Pages

2011/08/22

Lại nói chuyện “ca múa nhạc”

Lại nói chuyện "ca múa nhạc"

Văn Quang
 

Tuần trước tôi còn nợ bạn đọc phần thứ hai của câu hỏi về chuyện ca múa nhạc ở Việt Nam. Xin nhắc lại câu hỏi của bạn Trần Tuấn Vinh ở North Sydney: "Nhân hỏi chuyện này, nếu không làm mất thì giờ, ông có thể cho biết về tình trạng nhạc Việt ở VN hiện nay ra sao mà những người ở nước ngoài như gia đình tôi không thích nghe".

Thưa bạn, đây cũng là thứ chuyện thuộc loại "chuyện dài nhân dân tự vận", nói hoài không hết, nói gì thì nó cũng vẫn cứ còn y nguyên si như cũ, có khi nó còn "phát triển đa dạng, phong phú, ba láp" hơn nữa. Chẳng phải gia đình bạn không thích nghe mà gia đình tôi gồm cả anh em bà con, họ hàng làng xóm cũng chẳng muốn nghe cho mệt cái lỗ nhĩ vốn đã, đang và sẽ còn mệt vì nghe quá nhiều lời than thở về cơn sóng thần bão giá đang úp chụp lên đầu người dân Việt.


* Ca sĩ hạng nào cũng "sáng tác"!

Nhưng không phải là hầu hết mọi người đều không muốn nghe nhạc Việt. Tôi cần phải nhấn mạnh đó là thứ nhạc Việt Nam trên đất nước VN hiện nay mà thôi. Còn rất nhiều người vẫn thích nghe loại nhạc được gọi là nhạc tiền chiến, loại nhạc có một thời người ta đã gán cho cái "tội" là "nhạc vàng". Tức là loại nhạc bị khép tội ủy mị, lãng mạn của "bọn tiểu tư sản". Những năm gần đây cái chữ "vàng" đó trở thành vàng bốn số 9 thật. Ai cũng thích, lâu lâu có vài cái show trên đài truyền hình (TH) như "thay lời muốn nói" phát chương trình nhạc này được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng lâu dần rồi cũng cạn vốn, không còn được "xum xuê" như trước nữa. Còn loại nhạc mới bây giờ, cũng không phải "vứt đi" tất tuồn tuột. Năm thì mười họa cũng có một vài bản nghe được. Nhưng so sánh với những bản nhạc xưa thì còn kém xa. Loại nhạc ngày nay dường như chỉ dành cho một số bạn trẻ (ở đây gọi là tuổi teen) tụ họp nhau ca múa, hò hét cho quên… sách vở và quên chuyện… nhân thế mà thôi. Ngoài một số nhạc sĩ khá nổi danh sáng tác được một vài ca khúc tương đối hay, đến nay dường như cũng đã quá mệt mỏi, rất ít thấy xuất hiện những ca khúc mới. Những ca sĩ hạng nhất hạng nhì VN và cả những ca sĩ nửa mùa được dịp múa gậy vườn hoang, đua nhau "sáng tác" nhạc. Cô này "sáng tác" được một bản em nhớ anh da diết thì cô kia cũng vội cho ra lò một bản em yêu anh quá trời để đáp lễ. Ca từ tầm thường đến thô kệch kiểu như "anh quên em làm con tim em rỉ máu". Cứ như thế phong trào sáng tác ca khúc theo đủ mọi thể loại được phô trương ầm ỹ. Vậy mà vẫn có khá nhiều "tuổi teen" múa may loạn xạ tung hô thần tượng của mình. Mỗi nhóm có một thần tượng để khi thần tượng hát ở đâu là lập tức kéo nhau đến "múa nhịp" lắc lư như lên đồng yểm trợ tích cực. Thú thật tôi không thể hiểu được các "tuổi teen" này ăn cơm nhà vác ngà voi hay có điều gì bí ẩn đằng sau. Bởi tôi biết có nhiều sinh viên nghèo được thuê làm "cổ động viên" cho một show truyền hình nào đó. Làm nhạc, làm phim đều theo kiểu mì ăn liền nên phim Việt cũng chẳng nhà nào muốn xem, nhạc Việt chẳng nhà nào muốn nghe, chứ chẳng phải gia đình bạn ở nước ngoài đâu. Từ thành thị tới thôn quê, nhà nhà xem phim Hàn Quốc, phim Tàu, phim Tây bạo lực. Vậy nhân đây, tôi điểm qua đôi nét về phim ảnh, nó cũng có tương quan mật thiết đến ca múa nhạc.


* Phim Hàn Quốc ngày nay là vũ khí trên thương trường

Loại phim "được mùa" nhất là phim Hàn Quốc, cách đây vài năm có nhiều phim xuất sắc, nhưng gần đây trên hầu hết các đài truyền hình VN cũng khó mà chọn được một phim hay. Phim nào cũng dài lòng thòng đến hàng trăm tập, nhưng chẳng đâu vào đâu. Hầu như họ bí đề tài nên những truyện phim đều cứ na ná giống nhau. Những "mô típ" như con rơi lưu lạc, râu ông nọ cắm cằm bà kia, hai ba cậu yêu một cô trong công ty gia đình, tưởng rằng lấy được nhau rồi bị ngăn cấm, tưởng không thể lấy nhau, rồi "cái hậu" lại đưa nhau vào nhà thờ làm lễ cưới tưng bừng hoa lá. Phim nào cũng có cảnh kéo nhau đi chơi đảo, chán rồi vào bệnh viện, mất trí nhớ, ung thư… Cảnh nào cũng dài lê thê, một chuyện vu vơ có thể kéo vài ba tập. Ăn uống lu bù, toàn mì và kim chi. Vui buồn, chán nản, sung sướng, đau khổ cứ lôi rượu ra uống tì tì cứ như trên đời không có gì làm hơn là uống rượu. Xem trăm cuốn phim Hàn Quốc bây giờ, bạn gặp những cảnh này lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.

Nhưng nhiều gia đình VN vẫn thích xem vì cảnh quay của họ rất đẹp, quần áo, xe hơi, nhà cửa, son phấn, đồ dùng đều rất sang, thích hợp với sự mong muốn của nhiều khán giả. Diễn viên của họ đẹp, có nghề và diễn xuất rất giỏi. Nói thẳng ra phim Hàn Quốc ngày nay là một lối quảng cáo các mặt hàng do Hàn Quốc làm ra mà thôi. Nó là một vũ khí sắc bén trên thương trường, ăn sâu vào đời sống của đa số người dân. Vì vậy nên rất nhiều cô gái, chàng trai mới lớn ở VN bây giờ thường bắt chước y chang như Hàn Quốc. Phim Hàn không có tham vọng đánh đổ những nhãn mác đá quá lừng danh trên thế giới. Họ nhắm vào đa số người trung lưu, tiểu thương ở khắp các nước. Phim ảnh của họ chính là sự cạnh tranh thương mại rất hiệu quả.

 
* Văn hoá xuống dốc không "phanh"

Cũng chính vì chú ý đến khía cạnh thương mại nên phim Hàn ngày nay để lộ rõ nhiều khiếm khuyết. Đôi khi có những phân đoạn rất nhảm nhí, dung tục. Tôi đã thấy nhiều cảnh như thế. Cụ thể như trong cuốn phim "Thiên Sứ Tình Yêu" đang chiếu trên VTO1 (đài Cần Thơ), có đoạn một cô bé chơi khăm bạn trai bằng cách mời anh ta đến nhà bắt ăn toàn những thứ để anh ta phải… trung tiện (xin lỗi bạn đọc) trước mặt cả bà nội già nua cũng cười khành khạch. Rồi nó được nhắc đi nhắc lại cứ như một trò chơi tuyệt vời lắm. Tôi tự hỏi văn hóa Hàn Quốc vốn thâm trầm, tôn trọng lễ giáo, nay vì thương mại mà xuống dốc đến như vậy sao?

Song dù sao phim Hàn cũng hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế của họ. Còn phim ảnh và ca múa nhạc Việt Nam phục vụ cho cái gì? Đó là một dấu hỏi lớn đòi hỏi những người có trách nhiệm phải trả lời. Còn gì nản hơn khi biết những cuốn phim VN làm cho các đài truyền hình bây giờ được thành hình do những "lò viết kịch bản" chuyên cung cấp hàng cho đạo diễn làm gấp, làm vội, chạy vạy để bán được cho đài truyền hình. Các đài này cần rất nhiều kịch bản phim để lấp vào những "giờ vàng" đã được "cấp trên" quy định. Nhưng họ lại có rất ít "cán bộ" đọc kịch bản nên chỉ đọc sơ qua rồi cho quay luôn. Có ông đạo diễn vừa quay vừa viết thêm. Diễn viên hầu hết không qua trường lớp nào, chỉ có cái chân dài, cái mặt "coi được" là OK. Tôi không nói đến những chuyện phía sau hậu trường khác. Còn phim được gọi là hài, giải trí thì quá dung tục, những khuôn mặt quá quen thuộc đến mòn nhẵn với khán giả nhiều khi trở nên vô duyên, cứ nhìn thấy họ trên màn ảnh là muốn tắt máy. Đã không mang lại được gì cho đất nước, cho người dân, ngay cả phục vụ cho mục đích tuyên truyền cũng ấu trĩ, sáo rỗng. Nếu đã nhìn phim Hàn có những khiếm khuyết như thế mà người ta đánh giá là văn hóa xuống dốc thì phim ảnh, ca nhạc VN phải hiểu là gì? Những người có trách nhiệm với văn hoá dân tộc phải nhanh chóng tìm phương thuốc chữa trị.


* Nhạc chờ phục vụ cá độ bóng đá

Trở lại với ca nhạc, bạn hãy thử nhìn vào những bản nhạc chờ qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Ngày nay hầu như người VN ở đâu cũng dùng ĐTDĐ. Dịch vụ được gọi là "hot" nhất và kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất chính là những dịch vụ phục vụ cho ĐTDĐ. Trên các đài TH, quảng cáo cho cái món này là nhiều nhất. Thỉnh thoảng khán thính giả lại giật bắn mình lên vì những tiếng la thất thanh "Lưới rung là máy rung, hãy gửi tin nhắn cho 87xx là bạn đã nắm chắc phần thắng". Thắng cái gì? Thưa bạn đó là cá độ bóng đá mới có thắng thua chứ khán giả vô tư biết để biết mà thôi. Rõ ràng hơn là lời quảng cáo đầy hấp dẫn rằng "Bạn sẽ được tư vấn bởi các chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới". Chuyên gia nào, của hãng cá cược nào? Không thấy tiết lộ. Coi chừng lại là vua đoán đâu trật đấy thì có nước bán nhà, bán cả vợ con. Cảnh này xảy ra ở VN ngày một nhiều. Bạn cứ đọc báo sẽ thấy, đa số trọng tội ở VN đều do cá cược bóng đá lậu mà ra. Phục vụ kiểu này là phục vụ các "quý khách cá độ". Chuyện cá cược có nên để nó sống lậu huy hoàng hay nên cho nó chính thức hoạt động hãy để đó, một dịp khác ta sẽ quay lại.

Song song với kiểu nhắn tin phục vụ cá độ này, liên quan tới bộ mặt ca múa nhạc, cũng "hot" không kém là "nhạc chờ cho dế yêu của bạn", tức là loại nhạc chờ khi máy ĐTDĐ reo, người gọi sẽ được nghe một khúc nhạc. Nếu thật sự là một vài dòng nhạc hay thì cũng đỡ khổ, nhưng loại nhạc hay này rất hiếm. Hầu hết là loại nhạc "khủng" đang tra tấn nhiều người nghe khi chờ điện thoại. Một loại nhạc cổ vũ cho bợm nhậu, lô đề, cá độ… đến cả những bản nhạc thô tục chối tai. Vậy mà các hãng ĐTDĐ (ở đây gọi là nhà mạng) vẫn ung dung cung cấp cho khách hàng của mình để kiếm tiền lẻ, mỗi tin nhắn khoảng vài ba ngàn, hàng triệu cái lẻ thành cái cần câu cơm "vĩ đại".

 
* Nghe qua một tí đã thấy rùng mình

Nếu rảnh vào trang Ringtunes của hãng Vinaphone bạn sẽ thấy cả một kho nhạc rất "độc" đã được khá nhiều khách hàng tải về làm nhạc chờ cho "dế yêu của mình". Bạn nghe nhé, giọng rao của một người đàn ông mời gọi: "Nào anh em ta cùng vào nhậu, cho đời bớt khổ, bớt đau thương. Cuộc đời có bao nhiêu là bội bạc, chỉ có rượu là bạn của ta, khi nào đau khổ hay buồn tủi hãy nhớ đến rượu, đến anh em"… Chả biết nước VN này hay vợ con bồ bịch anh ta làm cái gì mà anh ta cho rằng toàn những thứ bội bạc. Thế thì nên đi nhậu cho say khướt thật.

Vào đến kho nhạc chờ của hãng Mobifone còn nhố nhăng hơn nữa: "Mau mau nào là mau mau nào, hết máu rồi thì… bơm máu vào, 1 2 3 dzô". Thú thật với bạn tôi đã vô tình gọi nhầm một số máy, được nghe "nhạc chờ" như thế này: :"Số máy quý khách vừa gọi không thể nhận cuộc gọi lúc này vì chủ thuê bao đang quá là say rồi, chờ lúc khác chủ thuê bao tỉnh lại sẽ nghe máy nhé"… Biết ngay là lầm số vì người tôi gọi là bà cô già rất nghiêm khắc của tôi ở Tân Bình. Nhưng chưa hết hồn bằng một ông công chức có cậu con trai mới 10 tuổi, đi học xa nhà nên sắm cho cái di động. Trời mưa, ông gọi cho con chờ thêm ít phút ông sẽ đến đón. Vừa gọi vào máy của con, ông này tá hoả vì nghe "nhạc chờ" trả lời: "Mày đó hả? Mày gọi tao hả?...". Cũng may cậu con trai a lô ba hả ngay. Ông lẳng lặng đến đón con rồi giựt phắt cái di động ném xuống sông Sài Gòn.

Tìm hiểu thêm các kho nhạc chờ của hãng ĐTDĐ mà nhiều người cho là "nhí nhố chịu không nổi", một anh phóng viên còn ghi nhận hàng loạt bài nhạc tự chế hết sức nhố nhăng, như bài "10 điều răn vợ" của Vinaphone có những lời lẽ: "Cưới vợ xấu là bất tài, có vợ đẹp là bất hạnh, bị vợ bỏ là bất lực, bị ế vợ là bất chí, cướp vợ bạn là bất nhân, vợ chồng đánh nhau là… bất phân thắng bại". Kinh khủng hơn, bài nhạc chờ "Bởi anh thích leo trèo" của cùng hãng này còn có lời lẽ quá khiếm nhã: "Trèo lên, lên trèo lên… trèo lên xong mà tuột xuống thiếp nay đã có bầu cũng bởi anh thích leo trèo…". Những ca khúc gây sốc ấy, được cho là "thảm hoạ" của nhạc Việt, nhưng đã thu về hàng tỉ đồng tiền tác quyền nhạc chuông, nhạc chờ mỗi năm.


* Bộ mặt thảm hoạ của nhạc Việt

Thị trường âm nhạc đã và đang xuất hiện hàng loạt bài hát gọi là "thảm hoạ nhạc Việt", có thể kể sơ qua như: "Vọng cổ teen", "Da nâu", "Nàng Kiều lỡ chân", "Tâm hồn vĩnh cửu", "Nói dối"… Đó là phiên bản bắt chước từ nước ngoài của một số người bước chân vào làng giải trí Việt muốn nhanh nổi tiếng, dễ thu lợi mà không được rèn luyện về chuyên môn. Ông bầu Vĩnh Thuyên – quản lý ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim – cho biết Vọng cổ teen là một ca khúc gặt hái nhiều thành công về doanh thu. Chỉ tính riêng tiền tác quyền được trả khi khai thác nhạc chuông, nhạc chờ, "Vọng cổ teen" thu về 1 tỉ đồng 1 năm (cho cả 3 quyền: ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất). Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết đang có trong tay danh sách 70 ca khúc nhạc Việt bị nghi là đạo nhạc nước ngoài với mức độ giống 80% đến 90%.

"Thảm hoạ" của nhạc Việt gắn liền với những cái tên: HKT, Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như, Vĩnh Thuyên Kim, Phương My… Thế nhưng, điều không thể phủ nhận là những cái tên được cho là "thảm hoạ" của đời sống nhạc Việt này vẫn không thiếu lời mời biểu diễn, hầu hết là ở các tỉnh, thành ngoài TP Sài Gòn. Thậm chí, Vĩnh Thuyên Kim đang được xem là một giọng ca ăn khách ở tỉnh thời gian gần đây.

Những ca khúc nhảm nhí không có chút giá trị nghệ thuật, những vụ đạo nhạc và phong cách ăn mặc hở hang, loã lồ của giới giải trí xuất hiện trên các website âm nhạc, thậm chí trên cả băng đĩa nhạc và sân khấu biểu diễn khắp nơi. Thảm hoạ này càng để lâu càng làm bại hoại thuần phong mỹ tục, càng làm sói mòn văn hoá VN mà thôi./.

 
Văn Quang
Sài Gòn 6-8-2011

No comments:

Post a Comment