Pages

2012/08/19

Cái Rốn Của Vũ Trụ


Trần Tiên Long

Bài Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 của tác giả Nguyễn Long Thao đã khẳng định một kiểu cách suy luận đặc thù Thiên Chúa giáo xem mình quan trọng như là cái rốn của vũ trụ, hệ quả của một nền giáo dục theo văn hóa Thiên La Đắc Lộ. Một lực sĩ chạy đua đã thắng giải huy chương vàng Olympic vì có sự can thiệp của một tác nhân thiêng liêng, không phải do công sức của lực sĩ. Đó cũng là lối lập luận tiêu biểu thường hay gặp ở trong các diễn đàn. Bởi vì nó quá tiêu biểu và rất phổ biến nên việc bàn về nó có lẽ không phải là một việc hoàn toàn vô bổ.

Thực vậy, một trong 20 lý do được tác giả Chaz Bufe nêu ra để làm căn bản cho quyết định của ông từ bỏ Thiên Chúa giáo là tính ích kỷ, tự cao tự đại, ngạo mạn, tưởng mình là trọng tâm của vũ trụ. Tác giả viết:
"Một sự thể hiện khác của Thiên Chúa giáo về ý tưởng cho mình là trọng tâm của vũ trụ chính là niềm tin vào một Thiên Chúa thường hay bận tâm vào những điều nhỏ nhặt, tầm thường, và hay trực tiếp can thiệp vào cuộc sống của cá nhân con người. Nếu Thiên Chúa, đấng sáng tạo và cai quản vũ trụ, quan tâm sống chết với cả cuộc sống tình dục của bạn thì chắc chắn bạn phải là một nhân vật vô cùng quan trọng. Nhiều người Thiên Chúa giáo còn đem quan điểm tự tôn cao ngạo này đi xa hơn nữa, và họ hiện còn tưởng tượng rằng Thiên Chúa có một kế hoạch cho họ, hoặc Thiên Chúa đang trực tiếp nói với họ, sai khiến họ, hoặc ngay cả thiên vị cho riêng họ. Nếu một người bỏ qua những mâu thuẫn thường thấy rất rõ ràng của điều được gọi là sự hướng dẫn thần thánh và bỏ qua các xác chết đôi khi được bỏ lại sau khi đã nhận thức, hắn có thể tin tưởng rằng những người đưa ra các tuyên bố như vậy đều do sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Nhưng người ta không thể bỏ qua những điều mâu thuẫn và các hệ quả rất kinh khủng của sự hướng dẫn thần thánh đó. Như nhân vật Mulder nói trong một đoạn phim khoa học giả tưởng X-files năm 1998 rằng, "Khi bạn nói với Thiên Chúa thì đó là lời cầu xin, nhưng khi Thiên Chúa nói với bạn thì đó là sự điên loạn về tâm thần. Thiên Chúa có thể có lý lẽ, nhưng có vẻ như Ngài đang xử dụng rất nhiều kẻ điên khùng để thi hành các mệnh lệnh cho công việc của Ngài."" (Nguồn: http://www.seesharppress.com/20reasons.html )

Một người bạn của Chaz Bufe, sau khi đọc bản thảo của cuốn 20 Lý Do Để Từ Bỏ Thiên Chúa Giáo, đã góp ý như sau:
"Người chị dâu của tôi theo đạo Tin Lành Mormon có lần đã nói với tôi rằng Thiên Chúa đã tìm chỗ đậu xe cho chị ngay cửa ra vào của siêu thị Wal-Mart. Ít năm sau chị bị bệnh ung thư bướu óc, tôi đã phải kết luận rằng có lẽ Thiên Chúa quá mệt mõi tìm chỗ đậu xe cho chị nên đã ban cho chị bệnh ung thư bướu óc để chị có thẻ được đậu xe ở chỗ của những người tàn phế. Như triết gia Nietzsche đã viết trong cuốn Chống Đức Ki-tô - The Anti-Christ - rằng: "những kẻ đạo đức giả tầm thường nhỏ mọn và những kẻ nửa điên nửa khùng đó cả gan dám tin tưởng rằng các định luật trong thiên nhiên thường xuyên bị vi phạm cho quyền lợi của họ - một kiểu cách đề cao tính ích kỷ đến vô cùng tận, vô cùng láo xược, không thể được đóng nhãn đầy đủ bằng sự khinh miệt. Và tuy nhiên, Thiên Chúa giáo chiến thắng nhờ sự vuốt ve đáng khinh cho tính kiêu ngạo của cá nhân con người." (Nguồn: http://www.seesharppress.com/20reasons.html )

Như vậy, con người đối với trái đất chỉ là những con vi khuẩn bò lang thang vô nghĩa; và trái đất nếu sánh với vũ trụ cũng chỉ là một hạt cát nằm trong lòng biển đại dương. Nếu chúng ta chết thì cũng chẳng làm trái đất này thay đổi một chút mảy may nào, hoặc nếu trái đất này có tan biến thì vũ trụ này cũng vẫn vậy.

Nhưng người Thiên Chúa giáo lại không chấp nhận những sự kiện hiển nhiên như vậy. Họ tin rằng chính họ đang là cái rốn của vũ trụ, vì Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và mọi loài để phục vụ cho quyền lợi của họ. Vì thương yêu họ mà Thiên Chúa đã sai con một là đức Giê-su xuống trần gian làm người, chịu chết nhục nhã và đau đớn trên cây thập giá để chuộc cho họ cái tội mà họ gọi là tội tổ tông. Họ còn có thể sai khiến cả đấng Sáng Tạo toàn năng làm theo ý muốn của họ, bắt buộc các định luật thiên nhiên phải ngừng hoạt động trong chốc lát để tạo ra các phép lạ. Nữ lực sĩ Meseret Defar của Ethiopia thắng giải huy chương vàng Olympic vì đã phó thác cuộc tranh tài của mình vào quyền năng của Chúa. Như vậy, có nghĩa là chỉ có nàng là người được Thiên Chúa chọn lựa yêu thương cách riêng cho thắng giải; còn những kẻ khác thua cuộc tất cả đều là những thứ đồ bỏ trong con mắt của Thiên Chúa, cho dù có lẽ họ cũng tin tưởng và cầu xin chẳng kém gì nàng. Từ xưa nay, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ, có lực sĩ Việt Nam nào thắng giải huy chường vàng Olympic chạy nhanh, cho dù đức tin và lòng trông cậy vào Chúa quan phòng của giáo dân VN có vững mạnh tới mức cỡ nào, điển hình là đã có đến 300.000 các thánh tử đạo VN liều chết cho đức tin của họ. Phải chăng vì đức tin của họ chưa vững mạnh bằng đức tin của các tín hữu người Phi Châu?

Vatican ước tính có từ 130.000 đến 300.000 các thánh tử đạo VN. Giáo Hoàng John Paul II
đã chính thức phong thánh cho 117 vị vào ngày 19 tháng 6 năm 1988

Mặc dù là những sự kiện hiển nhiên, rành rành trước mắt, nhưng người Thiên Chúa giáo lại có quá nhiều khó khăn để chấp nhận. Chẳng hạn, nếu có 100 lực sĩ chạy đua thì chắc chắn phải có một người thắng cuộc, không thể có cả 100 người cùng đứng nhất. Cũng vậy, khi một quả banh được quất xa bởi người đánh gôn thì chắc chắn nó sẽ rớt xuống và nằm trên một cọng cỏ nào đó. Chẳng có điều gì làm chúng ta ngạc nhiên và thán phục để phải thắc mắc rằng, thật là kỳ diệu, tại sao quả banh đó chỉ nằm ở trên ngọn cỏ này mà không nằm ở trên ngọn cỏ khác. Người ta chỉ ngạc nhiên và thán phục nếu người chơi gôn bị bịt mắt, xoay quanh ba vòng trước khi quất banh, và phải nói trước rằng quả banh đó sẽ rớt nằm ở một ngọn cỏ nào nhất định.

Có phải mọi sự xảy ra trong trời đất đều do thánh ý của Thiên Chúa, kể cả một sợi tóc rơi rụng? Nhưng không ai có thể trả lời được câu hỏi rằng tại sao Thiên Chúa chỉ chọn nàng lực sĩ Meseret Defar thay vì một lực sĩ nào khác? Tại sao Thiên Chúa không thương yêu đồng đều các con cái của ngài, cho dù các con cái khác cũng có niềm tin và phó thác chẳng thua gì nàng lực sĩ Meseret Defar? Sự dữ hay điều tốt lành có thể xảy đến đồng đều cho tất cả mọi người, bất kể người có đức tin hay không. Hơn 200.000 người bị dìm chết trong một trận sóng thần ở Nam Dương, có phải vì họ không được Thiên Chúa yêu thương? Có một số người được cứu sống, có phải vì chỉ họ mới có niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng? Người ta thường nhân danh Thượng Đế để làm đủ mọi chuyện, kể cả việc gây chiến tranh, ôm bom nổ, thiêu sống các phù thủy và những kẻ dị giáo không tin vào Thiên Chúa của họ.

Nếu việc gì cũng do Thiên Chúa quyết định thì con người không có ý chí tự do để làm bất cứ một điều gì; do đó, phần thưởng thiên đàng hay hình phạt đời đời kiếp kiếp trong địa ngục sẽ trở thành vô nghĩa. Và cái cúp vàng cho nàng lực sĩ Meseret Defar sẽ chẳng còn xứng đáng là một vinh dự gì cho nàng lực sĩ đã bỏ công sức khổ luyện từ bao nhiêu năm trước.

Những lý do mà các nhà biện giải cho Thiên Chúa giáo thường trưng ra để biện minh, lý giải cho sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng có thể hoàn toàn được áp dụng biện minh cho sự hiện hữu của bất cứ một thần thánh nào khác, kể cả các thần bình vôi, thần cây đa, sơn thần, thủy thần, hoặc ông kẹ, ông táo, ông già Noel, hoặc cả nàng kỳ lân mầu tím vô hình. Mặc dù vậy, chẳng có ai trong chúng ta còn tin vào sự hiện hữu của những thần linh này. Bởi vậy, trong ngôn ngữ hằng ngày của văn hóa Tây phương, những người không tin Thiên Chúa của họ đều được gọi là những kẻ vô thần.

Thực ra, tất cả chúng ta đều là những kẻ vô thần, chỉ khác nhau duy nhất ở một điều, rằng người này thì tin nhiều hay ít hơn một vị thần đối với những người khác. Người Thiên Chúa giáo gọi những người cỗ Hy Lạp tin các thần linh Jupiter, Hercules, Neptune, Zeus… là những kẻ vô thần. Ngày nay, vì chẳng ai còn tin vào các thần linh đó nữa nên chúng ta có thể báng bổ và xúc phạm đến các vị thần này mà chẳng có ai lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, trong con mắt của người cỗ Hy Lạp, chúng ta lại là những kẻ vô thần vì không tin vào những thần linh của họ. Ngày xưa, người cỗ Hy Lạp cũng cầu xin thần thánh của họ trước khi bắt đầu một cuộc tranh tài hoặc trước khi ra trận chiến, hoàn toàn giống như những người Thiên Chúa giáo cầu xin cùng Thiên Chúa của họ.

Người Thiên Chúa giáo tin nhiều hơn người vô thần một thần linh là Thiên Chúa; nhưng người vô thần tin tưởng hơn họ ở rất nhiều điều: đó là khả năng của trí tuệ và sự phán xét của lương tâm. Lý trí của con người thì giới hạn, có thể đưa đến sự phán đoán sai lầm cần phải điều chỉnh, cũng giống như Thiên Chúa bất tài của Thiên Chúa giáo đã làm vô số những điều sai lầm cần phải sửa đổi bằng các phép lạ, có khi còn sửa đổi theo ý muốn của loài thụ tạo, có khả năng rất giới hạn, thân phận hèn mọn như những loài sâu bọ; nhưng lại ngạo mạn, hợm hĩnh, tưởng mình còn khôn hơn cả đấng Càn Khôn. Lòng công bằng vô cùng của Thiên Chúa phải chào thua lòng tham nhũng, tính nịnh bợ và thói tâng bốc vuốt ve của con người.

Vậy chính con người đang là Thượng Đế, chứ chẳng phải Thiên Chúa hay bất cứ một vị thần thánh nào cả. Những Thượng Đế có tên gọi như Thiên Chúa, Jehovah, Allah, Brahman… tất cả đơn giản đều là sản phẩm tưởng tượng để phục vụ cho lòng ham muốn và tính đồng bóng của con người./.


Trần Tiên Long

No comments:

Post a Comment