, Na Uy).

3. Hồ sơ vững chắc : Để một nước thứ ba (Forum state) thụ lý đơn kiện, hồ sơ phải vững chắc, với sự có mặt của nhân chứng (First hand witnesses) hay các gia đình người bị giết, những chứng cớ phạm tội của bị can. Không thể sử dụng các phúc trình hay những nhân chứng ngoại cuộc thứ ba.

4. Quyền miễn trừ ngoại giao : Các vị Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng được miễn trừ ngoại giao, không ai được truy tố, ngoại trừ tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Nhưng lắm khi các quốc gia thứ ba cho quyền miễn trừ các cựu bộ trưởng. Chẳng hạn năm 2004, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền truy tố ông Donald Rumsfeld, cựu Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, về những tội ác tại Iraq, nhưng Pháp đã cho quyền miễn trừ và bác bỏ đơn kiện.

5. Áp lực chính trị : Trong nhiều trường hợp quốc gia thứ ba (Forum state) không muốn áp dụng pháp lý quốc tế vì nguy hại đến liên hệ ngoại giao. Ví dụ năm 2003 đơn kiện truy tố ông Tommy Franks, Chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ tại Iraq, ở Vương quốc Bỉ. Nhưng Bỉ đã bác bỏ ngay, vì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Donald Rumfelds, hăm dọa nếu Bỉ thụ lý hồ sơ, Hoa Kỳ sẽ dời trụ sở OTAN ở Bỉ sang một quốc gia khác.

Riêng tại Hoa Kỳ, có hai sắc luật mà người Việt tị nạn có thể dùng để truy tố, đó là :

1. Alien Tort Claim Act (ATCA) ra đời từ năm 1798. Đây là trình tự tố tụng trong vụ kiện dân sự, chứ không phải hình sự. Những người chưa phải là công dân Hoa Kỳ có thể đâm đơn kiện những công dân nước khác (Việt Cộng chẳng hạn), mà không bị thời hiệu giới hạn. Tuy nhiên bị can phải vào Hoa Kỳ lúc đơn kiện được thụ lý. Hơn 200 năm qua chỉ có vài trường hợp thành công mà thôi.

2. Torture Victim Prevention Act được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1991. Tuy nhiên các sự kiện truy tố không được xẩy ra quá 10 năm.

Kết luận :

Điều quan tâm và phải truy tố tức khắc là những vi phạm ĐANG xẩy ra trong nước (các vi phạm nhân quyền đối với mọi giới kể cả thiếu nhi và phụ nữ, các vụ đàn áp tôn giáo, đàn áp người sắc tộc, đàn áp người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, v.v…).

Vì sao cứ lôi kéo những "tội ác Cộng sản" xẩy ra bốn chục, năm chục năm trước, đã quá thời hiệu, trong khi im lặng hay làm ngơ trước các tội ác, cũng của chế độ Cộng sản, ĐANG xẩy ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam ?!

Không thể kêu gào "Truy tố tội ác Cộng sản" đồng thời với những lời công kích trên Paltalk, hay bài viết tung lên Mạng Internet hằng ngày đánh phá các đoàn thể, tôn giáo thuộc phe dân tộc, mà hậu quả thấy rõ chỉ làm phân hóa và ly gián Cộng đồng Người Việt Hải ngoại. Dù lời công kích, bài viết hóa trang dưới mỹ từ "Chống Cộng".

Thực tế, các lối công kích hay bài viết như thế cho đến nay vốn xuất phát từ cơ quan phản gián của Bộ Công an Hà Nội, chẳng hạn như A16 thuộc Bộ Công an, tương đương với X15 Cục 2 Bộ Quốc phòng chuyên trách biên soạn tài liệu phản gián giả (thông tin giả, tư liệu giả, hình ảnh giả, nhằm ly gián Cộng đồng người Việt hải ngoại và bôi nhọ, vu hãm các nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ trong và ngoài nước, mà chúng ta thấy phát hành thường trực trên Mạng qua một số Cây bút "chống Cộng" hay Trang nhà "chống Cộng" hiện hữu tại Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi.

Không thể tiếp tục gọi kêu suông cho việc "Truy tố tội ác Cộng sản" hay gọi kêu "Đoàn kết", khi bản thân các tay viết hay trang nhà nói trên chưa hề có một Hành Động Chống Chia rẽ nào cả, chưa từng tham gia tố cáo Hà Nội trong các tội phạm hiện tại trên các Diễn đàn thế giới.

http://bit.ly/pAUUVY

No comments:

Post a Comment