Pages

2017/01/17

Chuyện công an đánh dân

Chuyện công an đánh dân

Chuyện công an đánh dân tôi đã tường thuật vài lần, các cơ quan hứa "sẽ giải quyết triệt để và nghiêm túc" nhưng sự thật hàng ngày vẫn xảy ra. Nhân dịp cuối năm Âm Lịch điểm lại đôi nét về những sự việc đau lòng này. Mong rằng từ năm sau sẽ không còn cảnh này xảy ra nữa. Nếu không kể đến vụ công an (CA) không bắt được người bán số đề, lực lượng công an đã cãi lộn với dân, rồi huy động gần cả chục người mặc quân phục "vây bắt" và đánh 5 người, làm 2 người phải nhập viện cấp cứu vào ngày đầu năm 2017, may mà nạn nhân nhân chỉ bị đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tôi chỉ kể vài chuyện CA đánh dân đến chết vào dịp cuối năm thôi.

Hai công an đánh dân tử vong
Chuyện gần đây nhất là kết quả điều tra trưởng công an cùng 2 công an viên xã Lãng Công (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có hành vi dùng tay chân, dùi cui đánh đập vào người, vào mặt ông Nguyễn Cao Tấn. Sau buổi làm việc ông Tấn trở về nhà với nhiều thương tích trên người và qua đời tại nhà.

Theo báo Thanh Niên, kết quả điều tra ban đầu, trưởng công an cùng 2 công an viên xã Lãng Công đã có hành vi dùng tay chân, dùi cui đánh đập vào người, vào mặt ông Nguyễn Cao Tấn.

Sau buổi làm việc ông Tấn trở về nhà với nhiều thương tích trên người và lăn quay ra chết.

Theo nguồn tin mới nhất cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa có kết quả điều tra ban đầu vụ ông Nguyễn Cao Tấn tử vong sau khi được Công an xã mời lên làm việc về vụ mất điện thoại.
Gia đình đưa di ảnh của nạn nhân và hình ảnh tử thi lên dự tòa.
Đánh đập người dân tại trụ sở công an
Sau khi nhận đơn tố cáo của gia đình ông Tấn về việc ông bị lực lượng công an xã Lãng Công hành hung, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức khám nghiệm tử thi.

Kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ông Tấn chết là do bị phù phổi cấp trên, bệnh nhân có sẹo nhồi máu cơ tim cũ, xơ gan nặng sau chấn thương ngực. Các thương tích trên tử thi gây tổn hại sức khỏe ở thời điểm khám nghiệm là 18%.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, ngày 26-10 ông Lương Duy Tuyển, trưởng công an xã Lãng Công nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Mùi (vợ ông Tấn, hiện đang đi lao động tại Đài Loan) tố cáo ông Tấn lấy điện thoại của con trai mang đi bán.

Sáng 27-10, ông Tuyển viết giấy mời giao ông Trần Đăng Khôi (là công an viên) mang đến nhà và mời ông Tấn đến trụ sở công an làm việc. Trong lúc làm việc, ông Tuyển, ông Khôi cùng một công an viên khác tên là Ánh đã đánh đập ông Tấn.

Ông Tuyển dùng tay tát vào mặt, lấy chân đạp vào ngực; ông Khôi dùng tay đánh vào mặt, dùng dùi cui vụt vào ngực còn ông Ánh dùng dùi cui đánh vào mắt cá chân trái của ông Tấn. Đến 6 giờ chiều ngày 27-10, ông Tấn được thả về nhà.

Chỉ khởi tố về tội cố ý gây thương tích?
Về nhà, ông Tấn kêu đau đầu, đau người không ăn uống được gì và lên giường đi ngủ. Sáng 28-10, gia đình phát hiện ông Tấn chết trong phòng ngủ.

Dựa trên kết quả điều tra ban đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Tuyển, Khôi và Ánh để điều tra về tội "Cố ý gây thương tích."

Ngày 26-12 vừa qua, xác nhận với báo chí thông tin trên, một lãnh đạo công anh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm CQĐT đã ra lệnh bắt tạm giam bị can Khôi.

Đối với bị can Tuyển, Ánh do khai báo thành khẩn, nơi cư trú ổn định nên được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trả lời câu hỏi tại sao ông Tấn tử vong sau khi bị đánh đập tại trụ sở công an xã nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố các cán bộ công an xã về tội cố ý gây thương tích, vị lãnh đạo này nói, "Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục thu thập chứng cứ, điều tra hành vi của 3 bị can và những người liên quan để xử lý nghiêm. Những người thực thi pháp luật mà lại đánh đập người dân tại trụ sở công an là không thể chấp nhận được, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm không bao che để làm gương."

Đừng lấp lửng bao che cho nhau
"Không bao che và xử lý nghiêm," dân nghe mãi mệt rồi. Bao che cho nhau không chỉ để bảo vệ đàn em mình mà bảo vệ cho cái ghế của chính mình nên cái bệnh này như đã thành "tiền lệ" của các quan trên rồi. Không ai nghi ngờ gì thứ chuyện hàng ngày ở huyện này nữa. Hứa cho yên lòng, cho yên thân thôi.

Một chuyện khác thương tâm hơn là những người phụ nữ nghèo khổ không sống nổi ở nông thôn phải kéo nhau ra thành phố làm đủ thứ nghề. Không nhà cửa, không vốn đành mua hàng trả sau của mấy người trong chợ ra ngồi ở lề đường bán hàng rong. Vậy mà cũng bị dân phòng hoặc công an "nhân dân" hành hung.

Công an túm tóc, kéo lê người phụ nữ bán hàng rong
Tối 29/9, một đoạn clip ghi lại cảnh giằng co, xô xát giữa một người mặc trang phục công an và một phụ nữ ở khu vực hồ Con Rùa (quận 3, Sài Gòn) gây xôn xao dư luận.
Hình ảnh thiếu úy Hải nắm tóc bà Thảo được người dân quay lại.
Đoạn clip được đăng tải trên trang facebook cá nhân có tên N.P.N. Nội dung đoạn clip thể hiện, người đàn ông mặc sắc phục công an có hành vi túm tóc, kéo lê một người phụ nữ trên đường.

Ngay sau đó, một cô gái và một số người dân xung quanh xông vào can ngăn, đấm đá người mặc trang phục công an nhưng người này vẫn lôi người phụ nữ trên lề đường.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo chí, sự việc xảy ra tại khu vực hồ Con Rùa, góc đường Công Trường Quốc Tế - Phạm Ngọc Thạch (thuộc phường 6, quận 3).

Người đàn ông mặc sắc phục công an trong các đoạn clip là Thiếu úy Bùi Xuân H., đang công tác tại Công an phường 6.

Người phụ nữ bị túm tóc kéo lê là bà Nguyễn Thị Thu T. (ngụ quận Bình Thạnh), bán hàng rong ở khu vực hồ Con Rùa.

Trưởng Công an quận 3 xác nhận Thiếu úy H. đang công tác tại phường 6.
Lương Việt Hà không được phân công làm nhiệm vụ dọn dẹp người buôn bán lấn chiếm lề đường.
Thông tin từ người phát ngôn của Công an cho biết, thượng sĩ Lương Việt Hà (cán bộ công an phường 4, quận 6) hoàn toàn không được phân công làm nhiệm vụ dọn dẹp các khu vực buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nhưng vẫn tham gia, dẫn đến xô xát với dân.

Đại diện Công an quận 6 cũng cho hay, đã chỉ đạo Công an phường 4 và thượng sĩ Hà đến bệnh viện thăm hỏi sức khỏe của người bán hàng rong là anh Phạm Thiện Minh Phong (27 tuổi, ngụ quận 6). Công an phường và thượng sĩ Hà cũng đã có hỗ trợ viện phí cho anh Phong số tiền 9 triệu đồng. Riêng anh Phạm Thiện Minh Phong hiện vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện 115 mà phía bệnh viện chẩn đoán là bị xuất huyết não.

Công an gạt tay chết người rồi bỏ trốn
Theo báo cáo ban đầu, chiều 9-6, nghe có vụ gây rối giữa nhóm phụ nữ và một số thanh niên tại địa phương, công an xã cử 3 công an viên tên Hiền, Đông, Tú và Trưởng Công an xã Đông Thạnh – thượng úy Phạm Thế Lâm cùng dân phòng đến giải quyết.

Đến nơi, công an xã vào nhà của anh Nguyễn Văn Chuộng (SN 1978, ngụ ấp Bắc), mời 3 phụ nữ là chị Phạm Thị Thùy Dương (SN 1982), Phạm Thị Thùy Trang (SN 1976), Đặng Thị Lệ Thủy (SN 1991, ngụ ấp Tân Thanh A, xã Phước Lại) cùng anh Nguyễn Văn Út (SN 1976, chồng chị Dương, ngụ ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) về trụ sở làm việc.

Do không đồng ý, nhóm này phản đối không chấp hành nên bị 3 công an viên đánh và dùng roi điện khống chế, nặng nhất là trường hợp chị Thùy Trang.

Hậu quả, cả 3 người phụ nữ đều phải nhập viện điều trị với nhiều vết thương ở tay, chân.
Chị Phạm Thị Thùy Dương kể lại, "Đúng là chúng tôi có chống trả lại công an. Thế nhưng việc đề nghị đưa chúng tôi về xã làm việc có đúng quy trình hay không? Ngoài ra, 6 người là công an và dân phòng đã sử dụng roi điện, gậy ba trắc đánh lại 3 người phụ nữ thì liệu có cần thiết? Ngoài ra, sau vụ việc này công an còn đưa chúng tôi về trụ sở xã để tạm giữ, từ chiều 9-6 đến chiều 10-6 mới cho về, làm 2 đứa nhỏ con tôi phải theo mẹ lên xã ngủ, bị muỗi chích sáng đêm."
Các bị cáo Lê Ngọc Tâm, Lê Minh Phát, Lê Tân Khỏe (từ trái qua)
Hành hạ phụ nữ như thế họ nổi loạn để trả thù là chuyện không hiếm, cứ để tình trạng này xảy ra thì không thể tránh khỏi những vụ nổi loạn lớn hơn làm ảnh hưởng tới cả một hệ thống cầm quyền. Chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Chuyện sau cùng là chuyện công an xã đánh chết học sinh bị đưa ra tòa án. Chuyện có nhiều tình tiết nhưng không muốn dài dòng chỉ kể tóm tắt vụ này thôi.

Tòa án tỉnh Khánh Hòa mở phiên xét xử phúc thẩm vụ nguyên công an xã đánh chết học sinh
Nguyên nhân sự việc là do mâu thuẫn từ trước nên chiều 29-12-2013, thấy Tu Ngọc Thạch (SN 1999, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, học lớp 9) đang đi trên đường, Khỏe ném chai nước khoáng bằng thủy tinh trúng đầu Thạch, Thạch bị sưng đầu và té trầy xước tay. Chiều cùng ngày, Thạch được bạn bè chở đi tìm Khỏe để giải hòa. Nghĩ 2 nhóm thiếu niên sắp đánh nhau nên Phát đến truy bắt.

Khi thấy công an, Thạch bỏ chạy nhưng Phát (công an) bắt được, còng tay, đánh vào mặt làm Thạch ngã xuống đất rồi đạp lên người Thạch. Lúc kéo cho Thạch đứng lên, Phát còn đánh nhiều cái vào hai bên mang tai và mặt nạn nhân. Chỉ đến khi ông Huỳnh Trung Thắng (Phó trưởng Công an xã Vạn Phước) đến can ngăn thì Phát mới dừng đánh.

Tại trụ sở công an xã, Lê Ngọc Tâm (SN 1983, nguyên công an viên xã Vạn Long) và Phát (cũng là công an) tiếp tục dùng tay, chân đánh vào ngực, sườn, cú vào đầu của Thạch. Sau khi trưởng Công an xã Vạn Long cho gia đình bảo lãnh Thạch về nhà, sáng 30-12-2013 Thạch ói mửa, lơ mơ và được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện.

Tại phiên tòa, gia đình em Tu Ngọc Thạch mang đến tòa một số hình ảnh trong khi giải phẫu tử thi nạn nhân.

TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên án sơ thẩm xử phạt Lê Minh Phát 6 năm 9 tháng tù về hai tội "Bắt người trái pháp luật" và "Cố ý gây thương tích". Bị cáo Lê Ngọc Tâm, nguyên công an viên xã Vạn Long bị tòa xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Bắt người trái pháp luật", thời gian thử thách là 1 năm 6 tháng. Bị cáo vị thành niên Lê Tấn Khỏe bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Bị cáo Phát và cha mẹ bị cáo Khỏe liên đới bồi thường hơn 135 triệu đồng cho gia đình em Tu Ngọc Thạch.

Bạn đã thấy em Lê Tân Khỏe là trẻ vị thành niên (chưa đến tuổi trưởng thành) mà bị tù 3 năm, trong khi anh công anh đánh chết dân chỉ bị phạt 9 tháng tù nhưng lại được hưởng án treo (coi như không ở tù ngày nào). Pháp luật xử kiểu này thì dân càng phẫn uất hơn. Năm 2017 còn xảy ra bao nhiêu vụ nữa? Những vụ đánh chết dân còn dài dài và dân đánh lại sẽ còn mạnh mẽ hơn, dân nổi loạn là chuyện có thể xảy ra.

Văn Quang
Sài Gòn - Ngày 16/01/2017

No comments:

Post a Comment