Pages

2012/03/07

Bom nguyên tử của Iran và cuộc tranh cử của tổng thống Obama

Bom nguyên tử của Iran và cuộc tranh cử của tổng thống Obama


Iran vẫn công khai nói Iran đang theo đuổi một chương trình nguyên tử phục vụ hòa bình. Nhưng ai cũng biết Iran đang trên con đường chế tạo bom nguyên tử.

Theo các phỏng đoán khoa học thì Iran có khả năng hoàn thành quả bom nguyên tử của mình trong một thời gian nhất định. Mười tháng, một năm hay 2 năm nữa không chừng. Tình báo Hoa Kỳ ước lượng 1 năm kể từ thời điểm các nhà lãnh đạo Iran quyết định ráp quả bom đầu tiên. Trên thực tế ai cũng biết không có gì có thể thay đổi quyết tâm của Iran trở thành một lực lượng nguyên tử tại Trung đông dù là chiến tranh.

Do Thái sợ Iran có bom nguyên tử đe dọa an ninh của mình và cho biết dù có đi đến chiến tranh Do Thái cũng ngăn cản không cho Iran làm bom nguyên tử. Nhớ đến trước ngày lập quốc 6 triệu người Do Thái ở Âu châu đã bị Hitler giết trong những khu rừng già, trên những cánh đồng hoang hay tại các lò hơi ngạc rãi rác khắp Âu châu trong thập niên 1940, chính sách của nước Do Thái hôm nay là: sẽ không để cho một Holocaust thứ hai xẩy ra bằng mọi giá, kể cả cái gía phải đốt cháy cả thế giới. Để nhấn mạnh lập trường của Do Thái, hôm Thứ Hai – 5 tháng 3 – khi đối thoại với tổng thống Obama tại tòa Bạch Ốc, thủ tướng Benjamin Netanyahu nói với tổng thống Obama trước các ký giả quốc tế rằng:

"Khi liên quan đến an ninh, Do Thái có quyền tự quyết định. Và đó là lý do tại sao tổng thống đã nói Do Thái phải được công nhận có quyền tự vệ"
(nguyên văn: When it comes to Israel's security, Israel has the right, the sovereign right, to make its own decisions . I believe that's is why you appreciate, Mr. President, that Israel must reserve the right to defend itself.) Trong một hành động có tính biểu tượng giải thích tại sao Do Thái phải lấy quyết tâm như vậy, thủ tướng Netanyahu đã đưa tận tay tổng thống Obama cuốn kinh thánh Book of Esther (1) trong đó có nói tới câu chuyện huyền thoại về một âm mưu bất thành thời đế quốc cổ đại Ba Tư (nay là Iran) để giết tất cả người Do Thái (2)

Do Thái muốn đồng minh Hoa Kỳ có cùng lập trường với mình ngăn cản Iran làm bom nguyên tử. Và Do Thái tìm cách dồn Hoa Kỳ vào thế bị động rằng Do Thái có kế hoạch tấn công Iran khi cần thiết và có thể sẽ không tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ trước. Mặt khác Do Thái áp lực tổng thống Obama bằng cách thúc dục Quốc hội Hoa Kỳ (Do Thái có nhiều ảnh hưởng) lên tiếng chống "ý đồ vũ khí" của Iran một cách mạnh mẽ.

Thái độ của Do Thái đặt tổng thống Obama trước một thế lưỡng nan. Tổng thống Obama biết rằng không có gì có thể thay đổi quyết tâm chế bom nguyên tử của Iran. Và trên phương diện an ninh Hoa Kỳ cũng không bị đe dọa ở mức độ như Do Thái nếu Iran có bom nguyên tử. Năm 1949 khi Liên bang Xô viết sản xuất, và năm 1962 khi Trung quốc thí nghiệm bom nguyên tử dư luận tại Hoa Kỳ từng xôn xao lo lắng ở một mức độ sôi sục hơn lúc này trước quả bom sẽ ra đời của Iran. Rồi đâu cũng vào đó.

Nhưng trước mắt là cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay. Nếu ông không tỏ ra cương quyết với Iran ông sẽ bị thành phần bảo thủ cho là mềm trong lĩnh vực quốc phòng và không lo lắng cho an ninh của đồng minh Do Thái. Do Thái sẽ vận động cử tri thân Do Thái chống ông. Nhưng nếu ông tỏ ra ủng hộ vô điều kiện lập trường của Do Thái, ông sẽ làm mất cảm tình với khối cử tri đã từng đưa ông vào Tòa Bạch Ốc với lập trường sẽ đưa Hoa Kỳ ra khỏi hai vũng lầy Iraq và Afghanistan. Thành phần cử tri này không thể ủng hộ một ông tổng thống đưa Hoa Kỳ ra khỏi Iraq và Afghanistan bây giờ lại đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến khác với Iran.

Con đường giữ phiếu của tổng thống Obama là "bày tỏ một lập trường mạnh đối với với Iran, nhưng không mở rộng cánh cửa chiến tranh".
Nói chuyện hôm Chủ Nhật 4 tháng 3, 2012 trước một cử tọa mấy ngàn người tham dự hội nghị hằng năm của Ủy ban Thân hữu Hoa Kỳ- Do Thái (American Israel Public Relations Committee) tổng thống Obama nói, không nên dùng chiến thuật "dọa" Iran. Nên nói những gì chúng ta có thể và sẽ làm. Ám chỉ Do Thái, tổng thống Obama nói, những lời đe dọa "sẽ đánh hay không đánh" chỉ làm lợi cho Iran vì làm giá dầu thô tăng lên. Tổng thống Obama xác định lập trường của ông là một lập trường cứng rắn có thực chất.

Ông nói: "Hãy để cho Iran thấm đòn trước các biện pháp dự liệu trừng phạt Iran (3 trong mùa hè này . Hãy làm mọi cách duy trì sự đồng thuận quốc tế. Và lúc này là lúc nên theo lời khuyên của Teddy Roosevelt rằng tốt nhất là dùng lời lẽ nhẹ nhàng nhưng cầm một cây gậy thật bự" (nguyên văn: Now is the time to let our increased pressure sink in, and to sustain the broad international coalition we have built. Now is the time to heed that timeless advice from Teddy Roosevelt: speak softly, carry a big stick).

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Jefferey Goldberg của tạp chí Atlantic Magazine phổ biến hôm Thứ Sáu trước đó tổng thống Obama cho biết chiếc gậy của ông là một giải pháp quân sự và Hoa Kỳ sẽ xử dụng vào giai đoạn kỹ thuật chót như một giải pháp tối hậu để không cho Iran ráp bom. Giới quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ có đủ khả năng không quân và vũ khí để diệt các cơ sở chế biến chế nhiên liệu nguyên tử và lắp ráp của Iran dù nó được phân tán và che chắn sâu dưới lòng đất như thế nào. Điều này vừa cảnh cáo Iran vừa làm yên lòng Do Thái vì sợ quá trễ mà hành động hấp tấp. Đối với Iran tổng thống Obama cảnh cáo rằng Hoa Kỳ không chờ cho Iran có bom mới tìm cách không cho xử dụng (containment policy).

Qua cuộc phỏng vấn của Atlantic Magazine và diễn văn hôm 4 tháng 3 tổng thống Obama đã phát họa một chính sách khéo léo vừa thỏa mãn nhu cầu an ninh của Hoa Kỳ, vừa thuyết phục Do Thái chớ nóng vội, vừa hợp với quan điểm chính trị của ông là không đưa Hoa Kỳ phiêu lưu vào một cuộc chiến nào rộng lớn nào chừng nào ông còn làm tổng thống đồng thời thỏa mãn nhu cầu của cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

Lập trường của tổng thống Obama làm cho Do Thái "phải suy nghĩ bảy lần" trước khi quyết định đánh bom các trung tâm nguyên tử của Iran. Hoa Kỳ biết cũng còn lâu sau ngày bầu cử tháng 11 Iran mới có khả năng chế được bom, nên sẽ không có chiến tranh trước ngày bầu cử.
Bối cảnh trước bầu cử như vậy hoàn toàn có lợi cho ông Obama: (1) Hoa Kỳ có một chính sách mạnh và rõ ràng (2) Do Thái không chống Obama, (3) dân chúng yên tâm vì vắng bóng chiến tranh. Nếu cuộc tranh cử giành sự đề cử của đảng Cộng Hòa còn kéo lằng nhằng giữa 3 ông Mitt Romney, Rick Santorum và Newt Ginrich với những quảng cáo nói xấu nhau cung cấp "đạn dược" cho đảng Dân Chủ thì tổng thống Obama càng có lợi thế. Và nếu giá dầu trụt xuống trong mấy tháng cuối cùng thì triển vọng đắc cử của ông Obama rất là sáng sủa.
Đắc cử xong tổng thống Obama sẽ không còn bị ràng buộc trước áp lực của Do Thái và của cử tri phía hữu, ngoại trừ nhiệm vụ duy trì sức mạnh và ảnh hưởng chính trị của đảng Dân Chủ và dọn một chỗ cho mình trong lịch sử.

Iran sẽ đi đến điểm cuối trong tiến trình chế tạo bom nguyên tử. Nhưng lúc đó không có gì ràng buộc tổng thống Obama phải khởi động chiến tranh. Ông đâu còn cần phiếu nữa. Và nếu Iran có bom nguyên tử cũng không nguy hiểm gì hơn Pakistan đang có một kho bom.
Nếu lúc đó Do Thái hành động một mình thì đó là một kịch bản khác không nằm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Obama.

Trần Bình Nam
March 6, 2012

No comments:

Post a Comment