Trong tuần này, chuyện một phụ nữ tử vong bất thường do các ông được gọi là Bác sĩ Trung Quốc (BS TQ) tại phòng khám (PK) Maria ở ngay giữa thủ đô Hà Nội đã làm dư luận tại VN càng thêm sôi sục. Vấn đề được đặt ra không phải chỉ là "kiểm tra, xử phạt" các PK mà là một phạm vị lớn hơn: "Ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết này?". Người chủ phòng khám và các ông BS TQ? Đó là việc tất nhiên các cơ quan điều tra phải làm.
Nhưng còn người chịu trách nhiệm cao hơn trước nhân dân là ai? Cơ quan nào, nhân viên nào có trách nhiệm trực tiếp đối với những Phòng Khám bệnh này? Ai đã cho phép các phòng khám mọc lên, ai đã cho phép và kiểm tra các ông BS TQ vào VN hành nghề? Tại sao những phòng khám (PK) ấy có thể an nhiên tự tại từ nhiều năm nay?
Từ những câu hỏi ấy đã làm dấy lên một luồng dư luận nghi ngờ rằng các PK ấy đã được một thế lực ngầm "bảo kê". Câu hỏi của người dân rất giản dị nhưng lại vô cùng chính đáng: Nếu không có người "đỡ đầu chống lưng", làm thế nào các PK ấy cứ hiên ngang hoạt động rầm rộ từ nhiều năm nay và các phương tiện truyền thông VN như truyền hình báo chí thoải mái đưa đủ các thứ quảng cáo ầm ầm cho các PK ấy? Dù đến nay chưa có một bằng chứng xác thực nào, nhưng ai cũng nghĩ đó là chuyện tất yếu phải có. Nói thẳng ra, nó cũng giống như mọi chuyện về nhà đất, về quản lý thị trường, không hối lộ thì chẳng bao giờ xong việc. Những cơ quan chức năng cũng thừa biết chuyện này và đôi khi chính các viên chức khi đi làm giấy tờ nhà đất, khi đi xin mở cái cửa hàng cũng không thể lách qua "cửa ải" này. Nó xảy ra như… hơi thở hàng ngày, không thể nào bắt hết được dù chỉ là một vài phần trăm, nên nó trở thành thứ chuyện "tất nhiên phải thế". Nó quá quen thuộc với người dân Việt Nam, đến nỗi cứ có việc nào như thế là phải làm theo đúng "nguyên tắc" như đi xe máy thì phải đổ xăng. Đấy là cái tảng băng nổi, ai cũng nhìn thầy nó nổi lều bều như những bãi rác trên bề mặt xã hội, song không ai còn "thắc mắc" gì nữa vì nó đã trở thành "một sự tự nhiên"! Điều bi thảm là ở đó.
Việc điều tra này là vô cùng cần thiết, không riêng gì ở TP Sài Gòn mà ở cả Hà Nội và tất cả những nơi nào hiện diện phòng khám bệnh có BS TQ. Nếu có sự bao che, có sự tiếp tay của nhân viên các cơ quan quyền lực thì đây là một tệ nạn tham nhũng lớn hơn tham nhũng. Bởi tính cách của nó ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng và tài sản của người dân. Ngoài những người đã chết, đã mất khá nhiều tiền bạc cho những PK này, còn đáng sợ hơn nữa là, hậu quả lâu dài mà người bệnh trong nước phải gánh lấy từ những loại thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc, từ những "bác sĩ ngoại" không có chuyên môn để lại. Bởi, qua kiểm tra các PK "ngoại", cụ thể là các PK có người Trung Quốc, gần như tất cả đều sử dụng thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc, không phép lưu hành.
Những biến chứng của nó không xảy ra ngay lúc đó hoặc sau khi đã bỏ phòng khám, bệnh tật sẽ xuất hiện vào những ngày tháng sau, không ai ngờ được do chính những ông thày làng dởm, thuốc dởm gây ra. Nhiều người còn có thể mang bệnh suốt đời không chữa được như bệnh vô sinh, bệnh ung thư, bệnh ở nội tạng vì uống thuốc "lang băm". Những cái chết dần mòn mà người nhà chúng ta không để ý tới và cũng không thể xác định là do thuốc của mấy ông BS TQ. Một thứ đầu độc ngấm ngầm, nhưng mỉa mai thay, nó lại rất công khai.
Theo một tờ nhật báo tiết lộ, trong hai tuần qua, Sở Y tế TP. Sài Gòn đang khẩn trương thu thập chứng cứ, tài liệu để làm rõ việc một cán bộ của Sở này bị nhiều người tố cáo "bảo kê" cho một số PK có người Trung Quốc.
Ông Phạm Hữu Quốc, thanh tra Sở Y tế TP Sài Gòn bị tố "chống lưng" cho các phòng khám Trung Quốc bằng cách thông báo lịch thanh tra của Sở để những nơi này đối phó.
Bức thư này được gửi đến Sở Y tế trong tuần qua, tố ông này bảo kê cho một số phòng khám Trung Quốc. Năm 2009 bác sĩ này cũng đã bị tố cáo tương tự. Tổng cộng đến nay ông Quốc bị 5 lá thư tố cáo với nội dung gần giống nhau.
Trong một đơn thư mới đây, người xưng là bệnh nhân cho biết trong thời gian điều trị tại Phòng khám đa khoa Đầm Sen, quận 11, hồi tháng 5, bà gặp một người đàn ông đi xe máy màu đen, cao khoảng 1,8 mét đến phòng khám và thông báo có đợt thanh tra nên yêu cầu nhân viên phiên dịch không được mặc áo blouse, không ngồi dưới quầy.
Tác giả một lá thư khác xưng là thông dịch viên của một số phòng khám Trung Quốc, tố cáo ông Quốc cấu kết với các phòng khám này để thông báo trước việc thanh tra, nhằm đưa bác sĩ Trung Quốc tránh mặt và tẩu tán thuốc.
Khi gặp phóng viên báo chí, ông Quốc khẳng định, việc tố cáo là hoàn toàn sai sự thật. BS Quốc nói: "Tôi bị hại và tất cả các đơn thực ra chỉ do một người viết. Nhiều đơn đã được công an xác minh là không đúng". Ông Quốc thừa nhận lần đầu ông bị đơn tố kết cấu với phòng khám Trung Quốc là cuối năm 2009. Đến đầu năm 2010, khi thanh tra Sở Y tế chuẩn bị lập kế hoạch thanh tra phòng khám y học cổ truyền thì ông lại bị đơn tố với nội dung tương tự. Việc này xảy ra tiếp tục vào đầu năm 2011. Mới nhất là 2 đơn sau khi ông đến thanh tra phòng khám y học cổ truyền tại số 141 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận hôm 18/2.
Tuy nhiên cũng theo ông Bình, do việc thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch, nên việc ai đó biết Sở đang trong đợt thanh kiểm tra là không khó. Năm 2011, việc thanh tra phòng khám y học cổ truyền tập trung vào tháng 10. Phải chăng ý BS Bình nói, như thế không cần là nhân viên đoàn thanh tra, ông Quốc vẫn có thể biết ngày giờ thanh tra?
Bạn đọc thử suy nghĩ xem việc điều tra những lá thư tố cáo này có gì khó khăn không? Có thể những lá thư đó là loại thư nặc danh, nhưng nếu người tố cáo nắm rõ bằng chứng và có tên tuổi địa chỉ, tất yếu cơ quan điều tra sẽ lần ra. Nhưng đây mới chỉ là một "đầu mối", còn vô số những "đầu mối" khác cũng có thể lần ra đường dây tham nhũng này. Còn vô số những người đã từng cộng tác với các PK biết rõ những thủ đoạn gian lận này (Xin đọc ý kiến của độc giả cuối bài).
Nếu Bộ Y Tế hoặc Sở Y Tế các tỉnh thành, có một thông cáo và một hộp thư yêu cầu người dân mạnh tay tố cáo, chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng hợp tác. Bởi bây giờ ai cũng ý thức được đó là sự bảo vệ tính mạng tài sản thiết thực cho chính bà con anh em mình. Có thể nói đây là một thứ tham nhũng mới được phát hiện nhưng nó đã tàn phá cuộc sống của biết bao nhiêu người dân Việt.
Ở đây tôi chỉ tóm tắt lại những nét chính về " Vụ án tại PK Maria" để bạn đọc tiện theo dõi những sự lắt léo của phòng khám này. Đây có thể coi như sự lắt léo điển hình của hầu hết những PK có người TQ khác.
Bác sĩ Đỗ Y Na, Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria, khẳng định không biết chút gì về thông tin cũng như quá trình điều trị đối với bệnh nhân Nguyễn Thu Phong và trong suốt 3 tháng qua, bà không hề nhận đồng lương nào từ phòng khám này.
Bà Na trình bày: "Tháng 2-2011, tôi đã làm đơn gửi Sở Y tế TP Hà Nội cùng Ban Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh (công ty đầu tư phòng khám này) xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria nhưng chưa được chấp thuận.
Sau thời điểm này, tôi đã ủy quyền cho bác sĩ Phạm Thị Trang, chuyên Khoa Ngoại sản, quản lý phòng khám khi tôi đi vắng". Bà Na cũng tỏ ra ngạc nhiên trước việc Phòng khám Đa khoa Maria thuê bác sĩ nước ngoài điều trị vì trong danh sách y, bác sĩ làm việc tại phòng khám do bà duyệt không có tên bác sĩ nước ngoài.
Vậy mấy ông BS TQ ở đâu chui ra? Và bà Na chỉ là giám đốc "bù nhìn", mặc cho PK Maria tác oai tác quái!
Nói với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết khi kiểm tra hồ sơ thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho Phòng khám Đa khoa Maria, chỉ có 6 bác sĩ là người Việt Nam được phép hành nghề. Trong danh sách nhân sự mà phòng khám đăng ký với Sở Y tế TP không có bất cứ bác sĩ nước ngoài nào ngoài 2 giúp việc người Trung Quốc. Ông Hiền khẳng định: "Với những người giúp việc thì chỉ được phép đưa dụng cụ cho bác sĩ hoặc thay rửa vết thương… Việc phòng khám sử dụng người Trung Quốc hành nghề khám, chữa bệnh khi chưa đăng ký và bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là sai phạm nghiêm trọng".
"Tôi từng làm ở Maria 1 thời gian nên tôi biết các mánh khóe của PK này. Mỗi đợt kiểm tra lại có thông tin từ trên chuyển xuống, và khi đó các 'bác sĩ' người TQ lại đi siêu thị hay ra công viên, chơi đâu đó. Khi đoàn kiểm tra về, họ mới quay lại khám. Tôi cũng biết 2 'bác sĩ' đó chưa đủ thủ tục và thâm niên công tác, nhưng vẫn được cấp phép hoặc cấp phép rồi để đó cho người khác chỉ là y tá hay y sĩ làm.
Về thu phí, ngay tháng đầu tiên bình quân có 100 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân tính ít nhất là 10 triệu, tổng tháng đó họ đã thu về gần 2 tỉ. Thử hỏi bị phạt 11 tr thì có phải chỉ là chuyện thường không? Tôi còn được biết rằng PK có sự 'chống lưng' của 1 quan chức. Nhưng tôi chỉ mới làm được 45 ngày, nhưng do có nhiều ý kiến về thu phí nên họ cho tôi nghỉ"
"Tôi là người từng làm việc với Maria đây. Bây giờ các bạn mới biết sau khi có 1 người chết thôi , còn tôi biết rõ ràng MARIA như thế nào. Còn mấy phòng khám nữa như PK Khương Trung , Thiên Tân , đều của người Trung quốc đấy"
"Quê hương tôi tại Quảng Ngãi cũng có phong khám đông y Trung Quốc, khám bán thuốc nhưng giá thì trên trời. Thế mà cứ mở đài truyền hình đia phương hàng ngày vào giờ vàng thì được nghe quảng cáo, lại còn nói: sẽ làm cho những người đã điều trị tại đây khỏi bệnh một cách kỳ diệu, khiến cho nhân dân ở đây cũng không hiểu thực hư thế nào. Thật không hiểu nổi cung cách làm việc của các cơ quan chức năng VN trong lĩnh vực này".
Văn Quang
No comments:
Post a Comment