Pages

2012/10/14

Làm chủ lời nói


Bạch Tầm Xuân

 Lời nói là phương tiện giao tiếp trong công việc, tình yêu và cuộc sống. Chúng ta sử dụng lời nói thường xuyên, nhưng không phải ai cũng làm chủ được lời nói. Lời nói có thể mang lại niềm vui cho người khác, và lời nói có thể dẫn đến sự xung đột cá nhân.

Về cơ bản, công dụng của lời nói có 2 loại: Lời nói là biểu hiện của nội tâm; Lời nói là phương tiện giao tiếp.


Lời nói là biểu hiện của nội tâm


Thông qua lời nói, chúng ta có thể hiểu được một phần nội tâm của người khác. Lời nói biểu lộ: cá tính, sở thích, trình độ, trí tuệ, đạo đức…

Ví dụ: Khi một người mắc lỗi lầm, người A thốt lên những lời chê trách, phán xét. Còn người B nói lên những lời cảm thông, thương cảm, đồng cảm.

Trong cuộc sống, có những khi chúng ta "buột miệng" nói ra, sau đó mới nhận ra mình đã có những lỗi lầm. Nếu suy nghĩ trước khi nói, biết cách kiểm soát lời nói, cảnh giác với chính lời nói của mình thì chúng ta sẽ tránh bớt những sai lầm. Trước khi nói ra, chúng ta phải biết mình sắp nói điều gì, thường chúng ta hay vấp phải điều này.
Ví dụ: một đồng nghiệp đang vui mừng vì được sếp khen, bạn buột miệng nói "sếp khen xã giao ấy mà!" Tuy bạn nói đùa một câu, nhưng lời nói đó bộc lộ tâm lý đố kỵ với đồng nghiệp, bởi vì bạn không thực sự vui mừng vì sếp khen đồng nghiệp.

Chúng ta có thể nói dễ dàng, thậm chí có thể đối đáp nhanh trí, ai hỏi gì trả lời liền, hoặc nói một cách tự tin, nói để thỏa mãn cái tôi. Khi lời nói và tâm hồn không đồng nhất với nhau, người khác có thể đánh giá trình độ, nhân cách của bạn thông qua lời nói. Họ sẽ thấy bạn không chân thật, là hạng người tiểu nhân, nghĩ một đằng nói một nẻo, hoặc nói ngọt ngào khéo léo mà không thật lòng. Vì vậy, bạn sẽ gặt hái nhiều thất bại trong giao tiếp và các mối quan hệ xã hội. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, những người có lời nói và tâm hồn trái ngược nhau thường là người nói không thật, giả dối, luồn lách, cơ hội, tiểu nhân, thảo mai.v.v...

Ví dụ: bạn không thích một đồng nghiệp, nhưng bạn nói ngọt, nói khéo léo với người đó để khỏi mất mối quan hệ. Sau lưng người ta, bạn lườm nguýt, bĩu môi hoặc nói xấu. Có một lần gặp gỡ và nói chuyện với người đó, về nhà bạn cảm thấy stress, ấm ức, thậm chí muốn đập vỡ một đồ vật.

Hoặc một người không có đạo đức, có tâm hồn hẹp hòi, toan tính, nhưng trong giao tiếp, người đó luôn cố gắng tỏ ra đạo mạo, lịch sự với mong muốn được người khác tôn trọng, quý mến, ngưỡng mộ.

Khi lời nói và tâm hồn đồng nhất với nhau, người đó thường ăn nói ngay thẳng, có khả năng im lặng hoặc làm chủ lời nói, không nói xấu người khác sau lưng. Và thường được mọi người đánh giá là người quân tử.

Làm chủ lời nói như thế nào? Bạn có thể đánh giá khả năng kiểm soát lời nói của mình. Làm chủ lời nói, kiểm soát trước khi nói sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là trí tuệ; Thứ hai là thường xuyên đánh giá nội tâm của mình (suy nghĩ, viết nhật ký, blog để nhìn lại chính mình, để nhận định lại những sự người, sự việc đã xảy ra xung quanh mình.)


Lời nói là phương tiện giao tiếp

Giọng nói chi phối hiệu quả giao tiếp nhiều hơn nội dung lời nói. Giọng nói êm ái hay chát chúa, giọng nói trầm ấm hay lảnh lót… rõ ràng sẽ tác động đến hiệu quả lời nói. Giọng nói phụ thuộc vào tố chất bẩm sinh và sự rèn luyện kỹ năng nói, luyện thanh. Các cụ ngày xưa thường đoán tướng người qua giọng nói.

Ví dụ: đàn bà nói giọng oang oang là phá tướng. Người có giọng nói vang, sang sảng là thông minh. Người nói nhỏ lí nhí như nói một mình là vị kỷ.

Lời nói như cốc nước đổ xuống đất không lấy lại được. Có những người ăn nói thô tháo, xúc phạm người khác dẫn đến xung đột cá nhân, đến khi nói lời xin lỗi cũng không thể hàn gắn được mối quan hệ. Do đó, chúng ta nên nói lời khen, không nên nói lời chê bai người khác. Rèn luyện kỹ năng nói lời hòa nhã, ái ngữ chính là đạo đức ngôn ngữ.

Bệnh nói nhiều. Một số người có khả năng nói dai, nói nhiều. Người nói nhiều có thể chia thành ba hạng người: Một là người có cái tôi quá lớn; Hai là người mắc bệnh nói nhiều; Ba là người nói nhiều vì mục đích công việc.

- Người có cái tôi lớn thường thích người khác phải lắng nghe, cho nên họ cố gắng nói, thích nói nhiều để thu hút sự chú ý của người khác.

Ngoài ra, còn có những người thích nói nhiều mang tính chất thuyết phục người khác. Họ dùng lý lẽ này, lý lẽ kia để thuyết phục người khác tin mình. Thậm chí có người nói thuyết phục không phải để nói sự thật mà để lừa đảo người khác. Cho nên, thông thường, người nói nhiều lại ít nói đúng, nói không chính xác, nói không thật.

- Người mắc bệnh nói nhiều có thể do một vùng não bộ phụ trách ngôn ngữ bị lỗi, bệnh về thần kinh, bệnh tâm lý, trục trặc nhân cách. Ví dụ: người nghiện rượu. Vì rượu kích thích vào thần kinh, nên họ bị nói nhiều, hoặc nói đi nói lại một vấn đề, một cụm từ nào đó.

- Đối với những người phải nói nhiều vì mục đích công việc, tâm hồn của người đó thực sự quan trọng để chi phối lời nói, cách nói của họ. Có những người nói rất hay, dễ thu hút người nghe, nhưng sau một thời gian thì khả năng ăn nói không phát huy được nữa, khó thu hút người nghe. Do đó, sự trau dồi tâm hồn đẹp, có đạo đức là bí quyết cho công việc của họ.

Chúng ta muốn lời nói của mình có sức thu hút hay thuyết phục người khác, trước hết phải biết im lặng. Người làm chủ được tâm hồn của mình và biết im lặng thì sẽ làm chủ được lời nói./.

Bạch Tầm Xuân

No comments:

Post a Comment