Pages

2012/01/16

Vấn nạn “xăng tặc” móc túi dân bao nhiêu tỉ đồng

Vấn nạn "xăng tặc" móc túi dân bao nhiêu tỉ đồng
 
Một chiếc xe máy bỗng dưng bốc cháy giữa cầu Chương Dương
 
Như bạn đọc đã biết, ở VN hiện nay có hai "ông lớn" độc quyền, nắm giữ phần xương sống và huyết mạch toàn xã hội là ông nhà đèn (tức Tổng công ty Điện Lực - hay còn viết tắt là EVN) và ông cung cấp xăng dầu (tức Tổng Công ty Xăng Dầu VN - hay còn gọi là Petrolimex). 
 
Trong bài kỳ trước, tôi đã bàn đến chuyện độc quyền và oai quyền của ông nhà đèn. Kỳ này, xin tiếp tục bàn đến chuyện của ông xăng dầu. Điều đáng quan tâm là chính phủ VN đang có quyết tâm đưa điện lực và xăng dầu trở thành cơ chế thị trường, hy vọng người dân sẽ được mua bán sòng phẳng, đúng giá, đúng tiêu chuẩn với hai món tiêu dùng thiết thân này. Nhưng bao giờ và làm như thế nào lại là chuyện khác. Khó mà có thể đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng về thời gian cũng như cách thức chuyển đổi cách đầu tư sao cho thích hợp với hoàn cảnh hiện nay. Cho nên trong khi chuyển sang cơ chế thị trường thì người dân vẫn phải chung sống với độc quyền. Phần thiệt thòi sẽ thuộc về người tiêu dùng. Giá cả một đằng, sản phẩm một nẻo, dù chất lượng ra sao thì người dân vẫn phải cắn răng chịu đựng.
 
Cú "đánh úp" về giá điện váo cuối tháng 12-2011 và câu chuyện ông nhà đèn Kiến An ra oai cúp điện ngang xương của công ty May Hai ở Hải Phòng chỉ vì "cái tội" dám hỏi "thượng cấp" thời gian cúp điện là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho cái sự độc quyền tai hại như thế nào.

Nhưng những "khám phá" mới nhất trong tuần này lại cho thấy một điều tệ hại hơn của ông xăng dầu VN. Có thể nói đó là hệ thống "xăng tặc" hoành hành trong vòng "bí mật" từ bao năm nay rồi.

Những mánh lới ăn cắp trắng trợn nhất giữa ban ngày.
 
Cần phải nói thẳng ra rằng, từ lâu lắm rồi người mua xăng dầu tại VN vẫn nghi ngờ mình bị ăn cắp, bị lừa bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng không thể biết chắc chắn đó là mánh lới gì và chính xác là như thế nào. Ghé cái xe hơi hay cái xe gắn máy vào cây xăng, bị đổ thiếu chừng vài ngàn đồng trong 1 lít hay hơn một chút thì cũng đành nhắm mắt bỏ qua cho được việc. Xăng có bị pha chế, không ai biết đấy là đâu, miễn là xe chạy được thì thôi. Mà có muốn làm ra chuyện cho rành mạch cũng mất quá nhiều thì giờ, chưa biết chừng còn mất tới cái gì nữa ngoài thời gian và tiền bạc. Dân vẫn là thứ thấp cổ bé miệng so với các "ông lớn xăng dầu", thế nên cứ đành chấp nhận sống chung với nạn bị rút ruột, bị ăn cắp. Cái "thói quen" ấy như đã thành một "sự tự nhiên" trong xã hội, cũng như nhiều 'thói quen chịu đựng" khác.
 
Ở đây chúng ta không bàn đến những chuyện lỉnh kỉnh đã làm tốn khá nhiều giấy mực về xăng lên giá xuống giá, ông độc quyền lỗ hay lãi. Xin bàn đến chuyện mới toanh trong tuần về cái sự ăn cắp trong ngành xăng dầu. Một tổ chức ăn cắp "vĩ đại".
 
Trước tiên phải thẳng thắn khen ngợi mấy anh phóng viên của báo Tuổi Trẻ đã có công mò vào tận xào huyệt của bọn ăn cắp để phanh phui tường tận những thủ đoạn gian lận của cả một hệ thống ăn cắp, không khác gì ăn cướp trên đầu trên cổ người dân. Sau đó xin cùng bạn đọc tìm hiểu xem thủ đoạn này liên hệ tới những ai và cơ quan nào phải chịu chung trách nhiệm với "tập đoàn ăn cắp" này. Chúng ta sẽ bàn đến ở đoạn sau.
 
Bãi đáp bí mật trên đường đi của xăng dầu
Ở TP Sài Gòn, muốn có xăng bán cho khách hàng, các hãng buôn bán xăng phải dùng xe tải chuyên dùng chở từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè về các cây xăng hoặc nhà máy, xí nghiệp. Thế nhưng, tại TP Sài Gòn, những xe bồn sau khi lấy hàng ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đã rẽ ngang vào các "trạm pha chế" bí mật.
 
Những xe bồn sau khi nhận hàng từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, khi đến khu vực vắng vẻ, thưa thớt dân cư tại các con đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, Huỳnh Tấn Phát... (Q.7) đều  nhanh chóng quẹo xe ghé qua những "trạm" này với hành tung bí hiểm.

Một đặc điểm chung của những bãi đáp này là rất kín cổng cao tường, phía trước cũng không hề ghi địa chỉ hay tên doanh nghiệp. Trước cổng ra vào luôn có một số thanh niên mặt mày bặm trợn canh gác, đi qua đi lại, láo liên quan sát không cho bất cứ người lạ nào có cơ hội đến gần. Khi thấy xe bồn quen vừa trờ tới, những người này nhanh chóng mở cổng để xe chạy thẳng vào trong và cánh cổng được đóng lại gần như ngay lập tức.
 
Chỉ trong một buổi sáng, phóng viên (PV) đã chứng kiến hàng loạt xe bồn ghé vào "trạm pha chế" với các thủ thuật tương tự. Chẳng hạn các xe 57K-7617, 57H-2316, 51E-003.28, 57M-0456 (trực thuộc Petrolimex), 57K-9343 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải hàng hóa H.P), các xe 51E-024.90, 57K-5052, 57K-5660... Trong hơn nửa tháng theo dõi "trạm pha chế" này, trong khi các xe khác cách ngày hoặc vài ngày mới ghé một lần, thì riêng xe 57K-8275 của Công ty cơ khí xăng dầu ngày nào cũng vào đây pha chế.
 
Thông thường, cứ tầm 8 giờ sáng các ngày trong tuần, trừ chủ nhật, từng đợt xe bồn sau khi nhận hàng từ tổng kho liên tục đổ về đây. Khi còn cách bãi đáp không xa, tài xế gọi điện thoại di động thông báo cho người canh gác để chuẩn bị mở cổng. Cứ vậy, xe bồn ghé vào các trạm này chỉ trong 15 - 20 phút, lâu nhất là nửa tiếng, rồi những cánh cổng lại nhanh chóng được mở để các xe này tiếp tục hành trình chở xăng dầu đến các cây xăng đại lý. Sau khi xe bồn vừa phóng đi, cũng là lúc xuất hiện một lực lượng khác chở lỉnh kỉnh đủ thứ thùng, can nhựa... và chỉ vài phút sau họ đã nhanh chóng rời khỏi với những can nhựa đầy ắp xăng dầu. Trong nhiều ngày quan sát phóng viên đã ghi nhận xe bồn của các hãng xăng dầu lớn như Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu (trực thuộc Petrolimex), lẫn xe bồn của các doanh nghiệp vận tải được thuê để chở xăng dầu cho các cây xăng như H.P, H.N, T.P, N.B... đều ghé các bãi đáp này một cách bất thường.
 
Quy trình tráo xăng sạch thành xăng dởm
Các bãi đáp đều được canh phòng cẩn thận, có lẽ ông chủ của các bãi đáp này đều là các "đại gia" và đã có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh mọi sự dòm ngó. Hơn chục địa điểm được phát hiện không chỉ kín cổng cao tường, lau sậy um tùm che khuất mọi tầm nhìn, mà xung quanh cũng không có nhà cao tầng nào để có thể phóng tầm mắt quan sát các hoạt động bên trong. Xung quanh các trạm này hầu hết là đầm lầy, tiếp đến là tường cao 3m. Khi PV lọt được vào bên trong một "trạm biến chế", quan sát thấy toàn bộ khuôn viên bên trong rộng vài trăm mét vuông, chất đầy thùng phuy, bồn chứa, can nhựa, máy bơm nước...
 
Những chiếc xe bồn, kể cả xe của Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu, trực thuộc Petrolimex và xe chở thuê của các doanh nghiệp tư nhân, nhanh chóng tiến vào tháo niêm chì, mở nắp bồn làm công việc rút xăng sạch, pha xăng dởm. Tôi không dài dòng mô tả chi tiết về thủ đoạn gian lận này. Mỗi xe có 4 khoang, nhưng họ chỉ pha chế 2 khoang, còn 2 khoang để nguyên, đó là cách đánh lừa khi bị kiểm soát.
 
                                                                                  Tài xế bơm chất lỏng vào bồn xăng
 
Toàn bộ quy trình trên diễn ra rất nhanh, thao tác của những người này cũng hết sức thuần thục, kể cả thời gian xe bắt đầu vào đến khi ra khỏi "trạm pha chế" chỉ mất 15 - 20 phút. Sau khi "làm bùa" tại các "điểm pha chế", xe bồn công khai chở xăng dỏm đến giao hàng tại các cây xăng của TP Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Bởi vậy bất cứ nơi nào cũng có xăng dởm.
 
                                                                                Pha trộn xăng rất thành thạo và nhanh chóng
 
Có lẽ ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc cũng không ngoại lệ, chỉ có điều chưa khám phá ra mà thôi. Hệ thống "xăng tặc" ở Sài Gòn mới chỉ là điển hình, chỉ là khám phá đầu tiên. Các đại gia khi đã làm ăn được ở miền Nam, giữa TP Sài Gòn thì khó lòng bỏ qua ở những nơi khác. Nếu không thì cũng truyền nghề cho các đại gia ở các nơi khác trước món mồi béo bở nảy. Đường đi nước bước chắc cũng giống như ở Sài Gòn mà thôi. Màn lưới bao che chắc chắn cũng khá dầy. May ra một ngày nào đó cũng được phơi bày ra ánh sáng.
 
Người dân bị "xăng tặc" móc túi một số tiền khổng lồ
Chỉ tính riêng khu vực Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Đào Trí (Q.7- TP Sài Gòn) với hàng chục chuyến xe bồn, mỗi xe chứa được 16.000 lít, đem đi pha chế, tráo đổi mỗi ngày, ước tính cứ một ngày có đến hàng trăm ngàn lít xăng "bẩn" được tung ra thị trường, bán hợp pháp tại các cây xăng. Thử hỏi từ Nam chí Bắc, trong bao nhiêu năm tháng con số xăng dởm đã mang về cho các "đại gia" bao nhiêu tiền của dân?
 
Phân tích sâu hơn, sẽ thấy mánh làm ăn gian lận này đã mang lại món lợi khổng lồ cho tài xế và doanh nghiệp vận tải (DNVT). Với mức "rút ruột" mỗi xe từ 400 - 500 lít, sau đó bán rẻ lại cho các "điểm pha chế" với giá 16.000 - 17.000 đồng một lít, cứ mỗi chuyến, tài xế có thể ung dung đút túi 7 - 8 triệu đồng. Nếu chạy thường xuyên, số tiền bất chính thu được có thể lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng. Riêng các DNVT tư nhân được "ăn" đến 2 lần lợi nhuận. Bởi cùng với lợi nhuận từ hợp đồng vận tải xăng dầu cho khách hàng, các DNVT này đồng thời hưởng lợi bất chính từ việc "rút ruột" xăng dầu của những khách hàng đã bỏ tiền thuê mình chở hàng.
 
Tình trạng "rút ruột" xăng dầu không chỉ diễn ra bên trong các điểm dịch vụ mà còn được thực hiện ngang nhiên ngoài đường. Đôi ngay cả người dân cũng chứng kiến cảnh các tài xế xe bồn ngang nhiên "rút ruột" xăng dầu ngoài đường kiểu này.

Cùng với chiêu tráo đổi, rút ruột, việc cân đong thiếu cho khách là chuyện không lạ qua những con chip điện tử ở các cây xăng gian lận đã từng bị phanh phui. Nhưng người dân chỉ biết "lầm bầm" phản đối rồi lại vẫn phải tiếp tục đổ xăng để chịu ba bốn lần móc túi.
 
Tổng kết lại, trong bao nhiêu năm tháng đã qua, người dân đã bị bọn trộm này móc túi bao nhiêu tỉ đồng? Một con số khổng lồ, không thể tính hết được. Dù có tịch thu cả gia tài những tên ăn cắp và đồng phạm này cũng không thể đền bù lại với nỗi mất mát của người dân.
 
Dầu DO và FO cũng bị pha chế
Ngoài xăng bị làm dởm, đến dầu DO, FO, cũng bị pha chế. Đầu tư bãi pha chế dầu bẩn với quy mô lớn, một số doanh nghiệp vận tải đã xây dựng cả một "quy trình" tái chế, sang chiết, pha chế dầu "bẩn" hoạt động ồn ào suốt ngày đêm.

Không chỉ gây nguy hại trực tiếp cho xe cộ bằng cách phá hủy nhanh chóng động cơ, máy móc, dầu bẩn còn gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường, vì trong khi nấu, pha chế sẽ liên tục thải ra bầu không khí những khói thải độc hại mà không hề qua bất kỳ hệ thống sàng lọc chất thải nào. Chưa kể, số dầu bẩn sau đó được đem chạy xe hoặc dùng trong các lò đốt, lại tiếp tục gây nguy hại cho môi trường hơn rất nhiều so với sử dụng dầu sạch.
 


Kiểm tra quá trình pha trộn dầu - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn


 Các xe chờ bơm dầu bẩn để giao hàng


Xe xả dầu vào bồn chứa để nấu, pha chế

 
Bơm dầu vào xe sau khi "làm bùa"
 
Được biết, bãi nấu dầu lậu này đã tồn tại nhiều năm. Dù hoạt động tấp nập, chưa kể các dấu hiệu dễ nhận biết như khói cuộn mù mịt và tiếng máy phát ì ùng bất kể ngày đêm, song không hiểu sao vẫn có thể "qua mặt" các lực lượng chức năng Q.7 suốt một thời gian dài? Câu hỏi này cần được trả lời.
 
Nghi vấn xăng xe pha xăng máy bay rút trộm
Gần 40 vụ xe máy và xe hơi bỗng bốc cháy, xảy ra trong năm 2011 khiến dư luận xôn xao, người đi xe cảm thấy bất an. Nhiều nghi vấn về nguyên nhân cháy nổ đã được đề cập, phân tích nhưng nguyên nhân cuối cùng vẫn chưa tìm thấy. Một nghi vấn khác được đặt ra, có phải vì trộn xăng máy bay với xăng thường?

Gần đây, một nhân vật trong giới kinh doanh xăng dầu tiết lộ về tình trạng tài xế "rút ruột" xe bồn chở xăng máy bay (Avgas). Theo một viên chức từng làm chỉ huy kho xăng dầu trong sân bay, trước đây việc vận chuyển xăng cho máy bay thông qua 2 đường ống (một cho quân sự và một cho dân sự) vừa an toàn vừa có chi phí thấp. Nhưng về sau, đường ống bị hỏng mà không được sửa chữa nên phải dùng xe bồn chuyên chở. Cách vận chuyển này nếu kiểm soát lơi lỏng, tài xế rất dễ "rút ruột" xăng để bán hưởng lợi. 


Dù giá nhập khẩu cao hơn các loại xăng khác, nhưng do tính chất đặc biệt chỉ có thể dùng cho máy bay (không thể dùng cho máy móc khác, thậm chí cũng không thể đem đốt lò), nên sau khi rút trộm xăng máy bay, tài xế thường bán lại cho các đầu nậu với giá rất rẻ. Hiện nay, có nghi vấn tình trạng pha trộn xăng A92, A95 với xăng máy bay để hưởng chênh lệch giá. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Bởi tính chất xăng máy bay là tạo nhiệt lớn, giữ nhiệt lâu, dễ phụt hơn xăng xe. Nếu pha với tỷ lệ lớn, ban đầu xe khó khởi động, nhưng khi chạy trong thời gian dài thì rất "bốc", động cơ rất nóng, thậm chí cả khi đã tắt máy động cơ vẫn còn nổ. Điều này tương đối khớp với một số trường hợp đã dừng xe, tắt máy nhưng khi quay ra thấy xe bị bốc cháy như vừa qua. Tuy nhiên, nguyên nhân đó vẫn chỉ là nghi vấn. Chỉ có điều ngay cả xăng máy bay bị rút ruột là có thật.
 
Kết quả kiểm nghiệm chưa đúng với thực tế
Chiều 12-1 vừa qua, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3) cho biết đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ cây xăng do xe bồn "ăn cắp" xăng chở đến. Kết quả, mẫu xăng không có dấu hiệu bất thường. Trước đó, các mẫu xăng này do Chi cục hàng hóa miền Nam lấy từ các cây xăng trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức (TP. Sài Gòn) vào ngày 10-1-2012.
 
Với kết quả trên, các chuyên gia Trung tâm 3 nghi ngờ có thể mẫu được lấy đem đi phân tích không đúng như ý muốn.

Theo chuyên gia Phòng Nghiệp vụ 2 nói trên, một khi các cây xăng đã "dám" móc túi người tiêu dùng thì sẽ sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Nhất là chuyện phanh phui trên các báo đã đăng trước đó 1 ngày, ngày hôm sau mới đi lấy mẫu kiểm nghiệm thì không cây xăng dởm nào dại dột đưa mẫu xăng dởm cho "cơ quan chức năng" xét nghiệm. Vị này nhận định: "Khả năng các cây xăng này dùng xảo thuật để đánh lừa cơ quan chức năng bằng cách thiết kế bể chứa xăng nhiều vách ngăn. Trong đó có chứa cả xăng dỏm và xăng xịn. Tương tự, với cột bơm xăng, cũng có cột bơm xăng xịn và xăng dỏm. Kết quả chỉ chính xác khi lấy được mẫu dung dịch pha vào xăng tại các trạm pha chế. Một khi chất lỏng đã được pha vào xăng, rất khó có thể phát hiện được trong đó có những gì". Nói tóm lại chuyện phân tích để tìm ra đích danh thủ phạm không dễ. Nếu nó còn được bao che bởi một thế lực ngầm nào đó, càng khó hơn.
 
Cần phải làm thật rõ trách nhiệm của từng người và tịch thu tài sản
Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thẳng thắn thừa nhận, chuyện ăn cắp gian lận xăng dầu, dù đã tăng cường giám sát, nhưng rất khó tránh khỏi. Trước đây, Petrolimex đã từng "xử lý" nhiều trường hợp nhân viên ăn cắp xăng dầu dưới nhiều hình thức và đã xử phạt ở mức cao nhất, buộc thôi việc, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên tự ý pha chế các chất lỏng khác vào xăng. Ông Dung nói: "Chuyện ăn cắp xăng ở xe bồn là hiện tượng xã hội, con sâu bỏ rầu nồi canh. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công Thương và đây không phải là lần đầu tiên, trước đây chúng tôi đã phát hiện xử lý nhiều rồi".
 
Như bạn đọc đã thấy, quy trình ăn cắp xăng dầu đã hình thành một hệ thống gian lận với hàng trăm tài xế, với hàng ngàn nhân viên túc trực giúp việc, với những bộ phận kiểm tra thường xuyên, với những cơ ngơi đồ sộ hoạt động ồn ào suốt ngày đêm từ nhiều năm nay. Một hệ thống được tổ chức quy mô như thế không thể tồn tại nếu không được bao che, nếu không được dung túng. Có thể ngay cả những quan chức cấp cao có trách nhiệm của Petrolimex cũng hình dung ra được con đường từ Tổng kho đến các đại lý như thế nào. Còn những cơ quan ở địa phương, cảnh sát kinh tế, môi trường , quản lý thị trường và hàng chục thứ ban bệ khác nữa không hề biết đến những hiện tượng lạ này sao? Không thể chỉ nhận trách nhiệm khơi khơi rồi lại hứa hẹn "chúng tôi sẽ xử lý", "chúng tôi báo cáo với cấp trên" là xong việc. Không chỉ có buộc thôi việc và phạt nội bộ dù ở mức cao nhất mà phải đưa ra trước pháp luật, phải bồi thường thiệt hại cho dân.
 
Cần phải làm thật rõ tội trạng của từng người trong cái "hệ thống xăng tặc" này. Từ anh tài xế truy ra các "ông chủ", từ "ông chủ" nhỏ truy ra "ông chủ lớn" ở phía sau, kể cả những nhân viên, những viên chức của công ty từ địa phương đến cả cái hệ thống dọc của Đại Công Ty có trách nhiệm. Nếu thật sự họ có tội, phải tịch thu gia sản để người dân đỡ phải đưa lưng ra chịu gánh nặng tăng giá xăng./.

Văn Quang– 14-1-2012

No comments:

Post a Comment