Pages

2012/03/25

Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin


Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin

Trần Tiên Long


Cứ mỗi khi có ai phê bình về một niềm tin thì những nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo (TCG) thường hay gay gắt kết án họ cái tội chống phá tôn giáo. Họ không thể chấp nhận bất cứ người nào có những lời lẽ bất kính đối với niềm tin của họ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì TCG thường rất xem trọng niềm tin bằng cách thăng hoa đó là một nhân đức tin nên các tín hữu sẳn sàng làm tất cả những gì để sống chết với niềm tin tưởng đã được cấy vào đầu óc họ ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Nhưng đối với những người không có cùng niềm tin TCG thì sao? Liệu họ có cần phải kính trọng những điều mà họ không tin tưởng như người TCG không? Tại sao phải bắt họ tôn trọng những điều mà họ biết chắc chắn là sai lầm, không nên tin? Có phải cứ là niềm tin thì tự động xứng đáng được mọi người kính trọng, kể cả những kẻ không tin?

Trước tiên, cần phải xác định thế nào là một niềm tin. Niềm tin là một ý tưởng hay nhận thức mơ hồ về một điều gì đó không có bằng chứng, hoặc trái nghịch với các sự kiện hiển nhiên. Trong Nhận Thức Luận, niềm tin có một sự liên hệ mật thiết với Triết Học, nhưng hai thứ hoàn toàn khác nhau ở chỗ Triết Học được xem như một nhận thức xác thực đã có sự biện minh; trong khi niềm tin thì chưa có sự biện minh để bảo đảm tính chân thật. Niềm tin có thể là một cảm giác thành thật đưa chúng ta tới sự hiểu biết, nhưng nó cũng có thể là một kiến thức sai lầm. Chẳng hạn, người xưa có một thời rất thành thật tin tưởng rằng trái đất phẳng. Ngày nay, một niềm tin như vậy rõ ràng là một nhận thức sai lầm. Con người sinh ra thì đã có lý trí. Bởi vì không thể dùng lý trí để tin tưởng một điều nghịch lý nên Thần Học TCG dạy các tín hữu rằng đức tin là một tặng phẩm Thiên Chúa chỉ tặng cho những người được Chúa chọn lựa và yêu thương cách riêng.

Từ căn bản của sự định nghĩa đó, chúng ta có thể đặt vấn đề rằng liệu một niềm tin chưa có sự biện minh có xứng đáng để chúng ta kính trọng như các nhà biện giải cho TCG đang đòi hỏi?

Có một sự kiện hiển nhiên chúng ta cần phải chấp nhận, rằng không phải niềm tin nào cũng giống nhau. Có những niềm tin rất xấu xa, gây nguy hại cho đồng loại và xã hội, trái nghịch với luân thường và đạo lý, đáng bị khinh bỉ. Chẳng hạn, niềm tin của những kẻ có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Họ tuyệt đối tin tưởng rằng chỉ có chủng tộc của họ là ưu việt, cần phải được bảo vệ hơn tất cả các chủng tộc khác. Hoặc niềm tin của những kẻ độc tài, phát xít. Họ tin tưởng mãnh liệt rằng chỉ chính quyền và chế độ họ đang nắm giữ mới có thể mang lại hạnh phúc cho toàn dân. Và còn có những niềm tin tôn giáo của các tay khủng bố ôm bom nổ. Họ khăng khăng tin như đinh đóng cột rằng đó là con đường ngắn nhất dẫn họ tới thiên đàng, nơi có các cô trinh nữ đang chờ đón họ để cùng vui hưởng hạnh phúc đời đời mà không nơi nào có. Những niềm tin mù quáng như vậy có xứng đáng để chúng ta kính trọng không? Nếu để họ tự do cổ vũ và chúng ta không chịu lên tiếng thì kết quả sẽ dẫn đến những điều tai hại gì cho xã hội và đồng loại? Cho dù không thể đối thoại với những người có niềm tin giáo điều cuồng tín, nhưng ít ra, chúng ta vẫn có thể trưng ra những sai lầm của họ trước công luận, để những người chưa tin như họ còn có cơ hội được nhìn thấy. Một khi người ta đã dụt bỏ lý trí qua một bên để chỉ đi theo niềm tin thì bạn lấy gì để lý luận với họ?

Đồng ý rằng, dù gì đi nữa, mọi người cũng vẫn có quyền tin tất cả những điều nào mình muốn, cho dù có sai trái và nguy hiểm tới mức nào. Đó là một nhân quyền được các hiến pháp của các quốc gia có tự do và dân chủ bảo vệ. Nhưng mình có quyền tin không có nghĩa là mình cũng có quyền bịt mắt bịt tai thiên hạ để làm thiên hạ tin theo mình. Việc tự do phê phán một niềm tin cũng là một nhân quyền mà chúng ta cần phải tôn trọng và bảo vệ. Chúng ta đòi hỏi người ta tôn trọng nhân quyền của chúng ta thì chúng ta cũng nên tôn trọng nhân quyền của thiên hạ. Những xảo thuật như nhốt vào cũi chó, ém bài, xoá hoặc sửa đổi bài, v/v… là những hành động đang vi phạm trực tiếp quyền hiến định này. Chúng chỉ đưa đến kết quả chứng minh rằng chúng ta đang sợ ánh sáng của sự thật vì chúng ta đang ôm ấp những niềm tin sai lầm.

Thực ra, nếu chúng ta theo dõi những lời phát biểu của những nhà biện giải cho TCG trên các diễn đàn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay rằng họ không những chỉ đơn giản đòi hỏi mọi người phải kính trọng niềm tin của họ, mà còn ngụ ý đòi hỏi thiên hạ phải chiều theo niềm tin của họ. Họ muốn niềm tin của họ được thể hiện ở mọi nơi, kể cả những nơi chốn thuộc công cộng, nhưng họ lại không muốn niềm tin của những người khác được phổ biến. Họ không cho chúng ta biết kính trọng thì phải kính như thế nào. Nhưng tại sao người ta lại đòi hỏi thiên hạ phải kính trọng, trong khi sự kính trọng không phải là điều tự động chúng ta có được theo cách miễn phí? Đó là điều chúng ta phải ra công sức mới có được. Một ông thày không thể đòi hỏi học trò phải kính trọng mình nếu ông ta không có tư cách của một nhà giáo. Sự kính trọng của học trò còn tuỳ thuộc vào tư cách, kiến thức, và hành động của ông thày trong xã hội. Người ta có thể đòi hỏi mọi người tối thiểu phải kính trọng nhau như những con người có nhân vị, cho dù đối với một người vô lại, cùng đinh, chẳng ra gì trong xã hội; nhưng niềm tin không phải là con người để có được sự kính trọng tối thiểu này. Niềm tin không phải là chủ thể đang tin; do đó, phỉ báng niềm tin không phải là phỉ báng người đang tin. Nếu phân biệt được niềm tin với người tin thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận sự phê phán đến từ mọi phía qua những lăng kiếng khác nhau. Cũng vậy, khi tôi chê trách và phê phán một chính quyền, một chế độ đang được áp dụng ở một quốc gia, điều đó không có nghĩa là tôi đang phỉ báng toàn thể dân tộc đang sống ở trong quốc gia đó. Hoặc tôi có thể bàn về chủ nghĩa xã hội, điều đó không có nghĩa là tôi đang khinh thường tất cả những người đang sống trong chủ nghĩa đó.

Đúng hơn, chúng ta chỉ có thể đòi hỏi thiên hạ phải bao dung với niềm tin khác nhau trong xã hội, hơn là bắt thiên hạ phải kính trọng một niềm tin riêng biệt của chúng ta. Người ta có thể rộng lượng, bao dung với những quan điểm dị biệt về cùng một vấn đề, mặc dù người ta đang xem thường, khinh bỉ những ý kiến ngớ ngẩn, ngu ngơ. Người ta vẫn có thể có những ý tưởng rất tiêu cực về cùng một điều mà người ta đang bao dung; nhưng, ngược lại, người ta không thể khinh bỉ về cùng một điều mà người ta đang kính trọng. Như vậy, sự kính trọng và lòng bao dung là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Khi người TCG đòi hỏi thiên hạ phải kính trọng niềm tin của họ là lúc họ đã vượt quá lằn ranh của lòng bao dung.

Ngoài ra, còn có một thắc mắc khác cũng cần phải được nêu ra: Tại sao trong khi các nhà biện giải cho TCG có thể rao bán món hàng niềm tin của họ trong các chợ trời, ở đại lộ Pigalle thuộc Paris, Bourbon Street thuộc New Orleans, trên đài phát thanh, tivi, diễn đàn, báo chí công cộng, v/v… thì thiên hạ lại không thể bàn ra, góp vào về những món hàng họ đang rao bán? Có phải tôn giáo là lý do duy nhất cần có và đủ để bắt buộc tất cả mọi người phải im lặng, lắng nghe? Và còn có một sự kiện khác mà chúng ta không thể chối cãi, rằng đã và đang có vô số những kẻ buôn thần bán thánh, chuyên làm nghề reo rắc những điều mê tín dị đoan để đắc lợi cho cá nhân và phe nhóm. Những kẻ đạo đức giả này thì đầy đường, ở đâu và ở thời đại nào cũng có, rất dễ dàng bắt gặp. Họ đang phục vụ và bảo vệ cho tôn giáo của họ, chứ chẳng phải cho các chân lý mà họ đang rao truyền.

Dù gì đi nữa, chúng ta cũng nên trân trọng có một lời cám ơn đối với những người đang làm công việc không công, phê phán các niềm tin để bảo vệ quyền lợi cho chúng ta, những người thuộc giới tiêu thụ. Nếu không có họ thì tôn giáo đầu tiên của nhân loại đã là tôn giáo duy nhất và cuối cùng. Và như vậy thì loài người đã không có sự tiến bộ, nhân loại vẫn đang sống trong sự ngu dốt của các tổ tiên ở thời man khai. Và chính chúng ta cùng còn cháu của chúng ta sẽ là những kẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn cả./.

Trần Tiên Long

No comments:

Post a Comment