Pages

2012/07/25

Tranh chấp Trung Nhật về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Senkaku - Tiêm Các chư đảo)

Trương Nhân Tuấn

 Những ngày gần đây quan hệ hai bên Trung-Nhật căng thẳng do nhiều biến cố sinh ra từ việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Tranh chấp này bắt đầu từ thập niên 70, sau khi các cuộc thăm dò cho thấy có dầu khí trong khu vực thềm lục địa quần đảo này. Những năm sau này, nhất là từ năm 2010, hai bên Nhật-Trung luôn có những tranh cãi ngoại giao, do các việc ngư dân TQ đánh cá trái phép, hay các tàu hải giám của TQ liên tiếp xâm nhập vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku. Những ngày gần đây, căng thẳng tăng lên, theo giọng điệu gay gắt của phát ngôn nhân TQ Hồng Lỗi, sau khi chính phủ Nhật ra quyết định mua lại các đảo Điếu Ngư (vốn thuộc chủ quyền của tư nhân Nhật), vào tháng 3 năm 2013. Báo Le Monde, dẫn lời ông Kazuhiko Togo, Giám đốc Học viện các vấn đề Thế giới, thuộc Đại Học Kyoto (l'Institut des affaires mondiales à l'université de Kyoto), rằng Nhật cần phải chuẩn bị quân đội cho sánh kịp với TQ. Vấn đề này đã thực sự trở thành tuyên bố chiến tranh (casus belli). Nội vụ tranh chấp Nhật-Trung về việc này ra sao ? Sau đây là một số dữ kiện cùng nhận định của tác giả về cuộc tranh chấp này.

1/ Sơ lược địa lý : Quần đảo Senkaku (tiếng Nhật Senkaku shotō, 尖閣諸島, phiên âm Hán Việt là Tiêm Cát chư đảo), hay 釣魚台 - Diàoyútái (tiếng Hoa), tức Điếu Ngư Đài, có nghĩa là « bục câu cá », có tọa độ vị trí 25° 47′ 53″ Bắc 124° 03′ 21″ Đông, gồm có 5 đảo chính và một số đá, diện tích tổng cộng khoảng 7km², cách bờ biển Phúc Kiến khoảng 320km, cách chỏm đông-bắc Đài Loan 190km, cách nhóm đảo Yaeyama của Nhật là 150km. Đảo lớn nhất có diện tích 4,3km², có tên Nhật Uotsuri-jima, tên Hoa 釣魚島, tức Điếu Ngư Đảo. Các đảo thuộc quần đảo này thì không có người ở. Quần đảo Senkaku hiện nay do Nhật quản lý, sát nhập hành chính cùng với một số quần đảo khác, vào tỉnh (hay huyện ?) Okinawa, tạo thành quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu).

Quần đảo Ryukyu, ở phía nam, cùng với quần đảo Satsunan (Satsunan shotō - Tát Nam chư đảo - trực thuộc tỉnh lỵ Kagoshima), ở phía bắc, tạo thành chuổi đảo (theo hình 1) mang tên Nansei (Nansei Shoto - Nam Tây chư đảo). Quần đảo Nam Tây trải dài từ phía nam đảo Kyūshū cho đến Đài Loan, phía tây là biển Hoa Đông (Mer de Chine Orientale), phía đông là biển Phi Luật Tân (Mer des Philippines), là một phần quan trọng trong « chuổi đảo thứ nhất » chặn Trung Quốc đi ra « biển lớn ». Tuy nhiên, mỗi khi nhắc quần đảo Nansei (Nam Tây) thì mọi người chỉ liên tưởng đến quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu).

 Nansei 1

Hình 1 : Quần đảo Nansei (Nam Tây) gồm hai quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) và Satsunan (Tát Nam), trải dài từ Đài Loan cho đến Kyūshū, tạo thành một hàng rào thiên nhiên chặn Trung Quốc ra « biển lớn ». Quần đảo Senkaku không ghi trên bản đồ vì quá nhỏ, chỉ mà một chấm nhỏ về phía bắc quần đảo Yaeyama. Nguồn Wikipédia.

 Senkaku 1

Hình 2 : quần đảo Điếu Ngư – Senkaku. Nguồn http://www.globalsecurity.org/military/world/war/images/senkaku-map0.gif

2/ Lược sử tranh chấp : Cả hai phía Trung Hoa, Bắc Kinh và Đài Bắc, bắt đầu lên tiếng đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư chỉ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố ý định trả lại quyền quản lý các đảo thuộc Nam Tây quần đảo (tức bao gồm quần đảo Lưu Cầu - Ryukyu và Tát Nam chư đảo - ) cho Nhật vào tháng 12 năm 1969. Quần đảo này được biết qua địa danh Okinawa, cũng là tên một nhóm đảo trong quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu), nơi có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Quan niệm về chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) của các bên Trung Hoa và Nhật ra sao ?

Lập luận của Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc từ lâu và quần đảo này phụ thuộc Đài Loan. Họ cho rằng quần đảo này do nhân dân Trung Hoa khám phá từ thế kỷ thứ 15, được sát nhập Trung Quốc vào thế kỷ 16, dưới thời nhà Thanh. Theo lý lẽ của Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư nhượng cho Nhật theo hiệp ước Shimonoseki 1895, cùng với Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Điều này có nghĩa, nếu Nhật phải từ bỏ chủ quyền ở Đài Loan thì cũng đồng thời từ bỏ chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư. Lập luận của Trung Quốc như thế là dựa trên lịch sử.

(Ta biết, Hòa ước San Francisco 1951 quyết định số phận các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng của các nước khác trước Thế chiến thứ hai. Nhưng hòa ước này không áp dụng cho trường hợp nước Trung Hoa, mặc dầu cũng là một nước có chiến tranh với Nhật. Theo nội dung tuyên Bố Caire tháng 11 năm 1943, các vùng lãnh thổ như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ được hứa sẽ trả lại cho Trung Hoa. Vì ở thời điểm Nhật ký kết Hiệp ước Hòa bình 1951 tại San Francisco thì có đến hai « nước » Trung Hoa, một đại diện ở Bắc Kinh và một ở Đài Bắc. Cả hai đều chủ trương một nước Trung Hoa duy nhứt. Hiệp ước San Francisco 1951 ký kết giữa Nhật và các nước có chiến tranh với Nhật, không có mặt của cả hai phía Trung Hoa. Ngày 28-4-1952, Nhật lựa chọn chính quyền họ Tưởng ở Đài Loan là đại diện cho nước Trung Hoa để ký Hòa ước. Nội dung Hòa ước này tái xác nhận tuyên bố Caire 1943 về lãnh thổ đồng thời hủy bỏ hiệp ước Shimonoseki 1895. Tức Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ được trả lại cho Trung Hoa, (nhưng không xác định trả cho phe nào). Rốt cục phe nào đã chiếm ở đâu thì quản lý ở đó. )

Trong khi lập luận của Nhật dựa trên pháp lý. Họ cho rằng trước năm 1895 thì quần đảo Điếu Ngư thuộc loại đất « vô chủ - terra nullius » và không có người ở. Từ năm 1884 ngư dân Nhật đã bắt đầu khai thác lông chim và phân chim ở các đảo này nhưng không hề gặp một trở ngại nào từ phía triều đình Trung Quốc, cũng như không gặp một người Hoa nào sinh sống hay khai thác kinh tế ở đây. Nhật đã tiến hành thủ tục sát nhập chủ quyền quần đảo này vào tháng giêng năm 1895, tức trước hiệp ước Shimonoseki 3 tháng. Lý lẽ của Nhật như vậy dựa trên lịch sử và pháp lý.

Ngoài ra, các động thái sau đây làm yếu thêm lập luận của Trung Quốc về chủ quyền ở Điếu Ngư :

Nội dung tuyên bố của Chu Ân Lai 1951 về việc không công nhận Hòa Ước San Francisco, đề cập đến các vùng đất mà Nhật phải trả lại cho Trung Quốc, bao gồm cả HS và TS của VN, nhưng không đề cập đến quần đảo Điếu Ngư.

Đại diện quyền lợi của Trung Quốc tại hội nghị San Francisco là ông Gromyko, đại sứ của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa đề nghị 12 điểm, trong đó có khoản dành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về cho Trung Quốc. Đề nghị này bị hội nghị bác bỏ. Cũng không thấy đề nghị nào của Gromyko đề cập đến quần đảo Điếu Ngư.

 Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc năm 1958 xác định bề rộng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ, « áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)… ». Văn kiện này cũng không hề nhắc đến « Điếu Ngư Đài ».

 Một lý lẽ khác của TQ, nước này đưa ra luận điểm vì quần đảo Điếu Ngư nằm trên thềm lục địa của nước họ, do đó đảo này thuộc về Trung Quốc. Nhưng luận điểm này, theo thực tiễn cũng như công pháp quốc tế, thì không thuyết phục. Có nhiều trường hợp cho thấy một đảo nằm chỉ cách bờ của một nước chỉ vài mươi thước, nhưng chủ quyền đảo này thuộc một nước khác.

Do đó về mặt pháp lý, lập luận của Nhật thuyết phục hơn Trung Quốc.

Về quan điểm của Hoa Kỳ, theo nội dung của Hòa Ước San Francisco 1951, quần đảo Điếu Ngư phụ thuộc quần đảo Ryukyu, là phần phía nam của quần đảo Nansei, thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ (các đảo phía nam vĩ tuyến 29). Như thế nội dung Hòa Ước San Francisco công nhận quần đảo Ryukyu thuộc Nhật.

 (Việc quần đảo Điếu Ngư từ năm 1945 đến 1972 được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ là do một nghị quyết của LHQ năm 1947. Nội dung nghị quyết là các đảo mà Nhật chiếm trước Thế chiến thứ II, nếu Hoa Kỳ thấy có quan trọng về chiến lược, thì được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ. Quần đảo Nam Tây được xếp vào trong trường hợp này. Nghị quyết ONU 1947 được khẳng định qua điều 3 của Hòa Ước San Francisco. Theo đó quần đảo Nam Tây, bắt đầu từ phía nam vĩ tuyến 29, tức toàn bộ quần đảo Ryukyu, thuộc quản lý của Hoa Kỳ.)

Trong thời gian quản lý các đảo này, quần đảo Điếu Ngư được Hoa Kỳ sử dụng như vùng quân sự, dùng vào việc thực tập ném bom, huấn luyện cho các phi công. Điều ghi nhận khác, mặc dầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ nhưng Nhật vẫn giữ được chủ quyền trên pháp lý - souveraineté résiduelle, do đó dân chúng sống tại các đảo do Hoa Kỳ quản lý vẫn giữ quốc tịch Nhật mà không có quốc tịch Hoa Kỳ.

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trả lại quyền quản lý các đảo cho Nhật vào tháng 12 năm 1969, phía Đài Loan, vào tháng 7 năm 1970, ký giấy cho hai công ty khai thác dầu của Hoa Kỳ đặc quyền khai thác vùng thềm lục địa thuộc phạm vi quần đảo Điếu Ngư. Lập tức Nhật lên tiếng phản đối. Phía lục địa chỉ để ý đến quần đảo Điếu Ngư sau khi các cuộc khảo sát năm 1965 và 1969 cho thấy vùng thềm lục địa đảo Điếu Ngư có mỏ dầu khí có thể khai thác được. Bác Kinh, tháng 12 năm 1971, tuyên bố « quần đảo Điếu Ngư từ lâu phụ thuộc Đài Loan, cũng như đảo này, từ lâu là những vùng đất bất khả tách rời của Trung Quốc… Nhân dân Trung Hoa sẽ giải phóng Đài Loan. Nhân dân Trung Hoa sẽ lấy lại đảo Điếu Ngư cũng như tất các các đảo khác phụ thuộc vào Đài Loan ».

Như thế hai phía Trung Quốc (và Đài Loan) đều lên tiếng rất trễ về chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư.

Điểm khác, theo nội dung hiệp ước an ninh hỗ tương Nhật-Mỹ năm 1960, chiếu theo một bản ghi nhớ của Nhật đính kèm hiệp ước, thì Hoa Kỳ sẽ không chỉ bảo đảm an ninh cho các đảo của Nhật mà còn mở rộng ra ở các vùng biển của các đảo này, nếu thấy vùng biển này đe dọa an ninh của Nhật. Gần đây, chính phủ Obama đã xác định vùng biển thuộc Điếu Ngư phụ thuộc vào hiệu lực của Hiệp định hỗ tương an ninh Nhật-Mỹ 1960. Như thế, quan điểm của Hoa Kỳ không chỉ quần đảo Điếu Ngư thuộc về Nhật mà vùng biển chung quanh các đảo này cũng phụ thuộc vào hiệp ước an ninh hỗ tương Nhật-Mỹ. Điều này có nghĩa là, mọi động thái quân sự của Trung Quốc nhắm vào quần đảo Điếu Ngư và vùng biển chung quanh, nếu thấy an ninh bị đe dọa, Hoa Kỳ có thể can thiệp. Vấn đề là quan niệm của HK về vùng biển ZEE ở quần đảo này là bao nhiêu ? Quan niệm của Nhật, ZEE của quần đảo Điếu Ngư có hiệu lực như đất liền.

Trên quan điểm địa chiến lược, TQ bị ngăn chặn ra biển xanh (đại dương) do bị các nước Nhật và Đài Loan (phía đông), Phi (đông nam), Mã Lai và Indonésie (phía nam) bao bọc chung quanh. Hải quân TQ chỉ có thể ra biển xanh bằng một số « hành lang », nhưng phải đi ngang qua các eo biển thuộc chủ quyền các nước khác như eo biển Miyako (thuộc Nhật), các eo biển (thuộc Phi), hay eo biển Malacca, eo biển Sonde… thuộc Mã Lai và Indonésie v.v… Đó là chưa nói đến hải đạo trong biển Đông, phải đi qua vùng nước thuộc TS và HS, nếu các đảo này do nước khác kiểm soát, thì cũng sẽ gây trở ngại cho TQ. Việc này làm liên tưởng đến tình trạng hạm đội biển Đen của Liên Xô đóng tại Sébastopol (Crimée, Ukraine). Hạm đội phải đi qua hai eo biển hiểm nghèo để vào Địa Trung Hải (eo biển Bosphore) và ra Đại Tây Dương (eo biển Gibraltar). Trong khi Địa Trung Hải vối là « sân sau » của OTAN và các nước Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha…). Muốn được các nước chung quanh nhượng quyền « qua lại » như thế dĩ nhiên hải quân Liên Xô phải có tư thế vượt trội. Tương tự, muốn « hùng phong đại quốc » như Liên Xô thuở trước, TQ phải có một sức mạnh quân sự tương đương với Liên Xô ngày nào. Nhìn lên bản đồ, ta thấy nếu quần đảo Điếu Ngư thuộc về TQ, nước này vẫn không thể mở « hành lang tự do » xuyên qua « chuổi đảo thứ nhứt ». Vì vậy, mục đích tranh chấp của TQ ở quần đảo Điếu Ngư chỉ nặng về kinh tế hơn là an ninh quốc phòng.

3/ Phương hướng giải quyết : Với hồ sơ về chủ quyền thiếu cơ sở vững chắc, người ta không ngạc nhiên trước đây về các đề nghị « gác tranh chấp cùng khai thác » của các cấp lãnh đạo Trung Quốc, bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình. Đề nghị này dĩ nhiên không được sự hưởng ứng tích cực của Nhật. Khác biệt giữa Nhật và Trung Quốc về vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư đã đưa đến sự chồng lấn theo bản đồ như sau :

ZEE Japan-China

Hình 3 : đòi hỏi ZEE của Trung Quốc và Nhật. Nguồn : http://www.eia.doe.gov/cabs/East_China_Sea/images/ECS-Dispute_for_web_page.gif

Nhưng sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc từ ba thập niên, đã đưa nước này vượt qua Nhật và trở thành đại cường kinh tế thứ hai. Trong khi liên thuộc kinh tế giữa hai nước Nhật-Trung rất lớn. Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nhật từ 2004. Đầu tư của Nhật vào thị trường Trung Quốc, tương đương 10% lượng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Nói cách khác, phát triển của Trung Quốc trở thành động cơ phát triển kinh tế của Nhật, cứu vãn nước này thoát khỏi sự suy trầm từ hai thập niên qua. Trung Quốc và Nhật, từ năm 1995, bắt đầu bước vào thuơng lượng phân định hải phận vùng kinh tế độc quyền, vấn đề quần đảo Điếu Ngư cũng nằm trong hồ sơ thuơng lượng này. Từ năm 2007 hai bên đã có những thái độ mềm dẽo, đều tỏ thiện chí mong muốn kết thúc việc phân định, nhưng toàn bộ các vùng biển vẫn còn nhiều trở ngại do khác biệt quan điểm của đôi bên. Nhưng từ năm 2010 thì tình hình khu vực đổi khác. Thái độ hung hăng của TQ, không chỉ tại vùng biển quần đảo Điếu Ngư mà thể hiện ở biển Đông, qua các việc ức hiếp VN và Phi hiện nay, làm cho quan hệ Nhật-Trung căng thẳng. Trong khi trong khu vực Đông Á còn tồn đọng hai vấn đề chính : 1/ vấn đề Đài Loan và việc thống nhứt đất nước Trung Hoa và 2/ căng thẳng hai miền nam bắc Triều Tiên do các vụ thử bom A, vụ bắn thử hỏa tiễn tầm xa, hay vụ bắn chìm tàu Cheonan và pháo kích bừa bãi vào các đảo do Nam Hàn kiểm soát… Các dữ kiện này người ta lo ngại.

Nhóm lãnh đạo tại Bắc Kinh, dưới áp lực của phe quân đội, có thể có một kế hoạch quân sự nhằm giải quyết cùng lúc các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực (vấn đề Đài Loan, quần đảo Trường Sa và vùng biển chung quanh, quần đảo Điếu Ngư và vùng biển chung quanh). Vì TQ không thể giải quyết đơn lẻ vụ này mà không làm chấn động cả khu vực, lôi kéo các nước trong khu vực (và HK) vào vòng chiến. Không phải Bộ trưởng quốc phòng TQ, ông Lương Quang Liệt đã từng nói:  "Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh".


Hay đó chỉ là thủ thuật « làm cứng » của TQ để Nhật nhượng bộ trong vấn đề phân định biên giới trên biển ?


Trương Nhân Tuấn


Tài liệu tham khảo:

-      Focsaneanu Lazar. Les Traités de paix du Japon. In: Annuaire français de droit international, volume 6, 1960. pp. 256-290. doi : 10.3406/afdi.1960.904 http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1960_num_6_1_904

-      Japan and United States of America - Treaty of Mutual Co-operation and Security (with exchanges of notes and agreed minute). Signed at Washington, on 19 January 1960

-      Vài nét về Bộ trưởng Quốc phòng mới của Trung Quốc, Talawas 2008.  Tam Dương giới thiệu và chú thích.

-      A qui appartiennent les îles Dioaoyu ? Jean-Pierre Cabestan In: Perspectives chinoises. N°37, 1996. pp. 45-49.

-      Các dữ kiện của Jean-Pierre Cabestan trong bài viết dẫn trên được xác qua bản tin của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ngày 11-10-2010, nội dung như sau :

 

Yukiko Matsuyoshi Giám đốc Trung tâm Thông tin văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam


Ngày 11 tháng 10 năm 2010


Quần đảo Senkaku là lãnh thổ không thể tranh cãi của Nhật Bản cả trên phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế. Do vậy, không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền cần phải giải quyết xung quanh quần đảo này.


Như được trình bày trong tài liệu kèm theo, từ năm 1885, thông qua các cơ quan chức năng của tỉnh Okinawa và bằng nhiều biện pháp, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần tiến hành khảo sát thực địa tại quần đảo Senkaku và xác định một cách thận trọng rằng đây là những đảo không có người ở và không có dấu tích chứng tỏ sự quản lý của nhà Thanh (Trung Quốc lúc đó). Do vậy, ngày 14 tháng 1 năm 1895, Nội các Nhật Bản đã ra Quyết định xây dựng cột mốc tại quần đảo Senkaku, chính thức sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ của Nhật Bản.


Từ đó, nhất quán với phương diện lịch sử, quần đảo Senkaku tạo thành một phần của quần đảo Nansei là lãnh thổ của Nhật Bản, chứ không thuộc Đài Loan và quần đảo Bành Hồ mà nhà Thanh đã nhượng cho Nhật Bản theo Điều 2 Hiệp ước Shimonoseki có hiệu lực từ tháng 5 năm 1895.


Mặt khác, quần đảo Senkaku không thuộc phần lãnh thổ mà Nhật Bản phải từ bỏ theo Điều 2 Hiệp ước hòa bình San Francisco mà do Hoa Kỳ quản lý như là một phần của quần đảo Nansei theo Điều 3 Hiệp ước này. Sau đó, quần đảo Senkaku thuộc phần lãnh thổ được trả lại cho Nhật Bản quản lý theo "Hiệp định giữa Nhật Bản và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quần đảo Ryukyu và quần đảo Daito (Hiệp định trao trả Okinawa)" ký ngày 17 tháng 6 năm 1971.


Những căn cứ pháp lý quốc tế nêu trên đã khẳng định rõ ràng quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản.


No comments:

Post a Comment