Pages

2014/11/16

Nhật Ký Biển Đông: Thế Giới Bên Bờ Hiểm Nguy

Nhật Ký Biển Đông: Thế Giới Bên Bờ Hiểm Nguy

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầuTháng 11 ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

-Reuters ngày 2/11/2014: "Trung Quốc đã thử thành công hệ thống phòng thủ bằng tia laser tự điều khiển để bắn hạ các máy bay không người lái tầm thấp trong vòng bán kính 1.2 dặm Anh và chỉ cần năm giây để xác định mục tiêu."

-Business Insider ngày 6/11/2014: "Nga đang gửi thêm binh sĩ tới biên giới phía đông Ukraina, bao gồm các đơn vị có trang bị hỏa tiễn đạn đạo trong nỗ lực làm bất ổn tình hình hầu hỗ trợ cho lực lượng ly khai thân Nga. Chuyển động này trùng hợp với việc số lượng chuyến bay của các oanh tạc cơ chiến lược mang bom nguyên tử gia tăng bất thường dọc theo bờ biển miền đông của vùng bắc Âu Châu mà các chỉ huy quân sự của NATO gọi đó là tín hiệu có tính chiến lược gửi cho Phương Tây."  

-AFP ngày 6/11/2014: Trong bài viết nhan đề " Gorbachev dùng sự ăn mừng Bức Tường Bá Linh xụp đổ để bênh vực Putin"  (Gorbachev to use Berlin Wall festivities to defend Putin)  AFP đã đăng lại tuyên bố của Ô. Gorbachev với Interfax vào Thứ Năm, trong khi ông trên đường tới Bá Linh để tham dự ngày tưởng niệm Bức Tường Bá Linh xụp đổ như sau, "Nga đồng ý về mối liên hệ mới và sáng tạo những cấu trúc hợp tác. Mọi chuyện đều tốt đẹp nhưng không một ai ở Hoa Kỳ thích cả. Họ (Washington) muốn một tình thế khác cho phép họ can thiệp khắp nơi mà không cần biết tốt hay xấu." Trong buổi lễ tưởng niệm này ông tuyên bố, "Hoa Kỳ và Âu Châu một phần chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Ukraina vì NATO muốn bành trướng về phía Đông Âu. Và cuộc đối đầu Nga-Mỹ đã khiến thế giới đang ở trên bờ vực của cuộc Chiến Tranh Lạnh."

 -VOA tiếng Việt ngày 7/11/2014: " Vướng vào thế đối đầu gay gắt với Phương Tây về cuộc nổi loạn của phe thân Nga đang diễn ra ở Ukraine, Moscow cho biết họ sẽ tẩy chay một hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân quốc tế sắp tới ở Mỹ."  

-VietnamPlus ngày 7/11/2014: "Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời nhà chức trách Kiev ngày 7/11 tuyên bố một đoàn 32 chiếc xe tăng và vũ khí hạng nặng đã tiến vào Ukraine từ phía Nga sau khi những vụ giao tranh mới nhất làm 5 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và ít nhất 31 người khác bị thương. Người phát ngôn quân đội Andriy Lysenko khẳng định đoàn xe đã vượt qua đường biên giới đi vào khu vực Lugansk do quân ly khai kiểm soát vào ngày 6/11." Business Insider cho biết Tổng Thống Putin đã quyết định một ngày sau khi họp với các giới chức quốc phòng cao cấp vì tình hình Đông Ukraina đã trở nên tồi tệ với những đợt pháo kích dữ dội của Ukraina vào Donetsk.  

-Voice of Russia ngày 8/11/2014:" Nga và Nhật Bản đã công bố dự định tiếp tục hợp tác đầu tư, bất chấp những biện pháp trừng phạt, - đó là tuyên bố của ông Aleksei Ulyukaev đứng đầu Bộ Phát triển Kinh tế LB Nga theo kết quả cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoichi Miyazawa bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC." Theo đúng như dự đoán, nếu Nhât Bản tiếp tục tuân lệnh Mỹ trừng phạt kinh tế Nga thì Nhật Bản sẽ có thêm kẻ thù khổng lồ ngay cạnh nhà mình trong khi đang phải đối đầu với Hoa Lục. Các cụ ngày xưa nói, " Bán anh em xa, mua láng giềng gần" muôn đời vẫn đúng.

-Báo Kiến Thức ngày 8/11/2014: "Theo Bộ quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận với sự tham gia của 40.000 quân nhân (30.700 lính Nhật và 10.000 lính Mỹ), 25 tàu chiến và 260 chiến đấu cơ sẽ kết thúc vào ngày 19/11.  Mỹ và Nhật Bản đã duy trì cuộc tập trận chung Keen Sword kể từ năm 1986. Cuộc tập trận diễn ra trên khắp lãnh thổ Nhật Bản tại các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF), Lực lượng Phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF) và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF). Cuộc tập trận diễn ra trùng với thởi điểm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Bắc Kinh. Bên lề diễn đàn này, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp gỡ nhằm thảo luận các vấn đề song phương, trong đó bao gồm cả cuộc tranh chấp đảo giữa hai nước." Cuộc tập trận rõ ràng là hình thức "biểu dương sức mạnh" để dễ nói chuyện với đối thủ Trung Quốc.

-Voice of Russia ngày 9/11/2014: . "Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm chủ nhật trên tuần báo Đức Der Spiegel, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Kissinger cho rằng Phương Tây đã sai lầm khi đánh giá thấp tầm quan trọng của Ukraina đối với Nga. Và ông cảnh  báo về khởi đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nguy cơ này đang tồn tại và chúng ta không thể bỏ qua nó."

-Tân Hoa Xã ngày 9/11/2014: Bên lề thượng đỉnh APEC, trong một cuộc họp với Ô. Tập Cận Bình, Ô. Putin tuyên bố, "Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ đối với các sự vụ quốc tế nhằm bảo vệ an ninh khu vực và toàn cầu." Với hai phiếu phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nếu Nga và Trung Quốc "hợp tác chặt chẽ " chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ muốn xử dụng LHQ như chiếc "ô dù chính nghĩa" để can thiệp quân sự hoặc áp đặt trừng phạt dưới danh nghĩa LHQ. Phương thức mà Hoa Kỳ thường làm khi tấn công quân sự nước nào mà có thể "phớt lờ" mạng lệnh của LHQ là hợp tác với NATO hoặc một số nước trong NATO. Hình thức liên minh này làm cho người ta có cảm tưởng rằng lực lượng tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo là lực lượng "quốc tế".

-VOA tiếng Việt ngày 10/11/2014: "Trong buổi gặp gỡ bên lề thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Begnino Aquino của Philippines cùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc nhất trí hướng tới việc thành lập quan hệ hợp tác chiến lược. Hai bên đồng ý sớm tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa ủy ban công tác hỗn hợp của Bộ Ngoại giao để thảo luận về kế hoạch này."

-The Daily Caller ngày 11/11/2014: "Trung Quốc chính thức trình làng phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Shenyang J-31 trong cuộc biểu diễn tại Chu Hải (Zhuhai), Quảng Đông vào ngày Thứ Ba. Phi cơ J-31 là đối thủ cạnh tranh chính với tiêm kích hỗn hợp tàng hình F-35 của Mỹ trên thị trường vũ khí mà mẫu thiết kế hầu như gần giống với F-35.  Loại phi cơ chiến đấu này chắc chắn được ưa chuộng tại các quốc gia bị Mỹ cấm vận vũ khí. "

-VnExpress ngày 12/11/2014:" Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Myanmar,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến mối quan tâm chung của các nước ASEAN về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông từ hồi tháng 5, đe dọa an ninh và tự do hàng hải ở khu vực. Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC."

-AP (Moscow) ngày 12/11/2014:" Theo giới chức quân sự Hoa Kỳ, máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ tiến hành những phi vụ tuần tra thường xuyên từ Bắc Băng Dương tới Biển Caribbean và Vịnh Mễ Tây Cơ - một hành động biểu dương sức mạnh quân sự  phản ảnh những căng thẳng với Phương Tây do cuộc khủng hoàng Ukraina."

-Bloomberg News ngày 13/11/2014:  Sau khi gặp gỡ Ô. Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại Miền Điện, Ô. Obama tuyên bố, " Hiển nhiên Hoa Kỳ và Việt Nam có một lịch sử rất phức tạp và khó khăn, nhưng trong vài năm qua chúng ta đã thấy những cam kết ngày càng sâu rộng hơn cùng những cơ hội hợp tác." ("Obviously, the United States and Vietnam have a very complex and difficult history, but for the last several years what we've seen is deeper and deeper engagement and opportunities to cooperate," Obama said yesterday.)

-AP ngày 14/11/2014: Bốn tàu chiến Nga kéo tới vùng biển quốc tế ngoài khơi Úc Đại Lợi để bảo vệ an ninh cho Ô. Putin tham dự G-20 và cũng để thử nghiệm những chuyến hải hành tầm xa.

-Reuters ngày 14/11/2014: Trong khi các đồng minh Âu Châu áp đặt lệnh cấm vận lên Nga, Thủ Tướng Orban của Hung Gia Lợi chế riễu sự thất bại của nển kinh tế tự do của Tây Phương và có khuynh hướng thân Nga bằng cách nhờ Nga xây dựng một nhà máy điện nguyên tử, ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina và... tới dự trận túc cầu giao hữu Nga-Hung Gia Lợi tại Budapest.

-AP ngày 14/11/2014: Serbia (Nam Tư cũ) một nước nhận tài chính và hiện đại hóa quân đội từ Hoa Kỳ nhưng lại tổ chức tập trận chung với Nga trong sách lượng ngoại giao trung lập, không theo ai và không thuộc về ai. Ô. Bratislav Gasic - Bộ trưởng quốc phòng Serbia tuyên bố, " Chúng tôi trung lập về quân sự và chúng tôi muốn duy trì mối bang giao tốt đẹp với tất cả mọi người, kể cả Nga, Âu Châu, Hoa Kỳ và Trung Quốc."

Nhận Định: 

I- Đối đầu Nga-Mỹ-Trung Quốc rất gay go:
Cuộc bầu cử Giữa Nhiệm Kỳ ngày 4/11/2014 vừa qua tại Mỹ đã đưa Đảng Cộng Hòa khống chế cả lưỡng viện quốc hội. Dĩ nhiên Ô. Obama không ra tranh cử nhưng cử tri không hài lòng với việc làm của ông trong sáu năm qua - nhất là về chính sách đối ngoại- đã trút cơn giận lên đầu ông bằng cách bỏ phiếu cho đảng khác. Đó là tâm lý phổ thông của cử tri Mỹ trong suốt hai trăm năm qua. Khi họ bất mãn với đảng cầm quyền, nhân bầu cử, họ cứ "thay ngựa" dù chưa biết "ngựa mới" có kế sách gì tốt đẹp hay không. Thay ngựa thì ít ra còn có "hy vọng" tốt-xấu tính sau. Nhiều vị thượng nghị si, dân biểu, thống đốc tiểu bang "chết oan" trong cuộc bầu cử này. Tôi không phải là người bênh hay chống Ô. Obama . Theo tôi, Ô. Obama và bộ tham mưu của ông đã làm hết sức mình, nhưng thế và lực của Hoa Kỳ trong lúc này - dù ai là tổng thống cũng chỉ làm vậy thôi.  

-Về thế
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hoa Lục và Nga, Mỹ đang phải đối đầu với những vấn đề gai góc tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ukraina trong khi:  

- Ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh Iraq chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS.  
- Chưa giải quyết xong vấn đề Afghanistan, chương trình hạt nhân với Iran, Bắc Hàn.  
- Khuynh hướng chống Mỹ ngày càng gia tăng tại lục địa Nam Mỹ. Khi Kênh Đào  Nicaragua nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương do Trung Quốc bỏ vốn hoàn tất, ảnh hưởng của Hoa Lục sẽ rất lớn tại Nam Mỹ. Trước tình thế khó khăn đó, nếu Ô. Obama thuận theo áp lực của phe diều hâu- điển hình như  TNS John McCain tấn công Syria và thuận theo áp lực của Do Thái mở cuộc chiến tranh với Iran…thì ngày hôm nay Hoa Kỳ phải đối đầu với ba mặt trận cùng lúc, mà mặt trận nào cũng nguy hiểm. Liệu Mỹ có dám làm thế không? Do đó Ô. Obama chủ trương thương thảo với Iran, Bắc Hàn, hù dọa Syria mà thôi và chỉ không kích ISIS chứ không đem bộ binh vào để rồi có thể lún sâu thêm 10 năm nữa  giống như cuộc chiến Iraq trước đây. Những quyết định trên bị phe diều hâu tố là "nhu nhược" và dĩ nhiên đáp ứng lòng căm phẫn của cử tri. Để thoa dịu lòng người, vào ngày 7/11/2014 Ô. Obama đột ngột đưa ra quyết định gửi thêm 1500 binh sĩ tới Iraq - một hành động mà giới bình luận cho rằng vì động cơ chính trị- tức gỡ thể diện cho ông và cho đảng của ông chứ không phát xuất từ nhu cầu của cuộc chiến. 
 
-Về lực: 
Hoa Kỳ đang cắn răng chịu đựng  cuộc cắt giảm ngân sách vì nợ công quá cao và kinh tế chưa hồi phục. Ngân sách quốc phòng giảm 460 tỉ trong vòng 10 năm. Cắt giảm ngân sách có nghĩa là cho giải ngũ, bớt mua sắm vũ khí mới, giảm bớt những chuyến bay thám thính, tuần tra trên không, trên biển và đóng cửa bớt một số căn cứ quân sự, giảm viện trợ quân sự. Trong khi ngân sách quốc phòng Hoa Lục mỗi năm tăng 12.2% trong tổng số 145 tỉ tức tăng khoảng 18  tỉ mỗi năm. Với cuộc viếng thăm Cảng Bandar Abbas của hai tuần dương hạm mới đây, Hoa Lục đã đặt được đầu cầu hải quân tại Iran. Theo tình báo Mỹ, tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc thấy xuất hiện ở Sri Lanka và Vịnh Ba Tư khiến Hoa Kỳ phải vội vã bố trí lại lực lượng tàu ngâm tấn công nguyên tử của mình. 

-Về kinh tế tài chính:
- REUTERS/Shannon Stapleton Sorry, America ngày 8/10/2014: Theo Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (International Monetary Fund) Hoa Lục vượt qua Mỹ và trở thành nển kinh tế lớn nhất thế giới.

-Reuters ngày 24/10/2014: Trung Quốc vừa khai trương Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank ) gồm 20 quốc gia với số vốn khởi đầu 50 tỉ đô-la được coi như là một đối thủ của World Bank và Asia Development Bank do Hoa Kỳ và Âu Châu hậu thuẫn trong một chuyển động nhằm  dùng "sức mạnh mềm" để lôi kéo các nước Á Châu. Ba quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn, Nam Dương đã không tham dự ngày khai trương và dưới sức ép của Hoa Kỳ, Úc Châu đã không gia nhập ngân hàng này. Hiện nay Hoa Kỳ rất lo lắng về sự ra đời của AIIB vì nó làm suy giảm "sức mạnh mềm" của Hoa Kỳ - ít ra là tại Á Châu.

-The Examiner  ngày 28/10/2014:  "Phó Chủ Tịch Trung Quốc Zhang Gaoli tuyên bố ngày hôm nay Trung Quốc bắt đầu thương mại trực tiếp với Singapore và xử dụng tiền của mỗi nước để làm dễ dàng cho việc thanh toán các giao dịch. Ý nghĩa của hành động này là không cần dùng tới đồng đô-la Mỹ và ngoại tệ dự trữ…chấm dứt sự bá chủ của đồng đô-la trên hệ thống tài chính toàn cầu." Trước đó Úc Châu, một đồng minh chí cốt của Mỹ, vì sự sống còn của kinh tế cũng đã dùng Úc Kim và Đồng Nguyên (Yuan) để thanh toán trực tiếp mà không cần tới đồng đô-la Mỹ.

-Khối BRICS- một tập họp của những nền kinh tế khổng lồ gồm: Brasil, Russia, India, China và South Africa cũng đã dùng đồng tiền của khối để thanh toán thay vì dùng đồng đô-la.      

Những chuyển động trên cho thấy "sức mạnh mềm" và vị thế của Mỹ đang suy giảm trên quy mô toàn cầu khó lòng đảo ngược chỉ vì thế giới đã thay đổi và lòng người cũng đã đổi thay. Cuộc đối đầu của Phương Tây do Mỹ lãnh đạo để chống Nga không dễ dàng như Mỹ và Phương Tây tưởng. Điều này được mô tả trong bài viết, "Khi Nga Xích Lại Gần Trung Quốc, Hoa Kỳ Đối Đầu Với Thách Thức Mới" (As Russia Draws Closer to China, U.S. Faces a New Challenge) đăng trên News York Times ngày 8/11/2014. Rõ ràng Nga đang từng bước liên minh với Hoa Lục, dù chưa phải là một liên minh quân sự, nhưng là một liên minh ngoại giao và chính trị trong thế trận chống Mỹ.  

II-Mối quan hệ phức tạp Việt -Mỹ:
Ông Tom Malinowski người đặc trách về dân chủ , nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thăm Việt Nam vào đầu Tháng 11. Trong một cuộc họp báo kết thúc chuyền thăm dài ngày, Ô. Malinowski nói, "Thông điệp chúng tôi gửi tới những người đã gặp là, hiện có một cơ hội lịch sử để xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn nhiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhưng chúng tôi không muốn đó là một mối quan hệ đổi chác, tức là chúng tôi đến với Việt Nam khi chúng tôi cần họ vì một cái gì đó và phía Việt Nam đến với chúng tôi khi họ cần chúng tôi vì một cái gì đó. Mỹ muốn mối quan hệ bang giao với Hà Nội sâu sắc và bền vững hơn như các mối quan hệ đối tác của Mỹ với các bạn hữu và các đồng minh thân thiết nhất ở châu Á, châu Âu cũng như những nơi khác". 

Rõ ràng qua tuyên bố này, Ô. Tom Malinowski muốn nhắn nhủ các nhà lãnh đạo Việt Nam:

-Hãy xích gần lại với Mỹ hơn nữa như Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân…
-Hãy tin tưởng vào Mỹ như Âu Châu, Úc Đại Lợi, Canada tin tưởng vào Mỹ.
-Hãy ký hiệp ước phòng thủ chung như NATO, Phi Luật Tân, Nhật Bản để được Mỹ bảo vệ. Hải Quân Mỹ sẽ vào Cam Ranh, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đóng ở Đà Nẵng, Chu Lai. Sư Đoàn 1 Kỵ Binh sẽ đóng ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Utapao của Thái Lan sẽ được mở lại và sẽ là căn cứ không quân khổng lồ B-52 và B-2 để yểm trợ cho mặt trận Miền Bắc. Tại Điện Biên Phủ sẽ thiết lập một hệ thống đánh chặn hỏa tiễn như ở Ba Lan. Nếu thiếu quân, Mỹ có thể kêu gọi Nhật Bản đem một sư đoàn đóng ở Lào Cai, Sư Đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn đóng ở Phù Cát, Qui Nhơn, Sư Đoàn Mãng Sà Vương của Thái Lan sẽ đóng ở Phú Yên. Một sư đoàn Úc sẽ đóng ở Núi Đất, Bà Rịa vừa bảo vệ con đường huyết mạch Sài Gòn-Vũng Tàu, vừa bảo vệ mặt trận phía Nam. Như thế Việt Nam sẽ vững như bàn thạch, chẳng cần mua sắm thêm vũ khí làm gì, viện trợ Mỹ xài mệt nghỉ, đạn bắn thả giàn, vỏ đạn pháo binh thu gom giao cho thương gia Chợ Lớn xuất cảng chẳng mấy chốc kinh tế sẽ phát triển. Lính Việt Nam có thể cho giải ngũ bớt vì quân đội "đồng minh" đánh hộ rồi. Trung Quốc không dám đụng tới sợi lông chân Việt Nam và có khi sợ quá phải trả lại Quần Đảo Hoàng Sa cho Việt Nam không biết chừng. Đó là viễn ảnh tốt đẹp khi Việt Nam có quan hệ "thân thiết" với Mỹ như các đồng minh NATO, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc Châu.
            
Trên thế giới này và từ ngàn xưa đến giờ, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia cũng giống như mối liên hệ trai gái phải trải qua nhiều giai đoạn dò dẫm, thử thách và chinh phục tình cảm lẫn niềm tin.  

-Nếu chỉ quen biết sơ sài, chưa hợp nhãn, men tình chưa bén thì chỉ là bạn thôi nhé. Giống như nhà thơ Đinh Hùng nói, "Em chỉ là em gái thôi". Xin anh đừng thường xuyên tới nhà em kẻo ba rầy, má quở, hàng xóm chê cười.
-Nếu hai bên đã thực sự yêu nhau và tin tưởng nhau rồi thì quà tặng, rủ nhau đi ăn, đi chơi liên miên, ảnh chụp không biết bao nhiêu mà kể. Tối về còn gọi điện thoại nói chuyện có khi suốt đêm cho "đỡ nhớ". Rồi từ từ tìm cách giới thiệu với bố mẹ gia đình về ý trung nhân của mình.
-Nếu là gia đình nề nếp, gia giáo thì tìm ông mai bà mối dàn xếp cho thân phụ và thân mẫu hai bên gặp nhau, chào hỏi, làm quen, tìm hiểu về thân thế, địa vị….Nếu giai đoạn này qua được thì…
-Hai bên sắp đặt lễ hỏi.
-Sau lễ hỏi là lễ cưới, mối tình kết thúc bằng tờ giá thú. Hai bên ký vào tờ giấy về ăn đời ở kiếp với nhau. Đứng trên quan hệ ngoại giao thì gọi đó là ký kết hiệp ước liên minh quân sự - sống chết có nhau.
           
Nay Ô. Tom Malinowski nói mối liên hệ Việt-Mỹ có tính "đổi chác" tức "ông thò cây giò, bà thò chai rượu" cho nên chúng ta phân tích thử xem trên đời này có bao nhiêu mô thức ngoại giao?
-Ngoại giao trên thế đồng minh thật sự, chứ không phải "đồng minh" nhưng anh là ông chủ - thì có thể tương nhượng nhau vì quyền lợi chung. Quan hệ đồng minh này dứt khoát không có chuyện "đâm sau lưng chiến sĩ", mật đàm với kẻ thù để tháo chạy, chơi đòn bẩn v.v…
-Ngoại giao trên thế độc lập tự chủ: Anh được gì? Tôi được gi? Anh phải làm gì? Tôi phải làm gì?
-Ngoại giao trên thế chư hầu, lệ thuộc: Anh phải làm cái này. Anh không được làm cái kia nếu không thì: Gây khó khăn, cắt viện trợ, cô lập, cấm vận, lật đổ…
-Ngoại giao trên thế lực lượng bất cân xứng nhưng lại cần có nhau như Mỹ-NATO chẳng hạn: Chia quyền lợi theo kiểu tứ-lục (Kẻ bốn phần, người sáu phần"
-Ngoại giao trung lập trên thế được nể trọng như Ấn Độ: Kết giao với tất cả các cường quốc khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc nhưng không ngả theo ai, không chống ai, quyền lợi của Ấn Độ là tối thượng và thường bênh vực các nước nhỏ bị áp chế, hoặc tham gia các Phong Trào Phi Liên Kết.
            
Khi nhắn nhủ và khuyên răn các nhà lãnh đạo Việt Nam như thế không hiểu Ô. Tom Malinowski trước khi sang Việt Nam có biết Việt Nam hiện theo sách lược Ngoại Giao Ba Không?
            
Do lịch sử để lại, do cùng chung thể chế chính trị, do yếu tố địa lý (Geopolitics), Việt Nam theo sách lược Ngoại Giao Ba Không để duy trì hòa bình, không biến Việt Nam thành "máu xương", "tiền đồn" hay "bàn đạp" cho bất cứ đại cường nào trong mưu đồ "tranh ngôi bá chủ" hay "bảo vệ anh ninh từ xa" của họ.

Thế ngoại giao này theo đuổi mục đích "chỉ có bạn, không có kẻ thù" bao gồm các điều kiện:
-Không quân đội ngoại bang đóng ở Việt Nam.
-Không liên minh quân sự.
-Không liên kết với nước thứ hai để chống lại nước thứ ba.
            
Về điều khoản thứ nhất: Nếu thi hành đúng, chắc chắn không có chuyện hải quân Mỹ hoặc Nga đóng ở Cam Ranh hoặc trên đất liền.         
            
Về điều khoản thứ hai: Nếu thi hành đúng, chắc chắn Việt Nam sẽ không ký thỏa hiệp liên minh quân sự với ai, nhưng tùy tình hình, tùy mức độ tin cậy, có thể hợp tác chế tạo vũ khí, huấn luyện, tập trận chung, chia xẻ tin tức tình báo, mua bán vũ khí. Khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Paneta ghé thăm Cam Ranh, Tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố Hải quân Nga-Mỹ và quốc tế có thể ghé Cam Ranh như một trạm dừng chân, bảo trì, sửa chữa, tiếp vận.
           
 Về điều khoản thứ ba: Nếu thi hành đúng, Việt Nam sẽ không liên kết với Hoa Lục hay Nga để chống Mỹ. Ngược lại Việt Nam cũng sẽ không liên kết với Mỹ để chống Hoa Lục hay Nga. Đây là thế ngoại giao độc lập và trung lập của một nước nhỏ nằm giữa gọng kìm quốc tế giống như Thụy Sĩ nằm giữa gọng kìm bốn nước Pháp, Đức, Ý và Áo. Thụy Sĩ mà ngả nghiêng theo bất cứ một trong bốn quốc gia nói trên là chết ngay. Cũng giống như Ukraina trước đây theo chính sách "phi liên kết" thì sống yên. Khi phe cực hữu thân Mỹ và Âu Châu đảo chính rồi nắm quyền,  chỉ mới có ý định gia nhập NATO mà đã mất Crimea và chắc chắn cũng sẽ mất luôn hai vùng Donetsk và Lugansk. Theo các nhà bình luận quốc tế, Ukraina đang đối đầu với nguy cơ tan vỡ ra từng mảnh vụn. Đó là kết quả của chính sách ngoại giao ngông cuồng và không hiểu biết một tí gì về một định luật bất biến gọi là "địa lý chính trị" (Geopolitics). Định luật này có nghĩa là "địa lý như thế nào thì chính trị/ngoại giao như thế ấy". Nếu anh là một nước nhỏ, nằm sát một đại cường A thì phải thuận thảo với đại cường A. (Chẳng hạn như Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại phải thuận thảo tức láng giềng tốt với Mỹ). Nếu anh liên minh với một đại cường B để chống lại đại cường A thì…sớm muộn gì cũng "từ chết tới bị thương", đất nước anh sẽ tan nát và có thể  bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ. Đó là lý do tại sao Miến Điện và Thái Lan là những nước nhỏ có chung biên giới với Hoa Lục đã hợp tác với Mỹ và Hoa Lục cùng lúc để tạo thế quân bình nhưng không bao giờ có thái độ hoặc hành động chống Trung Quốc. Đó là chính sách ngoại giao vô cùng khôn ngoan của Miến Điện và Thái Lan.

Hiện nay Việt Nam, về phương diện đối ngoại luôn luôn phải làm ba việc cùng lúc:
1) Giao hảo với Trung Quốc để phát triển kinh tế và không biến Trung Quốc thành kẻ thù. Tổng số thương vụ Việt Nam-Trung Quốc hiện nay khoảng 50 tỉ đô-la mỗi năm.
2) Giao hảo với Nga để có đầy đủ vũ khí tối tân bảo vệ đất nước, từng bước xây dựng kỹ nghệ quốc phòng tự chủ và cũng là một đồng minh chính trị vô cùng quan trọng.
3) Giao hảo với Mỹ để tranh thủ thế ngoại giao, chính trị, và nhất là phát triển kinh tế và không làm cản trở kế hoạch "Xoay Trục" của Mỹ.
            
Do đó, việc thực hiện sách lược Ngoại Giao Ba Không vô cùng gian nan, như người đi trên sông đóng băng, đi thăng bằng trên giây. Vị trí của Việt Nam hiện nay giống như một viên bi nhỏ nằm giữa ba cục nam châm lớn là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Chuyến đi của Ô. Dương Khiết Trì tới Việt Nam là nhằm lôi kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Mỹ. Chuyến đi của Ô. Tom Malinowski là nhằm lôi kéo Việt Nam sâu hơn vào quỹ đạo Hoa Kỷ. Còn Nga thì không cần làm gì cả vì Nga đã có quan hệ rất sâu với Việt Nam. Giữa cơn phong ba bão táp, nước nhỏ muốn sống yên cũng khó, nhất là nước nhỏ đó lại nằm ở trọng điểm chiến lược. Chắc chắn lời tuyên bố của Ô. Tom Malinowski sẽ tạo áp lực lên các nhà lãnh đạo Việt Nam vì Việt Nam đang cần hợp tác với Mỹ để tạo thế ngoại giao, chính trị và nhất là kinh tế, tài chính.

Tất cả những chuyển động này đang diễn ra trong bối cảnh vô cùng phức tạp của thế giới mà hòa bình chỉ là lớp váng, còn xung đột lại là những đợt sóng ngầm. Ai cũng nói "hợp tác" nhưng bên trong thì chơi đòn ngầm kiềm chế hoặc triệt hạ lẫn nhau. Đòi hỏi các cường quốc từ bỏ hoặc giảm bớt tham vọng cũng giống đòi hỏi một con sư tử đói không ăn thịt con bò rừng, ngoại trừ khi đại cường đó thảm bại trong một cuộc đụng độ quân sự, mất hết thuộc địa và tiềm lực quốc gia suy yếu. Cho nên sự đụng độ hay "tỷ thí võ công" đôi khi là cần thiết để phân định ngôi thứ và một trật tự mới của thế giới được thiết lập./-

Đào Văn Bình
(California ngày 15 Tháng 11, 2014)

No comments:

Post a Comment