Pages

2015/01/08

Cảm nghĩ về các tranh tụng dân sự trong Cộng Đồng

Cảm nghĩ về các tranh tụng dân sự trong Cộng Đồng

Trong những năm gần đây đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ kiện tụng dân sự về phỉ báng, mạ lị, hay vu cáo giữa người Việt với nhau trong các cộng đồng ở Mỹ, xuất phát từ những lời tuyên bố và bài viết mang tính chất tố Cộng tại các diễn đàn công cộng hoặc trên các phương tiện truyền thông. Điểm đáng chú ý là trong các vụ kiện đó, phần nhiều cả hai bên Nguyên và Bị đều là người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản, từng có quá khứ phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa với tư cách là sĩ quan-viên chức, hoặc từng có thành tích hoạt động cho Cộng Đồng Tị nạn. Chính vì vậy, trước đây đã có người gọi các vụ kiện tụng đó là "Phe ta kiện phe mình", và đa số những ai quan tâm đến sự đoàn kết của cộng đồng đều tỏ ra quan ngại về hiện tượng đó.

Nhưng mới đây, từ một vụ kiện đang diễn ra tại Austin, Texas, một luồng dư luận mới nảy sinh cho rằng Cộng Sản Việt Nam đang âm mưu dùng các vụ kiện như vậy để " bắn tỉa" những người quốc gia chân chính, hoặc để " bịt miệng" những nhà đấu tranh chống Cộng tích cực ở hải ngoại. 

Nghĩa là các vụ kiện tụng không hẳn là "phe ta kiện phe mình" giữa nội bộ những người tị nạn chống CS như nhiều người đã nghĩ, mà có thể là giữa người quốc gia một bên và bên kia là do CSVN ngấm ngầm hậu thuẩn trong mưu toan thực hiện nghị quyết 36. 

Tiêu biểu nhất cho dư luận này là ông Đoàn Trọng Hiếu với bài viết nhan đề: 

"Phải Chăng Việt Cộng Đang Bắn tỉa Người Quốc gia Qua Các Vụ kiện?" 

Trong bài đó ông Hiếu nghi ngờ rằng CSVN đang ít nhiều nhúng tay vào các vụ kiện liên quan đến lằn ranh Quốc-Cộng, sử dụng luập pháp Hoa Kỳ để "bắn tỉa, triệt hạ những người quốc gia chân chính đang chống lại chúng."

Quan điểm của ông Hiếu, tuy được một số người hưởng ứng, nhưng cũng có người không hoàn toàn tán đồng. Phản hồi bài của ông Hiếu, có bài của một nhà báo kỳ cựu là ông Vũ Ánh với nhan đề "Chống Cộng Mà Không Bị Kiện". Ông Ánh cho rằng trong khung cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh Quốc-Cộng đòi hỏi khả năng thuyết phục về mặt chính trị và sức thu hút văn hoá nghệ thuật của người quốc gia hơn là sự áp đặt bằng công kích, chỉ trích hay lên án; và rằng với chính nghĩa trong tay, nếu người quốc gia tuân thủ đầy đủ luật pháp của Mỹ, thì Cộng Sản VN sẽ không làm gì được và chúng ta vẫn chống Cộng mà không lo bị kiện.

Thiết nghĩ rằng cả hai quan điểm trên đây, tuy khác biệt nhau, đều đã nêu ra rất xác đáng những vấn đề đáng suy ngẫm và thảo luận trong nổ lực hoàn thiện việc xây dựng cộng đồng người Mỹ gốc Việt, củng cố sự đoàn kết của người Việt tị nạn trên quê hương thứ hai này. Trong ý hướng đó, người viết bài này không đi sâu phân tích hai quan điểm vừa nói, chỉ xin góp thêm vài ý kiến mọn như sau đây, chú ý đến đặc tính của người Việt mình, đối chiếu chút ít đến những điểm căn bản trong hệ thống pháp lý của Mỹ, để rộng đường dư luận.


ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Trước hết, phải nhận rằng người Việt chúng ta sống nặng về tình cảm, có khuynh hướng hình thành quan điểm của mình theo cảm tính chủ quan hơn là theo lý luận khách quan. Đặc tính này rất phổ quát, gần như là dân tộc tính, đến độ ngay giới trí thức khoa bảng, kiến thức rộng rãi vẫn không luôn luôn có cho mình những nhận định khách quan trước các vấn đề. Đặc tính này lại còn đậm nét hơn nữa khi bước sang lãnh vực chính kiến. 

Tuyệt đại đa số chúng ta chống Cộng Sản, không phải trên căn bản triết học hay chính trị-xã hội, tức là trên nền tảng lý tính, mà là do lòng căm thù, tức là do cảm tính, tích luỹ do những kinh nghiệm khủng khiếp đã có với chế độ Cộng Sản trước đây. Càng căm thù Cộng Sản mạnh mẽ, càng được xem là có lập trường chống Cộng vững vàng; và đó là bằng cớ về sự lẫn lộn giữa quan điểm và tình cảm. Có thể nói cách khác là đối với người Việt thì phần cảm tính luôn chiếm tỉ trọng rất cao trong tư tưởng. "Yêu nên tốt, ghét nên xấu" là câu nói biểu lộ trọn vẹn tính cách tiêu biểu của người Việt Nam.

Từ đó giữa người Việt chúng ta với nhau, sự khác biệt ý kiến hay quan điểm thường dẫn đến sự xa cách, hay ngay cả chia lìa, về tình cảm. Hai người có quan điểm khác nhau thì không thể là bạn bè được; trái lại sự khác biệt quan điểm - nhất là chính kiến - thường được xem là đồng nghĩa với thù địch hay đối thủ. Ngay cả trong cùng một gia đình, giữa cha-con, anh-em với nhau cũng vậy, bất đồng chính kiến luôn dẩn đến sự bất hoà, thậm chí cả từ bỏ nhau. 

Trong một gia đình người Mỹ, có thể có cảnh chồng theo đảng Cộng Hoà, còn vợ theo Dân Chủ, như trường hợp vợ chồng của đương kim Thống Đốc bang California chẳng hạn. Tình trạng như vậy sẽ không bao giờ xảy ra trong một gia đình người Việt Nam! Đây là lý do khiến sự bất đồng quan điểm giữa người Việt thường luôn đưa đến những tranh luận nảy lửa, những luận chiến dữ dội với vô số lời lẽ công kích, thoá mạ và bôi bác lẫn nhau.

Có thể dễ dàng chứng minh điều vừa nói trên bằng cách mở bất kỳ một bài phê bình nào của người Việt trên các diễn đàn. Trong đa số các bài đó, phần lớn nhất thường chỉ được dùng để công kích cá nhân, hoặc những tuyên bố khẳng định không đi kèm chứng cứ, mà rất ít có lập luận thuần lý để bẻ bác nhận định của đối phương hoặc minh chứng quan điểm của mình. 

Nhất là trong những đề tài liên quan đến vấn đề Quốc-Cộng thì mức độ công kích cá nhân lại càng cao hơn với vô số thậm từ, thông thường được dùng là "trở cờ, phản bội, tiếp tay CS, nằm vùng, ăn cơm quốc gia thờ ma CS, bợ đít, tay sai", v.v…Chính những công kích, thoá mạ, nhân danh sự chống Cộng nêu trên là lý do của các vụ kiện tụng dân sự (causes of civil action) xảy ra trong bao lâu nay.

Những hệ quả khác của khuynh hướng nặng về cảm tính trong tư tưởng là sự độc đoán và óc tự phụ. Mỗi một người Việt trong chúng ta thường mặc nhiên cho rằng chỉ có quan điểm, chủ trương của mình là đúng; ai có ý kiến khác với mình tức là sai, từ đó phát sinh ý muốn loại trừ, chứ không bao dung, những ý kiến khác biệt. 

Vì nặng cảm tính, người Việt, trong vô thức, đồng hoá ý kiến của mình với cái tôi, với thể diện, nên xem việc thua trong tranh luận như một tổn hại danh dự, và vì vậy nỗ lực bảo vệ.

Mặt khác, đa số chúng ta rất tự phụ. Tự cho rằng, vì là người chống Cộng Sản, đang nắm chính nghĩa trong tay nên có quyền thoá mạ, lăng nhục, chụp mũ, ngay cả hành hung người bất đồng quan điểm với mình mà không hề áy náy hay động lòng trắc ẩn; không hề có một chút dè dặt pháp lý nào cả. 

Chúng ta quên rằng chống Cộng chung chung chưa hẳn là chính nghĩa, bởi vì có rất nhiều loại chống Cộng: có loại chống Cộng của sở Mật thám Pháp, có loại chống Cộng của giới quan lại phong kiến, có loại chống Cộng do động cơ tôn giáo, có loại chống Cộng của CIA, cuối cùng mới là loại chống Cộng của người Việt yêu Nước. Hơn nữa đừng quên rằng không một thứ chính nghĩa nào - chính trị hay tôn giáo - có thể được dùng để biện minh cho việc phạm pháp cả. Chỉ có hai trường hợp trong đó chính nghĩa được dùng để biện minh cho việc coi thường luật pháp; đó là tình huống một cuộc CÁCH MẠNG, và hai là chủ trương thánh chiến của Al-Qaeda.

Một đặc điểm khác nữa của người Việt chúng ta; đó là đứng trước một vấn nạn hay một thất bại nào, phản ứng thường có và tức khắc của chúng ta là ĐỔ LỖI cho người khác. Chẳng hạn như đối với thất bại 30/4, chúng ta đã hơn 35 năm qua không ngớt đỗ lỗi cho Mỹ đã bỏ rơi Miền Nam, đã phản bội đồng minh. Đã có vô số sách của quan chức, tướng tá VNCH quy lỗi cho sự tháo chạy của "đồng minh"; nhưng chưa hề có một tác gỉa nào thừa nhận trách nhiệm chung của chúng ta đối với việc mất Nước cả. 

Hoặc như đối với hiện tượng ngày càng có nhiều ca nhạc sĩ về trình diễn ở VN, các nhân sĩ chúng ta liền cao giọng mắng nhiếc họ với đủ mọi thậm từ, cho rằng họ có LỖI; lỗi phản bội. Nhưng không thấy có vị nhân sĩ hay lãnh tụ cộng đồng nào tự mình soát xét xem nguyên nhân sâu xa là từ đâu, có phải là do chúng ta không có chiến lược, sách lược đúng đắn, mà chỉ biết hô khẩu hiệu và chưởi bới thôi, phải chăng chúng ta đang thất bại trong việc "giành dân" với CSVN? Hay như trong việc kiện tụng thì việc cho rằng "tại bọn VC muốn bịt miệng người quốc gia" cũng là một hình thức ĐỔ LỖI. Hoặc khi bị kiện, không biết phản ứng theo thủ tục quy định, bị Default Judgment thì lại đổ lỗi là vì không nhận được thông báo của Toà. Rồi do không biết luật, bị toà án phạt, thì một lần nữa đổ lỗi là tại tên luật sư bên Nguyên chơi trò ma giáo (dirty trick), v.v...

Nghĩa là chúng ta luôn ĐỔ LỖI cho một ai đó, mà không hề, không bao giờ chịu thừa nhận rằng mình đã có sai sót nào đó, hay nhận rằng sự thất bại là lỗi do chính mình trước nhất. Có thể nói rằng người Việt chúng ta hoặc thiếu ý thức TRÁCH NHIỆM đối với việc mình làm, hoặc thiếu DŨNG KHÍ để nhận rằng mình sai.


ĐỐI VỚI HỆ THỐNG PHÁP LÝ MỸ

Phe ta luôn chê bai CS là ngu dốt và tỏ ra khinh thường họ. Vậy nhưng căn cứ vào lời kêu ca của ông Hiếu, và của nhiều những vị khác nữa, thì dường như người CS lại có vẻ như hiểu biết, hay nắm vững, luật pháp của Mỹ hơn chúng ta. Vì phải hiểu biết luật pháp mới có thể vận dụng khai thác để kiện người khác, và ngược lại chỉ có thiếu hiểu biết luật pháp mới dễ vấp phải những sơ hở tạo cơ hội và lý cớ cho đối phương kiện mình. Trong khi đó đang có nhiều bằng cớ cho thấy rằng chúng ta có rất ít hiểu biết về hệ thống pháp lý của nơi cư trú, chưa quan tâm đúng mức việc tự giáo dục mình trong lãnh vực luật pháp để rồi biết khai thác nó có lợi cho việc xây dựng Cộng Đồng và cho hoạt động chính trị của mỗi người.

Các vụ kiện tụng bộc lộ rõ sự kém hiểu biết của đa số chúng ta đối với hệ thống pháp luật của nước cư trú. Bằng cớ là đã có những vị có học vấn-bằng cấp hẳn hoi nhưng khi nhận giấy báo kiện của người khác và giấy triệu hồi (summon) của tòa án đã không biết phản ứng cho đúng trong thời hạn luật định để đến nổi phaỉ bị Phán Quyết Định sẳn (Default Judgment). Hoặc ngay cả không biết tìm cho đúng mẫu đơn để giao dịch với toà án. Thậm chí ngay cả không biết những điểm căn bản về vai trò Bồi Thẩm Đoàn (Jury) trong vụ án, và những điều luật căn bản liên quan đến vụ kiện mà mình đang phải dính líu vào.

Những nhận định đó đây trên các báo chí của người Việt về vai trò của Luật Pháp, của các thẩm phán, của các Luật sư, chứng tỏ đa số chúng ta đã có những hiểu biết rất hời hợt đối với hệ thống pháp lý của Mỹ. Chẳng hạn có vị cho rằng ở đây ai có tiền thì muốn kiện gì cứ kiện; hoặc các luật sư thì chỉ tìm cách bày chuyện hay kéo dài vụ án để kiếm tiền, và trong kiện tụng đám luật sư này có thể dở trò ma giáo để gây khó dễ cho đối phương, v.v…

Thật ra, tuy hệ thống pháp lý của Mỹ không là hệ thống hoàn hảo, nhưng dù sao nó cũng là một trong những hệ thống tốt nhất hiện nay trên thế giới. Trong hệ thống đó, tất nhiên tiền vẫn là nguồn lực quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy" như kiểu của Luật Việt Nam xưa và nay. Chẳng hạn, Luật sư, cũng như mọi nghề khác, phải làm để kiếm tiền. 

Nhưng để kiếm tiền, một luật sư không thể nhận đại diện cho bất kỳ một vụ kiện nào mà không xét xem vị thân chủ tương lai của mình có nắm trong tay đầy đủ lý do để kiện hay không (well-founded causes of action) theo LUẬT ĐỊNH. Nếu kiện bậy (frivolous and irresponsible lawsuits), một luật sư có thể bị phạt tiền hay ngay cả treo bằng hành nghề (disbarment). Hoặc, chẳng hạn, như lời cáo buộc của vị nào đó rằng trong vụ kiện mình đã bị luật sư bên kia dùng thủ thuật xấu (dirty trick) để gây khó khăn. Lời cáo buộc đó không thể khiến cho ai, có bất kỳ chút ít hiểu biết tối thiểu nào về thủ tục tố tụng Mỹ, tin cả. Bởi vì trong việc xét xử, thủ tục tố tụng được quy định rất chặt chẽ, luật sư, ngoài việc phải tuân thủ theo thủ tục, còn bị giám sát bởi quan toà, và ngoài ra người luật sư phải hành xử đúng theo đạo đức pháp lý nữa (legal ethics). Một luật sư không thể chỉ vì một vụ kiện mà giở trò ma giáo để có thể gặp nguy cơ bị kiện mất cả bằng hành nghề suốt đời của mình.

Mặt khác, nước Mỹ là nơi mà quyền tự do ngôn luận được minh định trong Hiến Pháp và được bảo vệ kỹ càng. Vậy thì phải có gì quá đáng lắm mới có trường hợp một người bị kiện vì các phát ngôn hay viết lách của mình. Dường như nhiều người phe ta đã hiểu sai về quyền tự do ngôn luận. Vắn tắt thì quyền đó cho phép mọi người được tự do có những phát biểu ý kiến (statements of opinions); nhưng đồng thời quyền đó cũng buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về những phát biểu sự kiện (statements of facts) về người khác. Chẳng hạn nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng ông B là người chống Cộng tích cực." Đó là một ý kiến, và người nói không bị bó buộc phải chứng minh. Nhưng nếu nói rằng: "Ông B làm tay sai cho VC." thì đó lại là một tuyên bố về sự kiện; sự kiện rằng "ông B làm tay sai", và người nói câu đó bị buộc phải trưng dẫn đẩy đủ bằng cớ để hậu thuẫn cho lời nói của mình, nếu không sẽ bị xem là vu cáo hay mạ lị. 

Nhưng trong tình hình hiện nay việc chứng minh một người làm tay sai hay thân Cộng không phải là việc dễ dàng. Nhiều người giả định rằng hễ ai có về VN kinh doanh tức là có quan hệ với CS và như vậy có thể dùng đó làm bằng cớ rằng người như vậy là thân Cộng hay tay sai CS. Giả định, hay tin như vậy, là vội vàng và sai. Bởi vì hiện nay có đến hàng trăm ngàn công dân Hoa Kỳ, đủ mọi gốc gác, có doanh nghiệp hoặc giao thương với VNCS, và đó là sự việc hợp pháp được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ, nên không thể lý luận rằng hễ có giao dịch với VNCS tức là thân cộng hay tay sai CS được. Muốn chứng minh ai đó là tay sai hay thân Cộng đòi hỏi những chứng cứ vững vàng, cụ thể hơn. Và tất nhiên đó không là việc dễ làm.

Thiết nghĩ, đã đến lúc người Việt tị nạn chúng ta cần tỉnh táo nhìn lại mình, nhận ra các khuyết điểm nằm sâu trong văn hoá và tâm lý của mình để sửa đổi; học tập cách để thừa nhận và tôn trọng ý kiến khác biệt từ người đối diện, biết cách thỏa hiệp vì mục tiêu chung; và đặc biệt phải quan tâm tìm hiểu luật pháp của nước cư trú và vận dụng có lợi hệ thống pháp luật đó vào việc xây dựng cộng đồng mình vững mạnh và đoàn kết; tránh khỏi cảnh " phe ta kiện phe mình'', tạo ra những sơ hở pháp lý cho đối phương khai thác và đánh bại chúng ta, những người có chính nghĩa trong tay, ngay trên mảnh đất của thế giới TỰ DO này./-

TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG
(khóa 5 ĐH/CTCT/ĐL)

No comments:

Post a Comment