Pages

2012/07/11

Bốn phe phái trong nền chính trị Việt Nam


Alexander L. Vuving *

Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương

Nền chính trị Việt Nam có những phe phái chính nào? Điều gì là đặc trưng cho những động lực của nền chính trị ấy? Nó sẽ như thế nào trong vài năm tới? Bài viết này cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Bài đưa ra ý sau: Nền chính trị Việt Nam có thể được hình dung như một trò chơi giữa bốn phe phái chính. Nếu chính phủ được định nghĩa là nơi tập trung quyền lực chính trị của một nước, thì Chính phủ Việt Nam trước hết được hiểu là chế độ của phe bảo thủ, phe hiện đại, phe trục lợi và Trung Quốc. Mỗi phe là một khối các nhân vật khác nhau có chung khuynh hướng hay mục tiêu chiến lược cao nhất.

Sự khác biệt của ba khối cùng là người Việt này cần được giải thích sâu hơn. Tiêu chí để xếp ai đó vào một khối là sự ưu tiên hay khuynh hướng của người ấy trước một số vấn đề cơ bản như ý thức hệ (đất nước nên mở hay đóng cửa trước các tư tưởng tự do từ phương Tây) và quan hệ của Đảng Cộng sản (ĐSC) với dân tộc (Đảng ở cao hơn hay thấp hơn dân tộc). Phe bảo thủ là một khối thiên về lựa chọn chính sách "khép cửa" và "Đảng là số 1"; phe hiện đại chọn lựa chính sách mở cửa và vì tiền đồ của toàn dân tộc; phe trục lợi hướng đến bất kỳ cái gì mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất.

Trong các bài diễn văn, giới lãnh đạo thường sử dụng ngôn từ hàng ngày, tuy nhiên cách họ nhấn mạnh những điểm nào đó sẽ bộc lộ lập trường của họ. Một nhân vật bảo thủ như nguyên Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu có thể nhấn mạnh các ý "dân chủ trong nội bộ đảng", "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và Việt Nam như "một quốc gia hiện đại", một "đối tác hữu nghị đáng tin cậy với những nước khác", nhưng cách nhấn mạnh của ông Phiêu là dựa trên bản chất giai cấp, tương phản với bản chất của toàn dân tộc, nó vì những lợi ích cốt lõi của đảng, duy trì đặc tính "xã hội chủ nghĩa" của đất nước, và mâu thuẫn với phương Tây "tư bản và đế quốc. Hiện đại hoá, cải cách, dân chủ và hội nhập quốc tế, nếu được thực thi, chỉ là phương tiện để đi tới một mục đích cao hơn, và nếu cần, có thể hy sinh những phương tiện này. Mục đích cao hơn ấy là sự tiếp tục chế độ cộng sản. (1)

Một người thuộc phe hiện đại, như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, có thể cam kết duy trì "vai trò lãnh đạo của đảng" và xây dựng "chủ nghĩa xã hội" nhưng tầm nhìn của ông về đảng và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn khác những người bảo thủ. Ông Kiệt và những nhân vật hiện đại khác trong ĐCS muốn một đảng coi lợi ích của toàn dân tộc là lợi ích của chính nó và định nghĩa xã hội chủ nghĩa là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải chủ nghĩa Mác-Lênin, là lý tưởng ràng buộc và dẫn đường cho phe hiện đại. Trong khi phe bảo thủ như các tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đều quả quyết rằng "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (nghĩa là biệt lập khỏi những ảnh hưởng tự do, ảnh hưởng phương Tây, đồng thời duy trì các đặc trưng cộng sản và sự cai trị của cộng sản) là những nguyên tắc cơ bản của chính sách Việt Nam, ông Kiệt trong một lá thư mật gửi tới Bộ Chính trị ĐCS vào tháng 8/1995 đã thay thế những cụm từ ấy bằng "dân tộc và dân chủ". (2) Mặc dù những nhân vật tinh hoa theo phe hiện đại không thể tán thành dân chủ đa đảng vì đây là điều cấm kỵ, nhưng phe này ủng hộ cải tổ chính trị nhiều hơn, sâu hơn nhằm mở rộng dân chủ và tăng cường tính hiệu quả.

Phe trục lợi là những nhà cơ hội, tìm kiếm lợi ích tối đa thường có được nhờ những đặc quyền do chính phủ ban cho; không quan tâm tới khái niệm lợi ích dân tộc dù là theo định nghĩa của phe bảo thủ hay phe hiện đại. Như phần sau sẽ chỉ ra, phe trục lợi ở Việt Nam là một nhóm đặc biệt gồm những người mưu tìm lợi nhuận, và họ mạnh hơn phe hiện đại cũng như phe bảo thủ nhờ có một thế lực độc quyền hậu thuẫn.

Cả ba khối này – bảo thủ, hiện đại và trục lợi – đều hiện diện ở cả trong và ngoài đảng cầm quyền và chính phủ, và họ hiện diện ở mọi cấp hoạch định chính sách. Những con đường sai lầm mà họ chọn trải dài qua nhiều thế hệ, khu vực và định chế. Phần lớn các nhà lãnh đạo Việt Nam thường giữ lập trường ít nhiều thống nhất trong một khối, nhưng cũng có một số người chuyển từ phe này sang phe khác và những người khác thì khó nhận biết hơn. Những nhân vật bảo thủ nổi bật gồm các Tổng Bí thư Đỗ Mười (1991-97), Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001 đến nay), và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1992-1997). Phe hiện đại hiện diện mạnh mẽ hơn trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp thông qua các gương mặt cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Cơ Thạch (1982-1991), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1991-1997) và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (2001-2006), và các nhân vật ít tạo dấu ấn hơn như cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (1987-1992) và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006). Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1997-2006) có thể coi là thuộc phe trục lợi. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đã thay đổi, chuyển từ phe hiện đại sang phe bảo thủ vào năm 1989. Và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 đến nay) là người khó nhận biết là theo phe nào.

Chính trị Việt Nam diễn ra trên bốn bình diện lớn – kinh tế, chính trị trong nước, quan hệ nhà nước – xã hội, và quan hệ đối ngoại. Động lực (tức yếu tố kích thích sự thay đổi – ND) của nó trong mỗi lĩnh vực ấy đều có một đặc trưng riêng biệt. Trên mặt trận kinh tế, động lực ấy là sự khủng hoảng của mô hình phát triển kiểu Việt Nam. Ở trung tâm của nền chính trị trong nước, động lực ấy là một hợp lưu giữa ba dòng: tiền, quyền và tác động từ thế giới, hoặc nói một cách tao nhã hơn, đó là ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ bên ngoài. Sự nổi lên của xã hội dân sự, đặc biệt là khối dân sự tinh hoa dòng chính thống, ngày càng tạo nên một xu thế trong quan hệ nhà nước – xã hội. Trong lĩnh vực địa chính trị, tâm điểm của chính trị Việt Nam nằm ở những nỗ lực hòng đạt được sự tự lực tự cường trên vùng sân sau của Trung Quốc.

Năm 2009 đã ghi nhanh tình hình chính trị Việt Nam với bốn phe chính và những đặc điểm của các động lực trong nền chính trị ấy. Phần thảo luận tiếp sau đây sẽ phác thảo nên một số nét của chính trị Việt Nam thông qua việc xem xét bốn phe phái chính cùng bốn đặc điểm, được minh họa bằng những sự kiện và quá trình trong suốt năm 2009.

Nơi hội tụ của  Lợi ích, Quyền lực, và Tiền đồ

Từ khi khởi động phong trào đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã thể nghiệm một sự pha trộn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Thử nghiệm này là một cuộc chung đụng đầy mâu thuẫn giữa hai đường lối chủ đạo do hai khối theo đuổi, hai khối này có thể gọi là "phe bảo thủ" và "phe hiện đại". Tôi gọi họ thế bởi lẽ mục tiêu trọng tâm của phe bảo thủ là duy trì chế độ cộng sản trong khi mục tiêu của phe hiện đại là hiện đại hóa đất nước bằng cách đưa vào các yếu tố tư bản và tự do chủ nghĩa. (3) Mặc dù có một thực tế là hai khối này đại diện cho hai đường lối chủ đạo cùng cai trị đất nước, nhưng nền chính trị Việt Nam không phải chỉ gồm hai phe bảo thủ và hiện đại. Quá trình "chung đụng" đã tạo ra một khối thứ ba, tận dụng cái hỗn hợp nói trên và có khả năng thích ứng cao với môi trường "nước lợ". Khối thứ ba nỗ lực duy trì hỗn hợp tư bản-cộng sản chủ nghĩa để hậu thuẫn cho đường lối của họ. Vì chủ nghĩa tư bản đem đến cơ hội kiếm tiền, còn chủ nghĩa cộng sản mang lại độc quyền quyền lực, nên hỗn hợp của cả hai sẽ tạo điều kiện vừa có lợi cho việc dùng tiền để mua quyền, vừa có lợi cho việc dùng quyền để kiếm tiền. Khối thứ ba này, có thể được gọi bằng cái tên "phe trục lợi", dùng tiền để thao túng nền chính trị, và một khi đã có cửa vào vị trí quyền lực trong ĐCS, họ sẽ sử dụng độc quyền về chính trị để tạo siêu lợi nhuận. (4) Không giống như phe bảo thủ và phe hiện đại, phe trục lợi không theo chủ trương đường lối nào; họ chỉ đi theo động cơ lợi nhuận.

Khi sự đồng tồn tại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản trở thành đặc trưng của nền chính trị Việt Nam, thì bằng trực giác, có thể nghĩ rằng hầu hết xung đột chính trị ở Việt Nam đều diễn ra dọc cái trục bảo thủ chống hiện đại. Tuy nhiên, mô hình như vậy không chính xác. Không chính xác bởi vì nó đã bỏ qua phe trục lợi, mà trong nhiều trường hợp đó mới là những nhân vật chủ chốt; hoặc nó đã chỉ coi đám ấy như những kẻ mưu kiếm tiền – những người mà theo suy luận thông thường, hẳn phải thích chủ nghĩa tư bản hơn chủ nghĩa cộng sản. Mà nếu thế thì trong mô hình này, phe trục lợi có xu hướng ngả về phía phe hiện đại hơn là về phe bảo thủ. Tuy vậy, trên thực tế, các nhân vật thuộc phái trục lợi ở Việt Nam có xu hướng đi cùng phe bảo thủ khi nào cần tiếp tục độc quyền lãnh đạo của ĐCS, và đi cùng phe hiện đại khi nào cần cho phép các đảng viên sở hữu những tài sản lớn và điều hành công ty tư bản. Phe trục lợi là một loài chuyên sống ở "vùng nước lợ" – chủ nghĩa trọng thương dưới chế độ cộng sản. Được độc quyền lãnh đạo của ĐCS hậu thuẫn, họ rõ ràng là mạnh hơn hẳn những người chỉ mưu kiếm tiền thuần túy. Với sự tồn tại của phe thứ ba này, nền chính trị Việt Nam, ở một chừng mực nào đó là sự tranh chấp giữa phe bảo thủ và phe hiện đại, nhưng ở một chừng mực khác lại là ngã ba hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ. (5)

Năm 2009 chứng kiến hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ qua một vài vụ việc, trong đó hai vụ có thể nói là rất nổi bật. Vào ngày 19/11, Tòa phúc thẩm tỉnh Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm hồi tháng 8 đối với bị cáo Trần Ngọc Sương, được biết đến với tên gọi "bà Ba Sương", vì tội lập quỹ giao dịch ngoài sổ sách. Là cựu giám đốc Nông trường quốc doanh Sông Hậu, từng được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bà Sương bị kết án 8 năm tù, buộc bồi thường 4,3 tỷ đồng (tương đương 240.500 USD). Bản án gây phẫn nộ trong dư luận, vài quan chức cấp cao và nhân vật có danh phận lên tiếng ủng hộ bà Sương. Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, một nhà bảo thủ, nói bản án đối với bà Sương là "bất công" bởi bà Sương đã "cống hiến cả đời mình cho cuộc sống của hàng nghìn nông dân" và bà "lập quỹ không vì mưu lợi cá nhân", một chân dung từng được những tờ báo có tư tưởng đổi mới dựng nên và còn được xác nhận bởi nhà báo Huy Đức, người đã viết bài về Nông trường Sông Hậu và bà Sương trong nhiều năm. Báo chí cũng viết rằng Nông trường Sông Hậu được Chính phủ tặng hai Huân chương Lao động và coi như một điển hình của chủ nghĩa xã hội – nơi nhà nước giữ quyền sử dụng đất nhưng cung cấp phúc lợi tương đối tốt.

Mặc dù cơn thịnh nộ của công chúng được khuấy lên chủ yếu do khía cạnh đạo đức của vụ việc, nhưng người ta cũng hy vọng rằng chính quyền xã hội chủ nghĩa sẽ can thiệp để cứu lấy một vị anh hùng trong sự nghiệp của chế độ. Nhưng chính quyền đã không làm thế. Trên thực tế, đại diện của bà Sương tại tòa án là những luật sư có tư duy đổi mới và sự ủng hộ của công chúng dành cho bà cũng do cánh báo chí đổi mới huy động. Còn chính quyền đã làm gì? Tòa án nhận chỉ thị từ lãnh đạo đảng ủy Cần Thơ, và sau vài tuần đưa tin ồ ạt, giới truyền thông được lệnh phải chấm dứt nói về vụ án bà Sương. Trước đó, trong hậu trường, cơ quan chính quyền tỉnh Cần Thơ vốn đã có quyết định phân bổ đất của Nông trường Sông Hậu cho một dự án khu công nghiệp và khu đô thị. Phó Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ Phạm Thành Vận được ghi âm đã nói câu này với bà Sương: "Chị sẽ về hưu và hạ cánh an toàn nếu chị trả lại đất của nông trường [cho thành phố]". (6)

Vụ việc thứ hai liên quan đến Jetstar Pacific Airline (JPA), một liên doanh giữa Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước (SCIC) với hãng hàng không Qantas của Australia, trong đó doanh nghiệp nhà nước của phía Việt Nam (DNNN) sở hữu 70% cổ phần, chiếm đa số. Cuối năm 2009, tranh cãi bùng nổ sau khi một cuộc điều tra của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy các giám đốc điều hành của JPA gây thua lỗ tới 31 triệu USD trong một thương vụ mua xăng, thế nhưng họ lại kiếm được nhiều hơn giám đốc điều hành của các DNNN tương tự. Tranh cãi cũng kéo theo một số nghi vấn về mức lương cao bất thường của các giám đốc điều hành SCIC. Đầu tháng 12, ông Lương Hoài Nam, nguyên giám đốc điều hành JPA kiêm quan chức cấp cao của SCIC, bị công an bắt do có dính líu vào thương vụ mua xăng, trong khi hai giám đốc điều hành người Úc của JPA bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Tiền thân của JPA là Pacific Airlines (PA), một liên doanh trong nước, trong đó hãng vận tải quốc doanh Vietnam Airlines (VNA) nắm phần lớn cổ phần. Được thành lập năm 1990, PA là hiện thân cho nỗ lực của phe hiện đại muốn tạo ra một mức độ cạnh tranh nhất định trong ngành hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, duy trì yếu tố cạnh tranh này tỏ ra là một việc khó. Sau 10 năm hoạt động, PA công bố lỗ chồng chất tới hơn 10 triệu USD. (7) Mặc dù là công ty con của VNA, song có tin PA không được công ty mẹ chào đón lắm.

Vị thế độc quyền của hãng vận tải quốc doanh này trở thành một thực tế khó nhằn đối với công ty kế nhiệm PA. Có thể thấy hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ trong vụ này, theo một bài báo trên tờ Herald Sun:

[Vào giữa năm 2009]. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải can thiệp khi nguồn cung xăng máy bay bị cắt đứt do Vietnam Airlines không cho đội xe của mình tiếp tế nhiên liệu cho Jetstar Pacific. Loạt rắc rối mới nhất với Jetstar Pacific bắt đầu tháng 7 năm đó khi công ty báo cáo tháng đầu tiên có lợi nhuận sau suốt 18 năm vận hành (mà hồi ban đầu là dưới tên gọi Pacific Airlines). Khi ấy, Bộ Giao thông Vận tải liền ra lệnh cho Qantas bỏ tên Jetstar và bỏ thương hiệu màu cam nổi bật khỏi hạm đội 6 chiếc Jetstar, họ bảo như thế "Úc quá". (8)

Nhà quan sát kỳ cựu Carlyle Thayer phân tích:

Vấn đề nảy sinh là do thành công của Jetstar Pacific vào giữa năm 2009, khi hãng này lại làm ăn có lãi sau khi đã cắt giảm chi phí và tăng thị phần (18% lên 25%) làm Vietnam Airlines phải thua thiệt. Hoạt động đẩy mạnh một cách quyết liệt việc bán vé giá rẻ của Jetstar Pacific đã làm người ta khó chịu. Tôi nhìn thấy một sự tương đồng với vụ ANB-AMBRO năm 2006 khi một ngân hàng quốc doanh để thua lỗ trong những vụ đổi tiền. Ở đây, trong vụ Jetstar Pacific thì Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước thua lỗ vì một thương vụ thực hiện phòng ngừa rủi ro về xăng dầu (fuel hedging). Trong cả hai vụ việc, an ninh điều tra/ công an đã hình sự hóa hoạt động quản trị kinh doanh và hình sự hóa việc ra những quyết định sai lầm. Người Hà Lan đã trả vài triệu để thoát trách nhiệm, và tôi hồ nghi việc Qantas/Jetstar sẽ phải chi một khoản phạt hay bồi thường nào đó, do vậy SCIC, một doanh nghiệp nhà nước, sẽ không được miễn thuế… Rõ ràng là có một nhóm lợi ích thuộc doanh nghiệp nhà nước trong công việc. Đây là chuyện phải lấy được tiền ra khỏi Qantas khi các nhân viên trong nước của họ tiến hành nghiệp vụ hedging và thua lỗ vì giá xăng. Điều này ảnh hưởng tới Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước, vốn là cổ đông chính trong Jetstar. (9)

Khủng hoảng mô hình tăng trưởng

Trong hai thập niên qua, hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ, ở một nước Việt Nam thời kỳ đổi mới đã tạo ra một đường lối kinh tế làm lợi nhiều nhất cho phe trục lợi. Trong giai đoạn đầu của nó, con đường do đồng tiền dẫn dắt này đi song song với con đường do lao động dẫn dắt, và đã trình diễn những mô hình tăng trưởng đáng chú ý. Vào năm 2005, ấn tượng trước các thành tựu tăng trưởng của Việt Nam trong thập niên trước đó, Goldman Sachs đã coi Việt Nam là một trong "11 Quốc Gia Kế Tiếp" có tiềm năng tạo được ảnh hưởng giống như khối BRIC trong việc cạnh tranh với G7. (10) Nghiên cứu của Goldman Sachs cho rằng vào năm 2025 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và vào năm 2050 thì đứng vị trí thứ 15. Những dự báo này dựa trên tiền đề "các nền kinh tế đó có thể tiếp tục đi con đường hiện tại của họ". (11) Nhưng chẳng bao lâu sau khi các báo cáo được công bố, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng. Suốt trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hơn 20%, buộc chính phủ phải hãm phanh đối với chính sách ưu tiên tăng trưởng và đổi số sang chương trình chống lạm phát. Rất tương ứng với dự đoán của chúng tôi trong bài này, các bong bóng vỡ tung khi cơn sốt đầu tư tiếp sau việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) va đập với các nút cổ chai của hệ thống hành chính, các thiết chế, cơ sở hạ tầng, và giáo dục của đất nước. (12) Nổi lên trên tất cả những cái đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu cùng vào năm ấy.

Là một nền kinh tế mà giá trị ngoại thương nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội xấp xỉ 1,5 lần, Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đầu tư nước ngoài sa sút mạnh và thị trường nước ngoài cho sản phẩm của Việt Nam bị thu nhỏ. Khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép trong năm 2009 là 21,5 tỷ USD, thấp hơn 70% so với năm trước đó. Lượng FDI được giải ngân trong năm 2009 ước đạt 10 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2008. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 ước tính đã sụt giảm 9,7% xuống còn 56,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 14,7% xuống còn 68,8 tỷ USD. Phần đáng kể trong mức suy giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 là do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước bị giảm giá bán, như dầu, gạo, cà phê, than. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, vốn chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước tính đã giảm 40% mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ giảm có 2,4%. Năm 2009, Việt Nam ghi nhận kỷ lục về xuất khẩu gạo và một mức tăng trưởng 25,4% cả năm về khối lượng, nhưng giá trị, chiếm 4,8% trong tổng xuất khẩu, đã giảm 8%. Cũng vậy, xuất khẩu cà phê, chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,2% về khối lượng nhưng giảm 19% về giá trị, và xuất khẩu than, chiếm 2,3%, giảm 4,5% về giá trị bất chấp mức tăng 29,9% về khối lượng. (13)

Khủng hoảng kinh tế gây ra một cuộc tranh cãi mới về định hướng chủ đạo trong các chính sách kinh tế của Việt Nam. Đối với phe bảo thủ, khủng hoảng hiện tại là bằng chứng rõ ràng cho thấy vai trò giám sát và kiểm soát của Nhà nước có tính quyết định đối với sự vận hành của nền kinh tế. Phe bảo thủ cũng ca ngợi tính ưu việt của hệ thống độc đảng trong việc vượt qua khủng hoảng. Họ lập luận rằng độc đảng giúp huy động tối đa nguồn lực và tạo sự đồng thuận vào thời điểm những điều này là cần thiết nhất mà lại thường khó đạt được nhất. Các quan điểm như vậy được bộc lộ chẳng hạn trong những phát biểu của ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng, tại hội nghị lý luận lần thứ năm giữa hai đảng cộng sản Trung-Việt, tháng 12/2009. Nhưng nhà tuyên truyền hàng đầu của Đảng, người đã được bầu vào Bộ Chính trị tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ban Chấp hành TW Đảng hồi tháng 1/2009, không phải là nhân vật đại diện cho các quan điểm của riêng phe bảo thủ. Lặp lại lời của phe hiện đại, ông Rứa công nhận rằng khủng hoảng đem lại một cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế và ông ta đoan chắc rằng việc tái cấu trúc phải nhằm hướng tới một mô hình tăng trưởng mới dựa vào "lợi thế cạnh tranh năng động" và đưa vào khái niệm "phát triển bền vững". Tư duy mới này về phát triển là nhằm giảng hòa giữa ba mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, và thân thiện với môi trường. (14)

Bề ngoài, để tránh các vấn đề gây nhiều tranh cãi, diễn văn của ông Rứa không nhắc gì tới vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vốn là điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi giữa phe bảo thủ và phe hiện đại. Phe bảo thủ muốn giữ vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Họ chủ trương rằng, nền kinh tế quốc dân phải dựa vào các DNNN như là trụ cột, DNNN nào lớn nhất thì sẽ đóng vai trò như "quả đấm thép" của quốc gia – cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và là một công cụ quản lý hùng mạnh, cả trong kinh tế lẫn trong chính trị. Không như các đơn vị tư nhân, DNNN phải tuân lệnh Đảng và Nhà nước, và phải đáp ứng những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước đặt ra. Đổi lại, các DNNN có được sự ưu đãi về chính sách, tín dụng, đất đai và các nguồn lực khác mà Nhà nước sở hữu. Sự nhập nhằng giữa Nhà nước và các công ty riêng của nó thể hiện trong việc các vị quan chức trong tập đoàn (conglomerate) Nhà nước lớn nhất đều là ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng – cơ quan mà xét về địa vị, vốn là cơ quan chính sách có quyền lực cao nhất nước giữa hai kỳ đại hội Đảng. (15)

Tuy vậy, phe hiện đại lại coi các tập đoàn nhà nước như "những con khủng long trong một nền kinh tế vị thành niên". (16) Họ chỉ ra rằng các doanh nghiệp này đã thất bại trong việc trở thành những quả đấm thép của quốc gia – không vươn lên mạnh mẽ trong cạnh tranh quốc tế mà cũng chẳng hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Thay vì thế, chúng ra sức tận dụng và duy trì những đặc quyền đặc lợi và địa vị độc quyền được Nhà nước thừa nhận – vì lợi nhuận của riêng chúng. Hậu quả là, chúng trở thành những nhà sản xuất kém hiệu quả và tham nhũng. (17) Tái cấu trúc các DNNN, do đó, là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự của phe hiện đại. Cụ thể, phe hiện đại đòi thay đổi cấu trúc sở hữu của SOE theo hướng tư nhân hóa nhiều hơn. Đánh giá tình hình hiện nay, phe hiện đại lập luận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh và tái cấu trúc là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng cũng như tránh cái bẫy thu nhập trung bình. Nhiều người theo phe hiện đại nhất trí rằng đây phải là một cuộc tái cấu trúc toàn diện bao gồm cả biến đổi cơ cấu sở hữu các DNNN, lẫn cải cách các định chế và điều lệ kinh tế, tái cấu trúc thị trường và doanh nghiệp nội địa. (18)

Chính phủ cố gắng kết hợp quan điểm của cả hai phe hiện đại và bảo thủ. Tuy nhiên, họ tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề ngắn hạn có thể đe dọa quyền lực của mình. Khi khủng hoảng toàn cầu nổi lên, chính phủ nhanh chóng sang số từ chống lạm phát thành chống suy thoái (tháng 12-2008). Phản ứng chủ đạo của họ là thực hiện một gói kích cầu với chi phí lên tới 8 tỷ USD. Khi nền kinh tế bộc lộ những dấu hiệu hồi phục và bóng ma lạm phát có nguy cơ quay lại, chính phủ phá giá tiền đồng xấp xỉ 5% so với đô-la Mỹ, làm tăng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương lên 8%, và chấm dứt chương trình kích cầu sớm hơn dự định (cuối tháng 11, đầu tháng 12/2009). (19) Với tỷ lệ tăng trưởng 5,32%, Việt Nam nổi bật, cùng với Trung Quốc, Indonesia và Campuchia, như một trong số rất ít nền kinh tế ở Đông Á tăng trưởng hơn 2% trong năm 2009.

Tuy nhiên, Việt Nam đã phải trả một cái giá cao cho thành công ngắn hạn của mình. Việt Nam là một trong số ít nước vừa có thâm hụt ngân sách vừa bị thâm hụt cán cân vãng lai. (20) Nhất là, chính phủ lại chịu thâm hụt ngoại thương khổng lồ suốt hơn một thập niên. Cùng lúc đó, như chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam thừa nhận, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng mạnh vào năm 2009 so với các năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP), còn Ủy ban Ngân sách và Tài chính của Quốc hội cho rằng tổng nợ của chính phủ chiếm tới 44,6% GDP. (21) Sự hội tụ tất cả các yếu tố này gây ra một tình thế lưỡng nan cho chính phủ. Thâm hụt cả ba mặt gây áp lực khổng lồ khiến tiền đồng suy yếu. Sự mất giá thê thảm của tiền đồng có thể làm tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu nhưng cũng có thể gây những tác động tâm lý tiêu cực và làm các khoản nợ nước ngoài lớn thêm. Nhưng duy trì giá trị danh nghĩa cao của tiền đồng quá lâu có thể vắt kiệt dự trữ ngoại tệ vốn đã eo hẹp. Các nhà phân tích ước tính lượng đô-la bán ra trong năm 2009 nhằm ổn định tiền đồng đã thu hẹp dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống còn 16,5 tỷ USD, chỉ đủ cho không đầy ba tháng nhập khẩu. Bên ngoài khu vực, các láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan thì đã tăng đáng kể dự trữ của họ. (22)

Tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam làm bộc lộ những điểm kém hiệu quả đáng buồn nản. Năm 2009, hệ số sinh lời từ gia tăng vốn đầu tư (ICOR), chỉ số đo độ kém hiệu quả của chi tiêu đầu tư, tăng vọt lên mức 8,05 so với mức 6,92 của năm 2008 và 4,76 của 2007. (23) Những con số này cao hơn hẳn so với những nước tăng trưởng nhanh khác trong giai đoạn đầu tư trước khi tới đỉnh của họ. Ví dụ, ICOR của Nhật Bản vào thập niên 1960 và của Hàn Quốc vào thập niên 1980 chỉ hơn 3. Gần đây hơn là Trung Quốc, ICOR của họ tăng từ 3 trong những năm 90 của thế kỷ trước lên gần 4, mức trung bình của giai đoạn từ 2001 tới 2008, và được dự đoán là khoảng 6,7 vào năm 2009. (24) Chỉ số ICOR quá cao của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia được dẫn dắt chủ yếu nhờ mở rộng vốn đầu tư, chứ không phải do tăng năng suất. Nếu Việt Nam tiếp tục đi con đường hiện nay, không chắc nền kinh tế sẽ cất cánh được như dự án của Goldman Sachs đã nói, và suy sụp là rất có thể.

Sự nổi lên của xã hội dân sự

Một đặc điểm của chế độ Lenin là đảng cộng sản độc quyền trên tất cả các lĩnh vực xã hội. Khi chế độ cho phép xuất hiện một số yếu tố tư bản chủ nghĩa và tự do, như ở Việt Nam và Trung Quốc ngày nay, vòng kiểm soát của đảng đối với dân chúng sẽ lỏng đi, tạo ít nhiều không gian cho xã hội dân sự. Việc xã hội dân sự nhen nhóm ở Việt Nam xuất phát từ hai nguyên nhân chính yếu. Thứ nhất, sự xuất hiện tự do kinh tế, dù vẫn bị giới hạn, cũng đã tạo ra một giới trong xã hội, bao gồm các đơn vị tư nhân và những cá thể độc lập về kinh tế. Thứ hai, đang tồn tại xung đột trong nội bộ giới tinh hoa cầm quyền, giữa phe bảo thủ và phe hiện đại. Do ý thức hệ của Nhà nước ủng hộ phe bảo thủ, nên phe hiện đại ở thế yếu hơn, với những nhân vật nằm trong chính quyền mà lại đóng vai trò của một đối tác liên hiệp bé nhỏ. Trong bối cảnh đó, phe hiện đại có nhu cầu tận dụng và mở rộng bộ phận nhân dân không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, để họ có thể lên tiếng khi không tán thành ý thức hệ của nhà nước và đường lối chính thức của Đảng.

Chế độ toàn trị ở Việt Nam đã nới lỏng tay được một phần tư thế kỷ, nhưng trong suốt khoảng 15 năm đầu tiên, xã hội dân sự gần như không thể bước chân vào cửa, chứ đừng nói đến chuyện cất cánh. Rào cản chủ yếu đối với xã hội dân sự ở Việt Nam là mối lo ngại hoang đường của Đảng rằng xã hội dân sự sẽ chống lại họ. Nói đúng hơn, đó là bởi vì phe bảo thủ còn quá mạnh. Nếu quyết tâm hiện đại hóa đất nước, Đảng phải chấp nhận rằng xã hội phải được cai trị bởi luật pháp và các hội đoàn tư nhân phải được phép hoạt động. Đầu năm 1992, chính phủ bắt đầu soạn thảo luật về các tổ chức dân sự để quản lý hoạt động ngày càng mở rộng nhanh chóng của các hội đoàn. Nhưng sau gần hai thập kỷ, sau 11 bản dự thảo, luật vẫn chưa được thông qua. (25)

Tuy thế, trong 5 năm vừa qua, xã hội dân sự Việt Nam dường như đã ngấp nghé trên ngưỡng cửa. Có thể thấy một số chỉ dấu đáng chú ý của bước phát triển này. Đầu tiên là sự trở lại của các tổ chức thảo luận chính sách độc lập. Kể từ năm 2005, hàng trăm công dân bắt đầu hình thành những đảng chính trị mới và những tổ chức mới thách thức sự cai trị của Đảng cộng sản. (26) Vào tháng 9/2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải tán Nhóm Nghiên cứu của Thủ tướng mà người tiền nhiệm để lại cho ông, một vài trí thức nổi bật, trong đó có những thành viên hàng đầu của nhóm Nghiên cứu của Thủ tướng cũ, đã lập nên một nhóm chuyên gia cố vấn chính sách độc lập đầu tiên ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS). Thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn này bao gồm những nhân vật như các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Trần Đức Nguyên, và Trần Việt Phương, những người đã từng làm cố vấn cao cấp cho nhiều thế hệ lãnh đạo đảng và chính quyền; cựu đại sứ Nguyễn Trung, cựu cố vấn tương đương cấp bộ trưởng cho cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt; cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan; những học giả hàng đầu như nhà toán học Hoàng Tụy và sử gia Phan Huy Lê; và các nhà tư tưởng xuất chúng như Nguyễn Quang A, Tương Lai, và Nguyên Ngọc.

Trong thập niên qua, không gian cho những thảo luận của công chúng đã mở rộng theo cấp số nhân nhờ sự ứng dụng các công cụ truyền thông trên nền Internet, từ email tới các diễn đàn trên mạng, và gần đây hơn là blog và Facebook. Báo chí quốc doanh cũng giành được quyền tự quản đáng kể trước chính quyền. Một ví dụ nổi bật là VietNamNet, cơ quan thông tin điện tử với những website được yêu thích như vietnamnet.vntuanvietnam.net. Được sáng lập năm 1997 bởi Nguyễn Anh Tuấn, một kỹ sư máy tính có tư duy đổi mới, VietNamNet tiến nhanh chỉ trong vòng vài năm để vượt lên hàng đầu trong làng báo Việt Nam và trở thành diễn đàn chính cho các quan điểm độc lập và ủng hộ cải cách trong các vấn đề chính trị. Bị coi như một trang báo mạng cứng đầu cứng cổ, vào năm 2007 nó bị đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông mà đứng đầu là vị bộ trưởng bảo thủ Lê Doãn Hợp. Tuy nhiên sau đó, VietNamNet nổi lên còn mạnh hơn như là người cổ súy cho cải cách mạnh mẽ hơn nữa. (27) Truyền thông trên mạng dày đặc mở đường cho các hoạt động trong đời thực và tràn cả vào các hoạt động đó. Một trường hợp đáng kể và là dấu hiệu của xã hội dân sự mới hé lộ ở Việt Nam là cuộc biểu tình vào tháng 12/2007 do các nhóm người dùng Internet tổ chức, nhằm chống lại kế hoạch của Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính để quản lý hai quần đảo trên Biển Đông mà Việt Nam đòi chủ quyền.

Có thể nói có ba yếu tố đã dẫn dắt sự nổi lên của xã hội dân sự ở Việt Nam. Thứ nhất là quá trình hội nhập quốc tế sâu hơn, được đánh dấu bởi việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2006-2007. Đó không chỉ đơn giản là sự tham gia của Việt Nam vào một hiệp định thương mại toàn cầu, mà là bước hoàn tất sự di chuyển của Việt Nam từ một thế giới này sang một thế giới khác – từ cộng đồng xã hội chủ nghĩa sang cộng đồng phi xã hội chủ nghĩa. Yếu tố thứ hai nằm đằng sau sự trỗi dậy của xã hội dân sự ở Việt Nam là sự lan truyền những công cụ truyền thông có khả năng giúp các thường dân tăng cường giao tiếp, kết nối giữa họ với nhau, và khiến cho việc kiểm soát của Nhà nước trở nên khó khăn hơn. Yếu tố thứ ba là ý thức về mối đe dọa từ Trung Quốc. Điều này tạo ra một cơ sở đạo đức và một lý do – mà chính phủ có thể chấp nhận được – cho sự tồn tại của các hoạt động thuộc xã hội dân sự mà, tuy không phải do chính quyền châm ngòi, nhưng dường như là để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Năm 2009 cũng chứng kiến một bước phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự ở Việt Nam. Vào ngày 5/1, ngày mà Thủ tướng Dũng chủ trì một cuộc họp với nội các để thảo luận về đại dự án khai thác bauxite ở miền trung Việt Nam, và Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam bắt đầu kỳ họp thứ 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị khai quốc công thần duy nhất còn sống của chế độ cộng sản – viết một bức thư cho Thủ tướng kêu gọi dừng dự án bô-xít. Bức thư ban đầu không được đăng tải ở đâu, nhưng vào ngày 10/1, một bản copy của nó đã bị rò rỉ tới công chúng trên website nổi tiếng viet-studies.info. Ngày 14/1, một ngày sau khi kỳ họp của Đảng đã bế mạc và ngay khi có tin chính phủ quyết định tiếp tục dự án, báo điện tử VietNamNet quyết định công bố bức thư của Đại tướng trên website, khiến cho quan điểm chống đối được đông đảo công chúng trong nước biết đến hơn. Trong thư, Tướng Giáp chỉ ra mối lo lắng của các nhà khoa học và nhà hoạt động về "rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội mà các dự án khai thác bauxite có thể gây ra". Ông cũng viết rằng vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông đã từng giám sát một nghiên cứu về việc có nên khai thác bauxite trong khu vực hay không, và các chuyên gia Xô Viết đã khuyên là không nên tiến hành dự án vì cái "nguy cơ gây thiệt hại lâu dài, rất nghiêm trọng và không thể tính nổi về mặt sinh thái mà dự án gây ra không chỉ cho cư dân địa phương mà cho toàn bộ dân chúng và khu vực đồng bằng Nam Trung Bộ". (28)

Mặc dù dưới thời Tướng Giáp, chính quyền đã quyết định không làm bauxite, nhưng một thập niên sau trong "thời kỳ công nghiệp hóa", họ lại đảo ngược quyết định cũ. Trong một tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc hồi tháng 12/2001, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nông Đức Mạnh đã cam kết hợp tác với Trung Quốc để khai thác bauxite ở miền Trung Việt Nam. (29) Điều này có vẻ giống như một món quà của ông Mạnh nhân chuyến thăm mở màn sang Trung Quốc sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng, nhưng cũng có thể là nó đã được thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc, khi Việt Nam mời các công ty Hoa Kỳ và Australia nghiên cứu dự án vào những năm 90. Tuy nhiên, sự can dự của Trung Quốc vào một dự án lớn như thế ở một khu vực quan trọng chiến lược như thế, xét bề ngoài, không thể được phê chuẩn bởi phe hiện đại trong chính phủ, trong đó có thủ tướng lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải. (30) Một mặt, phe hiện đại cố trì hoãn dự án với Trung Quốc. Mặt khác, họ nỗ lực đa quốc gia hóa nó bằng cách lôi kéo Thái Lan, Nga, Mỹ, và Úc. Tuy nhiên, dự án đã được tăng tốc sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải vào năm 2006. Tháng 6/2008, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc, hai bên đã ra tuyên bố chung nhắc lại lợi ích của Trung Quốc khi hợp tác phát triển ngành bauxite của Việt Nam. Sau chuyến thăm của ông Dũng tới Bắc Kinh vào tháng 10/2008, hàng trăm người Trung Quốc đã đến làm ở những nơi khác nhau trong hai tỉnh.

Quyết tâm của ông Dũng thực hiện cam kết cũ của ông Mạnh thật khó hiểu. Nhưng quan sát các tình huống, có thể thấy một số khía cạnh thú vị. Trong những tháng trước đó, khủng hoảng tài chính đã đến cùng với việc Nhật Bản dừng một khoản viện trợ cả gói 1 tỷ USD. Quyết định của Nhật xuất phát từ vụ scandal hối lộ có liên quan tới Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, một đồng minh thân cận của ông Dũng. Tại kỳ họp thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam (2-4/10), ông Dũng bị phê bình gay gắt vì hoạt động điều hành kinh tế yếu kém của nội các. (31) Theo báo cáo, ông Mạnh đã yêu cầu ông Dũng từ chức Thủ tướng. Sau đó, các nguồn tin Trung Quốc báo rằng ông Dũng đã được Trung Quốc trợ giúp đáng kể về kinh tế nhân chuyến thăm tháng 10 của ông.

Mặc dù những phê phán về dự án bauxite đã xuất hiện trong bộ phận báo chí ủng hộ cải cách từ đầu năm 2007 khi Thủ tướng phê chuẩn, nhưng dự án chỉ trở thành vấn đề nóng bỏng khi nó bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2008. Sau lá thư tháng 1-2009 của Tướng Giáp, nó mau chóng trở thành chủ đề của một cuộc tranh cãi lớn trên toàn quốc. Đó là vấn đề gây chia rẽ thậm chí ngay trong nội bộ ban lãnh đạo cao nhất của ĐCS. Vào cuối tháng 4, Bộ Chính trị ra một "nghị quyết" mang tính thỏa hiệp, cam kết tiếp tục dự án nhưng sẽ chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh quốc gia, sinh thái và xã hội của nó. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bí thư thường trực Trương Tấn Sang – nhân vật thứ hai trong bộ máy của Đảng, đều được cho là ở trong số những người phản đối thỏa thuận về bauxite, mặc dù về mặt công khai, họ phải ủng hộ quan điểm của chính phủ và do đó phải giấu ảnh hưởng của họ đằng sau dự án.

Trong khi thỏa thuận hợp tác về bauxite chia rẽ Đảng thì nó lại là yếu tố đoàn kết xã hội ở bên ngoài. Nó góp phần hình thành nên một liên minh giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người bảo vệ môi trường. Trong liên minh này, những mối lo ngại về an ninh quốc gia hòa trộn với lo ngại về an ninh con người và đều tập trung vào một cái đích – Trung Quốc. Năm 2009 chứng kiến một làn sóng tranh cãi về những khía cạnh khác nhau của hiểm họa Trung Quốc, từ vấn đề công nhân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp có tới hàng nghìn người, đến các sản phẩm độc hại của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam, rồi vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Lo ngại về an ninh xen lẫn với mối lo về con người ẩn trong phong trào chống Trung Quốc đã đặt phong trào lên một cơ sở đạo đức cao. Tình hình vừa khuyến khích những người phản đối vừa làm chính quyền khó đàn áp hơn. Tháng 6, luật gia Cù Huy Hà Vũ đệ một lá đơn chưa từng có tiền lệ, kiện Thủ tướng vi phạm luật pháp với việc cố gắng đẩy nhanh dự án khai thác bauxite. Bốn ngày sau khi Bộ Chính trị nhóm họp (26/4) để xem xét lại chính sách khai thác bauxite, một bức thư kiến nghị chống dự án bauxite do 135 học giả và trí thức ký tên đã được đệ trình lên Quốc hội. Bản kiến nghị nói rằng "Trung Quốc vốn nổi tiếng thế giới như một nước gây ô nhiễm lớn nhất và còn tai tiếng về nhiều vấn đề khác". (32) Những người đứng đầu trong nhóm kiến nghị – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng và nhà văn Phạm Toàn – còn đi xa hơn, lập một website tên là "Bauxite Vietnam", mà trong vài tháng đã đạt kỷ lục về số người vào đọc. Như Carl Thayer đã ghi lại, "Cho đến tháng 5/2009, mạng lưới chống bauxite có từ năm 2008 đã phát triển thành một liên minh quốc gia bao gồm các nhà môi trường, cư dân địa phương, giới khoa học, kinh tế, các sĩ quan quân đội hưu trí và cựu chiến binh, quan chức nhà nước hưu trí, các nhà khoa học xã hội, học giả và các trí thức khác, những đơn vị truyền thông, và các đai biểu quốc hội. Những người chỉ trích đều là tầng lớp tinh hoa dòng chính thống". (33) Mặc dù sự phản đối của công luận đối với việc khai thác bauxite không mở rộng tới những lãnh tụ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến, song cái mới và đáng chú ý ở những hoạt động này của xã hội dân sự trong năm 2009 là sự nổi lên của phe bất đồng chính kiến thuộc giới tinh hoa chính thống, được kích thích bởi các mối lo ngại chung về an ninh quốc gia và an ninh con người. Chương này tập trung vào sự nổi lên của xã hội dân sự tinh hoa chủ đạo đó, do nó gần gũi với quyền lực nhà nước, do có nhiều nét tương đồng với những gì đã xảy ra ở Đông Âu vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. (34)

Chính quyền phản ứng lại phong trào bất đồng chính kiến bằng cách mở rộng đàn áp những người chỉ trích. Từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 7/2009, một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân trong lĩnh vực Internet, Lê Công Định, một luật sư nổi tiếng, và Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động tiếng tăm, bị bắt vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước", một tội mà đến tháng 12 sẽ được điều chỉnh để bao gồm cả việc vi phạm Điều 79 với hình phạt cao nhất là tử hình vì "tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". (35) Vào ngày 24/7, Thủ tướng ký một nghị định gọi là Quyết định số 97 giới hạn việc nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo nghị định này, phản biện về các vấn đề chính sách – một công cụ mà gần đây mới được cho phép để hợp lý hóa công tác quản lý điều hành – không còn được phép công khai nữa mà chỉ được gửi tới cơ quan chức năng phù hợp. Vào ngày 14/9, ngày trước khi Nghị định có hiệu lực, nhóm chuyên gia cố vấn độc lập duy nhất của Việt Nam, IDS, quyết định tự giải thể để phản đối. Ngày 28-8, Bộ Công an đã đưa ra những chỉ dẫn cấm các bình luận chính trị trên blog và hạn chế việc viết blog ở mức chỉ nói về các vấn đề cá nhân. Cùng khoảng thời gian đó, ba blogger nổi bật bị bắt và một nhà báo danh tiếng bị sa thải.

Nhà báo Huy Đức, người viết blog dưới cái tên "Osin" (Người giúp việc nhà), đã bị sa thả khỏi tờ Sài Gòn Tiếp Thị sau khi viết một bài trên blog ngợi ca sự sụp đổ của Bức tường Berlin và buộc tội Liên Xô ngày trước đã áp đặt lên Đông Âu "một chế độ cướp đoạt của con người những quyền căn bản". (36) Ông Đức chẳng những không phải là người chống đối, mà ông còn có quan hệ thân thiết với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là người viết tiểu sử cho ông Kiệt. Ba blogger bị bắt gồm Bùi Thanh Hiếu và Phạm Đoan Trang ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang. Hiếu, viết blog dưới cái tên "Người Buôn Gió", nổi tiếng với loạt truyện "Đại Vệ chí dị", nhại lối văn phong cổ của Trung Quốc và kể một câu chuyện hư cấu về hai nước Vệ và Tề, lột trần những mục tiêu phản quốc của các nhà lãnh đạo nước Vệ và vị thế khúm núm của Vệ trước Tề, như là hậu quả của những mục tiêu đó. Vệ và Tề là hai nước ở Trung Hoa thời cổ, nhưng chữ cái đầu trong tên của hai nước, và các hoạt động của các nhà lãnh đạo, theo như mô tả của tác giả, thì ám chỉ bóng gió tới Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, như Hiếu kể lại với BBC Việt ngữ về sau này trong một cuộc phỏng vấn, anh bị bắt vì tham gia in ấn và phát tán áo phông có in khẩu hiệu chống dự án bauxite và ủng hộ yêu sách của Việt Nam đối với chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. (37) Cũng có những hoạt động khác mà vì đó, Quỳnh, người viết blog với tên gọi "Mẹ Nấm" bị công an thẩm vấn. (38) Blogger thứ ba, Đoan Trang, là biên tập viên tạp chí online TuanVietNam, một chuyên trang của VietNamNet, và đã viết vài bài báo ở đây cũng như các website khác phê phán vai trò của Trung Quốc trong sự kiện Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, vai trò của Trung Quốc như một cường quốc bá quyền, và các yêu sách về lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Cô bị bắt có lẽ không phải do những bài viết này như báo chí quốc tế giả định, mà vì đã đưa tin về một vụ can thiệp của tham tán Đại sứ quán Trung Quốc với Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, tại đó phía Trung Quốc lưu ý rằng các ý kiến mà một số tờ báo Việt Nam đưa ra là "không thân thiện" với Trung Quốc và báo chí Việt Nam cần được đặt dưới sự kiểm soát.

Lo sợ một phong trào được kích thích bởi chủ nghĩa yêu nước và những tình cảm chống chế độ, phe bảo thủ tổ chức một chiến dịch chống lại cái họ gọi là "chiến lược diễn biến hòa bình". Ngày 25/6, Ban Tuyên giáo của Đảng ra một "concept paper" (bài viết mang tính lý luận khoa học cơ bản – ND) tuyên truyền về "đẩy mạnh đấu tranh chống các âm mưu và hoạt động 'diễn biến hòa bình' trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng". Bài viết lưu ý người đọc rằng nó ra đời sau nghị định 24/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nó mô tả hoàn cảnh xuất xứ của chiến dịch tuyên truyền là, kể từ sau Đại hội lần thứ 10 của Đảng (năm 2006), có sự trỗi dậy của các chiến lược "diễn biến hòa bình" và "xâm lăng văn hóa" do các thế lực thù địch tiến hành nhằm "xóa bỏ chủ nghĩa xã hội và bản sắc văn hóa Việt Nam". Các đặc điểm khác của tình hình là khuynh hướng "tự diễn biến", "tự biến chất", và "đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa" trong nội bộ các đảng viên và quan chức chính quyền. Bài viết xác định phương Tây và Hoa Kỳ là các thế lực thù địch chủ chốt. Nó coi Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Mỹ là một tổ chức chuyên về tuyên truyền và các hoạt động phá hoại, và chương trình giáo dục của Mỹ hợp tác với Việt Nam là phương thức để biến Việt Nam thành một nước phương Tây. Bài viết còn khẳng định rằng do bị ảnh hưởng tư tưởng tự do từ phương Tây, một số lãnh đạo và nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh thái quá đến vai trò của phản biện và sử dụng sai "quyền lực xã hội" (các lực lượng xã hội dân sự) để tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa. (39) Đây rõ ràng là một sự dẫn chiếu đến phe hiện đại. Vì quan hệ thân thiết với phương Tây, phản biện quyết liệt, và đẩy mạnh xã hội dân sự là những chính sách lớn mà phe hiện đại ủng hộ, cho nên chiến dịch tuyên truyền đã thể hiện một động thái đơn phương của phe bảo thủ trong cuộc đấu tranh chính trị của họ chống phe hiện đại.

Ngay lập tức sau khi bài viết của Ban Tuyên giáo được công bố, tờ báo của Đảng ủy TP HCM, Sài Gòn Giải Phóng, cũng tung ra một loạt bài nhan đề "Học thuyết Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội – Trào lưu hay quy luật?" (29/6-5/7 và 6-10/10), mà từ ngày 3/11 sẽ trở thành một chương trình hợp tác với kênh HTV9 Truyền hình TP HCM dưới cái tên "Quy luật tất yếu". Chương trình được lên kế hoạch duy trì cho đến dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ĐCS, 3/2/2010. Nó nêu những vấn đề như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và sự trở lại của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latin, và cố gắng bóc trần bản chất của chủ nghĩa tư bản thông qua việc phân tích cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. (40) Vào cuối tháng 8, tờ Quân Đội Nhân Dân tổ chức một tuyến bài dài hơi gọi là "Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình" mà sau đó hai tuần sẽ được biến thành một chuyên mục riêng có tên "Ngăn chặn và đấu tranh với diễn biến hòa bình". Tuy nhiên, hầu hết những cơ quan truyền thông lớn khác không tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Tuyên giáo. Trang web tin tức ủng hộ cải cách, VietNamNet, cùng với chuyên trang của nó là Tuần Việt Nam, thậm chí còn đẩy mạnh cuộc thập tự chinh cổ vũ cho điều mà, nếu đánh giá trên tinh thần của bản "concept paper" kia, sẽ bị coi là "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến" và "đi chệch hướng chủ nghĩa xã hội".

Cuộc đàn áp của chính quyền lên những người dân tộc chủ nghĩa và phe hiện đại dường như cũng không tạo được sự sợ hãi cần thiết. Sau khi được thả, Người Buôn Gió tiếp tục viết loạt truyện "Đại Vệ chí dị", Đoan Trang thậm chí còn nổi lên hơn như một người cổ súy cho tinh thần ái quốc và năng lực quản lý đúng đắn, còn hồi tưởng của Mẹ Nấm về những ngày bị bắt thì đã được đăng tải trên vài blog bất chấp việc công an yêu cầu cô dừng viết blog. Đến cuối năm, Tuần Việt Nam mở một chuyên đề, "Việt Nam và mô hình phát triển trong thập kỷ mới", tất cả các bài báo trong chuyên đề này đều đứng trên lập trường dân tộc và coi sự nổi lên của Trung Quốc vừa như tham số trung tâm của thế giới hiện tại và tương lai, vừa như một hiểm họa tiềm tàng. (41) Ở một trong số các bài báo đó, cựu đại sứ Nguyễn Trung kêu gọi "xây dựng một chế độ chính trị phù hợp với Tổ quốc", ám chỉ về việc thay đổi cái chế độ hiện nay đang là phù hợp với ĐCS. Ông tuyên bố rằng "thành tựu rõ rệt nhất của 25 năm đổi mới là dân chủ" và lưu ý rằng dân chủ vẫn còn bị coi là nguy cơ diễn biến hòa bình, đó là lý do tại sao cải cách tiếp tục bị cản trở. (42)

Việc bài báo của ông Trung không bị gỡ bỏ hé lộ rằng việc thay đổi chế độ từ chủ nghĩa Lênin sang một nhà nước dân tộc dân chủ đã đạt được sự ủng hộ đáng kể trong tầng lớp tinh hoa lãnh đạo ở Việt Nam. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy là, mặc dù phe hiện đại vẫn chưa thể điều chỉnh thế bất cân bằng về quyền lực giữa họ và phe bảo thủ, nhưng những hạn chế đối với hành động của họ đang được nới rộng một cách mạnh mẽ.

Tự lực trên sân sau của Trung Quốc

Hai đường lối đối đầu chủ đạo vốn xuất hiện từ nửa sau của thập niên 80 thế kỷ trước. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào năm 1989, ĐCS cầm quyền phải đối mặt với một sự lựa chọn mang tính chiến lược giữa duy trì chế độ hoặc thay đổi chế độ. Phe bảo thủ quan niệm chính trị thế giới được dẫn dắt bởi sự đối lập giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản – đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn này của lịch sử – và quan trọng nhất là họ tự xác định Việt Nam như chiến sĩ "chống chủ nghĩa đế quốc" (nên hiểu là chống phương Tây). Với quan điểm này, họ muốn duy trì chế độ và cổ súy cho "ổn định chính trị". Phe hiện đại quan niệm chính trị thế giới được dẫn dắt bởi lợi ích quốc gia và toàn cầu hóa ("quốc tế hóa" là thuật ngữ họ hay dùng vào cuối những năm 1980), và quan trọng là họ tự xác định Việt Nam là một nước lạc hậu. Trên quan điểm đó, họ đòi tiến hành cải cách nhiều hơn.

Mấu chốt của chính sách đối ngoại của phe hiện đại là hội nhập quốc tế. Phe hiện đại nhìn nhận sự thay đổi vai trò của Việt Nam trên thế giới, từ một nhà nước xã hội chủ nghĩa chuyển thành một nhà nước dân tộc dân chủ, hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng quốc tế. Cụ thể hơn, họ nhấn mạnh vào sự hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực, ở Đông Nam Á cũng như toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, và mối quan hệ gần gũi, ngày càng được thắt chặt, với các nước công nghiệp phát triển. Ngược lại, định hướng chính sách đối ngoại chủ đạo của phe bảo thủ lại là "chống chủ nghĩa đế quốc", bao hàm cả việc chống phương Tây và chiến lược "diễn biến hòa bình" đã biết của họ nhằm vào chế độ cộng sản. Bước vào giai đoạn sau cái mốc 1989, các nhân vật bảo thủ nhận thấy phương tiện chủ chốt để đạt các mục tiêu của họ nằm ở việc xây dựng một liên minh chiến lược trên cơ sở ý thức hệ với Trung Quốc. (43)

Bắt đầu với Nguyễn Văn Linh từ năm 1990 và tiếp tục với những người kế nhiệm ông Linh là các ông Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh, những Tổng Bí thư ĐCS này đều tìm kiếm một liên minh chiến lược với Trung Quốc. Mặc dù cụm từ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" chỉ mới chính thức được công bố vào năm 2008, nhưng Việt Nam, một cách không chính thức, đã coi Trung Quốc là "đồng minh chiến lược" từ những năm 1990 rồi. (44) Ưu thế vượt trội của tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc so với tinh thần hội nhập trong đường lối của Việt  Nam sau năm 1989 đã đảm bảo rằng, không một mối liên hệ nào của đất nước với những quốc gia quan trọng chiến lược nào khác ngoài Trung Quốc là đủ mạnh (chỉ trừ Lào). Chẳng hạn, phe bảo thủ đã ngăn chặn – mà ban đầu thành công – việc Việt Nam gia nhập ASEAN, ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, và gia nhập WTO. (45) Điều này đã đẩy Việt Nam vào một vị thế nửa phụ thuộc Trung Quốc.

Bắt đầu từ giữa năm 2003, phe hiện đại đạt được một chỗ đứng ít nhiều ngang bằng với phe bảo thủ. Bước đổi thay này chủ yếu do tâm lý lo sợ và ý thức về những tác động có tính đe dọa của việc Mỹ xâm lược Iraq. Nó xảy ra khi những nhân vật bảo thủ nhận ra rằng họ đang sống không phải trong một thế giới đa cực, mà là một thế giới đơn cực với Mỹ ở vị trí quyền lực cao nhất. (46) Cán cân thăng bằng quyền lực mới giữa phe bảo thủ và phe hiện đại cho thấy, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong sân sau của Trung Quốc, nhưng cơ hội cho Việt Nam nhảy ra khỏi cái sân ấy là đáng kể.

Cũng vào thời gian đó, trong suốt 5 năm vừa qua, Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh và quyết đoán hơn. Sự nổi lên nhanh chóng và vững vàng của Trung Quốc, cộng với sự sa lầy của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và cuộc khủng hoảng tài chính kể từ năm 2008, đã đặt Bắc Kinh vào một vị thế mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây trong quá khứ.

Trung Quốc vừa khẩn trương xây dựng quân đội vừa tỏ ra sẵn sàng thể hiện mình hơn trên Biển Đông, nơi họ có những tranh chấp lãnh thổ lớn với Việt Nam. Vào năm 2008, hình ảnh qua vệ tinh thương mại xác nhận rằng Trung Quốc đang xây một căn cứ hải quân lớn ở Sanya trên đảo Hải Nam. Đồng thời, Trung Quốc mở rộng một sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và củng cố các cơ sở của họ ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/2009, tàu Trung Quốc gây hấn với tàu hải quân Mỹ Impeccable tại tọa độ cách Hải Nam 75 dặm về phía nam và cách bờ biển Việt Nam cũng khoảng ấy. Nối tiếp sau đó là vụ va chạm ngày 11/6 giữa một tàu ngầm Trung Quốc với hệ thống phát hiện tàu ngầm thuộc chiến hạm Mỹ John McCain. Hồi tháng 5, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá kể từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 tại khu vực vĩ tuyến số 12 trên Biển Đông. Đây lại là cao điểm của mùa cá ở Việt Nam. 8 tàu Trung Quốc hiện đại đã được cử tới khu vực để thi hành lệnh cấm. Suốt cả năm, các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin về một số vụ việc trong đó tàu Trung Quốc chặn bắt tàu cá Việt Nam. Tới tháng 8, khi hai tàu cá Việt Nam tìm cách vào quần đảo Trường Sa để tránh bão, họ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Trong một phản ứng chưa từng có tiền lệ, Việt Nam không chỉ đòi thả cả hai tàu, mà còn gia tăng sự chống đối bằng lời đe dọa sẽ hủy một cuộc họp bàn thảo về các vấn đề trên biển, vốn đã được lên kế hoạch. Vào tháng 5, sau khi Việt Nam đệ trình một kiến nghị chung với Malaysia và một yêu sách độc lập đăng ký mở rộng khu vực thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý được ấn định bởi Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối, nhưng chưa có kháng nghị chính thức. Tuy thế, Trung Quốc đưa ra các tư liệu làm bằng chứng cho yêu sách về biển của họ gắn với một bản đồ, trong đó có "đường chín đoạn" truyền thống của họ, đường này tạo thành một khu vực hình chữ U bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Đó có vẻ sẽ là lần đầu tiên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức công bố yêu sách của họ trong vấn đề này. (47)

Trên biên giới phía tây của Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư và can thiệp vào Lào, đồng minh thân cận nhất của Việt Nam. Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã qua mặt Thái Lan để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở đây. Kết quả của dòng người nhập cư, tiền bạc và ảnh hưởng từ Trung Quốc là việc vùng phía bắc Lào đã mang dấu ấn Trung Quốc. (48) Các hoạt động của Trung Quốc trong vài năm qua và đặc biệt là những sự kiện diễn ra năm 2009 đã khiến Việt Nam không thể không nghĩ rằng dự định của Trung Quốc bao gồm cả việc kiểm soát Biển Đông – nơi mà Việt Nam coi như cửa trước – lẫn gây ảnh hưởng ở lục địa Đông Dương, nơi Việt Nam coi như sân sau.

Cách Việt Nam phản ứng lại với các thách thức từ phía Trung Quốc, một lần nữa, lại là hỗn hợp của những đường lối ngoại giao khác nhau. Tuân theo quan điểm của phe hiện đại, Việt Nam đã tăng tốc chương trình hiện đại hóa quân đội, quyết định quốc tế hóa các vấn đề Biển Đông, và đẩy mạnh ảnh hưởng riêng ở Lào và Campuchia. Vào các ngày 26-27/11/2009, Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam và Hội Luật sư Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế về an ninh trên Biển Đông, hội thảo đầu tiên về vấn đề này ở Việt Nam, với sự tham dự của một số lượng lớn những học giả hàng đầu về chủ đề của hội thảo, đến từ vài nước khác nhau.

Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Mỹ, tới trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương. Tại Hawaii, ông lên thăm một tàu ngầm, ở Washington, ông đề nghị bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí có hiệu lực suốt từ hồi kết thúc chiến tranh Việt Nam. (49) Khi sang thăm Pháp ngay sau chuyến đi Mỹ, ông Thanh đề nghị Pháp giúp Việt Nam đào tạo nhân viên quân y và bán trực thăng, máy bay vận tải cùng các thiết bị quân sự hiện đại khác cho Việt Nam. (50) Cùng vào lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nga và ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kiloclass (với giá khoảng 1,8 tỷ USD), 12 máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 (600 triệu USD), và các trang thiết bị quân sự khác. Thỏa thuận đã được đàm phán từ nhiều năm trước, nhưng việc ký kết hợp đồng vào thời điểm đang có khủng hoảng tài chính đã đánh dấu quyết tâm hiện đại hóa lực lượng quân đội của Việt Nam. Đổi lại việc Nga chấp thuận bán hàng theo phương thức barter (hàng đổi hàng) và thanh toán dần, ông Dũng mời chào Matxcơva hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. (51)

Khi Thủ tướng đang ở Nga còn Bộ trưởng Quốc phòng thì sang thăm Mỹ và Pháp, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu có mặt tại Hàn Quốc để trao đổi về hợp tác quân sự và mua bán vũ khí, và Tổng Bí thư ĐCS Nông Đức Mạnh đi thăm Campuchia. Trong chuyến thăm của ông Mạnh, hai nước đã ký một hiệp ước thực hiện tự do hóa hàng hải trong khu vực sông Mekong. (52) Không đầy hai tuần sau, một hội nghị xúc tiến đầu tư do chính phủ Việt Nam và Campuchia đồng tổ chức đã diễn ra tại TP HCM với sự có mặt của Thủ tướng cả hai nước. Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cam kết đầu tư tới 6 tỷ USD trong những năm tới. (53) Nếu công việc tiến triển, Việt Nam sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Campuchia, chỉ sau Trung Quốc. Bốn tháng trước đó, vào ngày 31/8, một hội nghị tương tự nhằm xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Lào cũng đã được tổ chức tại TP HCM. Theo một quan chức Lào tham gia hội nghị, Việt Nam đứng đầu trong 46 quốc gia đầu tư vào Lào, với tổng khối lượng đầu tư là 2,08 tỷ USD. (54)

Còn theo quan điểm của phe bảo thủ, Việt Nam đã tiếp tục duy trì những mối liên hệ, trao đổi dày đặc với Trung Quốc và cố gắng thắt chặt giao kèo trên cơ sở có một nền kinh tế chung (Mỹ) và ý thức hệ chung (cộng sản). Như Tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã sang thăm Trung Quốc hai tuần vào cuối tháng 10, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ vào ngày 22/12: "Vấn đề ta với Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta đang tìm mọi cách giải quyết và tới đây chúng ta sẽ cùng với bạn bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển. Như vậy thì tình hình sẽ ổn định dần và chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung". (55)

Kết luận

Nền chính trị của nước Việt Nam thời hậu Chiến tranh Lạnh là một trò chơi giữa bốn đối thủ. Phe hiện đại nổi lên từ sau cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và sự phát triển của toàn cầu hóa, thập niên 1980. Nhưng tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc và sự gần gũi tương cận với Trung Quốc đã là một yếu tố chủ chốt hỗ trợ cho các nhân vật bảo thủ ở Việt Nam. Sự đồng tồn tại cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản đã tạo ra môi trường thuận lợi cho phe trục lợi. Hai thập niên qua, những kẻ trục lợi đã nắm giữ phần lớn các đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế Việt Nam. Trong chính trị đối nội, một liên minh ngấm ngầm giữa phe bảo thủ và phe trục lợi đã kìm giữ cải cách ở rất xa, chỉ vừa đủ để gặp phải  sự chống đối mãnh liệt từ phe hiện đại. Trong đối ngoại, sự tự thể hiện quá mạnh của Trung Quốc đã làm giảm hiệu quả của thái độ tôn kính của một Việt Nam chiều theo Trung Quốc – đường lối ngoại giao mà các nhân vật bảo thủ ưa chọn. Việt Nam đã phản ứng bằng cách đẩy mạnh thế cân bằng đối nội và đối ngoại, đây là một đường lối được phe hiện đại cổ súy.

Năm 2010 này, hệ thống chính trị Việt Nam sẽ tập trung vào việc ổn định nền kinh tế, đảm bảo cho các sự kiện của ASEAN diễn ra an toàn, và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 11, theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào tháng 1/2011. Trong hoàn cảnh này và để ngăn chặn một sự sụp đổ lớn, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục con đường phát triển được dẫn dắt bởi vốn (tư bản) cho đến khi nào bong bóng lại vỡ. Nhưng thay đổi lớn trong nền chính trị Việt Nam sẽ chỉ được kích hoạt bởi một sự sụp đổ như thế. Chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ tiếp tục là hỗn hợp pha trộn các yếu tố được ba phe bảo thủ, trục lợi và hiện đại cổ súy, nhưng cả ba lĩnh vực này chắc chắn là sẽ tiến triển theo những con đường khác nhau. Chính sách kinh tế sẽ bao hàm một vài nỗ lực tái cơ cấu nhưng nhiều khả năng sẽ bị phe trục lợi thống trị. Trong chính trị đối nội, chính quyền hẳn sẽ thắt chặt kiểm soát bất chấp những lời kêu gọi ngày một lớn hơn từ giới tinh hoa chính thống, đòi một sự thay đổi quyết liệt. Ứng xử của Việt Nam trên trường quốc tế thì sẽ ít quỵ lụy trước Trung Quốc hơn, nhưng các nỗ lực nhằm tái thiết quan hệ chiến lược với Mỹ nhiều khả năng sẽ bị phá ngang bởi sự bất đồng giữa các cách tiếp cận khác nhau của chính phủ đối với vấn đề nhân quyền.

Người dịch: Đan Thanh

Chú thích:

Tác giả cảm ơn Ben Kerkvliet, Steven Kim, Daljit Singh, và Carlyle Thayer vì những nhận xét có giá trị của họ, và cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của Kylee Kim. Các quan điểm thể hiện trong bài này là của tác giả.

(1) Lê Khả Phiêu, "Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi xuân", Nhân Dân, 3/2/2010 <http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub= 130&article= 167420>.

(2) Võ Văn Kiệt, "Thư gửi Bộ Chính trị ", 9/8/1995, Diễn Đàn, số 48 (tháng 1/1996): 16-25. Về sự kiên định của ông Phiêu theo đường lối "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", xin xem bài viết của ông, đã dẫn.

(3) Trong các bài viết trước đây, tôi gọi hai đường lối chủ lực của Việt Nam là "chống đế quốc" và "hội nhập". Những tên gọi này muốn nói đến định hướng chính sách đối ngoại trung tâm của hai đường lối lớn đó. Tôi đặt tên như vậy bởi lẽ các bài viết trước đây của tôi chủ yếu nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

(4) Trục lợi là một hành vi tìm kiếm lợi ích đặc biệt, tạo ra lợi ích chủ yếu nhờ đặc quyền đặc lợi và các luật lệ có ảnh hưởng do chính phủ ban hành.

(5) Tham khảo một thảo luận khác về sự giao thoa giữa lợi ích và quyền lực ở nước Việt Nam cộng sản: Bill Hayton, "Vietnam's New Money", Foreign Policy, 21/1/2010

<http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/01/21/vietnams_new_money>.

(6) Thông tin nền, xem "As Clamor against Suong Verdict Grows, Officials

Vow to Dig for Truth", VietNamNet Bridge, 27/11/2009 <http://english.

vietnamnet.vn/reports/200911 /As-clamor-against-Suong-verdict-grows-officials-vow-todig-for-truth-881145/>; "NA Committee May Intervene in Labour Hero Case, Security

Minister Orders Report", VietNamNet Bridge, 24/11/2009 <http://english.

vietnamnet.vn/reports/200911/NA-Committee-may-intervene-in-labour-hero-case-

Security-minister-orders-report-880585/>; Huy Đức, "Sau bà Ba Sương là các nông trường viên", Blog Osin, 1-12-2009 <http://www.blogosin.org/?p=]074>.

(7) Dinh Thang, "Pacific Airlines thành Jetstar Pacific: Nhiều lận đận", Tien Phong, 11/1/2010 <http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=183030&ChannelID=2>.

(8) Geoff Easdown, "Power Struggle Strands Execs", Herald Sun (Australia), 11/1/2010 <http://www.heraldsun.com.au/business/power-struggle-strands-execs/storye6frfh4f-1225818205174>.

(9) Thông tin cá nhân, 16/1/2010.

(10) Goldman Sachs Global Economic Group, BRICs and Beyond (Goldman Sachs, 2007), p. 131. BRIC là chữ viết tắt do Goldman Sachs đưa ra để chỉ một nhóm các nền kinh tế lớn đang nổi lên, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

(11) Ibid., pp. 139, 140.

(12) Alexander L. Vuving, "Vietnam: Arriving in the World — and at a Crossroads," Southeast Asian Affairs 2008, biên tập Daljit Singh và Tin Maung Maung Than

(Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2008), pp. 375-77.

(13) Tổng cục Thống kê Việt Nam, "Tình hình kinh tế xã hội năm 2009", 12/2009 <http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=413&thangtk=12/2009>.

(14) Tô Huy Rứa, "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam", Nhân Dân,14/12/2009.

(15) Tham khảo một thảo luận về vai trò của DNNN, xem Vũ Quang Việt, "Vietnam Economic Crisis: Policy Follies and the Role of State-Owned Conglomerates", in Southeast Asian Affairs 2009, biên tập Daljit Singh (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 389-417.

(16) Phan Thế Hải, "Đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên", TuanVietNam, 12/11/2009 <http://tuanvietnam.net/2009-ll-10-dan-khung-long-cua-nen-kinh-te-vi-thanh-nien>.

(17) Phạm Minh Trí, "Muốn chủ đạo phải tự thân", TuanVietNam, 9/11/2009 <http://tuanvietnam.net/2009-ll-06-muon-chu-dao-phai-tu-than>; Huy Đức, "Vẫn chưa hết những trở ngại cũ". Phỏng vấn cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết,Sài Gòn Tiếp Thị, 25/5/2009 <http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=51921&fld=HTMG/2009/

0524/51921>.

(18) Hoàng Phương, "Không tái cấu trúc quản lý, mọi nỗ lực khác là vô nghĩa",

TuanVietNam, 19/5/2009 <http://tuanvietnam.net/khong-tai-cau-truc-quan-ly-moino-

luc-khac-la-vo-nghia>.

(19) Vu Trong Khanh và Patrick Barta, "Hanoi Tightens Reins on Credit", Wall Street

yowrna/, 3/12/2009, p. A13.

(20) James Hookway và Alex Frangos, "Vietnam Devalues Its Currency", Wall Street

Journal, 26/11/2009, p. 23.

(21) "Vietnam Acknowledges Growing Foreign Debt", Deutsche Presse-Agentur,

17/11/2009.

(22) Hookway và Frangos, "Vietnam Devalues".

(23) Tính toán của tác giả dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.

(24) Pivot Capital Management, "China's Investment Boom: The Great Leap into the Unknown", 21/8/2009, p. 2.

(25) Xem thêm Cariyle A. Thayer, "Vietnam and the Challenge of Political Civil Society", Contemporary Southeast Asia31, no. 1 (2009): 1-27.

(26) Xem thêm Cariyle A. Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam's One-Party State: Challenges and Responses",Journal of Current Southeast Asian Affairs, no. 4 (2009): 47-70.

(27) Xem bài của Nguyễn Anh Tuấn "From VietNet to VietNamNet: Ten Years of Internet Media in Vietnam", Discussion Paper #43,  Shorenstein Center on the Press, Politics, and Public Policy, Harvard University,  2007 <http://www.hks.harvard.edu/presspol/publications/papers/discussion_papers/ d43_nguyen.pdf>.

(28) "Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên", VietNamNet, 14/1/2009 <http://www.tuanvietnam.net/2009-01 – 14-dai-tuong-vo-nguyen-giap-gop-y-vedu-an-bo-xit-tay-nguyen>; "Vietnam's War Hero Giap Urges to Halt Bauxite Mining Plans", Agence France Presse, 15/1/2009. Bản photo bức thư của ông Giáp ở trang Trần Hữu Dũng: <http://www.viet-studies.info/kinhte/Thu_VNGiap_NTDung.  pdf>.

(29) "Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc" (2/12/2001), Vietnam News Agency, 4/12/2001.

(30) Địa bàn dự án bauxite ở hai tỉnh Đak Nông và Lâm Đồng ở khu vực Tây Nguyên, nơi các nhà chiến lược quân sự gọi là "nóc nhà Đông Dương" và nơi có tầm quan trọng chiến lược được thể hiện trong câu nói "ai kiểm soát được Tây Nguyên sẽ kiểm soát được miền Nam Việt Nam". Sông Đồng Nai và sông Bé chảy qua khu vực đô thị và công nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng bắt nguồn từ hai tỉnh này.

(31) Quốc Phương, "Hội nghị Trung ương 8 mang tính tình thế", BBC Vietnamese, 2/10/2008.

(32) Seth Mydans, "War Hero in Vietnam Forces Government to Listen", New York Times, 29/6/2009, p. A6.

(33) Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam's One-Party State", p. 51. Xem thêm chi tiết về những tranh luận xung quanh dự án bauxite và các phong trào phản đối khác trong năm 2009.

(34) Xem Thayer, "Vietnam and the Challenge of Political Civil Society", và Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam'sOne-Party State".

(35) "Vietnam Activists Could Face Death Penalty", Deutsche Presse-Agentur, 11/12/2009.

(36) "Berlin Wall Post Costs Vietnam Blogger Job", Agence France Presse, 27/8/2009.

(37) "Người Buôn Gió kể chuyện", BBC Vietnamese, 9/9/2009 <http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/09/090909_blogger_iv.shtml>.

(38) "Vietnam Police Release Another Detained Blogger", Reuters, 12/9/2009. Hồi ký những ngày bị giam của Quỳnh được công bố trên blog Bạn của Mẹ Nấm <http://menamtg.multiply.com/>.

(39) Bài báo được đăng tải trên Internet tại cổng điện tử của tỉnh Quảng Ninh nhưng sau đó bị gỡ bỏ. Bản photocopy ở đây <http://www.viet-studies.info/kinhte/DeCuongTuyenTmyen.pdf>.

(40) Mai Hương, "Ra mắt chương trình 'Quy luật tất yếu", Sài Gòn Giải Phóng, 4/11/2009 <http://www.sggp.org.vn/chinhtri/hocthuyetmaclenin/2009/11 /207493/>.

(41) "Loạt bài: Việt Nam và mô hình phát triển trong thập kỷ mới", TuanVietNam, 11/1/2010 <http://www.tuanvietnam.net/2009-12-31 -loat-bai-viet-nam-va-mo-hinh-phat-trien-trong-thapki-moi>.

(42) Nguyễn Trung, "Xây dựng chế độ chính trị đồng nghĩa với Tổ quốc", TuanVietNam, 31/12/2009 <http://www.tuanvietnam.net/2009-12-27-xay-che-do-chinh-tri-dong-nghia-voi-toquoc->.

(43) Alexander L. Vuving, "Grand Strategic Fit and Power Shift: Explaining Turning Points in China-Vietnam Relations", trong Living with China: Regional States and China

through Crises and Turning Points, biên tập Shiping Tang, Mingjiang Li, và Amitav Acharya (New York: Palgrave Macmillan, 2009), pp. 229^5.

(44) Alexander L. Vuving, "Strategy and Evolution of Vietnam's China Policy: A Changing Mixture of Pathways", Asian Survey 46, no. 6 (November 2006): 812,

816-17.

(45) Nguyễn Trung, "Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng", VietNamNet, 9/2/2006 <http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539842/>; "Vào WTO: Việt Nam bỏ lỡ một nước cờ" (phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt), VietNamNet, 4/1/2006 <http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doingoai/2006/01/528944/>.

(46) Vuving, "Strategy and Evolution of Vietnam's China Policy", pp. 817-18.

(47) Trích từ Carlyle A. Thayer, "Recent Developments in the South China Sea: Implications for Peace, Stability and Cooperation in the Region", tham luận trình bày tại hội thảo "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực", Hà Nội, 27-28/11/2009, pp. 5-11.

(48) Denis Gray, "Laos Fears China's Footprint", Associated Press, 6/4/2008; Martin Stuart-Fox, "Laos: The Chinese Connection", trong Southeast Asian Affairs 2009, biên tập Daljit Singh (Singapore; Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 141-69.

(49) "Hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ phát triển tích cực" (phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh), Vietnam News Agency, 17/12/2009.

(50) "Vietnam Seeks Military Deals with France; State Media", Agence France-Presse, 18/12/2009.

(51) "Việt Nam ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nga", BBC Vietnamese, 16/12/2009; Huỳnh Phan, "Điện hạt nhân và ODA trong quan hệ đối tác chiến lược". Sài Gòn Tiếp Thị, 5/3/2010 <http;//www.sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=63735&fld=HTMG/2010/0304/63735>.

(52) "Việt Nam-Hàn Quốc mở rộng hợp tác quốc phòng", Vietnam News Agency, 17/12/2009.

(53) "Việt Nam, Campuchia ký thỏa thuận tới 6 tỷ USD", Vietnam News Agency, 26/12/2009.

(54) Trung Hiếu, "Nhiều cơ hội đầu tư vào Lào", Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, 31/8/2009.

(55) "Tìm mọi cách giải quyết vấn đề Biển Đông" (phỏng vấn Tướng Lê Văn Dũng), Tuổi Trẻ, 22/12/2009 <http;//www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354571& ChannelID=3>.

—–

Southeast Asian Affairs 2010

VIETNAM

A Tale of Four Players

Alexander L. Vuving

Who are the key players of Vietnamese politics? What characterizes its dynamics? What is to be expected of it in the next few years? This essay is an attempt to address the above questions. It suggests that the politics of Vietnam can be imagined as a game between four key players. If the govemment is defined as the central authoritative locus of politics in a country, then the Vietnamese Government is caught primarily between regime conservatives, modemizers, rent-seekers, and China. Each of these players is a bloc of diverse actors that share an ultimate strategic goal or inclination.

The distinction of the three Vietnamese blocs deserves further explanation. The criterion for sorting someone to a bloc is the person's priority or inclination when it comes to fundamental issues such as ideology (whether the country should be open or closed to liberal ideas from the West) and the Communist Party's relation to the nation (whether the party is superior or inferior to the nation). The conservative is one who is more likely to opt for a "closed door" and "party first" policy, the modemizer for openness and the whole-nation's perspective, and the rent-seeker for whatever that brings him or her most money.

In their discourse, leaders often use the vocabulary of the day but their emphasis will reveal where they stand. A regime conservative, such as former General Secretary of the Vietnam Communist Party (VCP) Le Kha Phieu, may embrace the ideas of "intra-party democracy", "socialist-oriented market economy", and Vietnam as a "modern nation" and a "friend and reliable partner to other countries", but his emphasis is on the class nature, as opposed to a whole-nation nature, of the party's core interests, preserving the country's "socialist" identity, and contrasting it with the "capitalist and imperialist" West. Modernization, reform, democracy, and intemational integration, if adopted, are only means to a higher end, and if necessary, can be sacrificed. That higher end is the continuation of the communist regirne.1

A modernizer, such as the late Prime Minister Vo Van Kiet, may vow  to maintain "the leadership role of the party" and build "socialism", but his

visions of the party and socialism are completely different from those of the conservatives. Kiet and other modernizers within the VCP want a party that

regards the interests of the entire nation as its own and define socialism as "a rich people, a strong nation, and a just, democratic, and civilized society".

Patriotism, not Marxism-Leninism, is the bonding and guiding idea of the modernizers. Whereas conservatives such as the VCP chiefs Do Muoi, Le Kha Phieu, and Nong Due Manh emphatically asserted that "national independence and socialism" (meaning insulation from Western and liberal infiuence plus communist rule and identity) are the fundamentals of Vietnamese policy, Kiet proposed in a classified letter to the VCP Politburo in August 1995 to replace them with "nation and democracy".2 Although advocating multiparty democracy is impossible for mainstream elite modemizers because it is taboo, modernizers support more and deeper political reform to broaden democracy and enhance effectiveness.

Rent-seekers are opportunists who seek to maximize benefits, usually gained from govem men t-gran ted privileges; regardless of the national interest as defined by either the conservatives or the modemizers. As will be seen in the next section, Vietnam's rent-seekers is a special group of profit-seekers that is more powerful than the latter because it has a monopolistic power in its back.

All the three key blocs — regime conservatives, modernizers, and rent- seekers — are present both in and outside the mling party and the government and represented at every echelon of policymaking. Their fault lines cut across generations, regions, and institutions. Most Vietnamese leaders stand more or less consistently within a bloc but some have changed blocs over time and others are more agnostic. Prominent conservatives include VCP General Secretaries Do Muoi (1991-97), Le Kha Phieu (1997-2001), Nong Due Manh (2001-present), and former State President Le Duc Anh (1992-97). The modernizers were represented in the top leadership more energetically by the late Foreign Minister Nguyen Co Thach (1982-91), the late Prime Minister Vo Van Kiet (1991-97) and former National Assembly Chairman Nguyen Van An (2001-6), and less markedly by former State President Vo Chi Cong (1987-92) and former Prime Minister Phan Van Khai (1997-2006). Former State President Tran Duc Luong (1997-2006) can be seen as a rent-seeker. The late VCP General Secretary Nguyen Van Linh (1986-91) changed from a modernizer to a conservative during 1989. And State President Nguyen Minh Triet (2006-present) is an agnostic.

The politics of Vietnam is played out on four major planes — the economy, core domestic politics, state-society relations, and foreign elations. Its dynamics in each of these areas shows a distinct feature. The one on the economic front is the crisis of Vietnam's growth model. At the core of domestic politics, there is the confluence of money, power, and world views, or to put it more elegantly, profit, power, and perspectives. The emergence of civil society, especially mainstream elite civil society, is increasingly setting the trend in state-society relations. In the geopolitical arena, a central focus of Vietnam's politics lies in efforts to self-help in China's backyard.

The year 2009 offered telling snapshots of Vietnam's politics with regard to its key players and the features of its dynamics. The discussion below will outline some contours of Vietnamese politics through an examination of its four players and four features, illustrated by events and developments throughout 2009.

The Confluence of Profit, Power, and Perspectives

Since the launch of doi moi (renovation) in 1986, Vietnam has been experimenting with a mixture of communism and capitalism. This experiment is a conflict-ridden cohabitation of two grand strategies pursued by two camps that can be called the "regime conservatives" and the "modemizers". I call them so because the central objective of the former is to preserve the communist regime whereas that of the latter is to modemize the country by introducing elements of capitalism and liberalism.3 Despite the fact that these two camps represent the co-ruling grand strategies, they are not the only key players of Vietnamese politics. The cohabitation hias created a third bloc that takes advantage of the mixture and is highly adaptive to that "brackish water" environment. The third bloc tries its best to maintain the communist-capitalist mixture that supports its way of life. As capitalism offers opportunities to make profit, while communism offers a monopoly of power, a mixture of the two creates conducive conditions for both using money to buy power and using power to make money. The third bloc, which can be called the "rent-seekers", uses money to manipulate politics, and once having access to Communist Party power, uses the political monopoly to reap hyper-profits.4 Unlike the conservatives and the modemizers, the rent-seekers are not guided by vision; they are guided by profit motive.

As Vietnamese politics is characterized by a coexistence of communism and capitalism, it is intuitive to think that most political conflict in Vietnam can be seen along the conservative-versus-modemizer line. Yet this model is not accurate. It is not accurate because it either ignores the rent-seekers, which in many cases are key players, or regards them as just profit-seekers, who, as conventional wisdom suggests, prefer capitalism over communism. In this model, then, the rent-seekers will tend to side with the modemizers against the conservatives. In actuality, however, Vietnam's rent-seekers tend to side with the conservatives when it comes to the continuation of Communist Party monopoly and with the modernizers when it comes to allowing party members to own large properties and operate capitalist businesses. The rent-seekers are a species specialized to live in the "brackish water" of commercialism under communist mle. With the power monopoly of the Communist Party in their back, they are markedly more powerful than other profit-seekers. Given the existence of that third bloc, the politics of Vietnam is, at one level, the contestation between regime conservatives and modernizers, but at another level, the confluence of money, power, and world views.5

The year 2009 revealed the confluence of profit, power, and perspectives through several affairs, two of which are arguably most prominent. On 19 November, the Can Tho City Appeals Court upheld a lower court verdict reached in August against Tran Ngoc Suong, popularly known as Mrs Ba Suong, on a charge of running an off-the-books welfare fund. A former Director of the state-owned Song Hau Collective Farm who was awarded the title of a Labour Hero by the govemment, Suong was sentenced to eight years in jail and ordered to repay some 4.3 billion dong (US$240,500). The verdicts caused a public outrage in which several high-ranking officials and prominent public personalities spoke out in support of Suong. Former vice-president Nguyen Thi Binh, a conservative, said that Suong's sentencing was "unfair" as she had "devoted her whole life to improving the lives of thousands of farmers" and "maintained the fund not for her personal benefit", a portrayal that was echoed by the reform-minded press and validated by the journalist Huy Due, who had reported on the Song Hau Farm and Mrs Suong for years. The news media also reported that the Song Hau Farm was awarded two Labour Medals by the govemment and regarded as a showcase of socialism where the state retained land-use rights but provided relatively good welfare services.

While the public outrage was mainly motivated by the moral aspect of the case, it was expected that the socialist state would intervene to support a hero of its cause. But it did not. In fact, Suong was represented at the court by reform-minded lawyers and the public support for her mobilized by reform-minded media. With regard to the state's action, the court received instructions from the Can Tho City party leadership, and after a few weeks of intensive reporting. the media was ordered to stop talking about the case of Mrs Suong. Behind the scenes the Cah Tho City Government had decided to allocate the lands of the Song Hau Farm to an industrial park and urban project. The Deputy Secretary of the Can Tho City Party Committee, Pham Thanh Van, was recorded as telling Suong; "You will retire and land safely in good name if you return the lands of the farm [to the city]".6

The second case involves Jetstar Pacific Airline (JPA), a joint venture of the State Capital Investment Corporation (SCIC) with the Australian airline Qantas in which the Vietnamese state-owned enterprise (SOE) owns the majority stake of 70 per cent. In late 2009, a controversy was sparked after a State Audit Agency probe of SCIC figured out that while JPA's chief executives caused a loss of US$31 million in a fuel hedging business, they earned more than the executives of comparable SOEs. The controversy also involved questions about unusually high salaries for SCIC executives. In early December, Luong Hoai Nam, former JPA chief executive and a high-ranking official of SCIC, was detained by police for his involvement in the fuel hedge, while two Australian JPA executives were prevented from leaving Vietnam.

JPA's predecessor was Pacific Airlines (PA), a domestic joint venture with the state flag carrier Vietnam Airlines (VNA) as the majority stakeholder. Established in 1990, PA represented an effort by modemizers to introduce a degree of competition in Vietnam's aviation industry. However, the maintenance of this element of competition proved difficult. After ten years in operation, PA posted a cumulative loss of more than US$10 million.7 Although an offspring of VNA, PA was reportedly not welcome by its mother company.

The monopolistic position of the state flag carrier became a harder reality PA's successor. The confluence of nfioney, power, and world views can be emed in a report by Herald Sun:

[In mid-2009]. Prime Minister Nguyen Tan Dung was forced to intervene when supplies of jet kerosene were cut of f when Vietnam Airlines stopped its tankers refuelling Jetstar Pacific's fleet. Jetstar Pacific's latest run  of problems started last July when it reported its first profitable month after 18 years of flying, initially as Pacific Airlines. At that time the Transportation Ministry ordered Qantas to strip the Jetstar name and distinctive orange branding of f the six-jet Jetstar Pacific fleet, claiming it 'too Australian'.8

As veteran Vietnam watcher Carlyle Thayer argues, the issue was caused by Jetstar Pacific's success after mid-2009 when it turned a profit after cutting costs and increasing market share (18 per cent to 25 per cent) at the expense of Vietnam Airlines. Jetstar Pacific's aggressive promotion of cheap fares rankled. I see a parallel with the 2006 ANB-AMBRO case when a state bank lost money in currency conversions, in Jetstar Pacific's case the State Capital Investment Corporation lost due to fuel hedging. In both cases Vietnamese security/police have criminalized business management and poor decisions. The Dutch paid several million to get off the hook and I suspect Qantas/Jetstar will have to pay a fine or compensation so SCIC, a state-owned enterprise, will not be out of pocket…. There is obviously a state-enterprise interest group at work. It is about getting money out of Qantas when their in-country staff hedged and lost on fuel prices. This affected the State Capital Investment Corporation which is a major shareholder in Jetstar.9

A Growth Model in Crisis

Over the last two decades, the confluence of money, power, and world views in reform-era Vietnam has resulted in an economic path that most benefits

rent-seekers. In its early stages, this capital-driven path was paralleled by a labour-driven path and showed remarkable growth pattems. Impressed by the country's growth records in the previous decade, in 2005 Goldman Sachs identified Vietnam as one of the "Next Eleven" countries that "could potentially have a BRIC-like impact in rivalling the G7."10 Goldman Sachs studies projected that in 2025 Vietnam could be the world's seventeenth largest economy and in 2050 it could become the fifteenth. The projections were premised on the condition that "these economies can stay on their current paths".11 But soon after the release of these reports, Vietnam's growth model showed signs of serious problems. During 2008, the inflation rates surged to higher than 20 per cent, forcing the government to put the brakes on its growth-first policy and switch gears to an anti-inflationary programme. Much in line with our prediction on these pages, the bubbles blew up when the investment fever following Vietnam's accession to the World Trade Organization (WTO) met with bottlenecks in the country's administration, institutions, infrastructure, and education system.12 On top of that came the global financial crisis that started the same year.

An economy with foreign trade surpassing gross domestic product by roughly one and a half tirnes, Vietnam was hit hard by the global crisis. It dramatically reduced the amount of foreign investments and shrunk the size of foreign markets for Vietnamese products. The volume of foreign direct investments (FDI) approved in 2009 was US$21.5 billion, or 70 per cent less than the previous year. The amount of FDI that were disbursed in 2009 is estimated at US$10 billion, falling by 13 per cent from that of 2008. Vietnam's exports in 2009 are estimated to have shrunk by 9.7 per cent to US$56.6 billion, while imports decreased by 14.7 per cent to US$68.8 billion. A significant part of the reduction of Vietnam's exports in 2009 resulted froni lower prices of the country's main export commodities such as oil, rice, coffee, and coal. Vietnam's cmde oil export value, which accounts for 11 per cent of the nation's total exports, is estimated to have plunged by 40 per cent though the export volume decreased only 2.4 per cent. In 2009, Vietnam registered a record volume of rice export and a year-to-year increase by 25.4 per cent in volume, but its value, which accounts for 4.8 per cent of the total exports, fell 8 per cent. Likewise, the coffee export, which accounts for 3 per cent of the total exports, rose by 10.2 per cent in volume but shrunk by 19 per cent in value, and the coal export, which accounts for 2.3 per cent, fell by 4.5 per cent in value despite an increase of 29.9 per cent in volume.'13

The economic crisis triggered a new round of debates on the fundamental directions of Vietnam's policies. For regime conservatives, the cunent crisis is clear proof that the supervising and controlling role of the state is crucial to the functioning of the economy. Conservatives also praise the superiority of the one-party system in weathering crises. They argue that it helps maximize mobilization and create consensus at a time when these are most desirable but usually hard to attain. These views were aired, for example, in the remarks by To Huy Rua, who is Head of the Propaganda Department of the VCP, at the fifth Sino-Vietnamese ideology conference in December 2009. But the VCP chief propagandist, who was elected to the Politburo at the Ninth Plenum of the Party's Central Committee in January 2009, did not represent the views of the conservatives only. Echoing the modernizers. Rua acknowledged that the crisis provides an opportunity to restructure the economy and contended that the restmcturing must be oriented towards a new growth model that is based on "dynamic comparative advantages" and incorporates the concept of "sustainable  development". This new thinking on development is aimed at reconciling the three goals of economic growth, social fairness, and environment-friendliness.14

Apparently avoiding highly controversial issues, Rua's speech remains silent on the role of the state-owned enterprises, which is a key point of contention between the conservatives and the modemizers. Regime conservatives want to retain the dominant role (vai tro chu dao) of the state sector in the economy. In their vision, the national economy rests on the SOEs as its.pillars, the biggest of which will serve as the nation's "iron fists" — strong competitors in the international market and a powerful tool of governance, both economic and political. Unlike private entities, SOEs are to obey the party and the govemment and fulfil political tasks set by the party-state. In return, they have privileged access to policymaking, credit, land, and other resources owned by the state. The intertwinement of the state and its own companies is reflected in the fact that the board presidents of the largest state-owned conglomerates are members of the VCP Central Committee, which by statute is the most powerful policymaking body in the country during the time between the party congresses.'15

Modemizers, however, see the state-owned conglomerates as "dinosaurs in a juvenile economy".16 They point out that these enterprises have failed to become the nation's iron fists — neither have they emerged strongly in international competition, nor have they accomplished well the political tasks. Rather, they try to capitalize on and perpetuate their state-sanctioned privileges and monopolistic position — for their own profit. As a result, they become producers of inefficiency and corruption.17 Restructuring of the SOEs is thus a central point in the modemizers' agenda. Particularly, modemizers urge to change the ownership structure of the SOEs towards more privatization. Assessing the present situation, modemizers argue that Vietnam's growth model has reached its apex and restructuring is the key to both overcoming crises and avoiding the middle-income trap. Most modemizers agree that this should be a comprehensive restructuring that includes transforming the ownership structure of the SOEs, overhauling the economic institutions and regulations, and restructuring the domestic markets and enterprises.18

The government tries to combine the views of both the regime conservatives and the modemizers. Nevertheless, its focus is on fixing short-term problems which threaten its authority. When the global crisis arose, it quickly switched-gears from anti-inflation to anti-slowdown (December 2008). Its central response was a stimulus package that cost up to US$8 billion. When the economy showed signs of recovery and the spectre of inflation threatened to come back, the government devalued the dong by roughly 5 per cent against the U.S. dollar, increased the central bank's benchmark interest rate to 8 per cent, and ended the stimulus programme earlier than expected (late November, early December 2009).19

With a 5.32 per cent growth rate, Vietnam stood out, alongside China, Indonesia and Cambodia, as one of only a few economies in East Asia that expanded more than 2 per cent in 2009.

However, Vietnam has paid a high price for this short-term success.

Vietnam is one of only a few countries with both a fiscal budget deficit and a current-account deficit.20 On top of that, the country has run a huge foreign trade deficit for more than a decade. At the same time, as the Govemor of Vietnam's central bank acknowledged, the country's foreign debt had risen dramatically in 2009 compared with recent years. The Intemational Monetary Fund places Vietnam's extemal debt at one-third of the country's gross domestic product (GDP), and the National Assembly's Committee for Budget and Finance puts the total government debt at 44.6 per cent of the GDP.21 The combination of these factors causes a large dilemma for the govemment. The three-way deficits put an enormous pressure on the dong to weaken. A drastic depreciation of the dong may boost the exports and reduce the import surplus but may also cause negative psychological effects and enlarge the foreign debts. But maintaining an artificially high value of the dong for too long would exhaust the already thin foreign reserves. Analysts estimated that dollar sales aimed at stabilizing the dong during 2009 have shrunk Vietnam's foreign-exchange reserves to US$16.5 billion, which is enough for less than three months of imports. Outside in the region, Vietnam's neighbours such as China, South Korea, and Thailand all have added substantially to their reserves.22

Vietnam's relatively high growth rate conceals dismal inefficiencies. In 2009 the incremental capital-output ratio (ICOR), which measures the inefficiency of investment spending, soared to 8.05 from 6.92 in 2008 and 4.76 in 2007.23These are markedly higher compared to other high-growth countries in their pre-peak investment stages. For example, Japan's ICOR in the 1960s and South Korea's ICOR in the 1980s were just above 3. More recently, China's ICOR increased from about 3 for the 1990s to neariy 4 in average for the period from 2001-8 and is estimated at about 6.7 for 2009.24 Vietnam's extremely high ICOR also indicates that the country's economic growth is driven primarily by capital enlargement, not productivity enhancement. If Vietnam stays on the current path, the economy is not likely to take off, as the Goldman Sachs projections suggest, and a crash is possible.

The Rise of Civil Society

A characteristic of the Leninist regime is the Communist Party's monopoly of all social spheres. When the regime allows some elements of capitalism and liberalism, as in Vietnam and China today, the party's control of the public sphere loosens, making some space for civil society. The glimmerings of civil society in Vietnam have two major causes. First, the introduction of limited economic liberalization has created a social sphere populated by private entities and economically independent individuals. Second, there is an ongoing conflict within the ruling elite between the regime conservatives and the modemizers. As the state ideology favours the former, the latter are in a weaker position, with those in the government playing rather the role of a minor coalition partner. Given these circumstances, the modemizers have a need to use and enlarge the part of the public sphere that is not under state control, so they can raise their voice when it does not align with the state ideology and official party line.

Vietnam has been loosening its totalitarian regime for a quarter of century, but throughout the first fifteen years or so, civil society could hardly enter the launching pad, not to speak of having taken off. A major barrier for Vietnam's civil society is the Communist Party's paranoid suspicion that civil society will act against it. More exactly, it is because the conservatives are still strong. Vowing to modemize the country, the party has agreed that society should be ruled by law and private associations should be allowed. As early as 1992, the government began drafting legislation on civil society organizations to govem the rapidly expanding private associational activity. But after almost two decades with eleven drafts, the bill has yet to be passed.25

In the last five years, however, Vietnam's civil society seemed to be rolling onto a launching pad. Some remarkable indications of this development can be observed. The first is the return of independent policy-discussing organizations. Starting in 2005, hundreds of citizens began to form new political parties and organizations that challenge Communist Party rule.26 In September 2007, after Prime Minister Nguyen Tan Dung disbanded the Advisory Group to the Prime Minister that he inherited from his predecessors, several prominent intellectuals, including leading

members of the former Advisory Group, established the first ever independent policy think tank in socialist Vietnam, the Institute of Development Studies (iDS). Members of the think tank included such personalities as the economists Le Dang Doanh, Tran Duc Nguyen, and Tran Viet Phuong, who had served generations of party and government chiefs as major advisers; former Ambassador Nguyen Trung, who was an adviser with a ministerial rank to former Prime Minister Vo Van Kiet; former Vice President of the Vietnam Chamber of Commerce and Industry Pham Chi Lan; leading scholars such as the mathematician Hoang Tuy and the historian Phan Huy Le; and prominent thinkers such as Nguyen Quang

A, Tuong Lai, and Nguyen Ngoc.

During the last decade the space for public discussion has widened

exponentially due to the application of Internet-based communication tools

ranging from emails to online forums, and, more recently, blogs and Facebook. The state-owned press has also gained significant autonomy vis-à-vis the state. An eminent case is VietNamNet, an online news outlet with popular websites such as vietnamnet.vn and tuanvietnam.net. Founded in 1997 by Nguyen Anh Tuan, a reform-minded computer engineer, it moved within only a few years to the forefront of Vietnamese joumalism and became a major venue for independent and pro-reform views of public issues. Seen as a recalcitrant web portal, in 2007 it was put under the direct supervision of the Ministry of Information and Communication with the conservative Le Doan Hop at the top. Nevertheless, VietNamNet emerged after that even stronger as an advocate of greater reform.27 Dense online communications both empower and "spill over" into offline activities. A case in point and an indication of Vietnam's nascent civil society is the December 2007 street protests organized by Intemet-based groups against

China's plans to set up an administrative unit to govem two archipelagos that

Vietnam claims in the South China Sea.

Three factors have arguably driven the rise of civil society in Vietnam. The first is the country's deeper intemational integration, marked by its accession to the WTO in 2006/7. The event signified not simply Vietnam's participation in a global trade agreement but the completion of its travel from one world to another — from a socialist community to a non-socialist one. The second factor behind the emergence of Vietnam's civil society is the spread of new communication tools that help ordinary citizens to increase their communications and connections and make monitoring by the authorities much more difficult. The third factor is the perception of a Chinese threat. This provides a moral high ground and a reason acceptable to the government for civil society activities that, though not initiated by the authorities, appear to defend the national interest.

The year 2009 witnessed a dramatic development of civil society in Vietnam. On 5 January, the day that Prime Minister Dung convened a meeting with his cabinet to discuss a mega-project on bauxite mining in South Central Vietnam and the VCP Central Committee started its ninth plenum. General Vo Nguyen Giap, the only living founding father of the socialist republic, wrote a letter to the prime minister calling for a suspension of the bauxite plans. The letter remained at first unpublicized but on 10 January a copy of it was leaked to the public on the popular website viet-studies.info. On the 14 January, one day after the party meeting closed and upon the news that the govemment decided to go ahead with the project, the online newspaper VietNamNet decided to publicize the General's

letter on its website, making the dissenting view heard to a wider domestic public. In his letter, Giap pointed to concerns of scientists and activists about "the serious risk to the natural and social environment posed by bauxite exploitation projects". He wrote that in the early 1980s he had overseen a study on whether to mine for bauxite in the region, and that Soviet experts had advised against the project because of "the risk of long-term, very serious and insurmountable ecological damage posed not only to the local population but also the population and the plains of South Central Vietnam".28

Although at Giap's time the govemment had decided against bauxite mining, during the "industrialization era" a decade later it reversed the decision. In the December 2001 Vietnam-China joint statement, VCP Secretary General Nong Due Manh pledged to cooperate with China on exploiting bauxite in South Central Vietnam.29 This looked like Manh's gift on the occasion of his inaugural visit to China after becoming the VCP chief, but it also could have been done at the Chinese request, as Vietnam had invited U.S. and Australian firms to study the projects during the 1990s. However, Chinese involvement in such a major project at a strategically important area was apparently not approved by the modernizers in the govemment, including then Prime Minister Phan Van Khai.30 On the one

hand, modemizers tried to delay the project with China. On the other, they tried to multinationalize it by drawing in Thais, Russians, Americans, and Australians. However, the project was accelerated after Nguyen Tan Dung replaced Phan Van Khai as Prime Minister in 2006. In June 2008 at the VCP chief Nong Duc Manh's visit to China, the two sides issued a joint statement that reiterated China's interest in cooperating in developing Vietnam's bauxite industry. After Dung's visit to Beijing in late October hundreds of Chinese came to work in various sites.in two provinces.

Dung's determination to implement the pledge made by Manh is puzzling. But a look at the circumstances may reveal some interesting insights. In the previous months a financial crisis was coupled with Japan's suspension of its US$1 billion aid package. The Japanese decision was prompted by a graft scandal involving Ho Chi Minh City party boss Le Thanh Hai, a close ally of Dung. At the eighth plenum of the VCP Central Committee {2-A October), Dung was heavily criticized for the poor economic performance of his Cabinet.31 Manh reportedly asked Dung to step down as Prime Minister. Later, Chinese sources reported that Dung received substantial Chinese economic assistance during his late October visit.

Although critics of the bauxite project had appeared in the pro-reform

news media as early as 2007 when' the Prime Minister approved it, the project only became a hot issue when it started to be implemented in late 2008. After General Giap's January 2009 letter, it quickly became the topic of a great national debate. It was a divisive issue even within the top VCP leadership. In late April, he VCP Politburo issued a "conclusion" that took a compromising stance that vowed to continue the project but to pay more attention to its social, ecological, and national security effects. President Nguyen Minh Triet, Vice Prime Minister Truong Vinh Trong, and Party Standing Secretary Truong Tan Sang, the number two in the VCP apparatus, were reportedly among those who disagreed with the bauxite deal, though publicly they had to support the govemment position and thus throw their weight behind the project.

While the bauxite deal was dividing the party, it was a unifying factor in the society outside. It helped to forge a coalition of nationalists and environmentalists. In this coalition, concems of national security merged with concems of human security and were focused on one target — China. The year 2009 witnessed a wave of debates on various aspects of the Chinese threat, ranging from illegal Chinese workers who are entering the country in the thousands, to hazardous Chinese products flooding the domestic markets, Chinese attacks on Vietnamese fishermen, and China's perceived violation of Vietnam's sovereignty in the South China Sea.

The combined security and human security concems underlying the anti-China protests have placed them on a moral high ground. This situation both encouraged the protesters and made repression by the authorities more difficult. In June, the jurist Cu Huy Ha Vu filed an unprecedented lawsuit against the Prime Minister for breaking national laws in an attempt to fast-track the bauxite mining project. Four days after the Politburo convened (26 April) to review policy on bauxite, mining an anti-bauxite petition signed by 135 scholars and intellectuals was delivered to the National Assembly. The petition stated that "China has been notorious in the modern worid as a country causing the greatest pollution and other problems".32 The leading petitioners — Professors Nguyen Hue Chi and Nguyen The Hung and the writer Pham Toan — went on to set up a website titled "Bauxite Vietnam", which within months hit a record number of visits. As Cariyle Thayer has noted, "By May 2009, the anti-bauxite network of 2008 had grown into a national coalition including environmentalists, local residents, scientists, economists, retired military officers and veterans, retired state officials,

social scientists, other academics and intellectuals, elements of the media, and National Assembly deputies. These critics were all mainstream elite"33 Whereas public opposition to bauxite mining did extend to religious leaders and political dissidents, what is new and significant about the activities of civil society in 2009 is the rise of mainstream elite dissent motivated by intertwined national and human security concems. This chapter focuses on the rise of mainstream elite civil society that, because of the proximity to state power and because of many parallels with what happened in the late 1980s in Eastern Europe, may be consequential.34

The authorities responded to the political dissent that was widening by

clamping down on critics. From late May to early July 2009, several pro-

democracy activists, including Tran Huynh Duy Thuc, an Intemet entrepreneur. Le Cong Dinh, a high-profile lawyer, and Nguyen Tien Trung, a renowned activist, were arrested for "spreading propaganda against the state", a charge that in December would be amended to include violation of Article 79 which carries a maximum death penalty for "carrying out activities aimed at overthrowing the people's administratiori".35 On 24 July the Pt'ime Minister signed a decree known as Decision No. 97 limiting scientific and technological research. Under this decree, critical feedback {phan Men) on policy issues, a recently allowed tool to rationalize govemance, is no longer allowed to be publicized but only sent to the relevant authorities. On 14 September, the day before the decree

took effect, Vietnam's only independent think tank, IDS, decided to disband

in protest. On 28 August the Ministry of Public Security issued instructions

proscribing political commentary and limiting blogs to personal matters. About the same time, three prominent bloggers were detained and a renowned journalist fired from his job.

Journalist Huy Duc, who blogged under the name "Osin" (Housemaid), was dismissed from the newspaper Saigon Tiep Thi after writing a blog entry that praises the fall of the Berlin Wall and accuses the former Soviet Union of imposing on Eastern Europe "a regime which deprived men of fundamental rights".36 Duc was far from being a dissident; he had had a close relationship with the late Prime Minister Vo Van Kiet and was his biographer. The three bloggers arrested included Bui Thanh Hieu and Pham Doan Trang in Hanoi and Nguyen Ngoc Nhu Quynh in Nha Trang. Hieu, who blogged under the name "Nguoi Buon Gio" (Wind Trader), was famous for his "Dai Ve chi di" series, which mimics the style of ancient Chinese literature and tells a fictitious story of the states Ve and Te that exposes the unpatriotic objectives of Ve's leaders and the country's subservient posture vis-à-vis Te as a result of those objectives. Ve and

Te are two ancient Chinese states, but the initials of their names and the activities of their leaders as described by the author' allude to Vietnam and China {Trung Quoc in Vietnamese). However, as Hieu told the BBC Vietnamese service later in an interview, he was detained for his involvement in printing and distributing T-shirts with slogans against the bauxite deal and in support of Vietnam's claims to the Spratly and Paracel Islands.37 These were also the activities for which Quynh, who blogged under the name "Me Nam" (Mother Mushroom), was questioned by police.38 The third blogger, Doan Trang, was editor of the online magazine TuanVietNam, an offshoot of VietNamNet, and had written several articles in these and other websites criticizing China's role in the partition of Vietnam in 1954, its role as a hegemonic power, and its territorial claims

in the South China Sea. She was arrested probably not for those writings,

as the international press presumed, but for reporting an intervention of a

Chinese Embassy counsellor with the Vietnamese Ministry of Information and Communication in which the Chinese noted that the opinions voiced by some Vietnamese newspapers were "unfriendly" to China and the Vietnamese media should be placed under control.

Fearing a movement that is inspired by patriotism and anti-regime sentiments, regime conservatives launched a campaign against what they called "the strategy of peaceful evolution". On 25 June, the VCP Propaganda Department issued a "propaganda concept paper" on "strengthening the struggle against plots and activities of 'peaceful evolution' in the ideological and cultural area". The concept paper notes that it follows up on the 24 April 2009 decree by the Party Central Secretariat. The paper describes the background of the propaganda campaign as the surge since the Tenth Party congress (2006) of the strategy of "peaceful evolution" and "cultural invasion" by hostile forces in order to "eliminate the socialist regime and the Vietnamese cultural identity". Other features of the situation are the trends of "self-evolution", "self-transformation", and "deviation from the socialist path" among party members and government officials. The paper identifies the West and the United States as the main hostile forces. It regards the U.S. Peace Corps as an organization specialized in propaganda and subversion activities, and the U.S. programme of education cooperation with Vietnam a means to transform Vietnam into a Westem country. The paper asserts that influenced by liberal ideas from the West, some Vietnamese leaders and

journalists have recently placed too much emphasis on the role of critical feedback {phan bien) and misused "social power" (civil society forces) to attack the leadership role of the party and the socialist state.39 This is a clear reference to the modemizers. As close ties with the West, critical feedback, and strengthening civil society are major policies supported by the modemizers, the propaganda campaign represents a unilateral move by conservatives in their political battle against the modemizers.

Immediately after the release of the Propaganda Department concept

paper, the Ho Chi Minh City Party Committee's newspaper Saigon Giai Phong published a series titled "Marxist-Leninist Theory and Socialism; A Trend or a Necessary Law?" (29 to 5 July and 6 to 10 October), which from 3 November would become a joint programme with the Ho Chi Minh City Television channel HTV9 under the title'"A Necessary Law". This programme was scheduled to be continued until the eightieth anniversary of the VCP, 3 Febmary 2010. It would address issues such as the collapse of communism in Eastern Europe and the retum of socialism in Latin America, and attempt to uncover the nature of capitalism through analyses of the global financial crisis.40 In late August, the People's Army newspaper (Quan Doi Nhan Dan) launched a long-term series entitled "Defeating the Strategy of 'Peaceful Evolution'", which two weeks later would be joined by a weekly rubric titled "Preventing and Fighting Peaceful Evolution". However, most of the other major media outlets did not respond positively to the call of the Propaganda Department. The pro-reform news website VietNamNet with its flagship TuanVietNam even stepped up its crusade for what, if judged from the spirit of the concept paper, would be regarded as "peaceful evolution" and "self-evolution" and "deviation from the socialist path".

The authorities' clamping down on the nationalists and modemizers did not seem to create the necessary fear. After their releases, Nguoi Buon Gio continued his "Dai Ve chi di" series, Doan Trang emerged even stronger as an advocate of patriotism and good governance, and Me Nam's memoirs of her detention were publicized in several blogs despite police request that she stop blogging. Towards the year's end, TuanVietNam launched a series of articles on "Vietnam and the Development Model in the New Decade", all of which adopt nationalist standpoints and regard the rise of China as both a central parameter of the present and future world and a potential threat.41 In one of these articles, former Ambassador Nguyen Tmng calls for "building a political regime that is identical with the Fatherland", an allusion to a change of the regime from the current one that is identical with the Communist Party. He claims that "the most salient achievement of the 25 years of doi moi is democracy" and notes that democracy is still considered a threat of peaceful evolution, and that that is why reform continues to be obstructed.42

The fact that Tmng's article has not been removed since reveals that a

regime change from a Leninist to a democratic national state has gained

substantial support among Vietnam's mling elite. This is also an indication that even if the modemizers still cannot fully redress the imbalance of power between them and the conservatives, the limits to their actions have been dramatically widened.

Self-hieip in China's Backyard

The emergence of Vietnam's two-headed grand strategy dates back to the second half of the 1980s. When communism collapsed in Eastem Europe during 1989, the mling VCP was faced with a strategic choice between keeping the regime or changing it. Regime conservatives, based on the view that world politics is driven by the antagonism between socialism and capitalism, which has become imperialism in the present stage of history, and ultimately on the self-perception of Vietnam as an "anti-imperialist" (read: anti-Westem) champion, prefened regime preservation and advocated "political stability". Modemizers, based on the view that worid politics is driven by national interests and globalization ("intemationalization"

was their term in the late 1980s), and ultimately on the self-perception of Vietnam as a "backward" country, urged to conduct more reform.

The foreign policy linchpin of the modemizers is intemational integration. Modemizers envisage a change in Vietnam's intemational role from a socialist state to a democratic national state that is fully integrated into the world community. More specifically, they place a strong emphasis on cooperation with regional neighbours, in Southeast Asia as well as the larger Asia-Pacific region, and developing close ties with the advanced industrial countries. On the contrary, the central foreign policy orientation of the regime conservatives is "anti-imperialism", which includes combating the West and their perceived strategy of "peaceful evolution" against the communist regime. In the post-1989 era, regime conservatives see a key means to achieve their objectives in building a strategic alliance on an ideological basis with China.43

Beginning with Nguyen Van Linh in 1990 and continued by his successors Le Kha Phieu and Nong Due Manh, these VCP General Secretaries all sought a strategic alliance with China. Although a formal "comprehensive strategic cooperative partnership" was only declared in 2008, Vietnam had informally itled China its "strategic ally" already since the 1990s.44 The prevalence of anti-imperialism over integration in Vietnam's grand strategy after 1989 ensured hat none of the country's ties with strategically important foreign states other han China (with the exception of Laos) was strong enough. For example, conservatives blocked — successfully at first — Vietnam's joining of ASEAN, its

bilateral trade agreement with the United States, and its accession to the WTO.45 This has driven Vietnam into a semi-dependent position vis-à-vis China.

Beginning in mid-2003, the modemizers have stood on a more or less equal footing with the conservatives. The turn was due primarily to the awing and perceived threatening effects of the U.S. invasion of Iraq. It occuned when the conservatives realized that they were living not in a multipolar world but a unipolar one with the United States at the top.46 The new balance of power between the conservatives and the modemizers meant that although Vietnam still remained in China's backyard, the chance that it would jump out of it was substantial.

At the same time, during the last five years, China was becoming both more powerful and more assertive. The rapid and steady rise of China, coupled with the U.S. quagmire in Iraq and Afghanistan, and the financial crisis since 2008, has put Beijing in a much stronger position than ever before.

China is both rapidly building up its military and more willing to assert itself in the South China Sea, where it has major territorial disputes with Vietnam. In 2008 commercial satellite imagery confirmed that China was constructing a major naval base at Sanya on Hainan Island. At the same time, China has extended an airfield on Woody Island in the Paracels and consolidated its facilities at Fiery Cross Reef in the Spratlys. In early March 2009, Chinese vessels harassed the U.S. naval ship Impeccable at a site seventy-five miles south of Hainan and about the same distance off the Vietnamese coast. The standoff was followed by the collision of a Chinese submarine with a towed sonar array by the USS John McCain on 11 June. In May, China announced a unilateral fishing ban in the South China Sea above the twelfth parallel from 16 May to 1 August. This was the height of the Vietnamese fishing season. Eight modern Chinese vessels were dispatched to enforce the ban. Throughout the year, the Vietnamese news media reported several cases in which Chinese vessels seized and detained

Vietnamese fishing boats. In one instance a Chinese fishery vessel rammed and sank a Vietnamese boat. In August, when two Vietnamese fishing boats sought to avoid a tropical storm by seeking safe haven in the Paracel Islands, they were detained by Chinese authorities. In an unprecedented reaction, Vietnam not only demanded the boat's release, but also upped the ante by threatening to cancel a meeting that had been scheduled to discuss maritime affairs. In May, after Vietnam submitted a joint proposal with Malaysia and a separate claim extending their continental shelf beyond the 200 nautical mile limit set by the UN Convention on the Law of the Sea, China quickly lodged a protest but did not make a formal submission. However, China documented its maritime claims by attaching a map containing its traditional "nine dash lines" which form a U-shaped area embracing virtually the entire South China Sea. It would appear to be the first time that the People's Republic of China has officially presented its claim in this matter.47

Over the westem borders of Vietnam, China stepped up its investments and involvements in Laos, Vietnam's closest ally. Within a few years, China surpassed Thailand as the largest foreign investor. As a result of Chinese migrants, money, and influence, the north of Laos is taking on a Chinese character.48 Chinese activities over the last few years and especially events in 2009 have left the Vietnamese little doubt that China's intentions include control of the South China Sea, which Vietnam sees as its front door, and influence in mainland Indochina, which Vietnam regards as its backyard. Vietnam's responses to the Chinese challenges are, again, a mixture of different foreign policy pathways. In line with the modemizers' views, Vietnam has accelerated its force modemization programme, decided to intemationalize the South China Sea issues, and boosted its own influence in Laos and Cambodia. On 26-27 November 2009, the Diplomatic Academy of Vietnam and the Vietnam Lawyers' Association conducted an intemational workshop on South China Sea Security, the first of its kind to have taken place in Vietnam, with the participation of a large number of leading scholars on the topic from several countries.

In eariy December, Defence Minister Phung Quang Thanh paid a visit to the United States, which also led him to the headquarters of the U.S. Pacific Command. In Hawaii he boarded a submarine, and in Washington Thanh asked for the lifting of an arms embargo that was in effect since the end of the Vietnam War.49 When visiting France right after his U.S. trip, Thanh asked France to help Vietnam train army' medical personnel and sell helicopters, transport aircraft, and other modem military equipment to Vietnam.50 At the same time. Prime Minister Nguyen Tan Dung visited Russia to sign contracts for the purchase of six Kilo-class submarines (for a price tag of about US$1.8 billion), a dozen Sukhoi Su-30MK2 fighter jets (US$600 million), and other military equipment. The deals had been negotiated years ago, but the conclusion at the time of a financial crisis

signalled Vietnam's determination in modemizing its military forces. In exchange for Russia's acceptance of barter and incremental payment. Dung offered Moscow to cooperate in building Vietnam's first nuclear power plant.51

When the Prime Minister went to Russia and the Defence Minister to

the United States and France, Vice Defence Minister Nguyen Huy Hieu was

iri South Korea to discuss military cooperation and arms trade, and VCP chief Nong Duc Manh paid a visit to Cambodia during which the two countries signed a treaty to free up cross-border navigation in the Mekong River.52 Less than two weeks later, an investment promotion meeting jointly organized by the Vietnamese and Cambodian Governments took place in Ho Chi Minh City with the presence of both countries' Prime Ministers. At the meeting Vietnamese enterprises pledged to invest up to US$6 billion in the coming years.53 If this goes ahead, Vietnam would become Cambodia's second largest foreign investor, only after China. Four months earlier, on 31 August, a similar meeting to promote Vietnamese irivestments in Laos was held in Ho Chi Minh City.According to a Lao official who attended the meeting, Vietnam was topping the 46 foreign countries investing in Laos with a total investment volume of US$2.08 billion.54

In line with the regime conservatives' views, Vietnam continued to maintain dense exchanges with China and tried to tighten the bonds with the latter on the basis of a common enemy (the United States) and a shared ideology (communism). As General Le Van Dung, head of the Political General Directorate of the Vietnam People's Army, who was in China on a week-long visit in late October, said in an interview given to Tuoi Tre newspaper on 22 December, "As concems our issue with China in the South China Sea, we are trying our best to solve it, and in the near future we [Vietnam] will discuss, negotiate, and demarcate the maritime borders with our friend [China]. So the situation would be gradually stabilized

and we keep strengthening our relations with China in order to fight plots of the common enemy".55

Conclusion

The politics of post-Cold War Vietnam is a game of four key players. The

modemizers emerged from the crisis of socialism and the rise of lobalization

in the 1980s. But the weight and proximity of China has been a major factor

supporting Vietnam's regime conservatives. The coexistence of communism and capitalism has provided a favourable environment for the rent-seekers. Over the past two decades, rent-seekers have conquered most of the commanding heights of the Vietnamese economy. In domestic politics, a tacit alliance of regime conservatives and rent-seekers are keeping reform at bay, only to meet with more vigorous opposition from the modemizers. In foreign affairs, China's assertiveness has reduced the effectiveness of Vietnam's deference, a foreign policy pathway preferred by the conservatives. Vietnam responds by boosting intemal and extemal balancing, a pathway advocated by the modemizers.

In 2010 Vietnam's political system will be focused on stabilizing the

economy, keeping the ASEAN events safe, and preparing for the Eleventh Party Congress that is scheduled to be held in January 2011. Under these circumstances and barring a major crash, the restructuring that the modemizers are urging is unlikely to happen. Vietnam will likely continue its capital-driven development path until the bubbles burst again. But a major change in Vietnamese politics may only be triggered by such a crash. Vietnam's economic, domestic, and foreign policy each will continue to be a mixture of elements advocated by conservatives, rent-seekers, and modemizers but the three areas are likely to evolve along different paths. The economic policy will include some minor restmcturing efforts but is

likely to be dominated by rent-seekers. In domestic politics, the regime is likely to tighten its grip amid louder calls for radical change from the mainstream elites.Vietnam's intemational behavior will be less submissive toward China but efforts to establish a strategic partnership with the United States are likely to be thwarted by disagreements over the govemment's approach to human rights.

1 Le Kha Phieu, "Dang Cong san Viet Nam tam muoi Xuan" [The Vietnam Communist Party at eighty], Nhan Dan, 3 February 2010 <http://www.nhandan.com.vn/tinbai/ ?top=37&sub= 130&article= 167420>.

2 Vo Van Kiet, "Thu gui Bo Chinh tri" [Letter to the Politburo], 9 August 1995, Dien Dan, no. 48 (January 1996): 16-25. For Phieu's insistence on "national independence and socialism", see Phieu, ibid.

3 In my earlier work I called the two Vietnamese grand strategies "anti-imperialism" and "integration". These names refer to the central foreign policy orientation of the two grand strategies. I called them so because my earlier work mainly addressed Vietnam's foreign policy.

4 Rent-seeking is a special profit-seeking behavior that makes a benefit primarily from monopoly privileges and influencing govemment regulations.

5 For a different discussion of the intertwinement of profit and power in communist Vietnam, see Bill Hayton, "Vietnam's New Money", Foreign Policy, 21 January 2010 <http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/01/21/vietnams_new_money>.

6 For background information, see "As Clamor against Suong Verdict Grows, Officials Vow to Dig for Truth", VietNamNet Bridge, 27 November 2009 <http://english. vietnamnet.vn/reports/200911 /As-clamor-against-Suong-verdict-grows-officials-vow-to- dig-for-truth-881145/>; "NA Committee May Intervene in Labour Hero Case, Security Minister Orders Report", VietNamNet Bridge, 24 November 2009 <http://english.

vietnamnet.vn/reports/200911/NA-Committee-may-intervene-in-labour-hero-case- Security-minister-orders-report-880585/>; Huy Duc, "Sau ba Ba Suong la cac 'nong truong vien'" [Behind Mrs Ba Suong there are the farmers], Blog Osin, 1 December 2009 <http://www.blogosin.org/?p=1074>.

7 Dinh Thang, "Pacific Airlines thanh Jetstar Pacific: Nhieu Ian dan" [From Pacific Airlines to Jetstar Pacific: A life of hardship], Tien Phong, 11 January 2010 <http:// www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=183030&ChannelID=2>.

8 Geoff Easdown, "Power Struggle Strands Execs", Herald Sun (Australia), 11 January 2010 <http://www.heraldsun.com.au/business/power-struggle-strands-execs/story-e6frfh4f-1225818205174>.

9 Personal communication, 16 January 2010.

10 Goldman Sachs Global Economic Group, BRICs and Beyond (Goldman Sachs, 2007), p. 131. BRIC is an acronym invented by Goldman Sachs to refer to a group of rising great economies including Brazil, Russia, India, and China.

11 Ibid., pp. 139, 140.

12 Alexander L. Vuving, "Vietnam: Arriving in the World — and at a Crossroads," in Southeast Asian Affairs 2008, edited by Daljit Singh and Tin Maung Maung Than (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2008), pp. 375-77.

13 Vietnam General Statistics Office, "Socio-Economic Situation in 2009," December 2009 <http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=413&thangtk=12/2009>.

14 To Huy Rua, "Cuoc khung hoang tai chinh toan eau va nhung van de dat ra doi voi Viet Nam" [The global financial crisis and the issues it raises for Vietnam], Nhan Dan, 14 December 2009.

15 For a discussion of the role of SOEs, see Vu Quang Viet, "Vietnam Economic Crisis: Policy Follies and the Role of State-Owned Conglomerates", in Southeast Asian Affairs 2009, edited by Daljit Singh (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 389-417.

16 Phan The Hai, "Dan khung long cua nen kinh te vi thanh nien" [The dinosaurs of a juvenile economy], TuanVietNam, 12 November 2009 <http://tuanvietnam.net/2009-ll-10-dan-khung-long-cua-nen-kinh-te-vi-thanh-nien>.

17 Pham Minh Tri, "Muon chu dao phai tu than" [If you want to be dominant, you must be independent], TuanVietNam, 9 November 2009 <http://tuanvietnam.net/2009-ll-06-muon-chu-dao-phai-tu-than>; Huy Due, "Van chua het nhung tro ngai cu" [Old obstacles still exist]. Interview with former Trade Minister Le Van Triet, Sai Gon Tiep Thi, 25 May 2009 <http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=51921&fld=HTMG/2009/ 0524/51921>.

18 Hoang Phuong, "Khong tai eau truc quan ly, moi no lue khac la vo nghia" [Without restructuring economic governance, any other efforts remain meaningless], TuanVietNam, 19 May 2009 <http://tuanvietnam.net/khong-tai-cau-truc-quan-ly-moi-no-luc-khac-la-vo-nghia>.

19 Vu Trong Khanh and Patrick Barta, "Hanoi Tightens Reins on Credit", Wall Street Journa/, 3 December 2009, p. A13.

20 James Hookway and Alex Frangos, "Vietnam Devalues Its Currency", Wall Street Journal, 26 November 2009, p. 23.

21 "Vietnam Acknowledges Growing Foreign Debt", Deutsche Presse-Agentur, 17 November 2009.

22 Hookway and Frangos, "Vietnam Devalues".

23 Author's calculation based on data from the Vietnam General Statistics Office.

24 Pivot Capital Management, "China's Investment Boom: The Great Leap into the Unknown", report dated 21 August 2009, p. 2.

25 For more discussion, see Cariyle A. Thayer, "Vietnam and the Challenge of Political Civil Society", Contemporary Southeast Asia 31, no. 1 (2009): 1-27.

26 For detailed discussions, see ibid, and Cariyle A. Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam's One-Party State: Challenges and Responses", Journal of Current Southeast Asian Affairs, no. 4 (2009): 47-70.

27 For a story of VietNamNet by Nguyen Anh Tuan, see his "From VietNet to VietNamNet: Ten Years of Internet Media in Vietnam", Discussion Paper #43, Shorenstein Center on the Press, Politics, and Public Policy, Harvard University, 2007 <http://www.hks.harvard.edu/presspol/publications/papers/discussion_papers/d43_nguyen.pdf>.

28 "Dai tuong Vo Nguyen Giap gop y ve du an bo xit Tay Nguyen" [General Vo Nguyen Giap offers advice on the Central Highlands Bauxite Project], VietNamNet, 14 January 2009 <http://www.tuanvietnam.net/2009-01 – 14-dai-tuong-vo-nguyen-giap-gop-y-ve-du-an-bo-xit-tay-nguyen>; "Vietnam's War Hero Giap Urges to Halt Bauxite Mining Plans", Agence France Presse, 15 January 2009. For the photocopy of Giap's letter at Tran Huu Dung's website: <http://www.viet-studies.info/kinhte/Thu_VNGiap_NTDung.

pdf>.

29 "Vietnam-China Joint Statement" (2 December 2001), Vietnam News Agency, 4 December 2001.

30 The sites of the bauxite projects are in the provinces Dak Nong and Lam Dong in the Central Highlands region, which military strategists called the "roof of Indochina" and whose strategic importance is reflected in the saying "who controls the Central Highlands will control South Vietnam". The Dong Nai and Be Rivers that run through Vietnam's largest industrial and metropolitan areas stem from those two provinces.

31 Quoc Phuong, "Hoi nghi Trung uong 8 'mang tinh tinh the'" [The eighth party plenum is reactive to short-term situation], BBC Vietnamese, 2 October 2008.

32 Seth Mydans, "War Hero in Vietnam Forces Government to Listen", New York Times, 29 June 2009, p. A6.

33 Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam's One-Party State", p. 51. See the same work for more details on the bauxite controversy and other protests in 2009.

34 For discussions of broader civil society activities, see Thayer, "Vietnam and the Challenge of Political Civil Society", and Thayer, "Political Legitimacy of Vietnam's One-Party State".

35 "Vietnam Activists Could Face Death Penalty", Deutsche Presse-Agentur, 11 December 2009.

36 "Berlin Wall Post Costs Vietnam Blogger Job", Agence France Presse, 27 August 2009.

37 ''Nguoi Buon Gio' ke chuyen" ["Wind Trade" tells his story], BBC Vietnamese, 9 September 2009 <http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/09/090909_blogger_

iv.shtml>.

38 "Vietnam Police Release Another Detained Blogger", Reuters, 12 September 2009. Quynh's memoirs of her detention were later publicized on the blog Ban cua Me Nam (Mother Mushroom's Friends) at <http://menamtg.multiply.com/>.

39 The concept paper was released on the Intemet at the Web Portal of Quang Ninh Province but later removed. A photocopy of the paper can be found at <http://www.viet-studies.info/kinhte/DeCuongTuyenTmyen.pdf>.

40 Mai Huong, "Ra mat chuong trinh 'Quy luat tat yeu'" [Programme "A necessary law" is launched], Saigon Giai Phong, 4 November 2009 <http://www.sggp.org.vn/chinhtri/hocthuyetmaclenin/2009/11 /207493/>.

41 "Loat bai: Viet Nam va mo hinh phat trien trong thap ky moi" [Series: Vietnam and the development model in the new decade], TuanVietNam, 11 January 2010 <http:// www.tuanvietnam.net/2009-12-31 -loat-bai-viet-nam-va-mo-hinh-phat-trien-trong-thap-ki-moi>.

42 Nguyen Trung, "Xay dung che do chinh tri dong nghia voi To quoc" [Building a political regime identical with the fatherland], TuanVietNam, 31 December 2009 <http://www.tuanvietnam.net/2009-12-27-xay-che-do-hinh-tri-dong-nghia-voi-to-quoc->.

43 Alexander L. Vuving, "Grand Strategic Fit and Power Shift: Explaining Turning Points in China-Vietnam Relations", in Living with China: Regional States and China through Crises and Turning Points, edited by Shiping Tang, Mingjiang Li, and Amitav Acharya (New York: Palgrave Macmillan, 2009), pp. 229-5.

45 Alexander L. Vuving, "Strategy and Evolution of Vietnam's China Policy: A Changing Mixture of Pathways", Asian Survey 46, no. 6 (November 2006): 812, 816-17.

45 Nguyen Trung, "Nguoi tai bi do ky va khong duoc trong dung" [Talents are begrudged and underused], VietNamNet, 9 Febmary 2006 <http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539842/>; "Vao WTO: Viet Nam bo lo mot nuoc co" [Joining WTO: Vietnam lost an opportunity] (interview with former Prime Minister Vo Van Kiet), VietNamNet, 4 January 2006 <http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doingoai/

2006/01/528944/>.

46 Vuving, "Strategy and Evolution of Vietnam's China Policy", pp. 817-18.

47 This paragraph is adapted from Carlyle A. Thayer, "Recent Developments in the South China Sea: Implications for Peace, Stability and Cooperation in the Region", paper presented at the workshop on "The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development", Hanoi, 27-28 November 2009, pp. 5-11.

48 Denis Gray, "Laos Fears China's Footprint", Associated Press, 6 April 2008; Martin Stuart-Fox, "Laos: The Chinese Connection", in Southeast Asian Affairs 2009, edited by Daljit Singh (Singapore; Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 141-69.

49 "Hop tac quoc phong Viet-My phat trien tich cuc" [Vietnam-U.S. defence cooperation develops positively] (interview with Defence Minister Phung Quang Thanh), Vietnam News Agency, 17 December 2009.

50 "Vietnam Seeks Military Deals with France; State Media", Agence France-Presse, 18 December 2009.

51 "Viet Nam ky hop dong mua tau ngam cua Nga" [Vietnam signs deals to purchase Russian submarines], BBC Vietnamese, 16 December 2009; Huynh Phan, "Dien hat nhan va ODA trong quan he doi tac chien luoc" [Nuclear power and ODA in strategic partnerships]. Sai Gon Tiep Thi, 5 March 2010 <http;//www.sgtt.com.vn/Detail3. aspx?ColumnId=3&newsid=63735&fld=HTMG/2010/0304/63735>.

52 "Viet Nam-Han Quoc mo rong hop tac quoc phong" [Vietnam and Republic of Korea broaden defence cooperation], Vietnam News Agency, 17 December 2009.

53 "Viet Nam, Campuchia ky thoa thuan toi 6 ty USD" [Vietnam and Cambodia sign agreements worth up to US$6 billion], Vietnam News Agency, 26 December 2009.

54 Trung Hieu, "Nhieu co hoi dau tu vao Lao" [Many investment opportunities in Laos], Phap Luat Thanh Pho Ho Chi Minh, 31 August 2009.

55 "Tim moi each giai quyet van de Bien Dong" [Making every effort to solve the South China Sea issues] (interview with General Le Van Dung), Tuoi Tre, 22 December 2009 <http;//www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354571&

No comments:

Post a Comment