Pages

2012/01/11

2012: Năm mới, những vấn đề cũ


2012: Năm mới, những vấn đề cũ

Nguyễn Hưng Quốc

Tôi đọc khá nhiều bài bình luận tiên đoán tình hình chính trị thế giới năm 2012 của những cây bút bình luận nổi tiếng. Có một điểm chung: hình như không có ai thực sự lạc quan.

Nhìn lại năm 2011, phần lớn đều vui và thừa nhận đó là năm có nhiều biến chuyển bất ngờ và thú vị, đặc biệt, những biến chuyển liên quan đến xu hướng dân chủ hóa. Nhưng từ những thắng lợi ấy, nhìn tới phía trước, người ta chỉ thấy bời bời những lo lắng. Phần lớn đều tiên đoán: trong năm 2012 này, điều thu hút tinh thần và sức lực của mọi người nhất là giải quyết những bài toán nảy sinh trong năm 2011.

Trước hết là bài toán kinh tế. Cuộc khủng hoảng vốn xuất hiện từ năm 2008, thoạt đầu, ngỡ là đã có thể được khắc phục dễ dàng sau khi chính phủ các nước vung tay đổ hàng tỉ đô la ra nâng đỡ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng cũng như giải quyết nợ nần của các đại công ty. Nhưng, không. Gượng dậy được một chút, tới đầu năm 2011, kinh tế khắp nơi lại quặt quẹo trở lại. Trầm trọng nhất là ở châu Âu. Trầm trọng hơn hẳn cuộc khủng hoảng đầu tiên năm 2008. Trầm trọng đến độ người ta hoài nghi không phải vấn đề là các nước châu Âu có sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hay không mà còn hoài nghi cả sự tồn tại của đồng Euro và khối Cộng đồng Âu châu. Nếu cộng đồng sử dụng đồng euro (Eurozone), bao gồm 17 nước với dân số trên 330 triệu, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là đối tác lớn nhất của Mỹ, tan rã, kinh tế toàn cầu, đặc biệt kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ngay tức khắc. Mà kinh tế Mỹ bị suy sụp hơn cái mức như hiện nay, hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama có lẽ chỉ còn là một con số không.

Thứ hai là bài toán dân chủ. Ở đây có hai khía cạnh.
Một là tiến trình dân chủ hóa ở các nước vừa trải qua cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài như Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya và có lẽ nên kể luôn cả Iraq. Ở tất cả các nước này, triển vọng và nguy cơ ngang bằng với nhau. Tất cả đều bị xem là đầy bất trắc. Nền dân chủ người dân mới có được còn quá mong manh. Chúng chịu sự tác động của rất nhiều thế lực và nguồn ảnh hưởng khác nhau, trái ngược hẳn nhau. Sự chiến thắng của bất cứ thế lực hay nguồn ảnh hưởng nào cũng có thể làm biến dạng những gì đang có trước mặt.
Hai là tiến trình dân chủ hóa ở những nước đang rục rịch dân chủ hoá. Có ba nơi đang được chú ý nhất: Myanmar, Nga và Syria.

Ở Myanmar, chính phủ quân phiệt Thein Sein có vài dấu hiệu cho thấy sẽ nới lỏng bớt bàn tay sắt của mình sau mấy chục năm bóp nghẹt dân chủ một cách tàn bạo. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đến viếng nước này vào ngày 30/11/2011 hy vọng sẽ mở đầu cho một giai đoạn lịch sử mới. Bà Aung San Suu Ky, thủ lãnh đối lập, tuyên bố sẽ ra tranh cử Quốc Hội, tham gia vào guồng máy chính trị sau hơn hai thập niên bị tù đày và áp bức. Đó là những chuyện xảy ra vào cuối năm 2011. Trong năm 2012 này, sẽ có gì mới? Không ai biết. Có điều, dù tình hình Myanmar có thế nào đi chăng nữa thì nó cũng không có ảnh hưởng gì mấy với bản đồ chính trị thế giới: Nước này quá nhỏ, quá yếu và quá cô lập.
Tình hình ở Nga cũng khá ngoạn mục. Từ những tháng cuối năm 2011, dân chúng Nga đã bắt đầu đổ xô xuống đường biểu tình chống lại Putin, hiện đang làm Thủ tướng và có lẽ, trong năm 2012, sẽ trở lại làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba (sau bốn năm gián đoạn theo quy định của Hiến pháp: không được làm tổng thống trên hai nhiệm kỳ liên tiếp). Những cuộc biểu tình ấy, dù tiếp tục, có lẽ cũng sẽ không ảnh hưởng đến chức vụ tổng thống tương lai của Putin. Nhưng chúng sẽ làm cho ông yếu hơn, từ đó, có lẽ sẽ nới tay và chấp nhận một số cải cách theo hướng dân chủ hơn.

Tuy nhiên, tâm điểm của nhóm này chắc chắn là Syria, nơi dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường và chính phủ vẫn tiếp tục thẳng tay đàn áp. Vấn đề là: bao giờ thì đến cái điểm tận cùng mà một trong hai bên có thể chịu đựng được? Nếu dân Syria chịu thua, chính phủ Assad vẫn tiếp tục cầm quyền thì dân chúng nhiều quốc gia khác có thể sẽ nản lòng, nhiệt tình đấu tranh cho dân chủ có thể sẽ giảm sút; các chính phủ độc tài khác cũng có thể sẽ quyết liệt hơn khi đối đầu với dân chúng thay vì chịu nhượng bộ quá sớm và quá dễ như ở Tunisia và Ai Cập. Nếu dân Syria thắng và chính phủ Assad sụp đổ, coi như đồng minh cuối cùng của Iran bị biến mất, Iran sẽ bị cô lập hơn. Phản ứng của những kẻ cô lập rất khó lường: hoặc dịu lại hoặc hung hăng hơn. Bất cứ phản ứng nào cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình thế giới.

Thứ ba là bài toán Iran. Hiện nay, dưới mắt Mỹ và Tây phương, có lẽ không có cái gai nào lớn và gây nhức nhối cho bằng Iran. Một nước Iran có bom nguyên tử là điều Mỹ, Tây phương và Trung Đông khó có thể chấp nhận được. Nó sẽ nguy hiểm hơn việc Bắc Hàn có bom nguyên tử nhiều. Có bom nguyên tử trong tay, Bắc Hàn chỉ đe dọa được, may lắm, một nước: Nam Hàn. Để trừng trị Bắc Hàn, thế giới có nhiều cách. Với Iran thì khác. Iran nằm ngay ở trung tâm vùng đất lâu nay được xem là nóng nhất thế giới. Tuy bị cô lập về kinh tế và chính trị, nhưng Iran lại có dây mơ rễ má với vô số nước khác trong khu vực, chủ yếu qua tôn giáo (Hồi giáo) và qua các tổ chức bạo động do Iran tài trợ hoặc trực tiếp huấn luyện đang có mặt và hoạt động ở nhiều nơi, tất cả đều nhắm vào một đích: Israel. Sức mạnh của Iran trở thành một uy hiếp trực tiếp đối với Israel. Mà uy hiếp Israel là uy hiếp Mỹ và Tây Âu, nơi những thế lực ủng hộ Israel cực lớn. Trong suốt năm 2011, chính phủ Israel nhiều lần bắn tiếng sẽ mở cuộc không kích nhắm vào các trung tâm nguyên tử của Iran. Điều này, nếu xảy ra, chưa chắc đã thành công; và ngay cả khi thành công, cũng sẽ tạo ra vô số rủi ro nảy sinh từ các hành động phục thù của Iran sau đó. Nhưng nếu không hành động thì không có cách gì ngăn chận được công việc chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran cả. Các cuộc cấm vận kinh tế lâu nay rõ ràng là không có hiệu quả. Iran vẫn có thể tiếp tục chịu đựng thêm vài năm nữa cho đến lúc những quả bom nguyên tử đầu tiên được ra đời. Lúc ấy tình hình sẽ khác hẳn.

Thành ra, trong năm 2012 này, ba vấn đề lớn nhất của thế giới vẫn là: tình hình kinh tế Âu châu, tình hình chính trị ở Trung Đông (kể cả Pakistan và Afghanistan – vốn thuộc Greater Middle East), và cách xử lý âm mưu chế tạo bom nguyên tử của Iran.

Bất cứ sự thay đổi nào trong số ba vấn đề nêu trên cũng đều làm thay đổi diện mạo của thế giới.

Đối với ba vấn đề lớn ấy, kế hoạch Mỹ trở lại châu Á có lẽ chỉ ở giai đoạn xây dựng nền móng. Trung Quốc còn thì giờ để gia tăng thanh thế. Nhưng có lẽ họ cũng sẽ không làm điều gì quá đáng trong năm nay, năm diễn ra kỳ đại hội đảng lần thứ 18. Trước đại hội: không ai muốn nhận lãnh trách nhiệm ra các quyết định có thể có rủi ro; sau đại hội: giới lãnh đạo mới cần có thời gian để củng cố quyền lực và tranh thủ bạn bè trên thế giới.

Tình hình thế giới và Trung Quốc như thế thì tình hình Việt Nam có lẽ cũng sẽ không có gì đặc biệt. Trung Quốc sẽ tiếp tục uy hiếp. Chính quyền Việt Nam tiếp tục nín nhịn. Giới trí thức Việt Nam tiếp tục phê phán. An ninh mạng tiếp tục dựng tường lửa và tung tin tặc đi đánh phá.
Cứ thế, cho đến hết năm 2012.

Xin nói thêm, thay cho phần kết luận: Tất cả những tiên đoán trên đều có thể sai. Vào đầu năm 2011, không ai có thể tiên đoán Gadhafi sẽ bị bắn chết và Hosni Mubarak bị buộc từ chức và hiện đang bị lôi ra tòa, không chừng sẽ bị treo cổ./.

Nguyễn Hưng Quốc


http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/nam-moi-van-de-cu-01-10-2012-137030313.html
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment