Pages

2012/10/31

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 18

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 18
HỒ TẤN VINH

Đến đây, tôi muốn trả lời dứt khoát hai câu hỏi mà ai cũng có trong đầu. 
 
Ông Diệm có kỳ thị tôn giáo không? Ông Diệm có kỳ thị địa phương không?

Những người binh vực ông Diệm hoặc cố tình tránh né hoặc tìm đủ lý lẽ để chối quanh dùm cho ông. Nhưng nếu không có can đãm đối diện sự thật thì dư âm khó chịu mà chế độ để lại sẽ không tự nhiên tiêu diêu.

Không thể có chuyện ba phải. Một người hể tuyệt đối tin tưởng tôn giáo của mình thì đương nhiên phải nghĩ rằng tôn giáo khác là sai. Đó chính là bản chất độc tôn của tín ngưỡng và vì tin tưởng một chiều nên họ tìm mọi cách dụ dỗ hoặc áp bức người khác vào con đường mà mình cho là đúng. Vì độc quyền chân lý như vậy nên ở một thời điễm nào đó, ở một địa phương nào đó, vẫn có, hoặc khi thì ngấm ngầm khi thì trực diện, mưu toan bành trướng và lấn áp với nhau không những giữa các tôn giáo mà ngay trong cùng một tôn giáo cùng thờ chung một giáo chủ, các chi phái vẫn chống báng nhau kịch liệt. Ở Ái Nhỉ Lan, Thiên Chúa Giáo và Tin Lành cùng thờ một Chúa vẫn giết nhau không nương tay. Khởi đầu của các tôn giáo là một khái niệm giải thoát, nhưng sau này lúc bành trướng mới nẩy sanh ra mưu toan thôn tính, lúc đó không còn nhân ái nữa.

 Từ 1095 đến 1270, Thiên Chúa Giáo đã làm 7 cuộc Thánh chiến. Và kinh hoàng nhứt là việc người Thiên Chúa Giáo lấy củi khô đốt người sống chỉ vì bị cho là 'dị giáo' ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.

 Hình ảnh thân thiện của các tôn giáo khác nhau đứng chung cầu nguyện ở một lễ đài nào đó chỉ mới có sau này. Cái xử thế lịch sự, cái chấp nhận hòa đồng, cái chung sống hòa bình không phải tự nhiên do suy tư cao siêu hay cầu nguyện nhiệt tình mà có. Nó là kết quả của sự lấn áp cực kỳ khủng khiếp, không khoan dung nhưng không thành công mà còn đem đến phản tác dụng.
 
Kỳ thị tôn giáo hay kỳ thị địa phương chỉ là những hình thức lạm dụng quyền hành. Nâng cao dân trí có tránh được sự lạm dụng quyền hành không? Dân trí là do giáo dục mà có. Lạm dụng quyền hành thì đã có sẳn trong máu của mọi người. Cám dỗ lạm quyền chỉ có thể được kềm hãm bằng những cơ chế kiểm soát chớ không bao giờ tuyệt chủng nó được. Những cơ chế này không phải do bình dân ồn ào đòi hỏi đặt ra, mà là do những người trí thức cao thâm am hiểu được cái yếu đuối bẩm sinh của con người nên tự đặt ra để tự kềm chế. 
 
Tại các nước có dân trí cao nhứt và có những cơ chế kiểm soát chặt chẻ nhứt, các Tổng Thống Pháp, Tổng Thống Mỹ, Thủ Tướng Anh đều có lúc lạm dụng quyền hành. Và có khi là tội phạm chiến tranh nữa!

Huống hồ gì lúc đó đâu có cơ chế nào thật sự (nhưng có cơ chế giả) để kềm chế ông Diệm, - ông Diệm đã toàn quyền nắm quân đội, cảnh sát, công an, Hành chánh, Tư pháp và báo chí - thì việc ông Diệm lạm quyền là chuyện đương nhiên. Làm sao mà chối cái đương nhiên? Nếu ông không lạm dụng quyền hành thì đó mới là chuyện lạ.
 
Bất kỳ người nào, một lãnh tụ tôn giáo khác hay một đảng phái khác trong hoàn cảnh 'trên đầu không có ai' chắc chắn cũng sẽ làm y như ông, nghĩa là lạm quyền.
Trong 9 năm cầm quyền, việc làm hăng say nhứt của ông Diệm là nâng đở tôn giáo của mình. Tại các quận lỵ gần hay xa, mỗi ông linh mục là một ông Trời con. Không có vậy sao?
Còn Cao Đài và Hòa Hảo thì bị thẳng tay đàn áp, luôn cả giết người. Không có vậy sao?
Trong nhứt thời, làm ngang như ông Diệm thì được. Nhưng nhân chứng, vật chứng vẫn còn, các sử liệu không thể đốt hết được đâu, không thể cải chày cải cối với lịch sử được.
Những tội lỗi này, nếu biết thành tâm ăn năn thì còn có thể tha thứ. Bây giờ muốn chạy tội dùm ông, mấy người hoài Ngô trơ trẻn chối bỏ việc làm tâm huyết của cả đời ông. Làm như vậy là chửi cha ông Diệm rồi!
Nhưng đừng có hiểu lầm rằng nhân dân miền Nam là nạn nhân đau khổ nhứt của ông Diệm.
Trong số một triệu người Bắc di cư vào Nam, có 800 ngàn người theo đạo Thiên Chúa. Mà tất cả tài nguyên cứu trợ đều tổ chức qua tay các linh mục. Sau khi mất tất cả nhà cửa, trên phương diện tinh thần và vật chất, 200 ngàn người Bắc di cư kia đã phải chịu đựng thêm những gì? Họ mới thật là kẻ bơ vơ trên đất miền Nam.

Tôi đã lần lượt nói rõ rằng ông Diệm có quan liêu, hống hách, có tham nhũng, độc tài, gia đình trị, lạm quyền, kỳ thị. Đây là những điều mà sách vở đều có ghi chép đầy đủ. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Nhưng nếu cứ lẩn quẩn phiền trách cái tham nhũng, cái gia-đình-trị, cái phong kiến của nhà Ngô thì quá là nhỏ mọn, vì những  hành vi đó xét cho cùng rất là phổ thông, bất cứ ai ở vào địa vị đó cũng đều có thể cũng làm như vậy. Và nếu để cái nhỏ mọn che tầm mắt thì không thể thấy được cái bản chất hiễm ác khác nó nằm bên dưới cái vỏ.
Kể cả những chuyện tàn ác mà ông Diệm đã sáng kiến khi làm Tri phủ Hòa Đa (Theo lời của An Khê Nguyễn Bính Thinh do Lê Hữu Dản viết lại trong TÀI LIỆU SOI SÁNG SỰ THẬT), cũng chưa phải là hết sự thật.

Theo chiều dài của lịch sử, tôi muốn trình bày một điễm quan trọng nhứt mà sách vở lại chưa thấy phân tách. Các chiến sĩ Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, các đảng phái Đại Việt, VNQDĐ đều là những người từ dân tộc mà ra, uy tín của họ từ một thành phần dân tộc mà có. Cái quyết tâm, quyết chí giành độc lập, tự do của toàn dân không phải thể hiện ở những người ăn to nói lớn mà tập trung cao độ ở những người dân bình thường dám dấn thân kiên trì tạo dựng các lực lượng Việt Nam. Việc thanh toán các đảng phái và giáo phái không phải là những xung đột về cá tánh hay một sự tranh quyền, tranh lợi giữa các cá nhân, mà nó là một việc làm có dự mưu.

Tội ác thật sự của Ông Diệm là đã dựa vào quyền lực mà ngoại bang cho, để chống phá, đàn áp và thủ tiêu nội lực của dân tộc. Đứng tại quan điễm Tổ quốc và dân tộc, tội của Ngô Đình Diệm nặng hơn tội của Lê Chiêu Thống. Nhưng cũng vì vậy, ở một quan điễm khác, ông Diệm có thể được phong Thánh.

Ngày 8-1-1985, Việt cộng tử hình Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch. Họ đã làm gì nên tội? Từ giã Âu châu ấm no, các liệt sĩ chấp nhận nguy hiểm và gian khổ trở về nước để tìm cách xây dựng lại từ đầu tại Tây Ninh một lực lượng võ trang chống cộng (DTST tr. 6) mà ba chục năm trước, - khi ông Diệm về nước - đã có sẳn rất là hùng hậu (20 ngàn quân Cao Đài và 30 ngàn quân Hòa Hảo) mà chẳng những ông Diệm không dùng lại còn trở mặt bức hại.

Và trong tình trạng bị CS đô hộ ngày nay, ai trong chúng ta lại không mơ ước Miền Đông và Miền Tây Nam bộ có cơ đứng dậy chống xâm lăng. Nếu ai có mơ ước đó, nếu có ai thật sự kính phục Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch thì mới hiểu hết cái tai hại ông Diệm đã làm trước đây. 
 
Ngày nay, trong lúc các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo vẫn luôn luôn chống cộng nhưng không thể cựa quậy gì được. Ông Diệm và những người hoài Ngô có thể nào dễ dàng phủi tay, coi như không có trách nhiệm gì cả?
Giữa Tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế, Tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người này giết hai người kia, ba người này bây giờ đã chết hết rồi:
ai là người thật sự chống Việt cộng?
ai là người chống phụ Việt cộng?
ai là người vị quốc vong thân?
còn ai là Việt Gian?
Chắc có người đớ lưỡi, khó trả lời. Thôi tạm thời chỉ có một điều có thể đồng thuận. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có một cơ hội lớn để làm rạng danh Chúa. Nhưng Ông đã đánh mất nó đi.


Hồ Tấn Vinh
Melbourne
Ngày 31 tháng 10 năm 2012
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

No comments:

Post a Comment